Giải “Sao Mai” và cuộc hành trình 20 năm:

Nhiều thách thức từ “Bão” truyền hình thực tế

Thứ Năm, 07/09/2017, 14:29
Liên hoan tiếng hát truyền hình giải Sao Mai 2017 đã quay trở lại. Sau 20 năm được tổ chức thành công, Sao Mai đã trở thành "bệ phóng" cho nhiều giọng ca trẻ trên con đường ca hát. Mặc dù sức hút của cuộc thi giảm nhiệt vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nhưng có thể khẳng định, Sao Mai vẫn là một sân chơi nghệ thuật nghiêm túc và chặng đường mà cuộc thi này đi qua để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng yêu âm nhạc.


Những thay đổi cần thiết

Trong một thời gian dài, khi các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng về âm nhạc chưa nở rộ như hiện nay, Sao Mai và Sao Mai Điểm hẹn - hai chương trình "ruột" của VTV luôn được coi là "cái nôi" phát hiện, chắp cánh cho những tài năng trẻ. Nhiều gương mặt bước ra từ Sao Mai đã thành danh và hiện nay, tên tuổi của họ đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, như: Thanh Thúy (mùa giải năm 1997), Trọng Tấn, Anh Thơ, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Quỳnh Hương, Lan Anh (mùa giải năm 1999), Phương Nga (mùa giải năm 2001), Hoàng Tùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh (mùa giải năm 2003), Tân Nhàn, Quang Hào, Ngọc Anh, Phương Linh (mùa giải năm 2005), Thành Lê, Hà Linh (mùa giải năm 2007), Bùi Lê Mận, Nguyễn Ngọc Ký (mùa giải năm 2009)….

Tuy nhiên, những mùa giải gần đây, Sao Mai không còn có sức hút như trước kia và chất lượng thí sinh tài năng cũng thưa thớt do phải "chia sẻ" với nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng khác trên truyền hình.

Mặc dù vậy, Sao Mai 2017 vẫn được những người làm nghề chờ đợi. Nhiều nghệ sỹ cho rằng, Sao Mai là chương trình không chiêu trò mà đi vào thực chất của việc tìm kiếm tài năng âm nhạc. Dù không ồn ào trên truyền thông nhưng Sao Mai vẫn có được những khán giả trung thành của mình. "Đường dài mới biết ngựa hay", cái thực chất, chắc chắn sẽ được đón nhận.

Đài truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về chung kết toàn quốc giải Sao Mai 2017.

So với các mùa giải trước, Sao Mai 2017 có một số nét mới trong công tác tổ chức. Ngoài ba đêm thi của các dòng nhạc Thính phòng cổ điển, dân gian, nhạc nhẹ, Sao Mai 2017 còn có thêm một đêm Gala kỷ niệm 20 năm, quy tụ nhiều giọng ca trưởng thành qua 11 kỳ Sao Mai. Sự góp mặt của MC kỳ cựu rất được yêu thích - nhà báo Lại Văn Sâm trong đêm Gala cũng là một điểm nhấn của chương trình.

Một nét mới nữa của Sao Mai 2017 là Ban Tổ chức đưa ra quy định, thí sinh không được ăn mặc hở hang, không sử dụng y phục có in ấn logo hoặc các thương hiệu sản phẩm có in chữ nước ngoài. Ban Tổ chức có quyền loại bất cứ cá nhân nào không đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn hoặc có những hành vi, phát ngôn hoặc có những vấn đề về đạo đức, lối sống làm phương hại đến uy tín của Sao Mai. Quy định khắt khen này được cho là động thái cần thiết để mỗi ca sĩ trẻ ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình khi dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Yếu tố làm nên "thương hiệu" của Sao Mai chính là chất lượng thí sinh. Qua các vòng thi từ Đài truyền hình địa phương và khu vực, 30 thí sinh xuất sắc nhất đã lộ diện. Được biết, dàn thí sinh tham gia chung kết Sao Mai 2017 đa phần là học viên các trường nghệ thuật trong và ngoài nước nên yếu tố chuyên môn, chất lượng thí sinh tiếp tục được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù, Sao Mai 2017 không tổ chức vòng loại tại nước ngoài như một vài mùa trước vì thiếu kinh phí nhưng vẫn có 3 thí sinh tới từ các trường nghệ thuật của Trung Quốc và Nga. Những thí sinh này được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở mùa giải năm nay.

Có cần tăng tính giải trí để cạnh tranh?

Thú thực mà nói, một vài năm trở lại đây, Sao Mai "nhạt" hơn nhiều so với những mùa giải trước. Có thời điểm, không ít người đặt vấn đề, liệu Sao Mai và Sao Mai Điểm hẹn có nên dừng lại vì khả năng cạnh tranh thấp. Trong ba dòng nhạc thì Nhạc nhẹ là dòng nhạc biểu hiện rõ nhất khả năng cạnh tranh "tụt dốc" của Sao Mai. Những giọng ca xuất sắc tìm đến các chương trình truyền hình thực tế có format nước ngoài hấp dẫn như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Nhân tố bí ẩn, Thần tượng Bolero… để tranh tài. Bên cạnh đó, ở những dòng nhạc khác, Sao Mai cũng ít có những giọng ca thực sự xuất sắc, để lại dấu ấn với công chúng như trước kia.

So với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc khác trên truyền hình thì Sao Mai "thua" về phương diện truyền thông và khả năng tạo sức hút với công chúng. Mặc dù là "con ruột" của VTV nhưng Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn không có được kênh phát sóng đẹp trong vài năm trở lại đây. Các đêm chung kết của Sao Mai 2017 đều được truyền hình trực tiếp trên VTV6. Đây là một thiệt thòi lớn khi mà VTV3, VTV1 mới là kênh truyền hình quảng bá có lượng người xem đông đảo nhất của VTV. Ban Tổ chức chương trình chia sẻ rằng, việc đưa Sao Mai lên VTV6 là kế hoạch thu hút chương trình hay về cho VTV6 chứ không phải Sao Mai bị "hắt hủi". Ngoài ra, Ban Tổ chức mong muốn chương trình không phải "tranh sóng" trực tiếp với các chương trình phục vụ chính trị khác.

Nhiều người cho rằng, không được ưu tiên sóng, Sao Mai sẽ tiếp tục rơi vào cảnh "hiu quạnh" như một vài mùa giải gần đây. Nhận định này không phải không có cơ sở. Mặc dù đã trải qua các vòng thi khu vực và tiến dần tới đêm chung kết xếp hạng nhưng sự quan tâm của khán giả với Sao Mai 2017 xem chừng vẫn còn rất "hời hợt.

Sao Mai là một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có tuổi đời lâu nhất, được thực hiện nghiêm túc là điều không phải tranh cãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đang nở rộ thì vấn đề đặt ra là, Sao Mai có cần tăng thêm tính giải trí để tăng tính cạnh tranh và thu hút thí sinh hay không?. Rõ ràng, những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc có format nước ngoài thiên về tính giải trí nên dễ thu hút khán giả hơn so với Sao Mai.

NSND Trịnh Lê Văn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, Sao Mai với tiêu chí là sự chuyên nghiệp thì những chiêu trò (trong đó có Ban Giám khảo) đều khó để tồn tại. Có thể, về độ hấp dẫn, Sao Mai không thể nóng như những chương trình tài năng khác nhưng những tài năng trưởng thành từ Sao Mai vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật. Sao Mai là một chương trình thuần túy chuyên môn và riêng vấn đề chuyên môn, các thí sinh phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Đó là một cuộc thi dành cho những người rất chuyên nghiệp".

Tôi cho rằng, suy cho cùng, Sao Mai là một chương trình truyền hình nên ngoài việc tìm kiếm, phát hiện tài năng thì chương trình cần phải mang tính giải trí cao để thu hút khán giả. Nhìn lại chặng đường 20 năm mà Sao Mai đi qua, có thể thấy rằng, chương trình ít có thay đổi mang tính đột phá về format để thu hút, tăng tính tương tác giữa khán giả với chương trình. Với các nghệ sỹ, khán giả là yếu tố quan trọng hàng đầu. Một chương trình hấp dẫn sẽ thu hút khán giả và khi bước ra khỏi cuộc thi, các thí sinh đã có được lượng khán giả nhất định cho mình.

Rõ ràng, xét ở yếu tố này thì các chương trình truyền hình thực tế khác làm tốt hơn Sao Mai. Điều này lý giải tại sao thí sinh bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế đắt sô, "sống khỏe" hơn so với thí sinh của Sao Mai. Thậm chí, không ít thí sinh giành giải thưởng cao của Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn lại quyết định đặt mình vào vạch xuất phát để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng ở một sân chơi truyền hình thực tế khác. Không thay đổi để tăng tính cạnh tranh thì Sao Mai khó có thể trở thành "bệ phóng" tốt nhất cho tài năng phát triển.

Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (từ mùa giải 2001 đổi tên thành giải Sao Mai) do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên 2 năm/lần (vào những năm lẻ), bắt đầu từ năm 1999. Đêm chung kết đầu tiên Sao Mai 2017 dòng nhạc Thính phòng cổ điển (có 9 thí sinh dự thi) sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h00, ngày 9/9/2017 trên VTV6. Tiếp theo đó là chung kết Sao Mai dòng nhạc Dân gian (16/9, có 11 thí sinh tham gia tranh tài), Nhạc nhẹ (23/9, có 10 thí sinh tham gia tranh tài). Mỗi đêm sẽ chọn 4 thí sinh lọt vào đêm thi Xếp hạng và Trao giải được truyền hình trực tiếp vào 20h00, ngày 7/10/2017 trên VTV6.
Tường Phạm
.
.