Nhạc sĩ Thế Hiển:

Nhánh lan tỏa mãi cung đàn

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:00
Một cây đàn guitar trên vai, một ba lô xanh màu lá, ông bước đi, rong ruổi đến từng đồi cây, ngọn núi, với con người, với mây trời sóng nước... Cung đàn cứ thế bật ra giai điệu, chuyển thành lời thiết tha mà gửi đến những trái tim đồng cảm. 40 năm dấu ấn sự nghiệp của người nhạc sĩ ấy được đúc kết dày dặn và chân thực trong hai tập phim tài liệu mang tên: "Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển: Nhánh lan rừng nở mãi" do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh TFS thực hiện (phát sóng trên HTV9 vào ngày 26 và 27-11). 

Cuộc đời nhạc sĩ Thế Hiển ăm ắp câu chuyện gắn liền với những chuyến đi. Thế nhưng, khi đoàn làm phim bấm máy, ông lại chẳng lưu bao nhiêu tư liệu để đoàn tham khảo. Thế Hiển là vậy, ông cho hết, chẳng giữ lại cho mình nhiều nhặn gì. Để có đủ thước phim, ngoài quay thực tế, đoàn phải xin tư liệu do các đài truyền hình trước đây từng ghi hình ông.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết: "Bộ phim này được quay trong thời gian hơn nửa năm, cảnh quay được thực hiện ở những nơi mà NSƯT Thế Hiển đã từng đi thực tế sáng tác và biểu diễn như trở về chiến trường xưa tại Tây Ninh, Trường 2 của Lực lượng thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh tại Lâm Đồng, đồn Biên phòng Cầu Bống, Làng trẻ SOS tại Nha Trang Khánh Hòa, biểu diễn tại Trường Sa… Chúng tôi thật bất ngờ khi đến đâu, người ta cũng xem nhạc sĩ như người anh, người chú, người bạn thân thiết trong gia đình lâu ngày mới về".

Nhạc sĩ Thế Hiển (phải) và đạo diễn Trần Quốc Sơn.

Bộ phim là hành trình từ những ngày đầu nhạc sĩ Thế Hiển bước vào con đường âm nhạc cho đến khi mái đầu đã điểm bạc mà vẫn rong ruổi đây đó cùng cây đàn, nụ cười luôn nở trên môi. Với ông, âm nhạc là ngã rẽ tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Gia tài của ông đồ sộ với nhiều ca khúc có đề tài đa dạng. Trong gia tài sáng tác của ông, quá nửa là những ca khúc về người lính như: "Nhánh lan rừng", "Hát về anh", "Hành khúc bộ đội biên phòng"…

Sinh ra trong chiến tranh loạn lạc giữa Sài Gòn, 20 tuổi chứng kiến non sông thống nhất, ông hiểu ý nghĩa của những phút hòa bình, êm ấm. "Một sinh viên còn đang học năm thứ nhất của Trường Luật khoa Sài Gòn đón nhận một luồng gió mới - cách mạng đến. Lúc đó UBND phường 9, quận Phú Nhuận đã đưa 4 anh em chúng tôi vào tham gia văn nghệ quần chúng. NSƯT Mỹ An là giảng viên thanh nhạc giảng dạy cho chúng tôi.

Thấy tôi hát được, cô gợi ý tôi đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Nhờ vậy, năm 1980, tôi trở thành đơn ca chính của Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Bông Sen" - ông nhớ lại. Phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong trên mọi nẻo đường, trái tim phơi phới tuổi 20 của ông chất chứa đầy màu xanh hy vọng, trân trọng và biết ơn những con người khoác màu áo lính. Ông yêu tinh thần lạc quan, quả cảm của những người chiến sĩ trong muôn vàn gian khổ, hy sinh. Những gì chứng kiến khắc sâu vào tâm khảm của người nhạc sĩ trẻ bao suy tư, trăn trở về đất nước, về con người, về công cuộc xây dựng đất nước.

"Hát về anh" là ca khúc đầu tiên Thế Hiển viết về người lính. Ca khúc ra đời ngay tại chiến trường vùng biên giới phía Bắc vào năm 1983. Nửa đầu bài hát là kết quả của sự rung động mạnh mẽ cùng lối quan sát tinh tế khi Thế Hiển được tiếp xúc với cuộc sống người chiến sĩ biên thuỳ. Nửa còn lại được hoàn thành khi Thế Hiển trở về thành phố đúng vào những ngày xuân rộn ràng, tươi đẹp. "Một ba lô cây súng trên vai/ Người chiến sĩ quen với gian lao/ Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/ Nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất Mẹ…". Ca khúc mộc mạc ngợi ca về người bộ đội Cụ Hồ can trường với trái tim luôn hướng về quê hương thanh bình, bảo vệ biên cương Tổ quốc để giữ hậu phương bình yên.

Từ thành công của bài hát đầu tiên, Thế Hiển hăm hở bắt tay vào những bài hát tiếp theo trong những chuyến đi cùng bộ đội. "Nhánh lan rừng" vang lên dịp mùa xuân làm lòng người lại bồi hồi nhớ về người lính ở biên cương. Ca khúc ra đời năm 1986 tại Mặt trận 479, Xiêm Riệp, Campuchia. Chiến trường Tây Nam năm ấy không lúc nào ngơi nghỉ tiếng bom rơi đạn nổ. Thế nhưng, giữa lằn ranh sống chết, tinh thần lạc quan và sức sống của người lính càng mạnh mẽ, mãnh liệt.

Sự yên bình, lãng mạn của người lính khi ngắm nhánh lan rừng nở rộ đối lập hoàn toàn với hiểm nguy cận kề nơi chiến trường đã làm Thế Hiển xúc động. Nhánh lan rừng được các anh nâng niu bởi đó là món quà mà các anh dành tặng cho người thân khi trở về. Cùng ăn, cùng ngủ, lăn lộn với những gian khó của người chiến sĩ, ông hiểu được cuộc sống cũng như nỗi niềm của người lính. Nốt nhạc tuôn trào như hương thơm của loài lan rừng tỏa ngát. Ca khúc mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng không kém phần thi vị đã được mọi người yêu thích đến mức người ta lấy tên "Nhánh lan rừng" để gọi tên nhạc sĩ Thế Hiển.

"Về thăm thành phố/ Náo nức mùa xuân/ Ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng/ Có người chiến sĩ/ Áo vương bụi đường xa/ Đi giữa dòng người qua phố phường…" . Bài hát là biểu tượng tinh thần bền bỉ, thuần khiết của người lính biên cương, lạc quan và ước vọng về một cuộc sống hòa bình, sum họp. Nói về bài hát này, Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính uỷ Quân khu 7 ví von: "Nhánh lan rừng" giống như một tấm huân chương mà Thế Hiển tặng cho những người lính làm nghĩa vụ quốc tế. Có khác chăng là tấm huân chương ấy dệt bằng giai điệu, bằng tiết tấu, bằng ca từ".

Điều Thế Hiển vinh dự nhất là lần đầu tiên ông được đến Trường Sa thăm các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió vào năm 2012. Từng đi khắp ba miền, nhưng khi con tàu vừa ra khơi hướng về phía Đông, ông cảm giác tim mình đập rộn rã. Nơi ấy, các chiến sĩ đêm ngày cầm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. "Tôi thấy ở đầu giường của các chiến sĩ rất nhiều san hô, vỏ ốc biển rất đẹp. Hỏi thì các anh bảo ở đảo không có gì làm quà cho hậu phương, san hô và vỏ ốc là món quà duy nhất các anh gửi về quê nhà. Đối với tôi, đó là một hình ảnh tuyệt đẹp". Chính hình ảnh thân thương ấy đã đi vào ca khúc "Vỏ ốc biển".

Một cảnh quay nhạc sĩ Thế Hiển của đoàn làm phim.

Với ông, điều tuyệt vời và vinh dự hơn hết khi đến nay mình là người duy nhất nhận danh hiệu NSƯT do Nhà trước trao tặng ngay tại Trường Sa. Người lính trong âm nhạc của Thế Hiển không chỉ là hình ảnh bộ đội cầm súng, bảo vệ quê hương nơi biên giới hay đảo xa mà còn là những chiến sĩ trên mặt trận xây dựng, kiến thiết đất nước - lực lượng thanh niên xung phong. Thế Hiển đã nhiều lần trực tiếp lên các nông trường cùng sinh hoạt và làm việc với thanh niên xung phong để cho ra đời tác phẩm "Hát trên nông trường xanh".

Nhạc sĩ Thế Hiển tự nhận mình là người ghi nhật ký bằng âm nhạc. Chính vì thế, tác phẩm của ông luôn mộc mạc, dung dị, đầy hơi thở đời thường và cảm xúc chân thực chứ không phải là sự tưởng tượng hoa mỹ. Điều đó có sức lay động lòng người, làm nên những ca khúc ấn tượng. Vào một chiều mưa nặng hạt năm 1989, Thế Hiển tình cờ xem một phóng sự kể câu chuyện người mẹ già, nhặt hoa sứ làm kế sinh nhai, chăm con là thương binh tại Bệnh viện Quân y 175. Hình ảnh của người mẹ ấy ám ảnh ông như cơn mưa lạnh căm thấu vào da thịt.

Ca khúc "Người mẹ và hoa sứ trắng" ra đời thấm đẫm tình mẹ bao la. Nhờ bài hát, người mẹ đã được thành phố cấp nhà tình nghĩa. Riêng ca khúc "Dấu chấm hỏi" mỗi lần cất lên lại khiến khóe mắt người nghe cay xè. Hình ảnh em bé mồ côi co ro trên đường phố Hà Nội mùa đông làm người nghe không khỏi xót xa và động lòng trắc ẩn. Những câu hỏi xoáy sâu, nức nở. Câu hỏi của em bé hay của người nhạc sĩ? Ông đau cho nỗi đau của mẹ già, của em thơ để viết nên những nốt nhạc giản dị mà rung cảm như thế.

Nhạc sĩ Thế Hiển vẫn có những bài nồng nàn, đầy vui tươi như "Tóc em đuôi gà", "Nhong nhong nhong"… Nhưng, như ông tâm sự: "Trong cuộc sống nếu chúng ta biết san sẻ, chúng ta có trái tim yêu thương thì cuộc sống đầy ý nghĩa hơn. Tôi mong ước rằng, cuộc sống này hãy có nhiều "Nhong nhong nhong" và hãy bớt đi những "Dấu chấm hỏi"". Âm nhạc của Thế Hiển dung dị như nhánh lan rừng, nhưng lặng lẽ tỏa hương thơm ngát…

Ở tuổi lục tuần, nhạc sĩ Thế Hiển vẫn đi và hát sung sức như thuở còn đôi mươi. Trong thước phim về cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa Thế Hiển của TFS, nhạc sĩ Vũ Thành, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 7 quả quyết: "Bất cứ lúc nào bộ đội cần, dân cần là anh diễn. Dù đó có là vùng sâu vùng xa, có micro hay không có micro, chỉ cần cây đàn guitar là anh cháy hết mình như bên trong luôn có sẵn ngọn lửa".

Quỳnh Nga
.
.