Nhân luật Xuất bản sửa đổi và bổ sung vừa được thông qua: Sách lậu thiệt cho ai?

Thứ Hai, 17/12/2012, 08:02

Trước tiên, cũng nên bàn một chút về từ ngữ. Gần đây, một số bài viết gọi sách lậu là sách giả. Cứ đà này lâu dần, người ta sẽ quen việc gọi các sách không giấy phép, không nộp thuế là sách giả chăng. Gọi như thế là sai vì lậu rất khác giả. Lậu thuế với Nhà nước chưa hẳn là hàng giả với người mua đâu. Các sách loại này bán ở các vỉa hè đôi khi vào cả cửa hàng cửa hiệu. Đó hầu hết là sách trốn thuế, mà trốn thuế là phạm luật.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, rất nhiều tiếng nói kiên quyết chống sách lậu, yêu cầu định ra những cơ chế hiệu quả hơn trong việc chống sách lậu. Chống sách lậu là đúng. Các sách in không giấy phép, in nối bản khiến Nhà nước thất thu nhiều chục tỷ mỗi năm, khiến các nhà xuất bản thiệt thòi, không thể để tình trạng ấy ngang nhiên tồn tại trên thị trường. Nhưng cần phân biệt rõ, đây là chuyện quản lý thị trường, không phải chuyện văn chương; đây là chuyện của các nhà xuất bản, những người kinh doanh sách chứ không phải những người viết sách. Với những người viết sách, tác phẩm mình viết ra có được in hay không mới quan trọng. Với người mê sách, tìm được sách rẻ hơn mà vẫn không mất chữ nào mới là điều mơ ước. Vậy căn cội của việc này thế nào đây?

Trước hết về những người viết sách, tức là các nhà văn. Để có một cuốn tiểu thuyết trên dưới 300 trang, nhà văn cần cặm cụi 2 năm. Tuy tốn khoảng thời gian khá dài như thế nhưng khi đến nhà xuất bản, may lắm và phải là nhà văn ăn khách lắm, bản thảo mới được mua bản quyền, tức là nhà xuất bản tự in và có trả nhuận bút bằng tiền. Các nhà văn cấp thấp hơn, nghĩa là không ăn khách bằng, cũng được "mua bản quyền" nhưng nhuận bút trả bằng sách của chính mình khi được in ra. Đây thực chất là một hình thức bóc lột hết sức tinh vi. Nhưng bị bóc lột như thế còn là khá. Phần lớn các nhà văn, nhất là nhà thơ không có may mắn ấy. Họ phải xin giấy phép qua nhà xuất bản, nộp lệ phí cho giấy phép đó gọi là "hành chính phí" rồi bỏ tiền ra tự thuê in, sách in xong chủ yếu là tặng bạn bè hoặc để làm kỷ niệm một đời viết.

Một tập thơ trên 100 trang in tương đối đẹp, mất khoảng 10 triệu; một tập tiểu thuyết tương đối dày dặn, mất khoảng 30 triệu, tiền ấy phải lấy từ túi ra, tức là bóp mồm bóp miệng vợ con, tằn tiện chi tiêu hàng năm  mà có. Nhà văn ngày nay sướng hơn xưa ở chỗ hầu như không ai phải trông vào nhuận bút. Nhưng nhà văn ngày nay khổ hơn xưa ở chỗ, nếu phải trông vào nhuận bút thì trừ một số rất ít ra, không ai sống được. Đọc hồi ký của các bậc đàn anh, thấy nhuận bút một truyện ngắn mua được cả một ngôi nhà, nghĩ mà thèm. Cho nên nhà văn thường dửng dưng với sách lậu. Sách hay mới "bị" in lậu chứ sách ế, ai in lậu làm gì. Thôi thì thiệt một tí tiền bản quyền nhưng sách mình có thêm người đọc, còn hơn in rồi chết dí trên các giá sách. Vì những lý do như thế nên mặc dù vấn đề sách lậu ầm ĩ  hàng chục năm trời nhưng rất ít nhà văn, nhà thơ nào lên tiếng phản đối sách lậu cả.

Chính vì sự dửng dưng ngây thơ ấy của nhà văn và của cả xã hội nên tình trạng sách lậu mới dai dẳng và việc ngăn chặn nó gần như khoán trắng cho một vài cơ quan. Còn những nhà in, nhà xuất bản, các đầu nậu sách…, gọi chung là những người làm sách nhân đấy, càng lấn tới. Cũng phải nói với nhau rằng, việc in lậu sách là cả một quá trình kinh doanh công phu, vật lộn với thương trường mồ hôi nước mắt. Đầu tiên là khâu xuất bản, tức tìm bản thảo, xin giấy phép, biên tập và phát hành. Các nhà xuất bản, phần nhiều là các nhóm tư nhân làm sách "liên kết" phải tìm được các tác giả thuộc diện "không trơn tru", các tựa sách "hấp dẫn", có nội dung hơi… gai góc. Tiếp đến là quá trình quảng cáo cho sách bao gồm nhiều cách, nhiều khâu nhưng hiệu quả hơn cả là tìm cách để báo chí có bài chê, thậm chí phê bình gay gắt và những dư luận đó lọt đến cơ quan quản lý xuất bản, các hội chuyên ngành. Cuối cùng, cơ quan quản lý xuất bản có văn bản tạm đình chỉ phát hành hoặc nhà xuất bản tự thu hồi (những cuốn chưa bán) là thượng sách. Đến lúc ấy, với sự hỗ trợ vô tình hoặc có ý của một vài nhà văn bằng cách than thở hoặc thanh minh bất cứ nơi nào có thể, của các đại lý sách với các mánh khóe nhà nghề, sách in lậu bắt đầu tung ra thị trường.

Từ một cơ sở in trở thành một địa chỉ vừa in vừa kinh doanh, phát hành sách lờ lãi cao, thu hồi vốn nhanh, ít tốn công sức, chỉ cần qua mặt nhà chức trách, ai không làm? Nếu có mâu thuẫn, thì mâu thuẫn chính là giữa nhà in và nhà xuất bản. Nhà xuất bản cứ việc làm sách, còn nhà in thì bình tĩnh nghe ngóng. Cuốn nào bán chạy, lập tức in nối bản, một nghìn cuốn đề cuối sách nhưng in tới 10.000 cuốn cũng chẳng sao. Trốn được nhuận bút, trốn được thuế, chẳng mất công tìm bản thảo, mua bản quyền (nặng nhất là bản quyền sách nước ngoài), dịch, hiệu đính, biên tập xin giấy phép, phát hành… Điều này nghe nói đã lâu và hầu hết đều do những nhà xuất bản, những người làm sách nói ra là vì thế.

Cho nên sách lậu, tưởng như việc nhỏ nhưng lại lớn, tưởng như vô hại nhưng thực ra chỉ vô hại với một nhóm nhỏ, cần kiên quyết hơn và có hiệu quả hơn. Nhưng đây là vấn đề của thị trường, là pháp luật trong kinh doanh, là quản lý hàng hóa như mọi thứ hàng hóa khác cần có hệ thống pháp luật cụ thể, sát thực tế, có đủ sức răn đe; có đủ lực lượng và sự phối hợp ăn ý của nhiều ngành, không nên khoán trắng cho một vài ngành, một vài nơi. Nước ta có khoảng 1.500 nhà in. Các nhà in này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, in gì tùy ý ít khi bị kiểm tra. Cũng những nhà in này, theo Thanh tra của Bộ Thông tin- Truyền thông, chỉ mới có chưa đầy 1/3 bị giám sát, kiểm tra về việc in sách lậu nhưng không đều và không kỹ càng. Khi kiểm tra có sách lậu, lực lượng chuyên ngành cũng chỉ có quyền cao nhất là tịch thu hiện vật và phạt khoảng vài chục triệu, số tiền phạt quá nhỏ so với số lãi thu được sau một vụ in lậu trót lọt. Như thế, làm sao có thể ngăn chặn sự việc không tái diễn.

30/11/2012

Vũ Duy Thông
.
.