Nhầm vậy là “giết” thơ

Thứ Hai, 27/07/2009, 14:30

Trong bài "Ý kiến xuôi từ một bài viết ngược" in trên tạp chí Văn hóa các dân tộc số tháng 5/2009, bạn Như Cương đã viết "nhà thơ Nông Quốc Chấn có câu thơ rất hay: "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Thu đã đến rồi". Ai bảo không tung tẩy, không lãng mạn?".

Ở đây, tôi không bàn câu thơ của Nông Quốc Chấn có "tung tẩy", có "lãng mạn" hay không mà muốn nói với bạn Như Cương rằng: Câu thơ mà bạn trích không thể là một câu thơ rất hay được! Vì sao? Vì câu thơ đó chỉ đem đến cho người đọc một thông tin rất bình thường, "chốt" lại thời điểm mùa Thu đã đến. Thế thôi!

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923 - 2002) trong sự nghiệp sáng tác thơ của mình  ông  đã để lại nhiều bài thơ hay như: "Bộ đội ông cụ", "Dọn về làng", "Tiếng ca của người Việt Bắc"... và một số câu thơ hay trong những bài thơ chưa thật sự xuất sắc. Bài "Khâu áo" (tiếng Tày: Nhặp slửa) là một bài thơ khá, nhưng câu thơ "Khi nghe gió thổi..." được nhiều người tán đồng là một câu thơ hay, riêng Hoàng Quảng Uyên bảo là "chưa hay!".

Không phải vì Hoàng Quảng Uyên thích "nói ngược", mà bởi bạn Như Cương đã trích sai câu thơ của Nông Quốc Chấn. Câu thơ "xịn" của ông là: "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Thu  đã hết rồi ". Chỉ chép "nhầm" từ "hết" thành "đến", câu thơ rất hay trở thành câu thơ "chưa hay" - mà còn sai nữa chứ: "Mùa Thu hết" với "mùa Thu đến" khác nhau lắm.

Từ "hết" trong câu thơ của Nông Quốc Chấn không thể thay bằng bất cứ từ nào khác. Từ "hết" nói cái khoảnh khắc giao mùa: Từ mùa Thu trong mát sang mùa Đông lạnh giá với sự nuối tiếc, lo toan. Từ "hết" đặt ở đây rất chính xác và hơn thế rất gợi, rất cảm, lãng đãng (chứ không phải lãng mạn).

Cũng cần nói ngay rằng, không phải ai cũng cảm được câu thơ hay của Nông Quốc Chấn. Chỉ có những người đã sống ở miền núi, tai từng nghe tiếng gió thổi vi vút qua triền núi, mắt từng nhìn lá rừng rụng cuối Thu, ngồi bên bếp lửa trong những đêm sương muối buốt thì mới cảm được cái thời khắc chuyển mùa "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc... ".

Nhà văn Tô Hoài nhớ lại những năm ở Phja Bjoóc: "Với Nông Quốc Chấn hay với tôi lại càng thế. Không bao giờ chúng tôi quên làng bản Hậu, làng Khuổi Khún trong lòng thung chân núi ấy. Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Thu đã hết rồi... Hai câu đầu bài thơ “Khâu áo” của Nông Quốc Chấn, mỗi lần nhớ lại bao giờ cũng cho tôi những xúc cảm nghe gió thiên nhiên qua rừng núi ấy, đem hằng hà kỷ niệm trở lại".

Và ông thẩm thơ Nông Quốc Chấn thật tinh tế, thật tình: "Thơ Nông Quốc Chấn gần gũi, trong sáng, tinh túy chân sim bóng đá đến độ người đọc tưởng mình cũng đương làm thơ. Thơ với người với bạn đọc là một, không mảy may khoảng cách". Tôi xin "nối" thêm: Câu thơ "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc..." chẳng có gì "cao siêu" cả! Cũng dễ làm thôi! Thế mà đã biết bao người từng "nghe gió thổi qua Phja Bjoóc" mà chẳng ai làm được thơ hay, ngoài Nông Quốc Chấn!

Thật ra, bạn Như Cương không phải là người đầu tiên chép sai câu thơ của Nông Quốc Chấn. Trước đây gần hai chục năm, trong một tuyển thơ Nông Quốc Chấn, câu thơ "rất hay" của ông đã được chép thành "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Đông đã đến rồi". Không biết "mùa Thu đã đến rồi" hay "mùa Đông đã đến rồi" câu nào sai hơn? Nhưng chắc chắn đó không phải của Nông Quốc Chấn.

Chuyện trích thơ sai, nhớ nhầm thơ không phải là chuyện hiếm! Tôi chỉ "khơi" lại chuyện này để mong các nhà bình luận khi trích thơ cần cẩn thận tra cứu văn bản gốc. Cũng có những câu thơ chỉ nhầm một chữ thôi mà trở nên nghiêm trọng.

Cao Bằng, ngày 12/6/2009

Hoàng Quảng Uyên
.
.