Nhớ Tuân Nguyễn

Thứ Ba, 12/08/2008, 13:30
Cuối năm 1961, tôi trở thành biên tập viên của chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi được cùng làm việc với anh Tuân Nguyễn, là người cùng quê ở Huế. Anh Tuân Nguyễn trước dạy học ở trường học sinh miền Nam, về Đài năm 1960.

Tốt nghiệp khóa 3 khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1961, tôi được phân công về Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao.

Tôi làm việc ở đây hai tháng thì chị Nông Thị Nhuận, người bạn cùng lớp đang làm biên tập chương trình Đọc truyện đêm khuya cho tôi biết tiết mục Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) cần người. Tôi liền đến gặp nhà văn Trọng Hứa, lúc đó là Trưởng phòng Văn nghệ và gặp phòng Tổ chức của Đài để xin chuyển công tác và được Đài chấp nhận.

Cuối năm 1961, tôi trở thành biên tập viên của chương trình Tiếng thơ. Tôi rất vui mừng khi được cùng làm việc với anh Tuân Nguyễn, là người cùng quê ở Huế. Anh Tuân Nguyễn trước dạy học ở trường học sinh miền Nam, về Đài năm 1960.

Năm 1961, phòng Văn nghệ của Đài gồm các tổ văn học, âm nhạc và sân khấu truyền thanh chuyển về làm việc ở dãy lầu phía trước nhà 20 phố Tràng Tiền. Vì lúc đó, Đài TNVN đã phá một khu nhà cũ để xây dựng một ngôi nhà ba tầng có hội trường lớn.

Phía sau của nhà 20 Tràng Tiền có một số gia đình cán bộ công nhân của Đài ở. Một số biên tập viên văn nghệ như Tuân Nguyễn, Phan Huy Niệm, Bùi Bình Thi, Nông Thị Nhuận và tôi cũng ở 20 Tràng Tiền.

Mấy năm, chúng tôi sống ở 20 Tràng Tiền, có nhiều kỷ niệm thân thiết. Từ cuối năm 1961 đến tháng 10 năm 1964, ba năm sống gần anh Tuân Nguyễn, tôi học ở anh nhiều điều. Đó là một người giàu kiến thức, giỏi ngoại ngữ, ham đọc, ham đi thực tế, ham viết. Anh Tuân Nguyễn trực tiếp hướng dẫn tôi bắt đầu biên tập và dàn dựng chương trình Tiếng thơ.

Trở thành diễn viên ngâm thơ chuyên nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1960, chị Trần Thị Tuyết có nhiều năm làm việc với những biên tập viên Tiếng thơ trong đó có anh Tuân Nguyễn. Nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Tuyết nói về anh Tuân Nguyễn:

- Anh Tuân Nguyễn là một người trí thức lịch sự. Anh nói với tôi: Ngâm thơ trước hết phải có xúc động thực sự trước bài thơ, phải có tâm hồn. Anh ngâm thơ theo giọng Huế, rành rọt, có phong cách riêng. Những lần thu thơ, anh góp nhiều ý kiến cho tôi để ngắt câu, để diễn đạt cho đúng ý đồ của tác giả.

Tại 20 Tràng Tiền, Tuân Nguyễn ở một phòng nhỏ trên gác 2. Tủ sách của anh có nhiều sách tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh nói với chúng tôi nhiều về các tác phẩm của Đốxtôiépxky và tiểu thuyết Jăng Cơrixtốp của Rômanh Rôlăng. Tuân Nguyễn mang kính cận đôi mắt tròn, khuôn mặt gầy trông giống một đồ đệ của Đốt nên anh em thường gọi đùa anh là "cụ Đốt".

Ăn cơm chiều xong, nhiều hôm Tuân Nguyễn cùng Nông Thị Nhuận và tôi ra hiệu sách ở Tràng Tiền gần nhà để tìm những sách mới về và xem kỹ cả gian hàng sách cũ. Anh hưởng lương cán sự  5 báo chí, mỗi tháng được 88 đồng.

Chưa có gia đình riêng, với giá sinh hoạt hồi ấy, cuộc sống của anh cũng tươm tất. Thường quần áo anh gửi ở hiệu giặt là. Khi anh Phùng Quán có con gái đầu lòng, Tuân Nguyễn giành mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu. Phùng Quán cùng các anh Dương Tường, Cao Xuân Hạo, Chương Thâu… cũng hay đến thăm Tuân Nguyễn. (Sinh thời, Phùng Quán có làm hai trang thờ: một thờ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu và một thờ Tuân Nguyễn, người vừa là đồng hương, đồng đội vừa là bạn tri âm tri kỷ của anh).

Tháng 10/1962, phái đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc, trong đoàn có nhà thơ Thanh Hải. Chúng tôi làm chương trình Tiếng thơ để chào mừng Đoàn và đón Đoàn đến thăm Đài TNVN. Tuân Nguyễn viết hai bài thơ "Lời chào hy vọng" và "Gửi người đồng hương". Bài "Lời chào hy vọng" cùng một số bài thơ của các tác giả khác đã được phát thanh ở Tiếng thơ.

Tôi nhớ mấy câu thơ trong "Lời chào hy vọng":

"Đây tôi lặng nhìn anh
Tôi nhìn mặt
Tôi nhìn đôi mắt vừa mới khóc
Đây tôi nhìn cái nhìn còn phảng phất
Chị em tôi trong ấy đã nhìn anh".

Lúc nào anh cũng thấy dạt dào niềm vui nhất là khi có nhiều cô sinh viên đến thăm anh hoặc khi anh có người yêu: "Cuộc đời vui quá không buồn được". Tôi đã gặp chị Lý mặc chiếc áo dài màu xanh hoa lý, người gầy, dong dỏng, mái tóc dài buông xuống lưng… Chị đến làm sáng bừng lên căn phòng chật hẹp của anh Tuân Nguyễn. Anh viết bài thơ "Màu hoa lý" để tặng người yêu.

Với giọng nhỏ nhẹ, có duyên, Tuân Nguyễn thích nói đùa, thích kể chuyện vui, chuyện tiếu lâm. Anh không thích bóng đá, không thích ca cải lương và vọng cổ.

Đầu năm 1964, Tuân Nguyễn được chuyển về làm việc ở buổi phát thanh nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam. Vốn là một con người mơ mộng, Tuân Nguyễn ép mình vào công việc cụ thể của một phóng viên nông nghiệp. Ngày 15-10-1964, người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại nhà lao Chí Hòa. Tuân Nguyễn có viết bài thơ ca ngợi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Trước đây, anh cũng đã viết những bài thơ ca ngợi Trần Thị Lý, Lê Quang Vịnh…

Bẵng đi gần chục năm tôi không được gặp anh… Tháng 8 năm 1973, tôi ở chiến trường ra Hà Nội công tác và bị viêm gan do sốt rét phải đi nằm bệnh viện. Cuối năm ấy, tôi gặp lại Tuân Nguyễn. Anh cho tôi biết đã nhận đầy đủ thư từ và các thứ tôi gửi cho. Tôi chuyển lại cho anh một cái bàn gỗ, một chiếc ghế gỗ và cái giá sách đóng bằng mây đầy các sách tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh Cao Đức Cẩn ở Đài TNVN đã giữ hộ giá sách này vì thời gian tôi đi B, vợ tôi phải đi sơ tán nhiều nơi không thể mang sách theo…

Cuối năm 1974, Tuân Nguyễn và Phương Thúy (con gái nhà phê bình văn học Hoài Chân - đồng tác giả "Thi nhân Việt Nam") tổ chức lễ thành hôn. Bạn bè cảm động khi nhận được bản chép tay bài thơ "Thơ mời bạn bè ngày cưới" của Tuân Nguyễn

Quá nghèo nên tạm thế này thôi
Đâu dám làm cho khác mọi người
Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
Bao năm ngoảnh lại tay hoàn trắng
Một sáng nhìn lên miệng hé cười
Thiếp báo là thơ - giờ gửi tới
Xin mời, có dịp đến nhà chơi.

Mỗi người góp một chút quà tặng để chia vui với vợ chồng anh. Sau năm 1975, Tuân Nguyễn và Phương Thúy vào ở lô K cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Tuân Nguyễn đã chép bài thơ "Lời chào hy vọng" anh viết năm 1962 để tặng lại giáo sư Nguyễn Văn Hiếu khi giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa.  Anh được tiếp nhận làm giáo viên của Trường nghiệp vụ Bộ Văn hóa ở quận Thủ Đức. Tuân Nguyễn đi dạy học, dịch sách báo và đi lấy báo cho vợ bán.

Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về, Tuân Nguyễn bị tai nạn giao thông. Bị xuất huyết não cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và qua đời ngày 9 tháng 5 năm 1983 (tức ngày 27 tháng 3 năm Quý Hợi, thọ 50 tuổi). Trước khi mất, Tuân Nguyễn đã có một lời trăng trối rất nhân đạo: "Đừng bắt tội người lái xe. Người lái xe có tám con.... Lỗi tại tôi...".

Sinh thời, qua những lần tâm sự với Tuân Nguyễn, tôi hiểu thêm nỗi cơ cực của anh, những tháng ngày phải đi đánh vécni, phải đi đổ thùng ở ga Hàng Cỏ… Với vóc dáng gầy guộc, chân tay lèo khoèo, thậm chí khi ở 20 Tràng Tiền, có lần anh còn ngây thơ hỏi tôi một bao thuốc lá có bao nhiêu điếu…

Nhiều bài thơ của Tuân Nguyễn đã được phát thanh trong chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên các báo Văn học, Văn nghệ, Thống nhất...., Tạp chí Đất Quảng.... và trong các tuyển tập: "Tập thơ tình yêu" (NXB Thanh Niên, 1963), "Thơ văn 50 năm Đài Tiếng nói Việt Nam", (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 1995), "Thơ miền Trung thế kỷ XX" (NXB Đà Nẵng, 1995)... Các NXB Văn học Măng non, Kim Đồng đã xuất bản cuốn "Con Bim trắng tai đen" của nhà văn Nga Gavriil Troepolxki do Tuân Nguyễn dịch.

Năm 2007, ở thủ đô cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cựu sinh viên khóa I (1954-1957) trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội đã có những cuộc họp mặt thân mật, ấm áp tình bạn, kỷ niệm 50 năm ra  trường. Khóa I có 167 sinh viên. Nhiều tình cảm thương tiếc giành cho các thầy và các bạn đã qua đời.

Riêng các bạn cùng khóa ở thành phố Hồ Chí Minh đã làm cuốn sách "Những người muôn năm cũ" tưởng nhớ các thầy các bạn đã mất. Bên cạnh hình ảnh và các bài viết về các  giáo sư Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu và các bạn như Nguyễn Sỹ Lý, Đinh Xuân Hiền, Nguyễn Sỹ Bá, Nguyễn Hoàng Mai, Phùng Văn Nghệ, Hoàng Thiệu Khang, Hoàng Lân,  cuốn sách có nhiều trang đăng ảnh, tiểu sử, thơ Tuân Nguyễn và trích hồi ký "Người bạn lính cùng tiểu đội" của nhà thơ Phùng Quán.

Tháng 12/2007, các anh Lê Văn Bài, Đoàn Minh Tân (cựu sinh viên cùng khóa I Tuân Nguyễn), cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt và tôi tìm viếng mộ Tuân Nguyễn. Loay hoay hơn nửa giờ vẫn chưa tìm thấy mộ. Với bản thảo cuốn "Nhớ Tuân Nguyễn"  trong đó có hình ảnh Tuân Nguyễn đeo kính, tay cầm bút (tấm ảnh được khắc trên bia mộ), chúng tôi đưa ra  hỏi những người quản lý các lô ở nghĩa trang Gò Dưa về ngôi mộ của người trong ảnh.

Ngay lập tức chúng tôi được các anh ấy đưa đến tận mộ. Chúng tôi bày lễ vật và thắp hương tưởng niệm anh. Tôi đặt tập bản thảo cuốn sách lên mộ khấn anh: "Đây là tâm huyết của người thân và nhiều bạn bè giành để tưởng nhớ anh. Mong anh phù hộ cho mọi việc tốt đẹp!". Tôi đọc bài thơ  "Vẫn còn đây một người Huế" và hóa bài thơ trên mộ anh.

Mỗi người một khía cạnh, những tấm lòng bạn bè giành cho nhà thơ Tuân Nguyễn qua các trang hồi ký mới thật chân thành cảm động

Trần Phương Trà
.
.