"Nhạc trưởng" của nền điện ảnh Pháp đã ra đi

Thứ Ba, 21/09/2010, 14:50

Ngày 12/9 vừa qua, ở tuổi 80, Claude Chabrol - một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất và có sức làm việc kỳ vĩ nhất của điện ảnh Pháp (với trên 70 bộ phim được trình chiếu) đã đột ngột qua đời. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chứng suy tim.

Ngay lập tức, dư luận Pháp cũng như nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự tiếc thương đối với nhà đạo diễn tài ba. Báo Libération dành tới 7 trang để điểm lại những đóng góp to lớn của Claude Chabrol cho ngành nghệ thuật thứ bảy. Báo Le Figaro cũng dành một số trang thích hợp để tôn vinh những cống hiến nổi bật của Claude Chabrol. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - sau khi ca ngợi Claude Chabrol là một "nhà làm phim vĩ đại" - đã liên hệ Claude Chabrol với các nhà văn nổi tiếng của nước Pháp trong quá khứ và đưa ra nhận xét: "Chabrol giống như Balzac trong kỹ năng mô tả xã hội. Ông cũng giống Rabelais về khả năng trào lộng và cả tính... quyết liệt nữa. Nhưng trên tất thảy, ông đã thể hiện mình trong các bộ phim như nó vốn có... trong đời". Thủ tướng Pháp Francois Fillon thì tỏ ra có phần bi quan sau cái chết của Chabrol. Theo ông, sự ra đi của Claude Chabrol đã khiến nền điện ảnh Pháp mất đi một "nhạc trưởng".

Claude Chabrol sinh năm 1930 tại Paris (Pháp). Trước khi toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp biên kịch và đạo diễn phim, ông học văn chương và luật. Tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Chabrol, bộ phim "Le Beau Serge" (năm 1958) ngay lập tức đã gây chấn động dư luận, đoạt giải Grand Pix tại Liên hoan phim Locaro và được các nhà phê bình điện ảnh ghi nhận như "bản tuyên ngôn" nghệ thuật mở ra một thời kỳ mới trong điện ảnh Pháp mà người ta gọi là trào lưu "Làn sóng mới".

Trái ngược với hình ảnh vui vẻ, lịch lãm của mình ở ngoài đời, phần nhiều các phim do Chabrol thực hiện đều mang màu sắc âm u, với các pha hành động gây kinh hãi. Như trong hai phim từng tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes của ông là phim "Violette Noziere" và phim "Poulet au Vinaigre", thì cả hai phim đều có những pha giết người ly kỳ rùng rợn, trong đó có tình tiết một cô gái 19 tuổi bị buộc tội đã đầu độc cha và âm mưu sát hại mẹ mình. Khuynh hướng làm phim của Chabrol là rùng rợn theo kiểu Hitchcock. Nói chung, các khán giả thuộc loại yếu tim không phải là đối tượng để xem phim của Chabrol. Và chỉ cần nghe cách ông đặt tên phim thôi: "Kẻ đồ tể", "Gã này phải chết", ta có thể đoán định được cấp độ gay cấn của phim như thế nào rồi.

Nhận xét về cách mổ xẻ vấn đề của Claude Chabrol, nhật báo công giáo La Croix từng đưa ra nhận xét: "Claude Chabrol là một đạo diễn hiếm hoi đã mạnh bạo lột trần những mảng tối trong xã hội Pháp, đặc biệt là trong giới thượng lưu, với những điều xấu xa, giả trá mà người ta cố tình che đậy dưới một lớp sơn hào nhoáng". Bản thân Claude Chabrol thì lại cho hay, ông thích khai thác khía cạnh ngu xuẩn của con người hơn là khía cạnh thông minh của họ, vì "Khác với sự thông minh, sự ngu si của con người không bao giờ có giới hạn". Chabrol cũng từng tuyên bố quan niệm của ông về nghề đạo diễn: "Nếu chỉ học để biết nghề đạo diễn, tôi tin chỉ cần 4 tiếng, nhưng làm được đạo diễn là sự học vô tận". 

Gia đình Claude Chabrol là một gia đình nghệ thuật. Sinh thời, Chabrol kết hôn... ba lần. Kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên đã sinh hạ cho ông Matthieu Chabrol, hiện là người soạn nhạc cho hầu hết các bộ phim của ông từ năm 1980 tới nay. Người con trai - sản phẩm của cuộc hôn nhân thứ hai của Chabrol, tên gọi Thomas Chabrol cũng đã trở thành một nam diễn viên có danh tiếng. Cuộc hôn nhân cuối cùng của Claude Chabrol là với Aurore Paquiss - cũng là một nghệ sĩ điện ảnh.

Năm 1959, Claude Chabrol từng giành được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin. Và năm 2009, ông được nhận giải Camera vàng thành tựu trọn đời tại Liên hoan này

Phan Thành Thắng
.
.