Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ III, 2015

Nhiều tín hiệu vui

Thứ Ba, 28/07/2015, 08:07
Tối 24/7, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" sẽ kết thúc bằng đêm tổng kết, trao giải thưởng sẽ được truyền hình trực tiếp trên ANTV. Suốt những ngày qua, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội) lúc nào cũng nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến đêm khuya.

Với 27 vở diễn trong vòng 14 ngày diễn ra liên hoan, vừa khéo để mỗi ngày có 2 suất diễn vào buổi sáng và tối. Các đoàn có suất diễn tối đỡ vất vả hơn bởi họ được làm sân khấu vào buổi chiều, còn các đoàn có suất diễn buổi sáng thì phải làm sân khấu vào đêm muộn, sau khi đoàn diễn suất tối kết thúc. Hội đồng Giám khảo gồm 7 thành viên là những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà biên kịch có tên tuổi là GS. Tất Thắng, NSND Trần Ngọc Giàu, nhà văn Xuân Đức, đạo diễn - NSND Lê Hùng, NSND Hoàng Cúc, Đại tá, Đạo diễn - NSƯT Trần Nhượng, Đại tá - NSƯT Quốc Trượng cũng đã phải làm việc "hết công suất" để hoàn thành nhiệm vụ được giao đó là tìm ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng nhất xuất hiện trong liên hoan để Ban tổ chức trao cho họ những phần thưởng xứng đáng.

Bắt đầu với đêm khai mạc bằng vở diễn đầy kịch tính và nhân văn của Đoàn kịch nói CAND "Không phải là vụ án", đến nay liên hoan đã đi được 3/4 chặng đường. 20 vở diễn đã được các nhà hát, đơn vị tham gia biểu diễn trình diễn trước đông đảo khán giả, mỗi vở diễn đều để lại những ấn tượng riêng, dù trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến hình tượng người chiến sĩ CAND nhưng đều muốn gửi đến khán giả một thông điệp về tình thương yêu con người và sự dũng cảm chiến đấu với cái xấu và cái ác.

Một cảnh trong vở chèo "Gió đại ngàn" của Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Xuân Trường.

Sự đa dạng về loại hình sân khấu cũng đã tạo nên sự hứng thú đặc biệt đồng thời là những khoảng lặng và sự thư giãn cần thiết đối với chính Hội đồng giám khảo cũng như khán giả và các nghệ sĩ tham gia liên hoan. Ban tổ chức đã sắp xếp lịch biểu diễn xen kẽ giữa các vở kịch nói vốn là loại hình phổ biến nhất ở mọi kỳ liên hoan sân khấu là vở cải lương "Khoảnh khắc mong manh" (Kịch bản: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Đạo diễn: NSƯT Xuân Vũ) của Đoàn cải lương Thái Bình và "Nguồn sáng phía chân trời" (Kịch bản: Phạm Văn Quý - Đạo diễn: NSƯT Hoàng Quỳnh Mai) của đoàn Hoa Mai thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội, vở chèo "Phút giây định mệnh" (Nguyên tác kịch nói: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Chuyển thể chèo: Trần Đình Văn - Đạo diễn: NSƯT Xuân Sanh) của Nhà hát Chèo Hưng Yên và "Người chiến sĩ năm xưa" (Kịch bản: Chu Lai - Chuyển thể chèo: Bùi Vũ Minh - Đạo diễn Lê Hùng) của Nhà hát Chèo Quân đội, vở kịch hình thể "Người trong biển lửa" (Kịch bản: An Ninh - Đạo diễn: NSND Lan Hương) của Nhà hát Tuổi trẻ, hay các vở kịch hát "Cơn lốc cuộc đời" (Kịch bản: Vũ Xuân Cải - Đạo diễn: NSND Hoài Huệ) của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa và "Mảnh đời run rẩy" (Kịch bản: Vũ Xuân Cải - Đạo diễn: NSƯT Giang Châu) của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa... Sự xen kẽ này đã làm cho kỳ liên hoan trở nên mềm mại hơn và có những "quãng nghỉ" thú vị đối với ngay chính Hội đồng giám khảo.

Tại Liên hoan, lần đầu tiên có sự tham gia của một vở kịch hình thể "Người trong biển lửa" (Kịch bản: An Ninh - Đạo diễn: NSND Lan Hương) đã tạo nên sự hứng thú đặc biệt cho khán giả khi tái hiện hình ảnh người chiến sĩ phòng cháy chữa cháy qua ngôn ngữ hình thể kết hợp với kịch nói, múa, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trên sân khấu đã khiến nhiều khán giả có mặt tại Nhà hát Âu Cơ sáng 14/7 cảm thấy bất ngờ, xúc động.

Bên cạnh đó, nhiều mảng công tác khác của lực lượng Công an cũng được đề cập một cách sâu sắc, nhân văn, như: công việc đầy khó khăn của những giám thị trong các trại giam ở "Trong mưa giông thấy nắng" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Không phải là vụ án" (Đoàn kịch nói CAND); công việc của những chiến sĩ trên mặt trận chống ma túy, hình sự trong các vở "Khoảnh khắc mong manh" (Đoàn Cải lương Thái Bình), "Cho cuộc đời bình yên" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Chuyên án 292" (Công ty cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn)... đã tạo nên một bức tranh đa sắc diện cho một kỳ liên hoan sân khấu mang màu cờ sắc áo Công an nhân dân nhưng lại hết sức gần gũi với cuộc sống đời thường.

Giáo sư Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần thứ III:

Sẽ để lại những dư âm đặc biệt

- Thưa Giáo sư Tất Thắng, Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ III, 2015 đã đi được hơn nửa chặng đường. Xin ông chia sẻ với độc giả Văn nghệ Công an một vài nhận định khái quát về chất lượng nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật của các vở kịch đã công diễn?

+ Qua hơn chục vở diễn mà các đoàn nghệ thuật đã tham gia tranh tài, tôi có thể khẳng định rằng, ở kỳ liên hoan này tính tập trung vào đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân đã không làm mất đi tính phong phú về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Sự phong phú này thể hiện ở việc hình tượng người chiến sĩ Công an được diễn tả trên nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành Công an như hình sự, ma túy, phòng cháy chữa cháy, chiến sĩ tình báo, thi hành án và trại giam...

Ở kỳ liên hoan này, có một số vở diễn đề cập đến công việc của những chiến sĩ làm công tác quản giáo tại các trại giam, nơi có các mối quan hệ không chỉ của quản giáo với phạm nhân mà còn có mối quan hệ giữa các phạm nhân với nhau. Trong nhiều cảnh diễn đã tái hiện cuộc sống của những người đang thi hành các bản án với cả hai gam màu tối và sáng. Có những vở diễn tái hiện những hành trình phá án ma túy, hiếp dâm, cướp của, giết người, thanh trừng nội bộ... nằm trong những chuỗi liên quan đến nhiều vụ án khác nữa...

Trải qua những hành trình gian nan, có khi phải chịu những hi sinh, mất mát to lớn, song cuối cùng công lý vẫn được thực thi. Tất cả các yếu tố này đã làm nên tính phong phú của một kỳ liên hoan mang tính "chuyên ngành" khá rõ nét nhưng lại chính là một phần của cuộc sống. Bên cạnh đó là sự phong phú về "kịch chủng" bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như chèo, cải lương, ca kịch và cả kịch hình thể. Sự phong phú về "kịch chủng" của kỳ liên hoan này cũng khiến Hội đồng giám khảo chúng tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn nhiều so với việc chỉ có diễn kịch nói.

- Hình như đây là lần đầu tiên GS tham gia chấm giải một kỳ liên hoan sân khấu của ngành Công an? Có điều gì đặc biệt ở kỳ liên hoan sân khấu này đã khiến Giáo sư cảm ấn tượng hơn cả?

+ Đây đúng là lần đầu tiên tôi tham gia làm giám khảo và lại là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu Công an. Đó thực sự là một vinh dự lớn.  Song tôi cho rằng, việc đưa được loại hình kịch hình thể lên sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an là một sự mới mẻ đột phá, đặc biệt lại là đề cập đến hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì theo quan sát của tôi là chưa bao giờ có. Về chất lượng, cái được và chưa được của nó thì đã Hội đồng giám khảo sẽ bàn bạc, thống nhất và cho ý kiến nhưng đây là một nét mới đáng ghi nhận và được khán giả quan tâm, nhiệt liệt hưởng ứng cũng là điều hết sức đáng mừng.

- Theo ý kiến của cá nhân Giáo sư, kỳ Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân”ä hứa hẹn sự thành công trên phương diện nào nào mà ông cho là sẽ nổi bật hơn cả?

+ Đến giờ phút này, tôi cho rằng hoàn toàn có thể nói Liên hoan đã hứa hẹn rất nhiều thành công, trong đó việc nâng cao giá trị nhận thức trong cộng đồng sẽ là thành công nổi bật nhất bên cạnh giá trị nghệ thuật khác. Qua kỳ liên hoan này, không chỉ khán giả đi xem kịch Công an, mà ngay từ chính các đạo diễn, nghệ sĩ khi tham gia các vở diễn đều hiểu hơn về tính chất công việc, chia sẻ với các chiến sĩ Công an những khó khăn, gian khổ trong đời sống chiến đấu cũng như trong đời thường.

Khán giả sẽ biết một đời sống vẫn tồn tại một "xã hội đen thu nhỏ" ở trong các trại giam và việc lao động cải tạo trong các trại giam diễn ra như thế nào, hay cách thức, thủ đoạn các băng nhóm, giới giang hồ hoạt động, trả thù... không phải người nào cũng biết. Cuối cùng là, để đối phó với các hoạt động tiêu cực, mặt xấu của xã hội thì các chiến sĩ Công an sẽ phải đối mặt với những mối nguy hiểm nào và cần những phẩm chất gì? Liên hoan đã phản ánh hiện thực đời sống của đất nước ở nhiều phương diện khác nhau, trong đó nhân vật chính chủ yếu là các chiến sĩ Công an đã có nhiều cơ hội giãi bày tâm tư tình cảm của mình trước đông đảo khán giả. Từ đó đáp ứng phần nào kỳ vọng của Ban tổ chức là xây dựng được hình ảnh và văn hóa ứng xử của người chiến sĩ Công an trong lòng dân và chắc chắn sẽ để lại những dư âm đặc biệt trong lòng công chúng.

- Xin cảm ơn GS Tất Thắng!

Nguyệt Hà
.
.