Nhịp chiêng Trà Bồng

Thứ Sáu, 15/11/2019, 16:33
Chúng tôi lên Trà Bồng (Quảng Ngãi) đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm "Khởi nghĩa Trà Bồng" (8-1959/8-2019).  Đặc biệt, đây cũng là thời kỳ đánh dấu nửa thế kỷ đồng bào dân tộc Cor đổi từ họ Đinh sang họ Hồ vào mùa xuân 1969, để tưởng nhớ đến công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huyện Trà Bồng là xứ sở của người dân tộc Cor, quê hương đặc sản quế nức tiếng thiên hạ nằm ở phía đông Trường Sơn, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 60 cây số đường rừng.

Vùng chiến địa anh hùng

Trà Bồng cùng với miền Tây Quảng Ngãi một thời được coi là thánh địa của người vùng Thượng mà giặc Pháp và Mỹ không sao cai trị nổi. Trà Bồng có núi non hiểm trở với những vách núi dựng đứng và đường rừng quanh co cùng vực sâu, thác dữ.

Từ xa xưa, đất nơi đây đã mang danh là quê hương của những người con anh hùng bất khuất. Trà Bồng luôn là căn cứ cách mạng của tỉnh và Quân khu Năm.  Nhưng đến thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm, được sự hỗ trợ của giặc Mỹ, địch đã lê máy chém đến đây (từ năm 1956 đến 1959). Chúng tung cả một sư đoàn lên cai trị vùng rừng núi Trà Bồng và Tây Quảng Ngãi.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An với cây đàn cổ của người cha để lại.

Bắt đầu là những chiến dịch tàn sát đồng bào Thượng nhằm ngăn chặn và tiêu diệt căn cứ cách mạng. Liên tục xảy ra cảnh giết người cướp của, đốt nương rẫy tại nhiều thôn xã. Thậm chí giặc còn thả bom đốt cháy những cánh rừng quế để săn đuổi các chiến sĩ cách mạng. Những ai không chịu khuất phục, chúng bắt bớ đánh đập và còng chân giam tù.

Tội ác chồng tội ác. Không còn cách nào khác, người dân Trà Bồng đã vùng lên khởi nghĩa (28-8-1959). Hàng ngàn người ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã tập hợp thành một lực lượng khổng lồ làm giặc Mỹ và tay sai hoảng loạn. Với sự thông thạo địa hình núi non sông suối, những người con ưu tú dân tộc Cor đã tấn công bất ngờ. Chỉ trong bốn ngày khởi nghĩa, bộ máy ngụy quân ngụy quyền tê liệt, hàng chục đồn bốt bị đánh phá tan tành. Quân ngụy phải tháo chạy. Chính quyền cách mạng tại Trà Bồng được thành lập từ đó. 

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng được mệnh danh là đột phá khẩu của cách mạng miền Nam đánh Mỹ. Bởi sau cuộc khởi nghĩa, nhiều vùng nông thôn được giải phóng, các ủy ban tự quản xã ra đời. Những đội du kích của Trà Bồng đã bẻ gãy các cuộc phản kích và đánh phá của kẻ địch. Hàng chục xã của Trà Bồng làm hậu thuẫn cho đội quân chủ lực mỗi ngày một lớn mạnh. Những người con ưu tú dân tộc Cor tiếp tục lên đường đóng góp cho chiến trường miền Nam.

Vùng tự do Trà Bồng được giữ vững cho đến ngày giải phóng hoàn toàn (18-3-1975). Đến nay, mỗi khi lên thị trấn Trà Bồng, ai cũng có thể được nghe lời ca về niềm tự hào của người Cor trong lễ hội. Họ luôn cất tiếng ca: "Đỉnh Cà Đam sừng sững hiên ngang/ Chí khí ông cha ngàn năm dựng nước/ Con cháu Bác Hồ luôn vì tổ quốc/ Hiến dâng cuộc đời xây dựng tương lai" (Hồ Xuân)

Những dũng sĩ đấu chiêng

Lần này lên Trà Bồng, chúng tôi may mắn gặp được Nghệ nhân Ưu tú Hồ Ngọc An (thôn 2 xã Trà Thủy). Nghệ nhân Hồ Ngọc An cho biết, cha ông chính là một chiến sĩ trong phong trào khởi nghĩa Trà Bồng. Ông còn nhớ được cha cõng trên lưng, đưa cả nhà trốn lên hang núi Cà Đam, rồi lên đường tham gia khởi nghĩa. Khi lớn lên, Hồ Ngọc An được cha dạy cho đánh cồng chiêng và cùng tham gia lễ hội làng. Nhất là lễ ăn Tết Ngã Rạ ở làng, bao giờ hai cha con cũng là một cặp phối hợp nhịp nhàng thả hồn vào tiếng chiêng.

Đặc biệt, khi ở tuổi trưởng thành, Hồ Ngọc An còn được bố dạy cho nghệ thuật đấu chiêng. Đấu chiêng là một cuộc tỉ thí về âm nhạc mà chỉ có đồng bào người Cor mới có. Nó có lịch sử từ một huyền tích về tình yêu giữa hai chàng trai với một cô gái xinh đẹp bên con suối Trà Bồng.

Cô gái Rơ Lang dịu dàng có đôi mắt bồ câu trong veo. Cô hay ca hát trong rừng quế làm say đắm bao chàng trai. Trong đó hai chàng trai Tơ Rưng và Ban Na đều tỏ lòng yêu Rơ Lang tha thiết. Họ gầm ghè nhau. Ai cũng đều muốn chiếm đoạt trái tim cô gái.

Thấy vậy, già làng ra lệnh cho hai người đấu chiêng với nhau. Ai đánh chiêng hay cho đến cuối cùng sẽ trở thành chồng cô gái. Vậy là suốt đêm đó cả làng ra hội đấu chiêng và xem hai chàng trai tỏ rõ sức mạnh của mình. Tục đấu chiêng ra đời từ đó. Các chàng trai dân tộc Cor luôn luyện tập đấu chiêng và thể hiện tài năng âm nhạc và sức mạnh của mình.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An sôi nổi nói, khi đấu chiêng, hai người phải thể hiện những điệu nhảy mạnh mẽ cùng chiêng. Họ cầm dây chiêng trên tay và đánh theo nhịp trống lúc nhanh lúc chậm, lúc khoan thai lúc cuồn cuộn như gió rừng.

Học sinh người Cor vui múa trong Tết Ngã rạ.

Tiếng chiêng mang cảm xúc của những nghệ sĩ nhưng cũng chứa đựng sức mạnh của những dũng sĩ của rừng núi Tây Nguyên. Hai nghệ sĩ phải lắng nghe nhau và đối thoại bằng tiếng chiêng bay bổng từ tâm hồn mình. Họ hòa đồng để ứng tác về âm thanh. Do vậy, mỗi cặp đấu đều có những âm sắc riêng không ai lường được trước.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An còn nhớ có lần xem cha đấu chiêng với một người ở xã khác. Khi thấy đối thủ đã tỏ ra đuối sức, tay cầm chiêng đã trùng xuống tỏ ra mệt mỏi. Không vì thế mà cha ông cố đánh dồn dập, vang to để lấn át bạn đấu. Cha ông đã đánh theo nhịp thở của bạn như cùng đồng hành và an ủi nhau khi đã đuối sức.

Đó là bài học nhân ái của người Cor. Không ganh đua ăn thua lấy được mà phải ân cần thương yêu nhau. Chính vì thế tiếng chiêng của người Cor luôn ẩn chứa tâm hồn của một nghệ sĩ lên biểu diễn và cống hiến cho người nghe những bản nhạc ngợi ca tình yêu cuộc sống. Những bản nhạc chiêng của người Cor có màu sắc riêng trong nhiều lễ hội văn hóa ở Trà Bồng. Riêng nghệ thuật đấu chiêng đã được tôn vinh như một đặc sản của dân tộc Cor.

Cả huyện có tới hơn 1.000 nghệ nhân đánh chiêng và có tới 100 người biết chỉnh chiêng. Truyền thống nghệ thuật chiêng của dân tộc Cor được đánh giá độc đáo và có bề dày hàng trăm năm. Cũng trong dịp kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Trà Bồng, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công bố Quyết định công nhận cồng chiêng dân tộc Cor là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đó là một vinh dự lớn cho những nghệ nhân ở Trà Bồng. Hàng năm, Lễ hội cồng chiêng của dân tộc Cor thành lễ hội lớn có hàng ngàn người tham gia. Lễ hội cồng chiêng ở Trà Bồng đã trở thành một sản phẩm du lịch của Quảng Ngãi hàng năm, vào mùa xuân.

Những lễ hội quanh cây nêu

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Ngọc An cho biết, người dân tộc Cor còn có kho tàng dân ca phong phú và những điệu múa cổ truyền. Đặc trưng của những hoạt động này từ lễ tết cho đến lễ hiến trâu hoặc lễ cưới đều diễn ra quanh cây nêu. Chính vì thế, cây nêu của người Cor cũng có sự khác biệt với các dân tộc thiểu số khác. Mỗi lễ hội lại có những cây nêu được thiết kế thích hợp và có nghệ thuật trang trí độc đáo. Kể cả khi gia đình có chuyện buồn cũng có cây nêu thích ứng chôn trước nhà cho đến khi hết tang. Cũng giống như nghệ thuật cồng chiêng, cây nêu là di sản đặc sắc của người Cor.

Cây nêu thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật về trang trí và điêu khắc đậm chất Tây Nguyên. Đặc biệt cây nêu của đồng bào Cor luôn gắn với một bộ "Gu" của mỗi gia đình. Cùng với đó những con chim chèo bẻo gỗ cũng được treo trên thân hoặc đầu cây nêu.

Bộ "Gu" chỉ riêng dân tộc Cor mới có. Bộ "Gu" được làm bằng gỗ hình tròn hoặc nhiều góc cạnh. Trên mỗi bộ Gu các nghệ nhân khắc hay vẽ những hình ảnh mang dấu ấn tâm linh. Còn chim chèo bẻo là biểu tượng cho loài chim huyền thoại từ lâu mà người Cor tôn sùng. Bởi lẽ chim chèo bẻo hót khi trời đang nóng thì sẽ có mưa. Hoặc vào vụ lúa chín, chim chèo bẻo luôn bắt sâu, châu chấu và cào cào để bảo vệ cây lúa. Riêng lễ hiến trâu, cây nêu luôn được treo bộ "Gu".

Có thể coi đó là những tác phẩm hội họa sắp đặt dân gian đặc sắc của dân tộc Cor. Cây nêu của người Cor thường cao từ 5 đến 15 mét. Cây nêu và bộ "Gu" thể hiện triết lý mỹ học và quan điểm âm dương của người Cor được coi là đóa hoa tuyệt mỹ nhất dâng lên các vị thần linh trong mùa lễ hội. Chính vì thế từ năm 2015, nghi lễ dựng cây nêu và bộ Gu của người Cor đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vương Tâm
.
.