Kết nối nhà thiết kế với nghệ nhân:

Nhiều hy vọng cho phát triển làng nghề truyền thống

Thứ Hai, 02/07/2018, 07:53
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 5.411 làng nghề và có nghề, làng nghề thủ công truyền thống. Ở đó, mỗi làng nghề đều là một kho tàng tri thức về nghề và văn hóa, văn minh lúa nước.


Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để duy trì, phát triển, kể cả khai thác phục vụ du lịch, nhưng để làng nghề truyền thống được phát huy tương xứng với tiềm năng đang có thì vẫn là bài toán cần những lời giải chính xác nhất. Trong đó, sự kết nối với các nhà thiết kế trẻ đang được đặt khá nhiều kỳ vọng.

Trong công bố của Hội Đồng Anh tại Việt Nam – đơn vị khởi xướng cuộc thi “Thủ công và thiết kế” thì giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các sản phẩm của các nhóm dân tộc thiểu số ở hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam hiếm khi được xuất sang các thị trường xuất khẩu trên các kênh chính thức, mà phần lớn được bán làm quà lưu niệm giá rẻ cho khách du lịch.

Một trong số các lý do đã được ông Lưu Duy Dần, Chủ tich Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chỉ ra, là các hoạt động này còn mang tính chất tự phát, manh mún. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống, chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.

Mẫu thiết kế hiện đại, tính ứng dụng cao phát triển từ sản phẩm dệt thủ công hấp dẫn người dân và du khách.

Để phát triển nghề thủ công truyền thống một cách bền vững, tăng giá trị của sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng người dân bản địa thì việc đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các làng nghề. Nhưng, chưa nhiều nghệ nhân, cộng đồng làng nghề thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Góp phần thúc đẩy cách tiếp cận sáng tạo, phát triển bền vững ngành thủ công và tăng cường hợp tác giữa các nhà thiết kế với các nghệ nhân, từ cuối năm 2017, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã khởi xướng cuộc thi “Thủ công và thiết kế”. Lấy ý tưởng then chốt của dự án Crafting Futures – Câu chuyện tương lai của Thủ công truyền thống mà Hội đồng Anh đang  triển khai trên toàn cầu, trong cuộc thi, thí sinh được cung cấp kiến thức, kĩ năng thực tiễn trong lĩnh vực thủ công, thiết kế, lên kế hoạch kinh doanh và lưu trú thực địa tại các làng nghề.

Với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu các ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), các thí sinh cùng làm việc trực tiếp với cộng đồng phụ nữ sản xuất thủ công, hướng dẫn họ về phát triển sản phẩm nhưng cũng học hỏi họ các kỹ thuật thủ công truyền thống. Sau gần nửa năm, 20 dự án của 20 nhà thiết kế trẻ chính thức “trình làng” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Vi Thị Thu Trang, nữ kiến trúc sư chuyên ngành thiết kế dân dụng, quán quân của cuộc thi “Thủ công và thiết kế” xúc động cho biết, quê Trang ở vùng núi phía Bắc. Có lẽ vì thế nên cô có tình yêu đặc biệt với lĩnh vực sản xuất vải thủ công truyền thống, nhất là vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Trang rất tiếc khi chứng kiến nghề thủ công truyền thống trên quê hương mình cứ mai một dần. Sau nhiều năm nghiên cứu và sản xuất vải dệt thủ công, cô đã quyết định phát triển loại vải này thành các sản phẩm ứng dụng hiện đại với hy vọng vừa giữ gìn di sản vừa tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân quê.

Đến với chương trình, Trang mang bộ sưu tập từ vải lanh dệt tay truyền thống của người Mông ở khu vực vùng núi phía Bắc, có tông màu chủ đạo là xanh nhuộm chàm đặc trưng của dân tộc Mông, họa tiết được vẽ từ sáp ong, do phụ nữ hợp tác xã dệt lanh thổ cẩm Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai truyền lại. Bộ sưu tập gồm các sản phẩm thời trang ứng dụng và đồ trang trí nội thất đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.

Cũng vì tiếc những vẻ đẹp, giá trị truyền thống của làng quê mà cô gái Huế - Đỗ Thị Diệu Trâm “bén duyên” với các thiết kế gắn với nghề thủ công truyền thống. Bị thôi thúc bởi suy nghĩ phải làm gì đó để gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu và khát khao được kế thừa, truyền tải giá trị văn hóa thông qua những sản phẩm, đồ vật của chính những người dân quê  đến với du khách, Diệu Trâm đã bắt tay thực hiện các sản phẩm Hue Craff Home. Kết hợp giữa 2 làng nghề có lịch sử lâu đời ở Huế là làng nghề mây tre đan Thủy Lập và làng nghề đan lát Bao La, với những nguyên liệu thuần thiên nhiên, Hue Craff Home đã “thổi” vào các sản phẩm mới hình dáng hiện đại hơn. Tuy không đạt giải nhưng Diệu Trâm vẫn tự hào khi những giá trị văn hóa của quê hương đã vượt thoát khỏi lũy tre làng để giao lưu với nền văn hóa khác.

Nhà thiết kế trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Hoàng Huy cũng cho hay, việc kết hợp giữa thủ công truyền thống với nghệ thuật thiết kế đã giúp anh mang về khá nhiều thành tựu. Cùng với nhiều sản phẩm đoạt giải thưởng quốc tế - Salk Expanding Table, 4 năm qua, anh đã gặt hái được nhiều thành công như giải thưởng cá nhân và triển lãm nhóm ở nhiều sự kiện lớn, trong đó có 3 triển lãm tại VIFA 2013, 2015, 2018 và một số triển lãm tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ ở Singapore 2016.

Sản phẩm thủ công truyền thống qua bàn tay của các nhà thiết kế trẻ được trưng bày tại Trung tâm giao lưu phố cổ Hà Nội.

Đến Hà Nội lần này, Huy giới thiệu bộ sưu tập khá đặc biệt, kết hợp nghệ thuật thiết kế với kỹ năng thủ công truyền thống của Việt Nam làm nên chiếc ghế bành có cấu trúc chính bằng gỗ sồi, lưng ghế dệt bằng sợi mía. Bàn trà Việt được thực hiện bởi các nghệ nhân làng Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Hoàn thành bộ bàn ghế này, nghệ nhân cần khoảng 2 tuần.

Dù đòi hỏi nhiều kỳ công như thế nhưng bù lại, sản phẩm được nhiều người yêu thích. Nhà thiết kế và các nghệ nhân làng nghề truyền thống có sự kết nối chặt chẽ hơn. Sự gắn bó giữa nhà thiết kế và nghệ nhân sẽ góp phần quan trọng trong việc hợp tác nhằm sản xuất những sản phẩm thủ công đáp ứng các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, tính hiện đại, ứng dụng cao trong đời sống, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo thu nhập cho người thợ của các làng nghề.

Cũng tạo nhiều sự chú ý phải kể đến nhà thiết kế Đỗ Thị Cúc với dự án Handmade Design. Chị Cúc cho biết, để có thành quả hôm nay, chị đã dành 4 năm nghiên cứu về vải tự nhiên dệt thủ công và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại khu vực huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống của họ.

Khi dự án Handmade Design lọt vào vòng tuyển chọn của Hội đồng giám khảo cuộc thi “Thủ công và thiết kế”, có cơ hội tham gia chuỗi hoạt động cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài, chị nhận ra khá nhiều “lỗ hổng” trong nỗ lực đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường.

Đó không chỉ là kiến thức, kỹ năng trong thực hành thiết kế và kinh doanh mà còn khá nhiều vấn đề khác mà trong quá trình nỗ lực phát huy các vốn quý từ làng nghề truyền thống của Việt Nam, những người làm thiết kế chưa dành quan tâm cần thiết lâu nay như sáng tạo thiết kế mới, quy trình và cách thức thiết kế…

Những ngày lưu trú thực địa tại Tả Phìn, Sa Pa cùng với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu các ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), có cơ hội làm việc trực tiếp với cộng đồng phụ nữ sản xuất thủ công của địa phương, cả nhà thiết kế và người bản địa đều “vỡ” ra nhiều điều. Nhà thiết kế có dịp học hỏi một cách bài bản hơn với các phụ nữ làm việc tại tổ hợp trồng lanh và thổ cẩm Tả Phìn về quy trình trồng cây lanh, các công đoạn để làm ra một tấm vải lanh, những nét đặc trưng của sản phẩm làm từ vải lanh truyền thống của người Mông.

Chúng tôi thật sự rất bất ngờ khi được biết, để có một sản phẩm vải lanh hoàn chỉnh, những người thợ không chỉ thêu thủ công mà còn vẽ bằng sáp ong, nhuộm chàm. Ước tính, quy trình này phải trải qua gần 50 công đoạn. Trong 3 ngày ngắn ngủi lưu lại tại địa phương, các nhà thiết kế được trải nghiệm tất cả cả kỹ năng này trước khi ứng dụng vào các thiết kế của mình.

Ngược lại, cộng đồng phụ nữ của Tả Phìn được hướng dẫn về phát triển sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chị hy vọng, các dự án như Handmade Design sẽ không chỉ góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống một cách bền vững mà còn mang lại một cái nhìn gần gũi, hiểu biết sâu rộng hơn cho giới trẻ về nghề truyền thống Việt Nam, về vải dệt tay nhuộm tự nhiên và sử dụng sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Ngoài việc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, chị mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi, với chị, các nghệ nhân lưu giữ làng nghề truyền thống xứng đáng được tôn vinh và chị sẽ còn nỗ lực nhiều hơn nữa cho mục đích này. 
Ngọc Nguyễn
.
.