Xung quanh một số ý kiến về việc... nói ngọng trên các phương tiện truyền thông

Nhìn nhận thế nào cho thoả đáng?

Thứ Sáu, 02/12/2011, 08:00
Thời gian qua, có một vấn đề thoạt ngỡ là nhỏ, tưởng như chỉ là thói quen của từng người, từng vùng miền - ấy là việc nói… ngọng - đã bất ngờ trở thành tâm điểm thu hút sự bàn thảo của công luận...

Chỉ tính trong mươi ngày trở lại đây, ta đã có thể thấy: Báo Tuổi trẻ có bài "Hà Nội chữa nói ngọng"; Báo Quân đội nhân dân có bài "Nói ngọng"; Báo điện tử infonet có bài "Lói" ngọng thì không phải là người thủ đô"; Báo Dân trí có bài "Xóa ngọng cho quan chức"; Báo Khoa học và đời sống có bài "Chữa ngọng l/n là chuyện tào lao"; Báo điện tử Vietnamnet có bài "Truyền hình còn ngọng nữa là…"… vv và vv…Tất cả hẳn đều được "khơi nguồn" từ một chủ trương mới của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội: "Chữa ngọng" cho học sinh (kể cả một số giáo viên) ở bậc tiểu học.

Đã có nhiều nhà giáo, nhiều văn nghệ sĩ và cả một số nhà khoa học lên tiếng về vấn đề này. Ý kiến thì nhiều, và không phải không có chỗ "đá" nhau (như có người cho đó là thói quen xấu cần phải sửa; có người lại cho đó là do văn hóa mỗi vùng miền khác nhau; có người cho nói ngọng như thế gây phản cảm; có người lại cho nói "chuẩn" quá chưa chắc đã thuận cho việc hòa đồng). Nếu xét ở từng góc độ thì các ý kiến ấy không phải không ít nhiều có lý. Tuy nhiên, điều mà tôi chú ý nhất là một nhận xét của PGS.TS Đỗ Viết Hùng, Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Bây giờ thậm chí một số vị trả lời trên truyền hình còn nói ngọng…". Tôi nói "chú ý" là bởi sau khi đọc nhận xét đó, đã có không ít bạn đọc gửi comment nêu ý kiến: Lãnh đạo "nhà đài" cần phải cắt không cho bất kỳ một người… nói ngọng nào xuất hiện trên truyền hình.

Yêu cầu "nhà đài" không cho người dân nói ngọng xuất hiện trên truyền hình là một đòi hỏi hơi thái quá. Ảnh trong bài: Phóng viên truyền hình phỏng vấn bà con một xã vùng cao (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tôi cho rằng đây là một đòi hỏi hơi thái quá, bởi thực tế, truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác, ngoài chức năng định hướng, giáo dục… còn phải phản ánh mọi mặt của cuộc sống, trong đó có lời ăn tiếng nói mang dấu ấn cuộc sống thực của người dân. Không thể buộc mọi người khi xuất hiện trên tivi đều phải phát âm một cách chuẩn mực như các phát thành viên, bình luận viên… của "nhà đài" được (tôi đồng ý với ý kiến của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, là "Một bình luận viên của đài phát thanh hay truyền hình không được nói ngọng" và sự thật, như TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, với những người nói ngọng mà muốn xin vào làm phát thanh viên đài phát thanh, truyền hình thì chắc chắn họ sẽ bị đánh trượt từ vòng gửi xe). Còn với các đối tượng khác, nhất đó lại là nông dân các vùng xa xôi hẻo lánh, thiết nghĩ không nên quá nghiệt ngã với họ như thế. Chưa kể, nói như GS Nguyễn Văn Hiệp, Khoa Ngôn ngữ học - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội thì "Ngôn ngữ mỗi vùng có đặc trưng riêng", cho nên "viết thì phải đúng, còn nói mà bắt phải sửa thì là chuyện tào lao".

Nói vậy song không phải tôi không có điều cần góp ý với "nhà đài" trong việc giới thiệu, truyền tải lời ăn tiếng nói của cư dân các vùng miền tới khán giả xem truyền hình cả nước. Không, thực tâm tôi không quan tâm nhiều lắm tới việc người phát biểu có lẫn lộn "n thấp", "l cao", "trung trâu" hay "chung chó" (tức tr và ch) không mà quan tâm nhiều tới việc "nhà đài" ghi âm có rõ tiếng không? Việc này, nói thực là gần đây tôi bắt gặp không ít: Nhiều đoạn phóng viên phỏng vấn người dân song khán giả không thể nghe được người dân nói gì. Phần vì lọc âm không tốt, phần vì người phát biểu hoặc nói nhanh, hoặc nói nhỏ, hoặc nói ngôn ngữ của những vùng đất quá "đặc trưng", thành ra người xem truyền hình - nhất là với khán giả Hà thành như tôi - rất khó nhận biết người đang phát biểu nói gì. Cùng người Việt với nhau mà xa cách như nghe người ngoại quốc nói vậy.

Thiết nghĩ, với những trường hợp ấy, các biên tập viên truyền hình cần phải có cách xử lý tỉ mỉ, khoa học. Ví như, họ cần dùng lời của mình (hoặc phát thanh viên) thuyết minh nội dung mà người dân đang muốn truyền tải tới khán giả, và hình ảnh, lời nói của người dân (đang phát biểu) chỉ được dùng xen vào đó để gọi là có không khí đời sống mà thôi (như ta vẫn làm với phần phỏng vấn người nước ngoài). Có như vậy thì việc phỏng vấn ai đó mới thực sự có ý nghĩa đối với khán giả. Theo tôi, đây mới là việc thiết thực mà các "nhà đài" cần chú ý để chấn chỉnh cho chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn

Nguyễn Trường Văn
.
.