Nhạc trẻ Việt và trào lưu lạm dụng tiếng nước ngoài
Vừa qua, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng đã quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với ba đơn vị treo biển hiệu tiếng nước ngoài sai quy định. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng đã xử phạt 9 đơn vị vì những vi phạm tương tự. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng đã bắt đầu mạnh tay trong việc xử phạt những hành vi sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi, ảnh hưởng tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên ở lĩnh vực âm nhạc, lĩnh vực đang tác động từng ngày, từng giờ đến số đông khán giả trẻ thì dường như điều này vẫn bị coi nhẹ, khiến cho tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài ngày càng tràn lan.
1. Một hiện tượng xuất hiện từ khá lâu và ngày càng gia tăng tới mức báo động là việc sử dụng vô tội vạ ngôn ngữ nước ngoài (phần lớn là tiếng Anh) trong các ca khúc nhạc trẻ Việt hiện nay. Trước đây, những từ tiếng Anh sử dụng trong các ca khúc thường là những từ thông dụng, phổ biến như "baby", "love", "you", "I love you"…
Tiêu biểu cho trào lưu này ngay từ giai đoạn đầu phải kể tới ca khúc "Tình bạn" của nhạc sĩ Phương Uyên, trong đó, sự pha trộn Anh - Việt một cách khá "hài hước": "You là người bạn bao năm trong cuộc đời. And you, là người bạn thân cùng tôi sớt chia muộn phiền… You anh I…".
Không chỉ dừng lại ở ca khúc "Tình bạn", Phương Uyên trở thành nhạc sĩ "chịu khó" pha tiếng Anh vào các sáng tác của mình như "Búp bê happy", "Merino ice cream land"… Chàng ca sĩ nổi danh một thời Ưng Hoàng Phúc cũng tỏ ra không kém cạnh khi cho khán giả nghe điệp khúc nhắc đi nhắc lại "Baby! I love you" trong ca khúc "Baby anh yêu em". Sau này, một ca khúc được khán giả trẻ ưa chuộng là "Đường cong" cũng gây ấn tượng bởi điệp khúc "Sexy lady" xen giữa những ca từ tiếng Việt…
Tuy nhiên, không dừng lại ở việc chỉ sử dụng một vài từ thông dụng, các ca sĩ sau này sẵn sàng bê nguyên cả câu tiếng Anh vào trong những ca khúc thuần Việt. "Oh first kiss, you make me happy, you make me crary" là phần điệp khúc trong bài hát "Nụ hôn bất ngờ" của ca sĩ Mỹ Tâm.
Choáng váng hơn khi có những bài hát mà phần tiếng Anh chiếm một nửa so với tiếng Việt và được pha trộn một cách rất khó chịu kiểu như "Why it's me? Làm sao đây? Trước mắt tôi là… Tell me… Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can't suffer unpredictable things you did to me" (ca khúc "Không cần thêm một ai nữa" của Mr. Siro và Big Daddy).
Bài hát yêu thích - Một trong số ít những chương trình tôn vinh các ca khúc thuần Việt. |
Không thể hiểu, sự pha trộn một cách nửa mùa với từ ngữ ngổn ngang như thế lại có thể là ca từ của một ca khúc? Và nếu có thời gian xem các kênh âm nhạc, giải trí chuyên cho giới trẻ trên truyền hình thì khán giả không khó để tìm thấy những ca khúc lẫn lộn Anh - Việt như vậy.
Không chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trong ca từ, các ca sĩ còn chuộng mốt dùng tiếng nước ngoài đặt tên ca khúc, tên album. Những ca sĩ tên tuổi trong làng nhạc Việt cũng đều đã từng sử dụng cách làm này. Không khó để kể ra Hồ Quỳnh Hương với "Diamond Noir" (Kim cương đen), "Non stop" (Không dừng lại), Mỹ Tâm với "Yesterday anh Now" (Ngày ấy và bây giờ), "To the beat" (Nhịp đập), Lam Trường với "Today" (Ngày hôm nay)... Những ca sĩ sau này cũng không kém cạnh như Đoan Trang với "Unmake up" (Không trang điểm), Thu Minh với "I do", Thảo Trang với "The new me"…
Nhiều ca sĩ bộc bạch việc lấy tên nước ngoài làm tựa cho album với mong muốn sản phẩm âm nhạc của mình độc đáo, gây ấn tượng với khán giả. Trên kệ băng đĩa, những album với cái tên ngoại như "Online cùng Michael Jackson" của Vũ Quốc Việt - Vang Quốc Hải, "Hot" của Hoàng Hải, "Cool boy" của Cao Thái Sơn, "Body langguage" của Thu Minh nhiều như nấm sau mưa…
2. Sẽ không có gì đáng nói nếu như các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam sử dụng tiếng nước ngoài như lời hai hoặc là lời duy nhất với một ca khúc. Đã có một số ca sĩ như Hồng Hạnh, Đức Tuấn, Thái Hòa, Đồng Lan… thực hiện những album song ngữ nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Ngoài việc chứng tỏ khả năng ngoại ngữ tốt của người sáng tác, người thể hiện (một điều quan trọng trong giai đoạn hội nhập) điều đó còn tạo cơ hội cho âm nhạc của Việt Nam hòa nhập, giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng đó là chuyện tiếng Việt ra tiếng Việt, tiếng Anh ra tiếng Anh. Còn việc lạm dụng tiếng Anh trong ca khúc Việt như cách làm của không ít nhạc sĩ trẻ hiện nay chỉ khiến cho tác phẩm trở nên lai căng, méo mó. Một câu hỏi được đặt ra là, các sản phẩm âm nhạc này là những sản phẩm nội địa, chủ yếu phục vụ khán giả trong nước, vậy thì có nhất thiết phải đặt tên nước ngoài nếu không phải là do tâm lý sính ngoại?
Một trong những nguyên tắc sử dụng tiếng nước ngoài là khi tiếng Việt không có từ nào có thể thay thế. Nhưng nhìn lại, những từ mà các tác giả sử dụng tiếng nước ngoài ấy đều là những từ có thể sử dụng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Chưa kể việc lạm dụng tiếng nước ngoài khiến người nghe cảm thấy tác giả thiếu sự trân trọng, yêu thương với tiếng Việt. Bởi ngôn ngữ mẹ đẻ mà chúng ta đang sử dụng hoàn toàn có thể giúp người sáng tác thể hiện hết tất cả tâm tư, tình cảm của mình, ngay cả những nỗi niềm riêng tư, thầm kín nhất.
Trong lịch sử ca khúc âm nhạc Việt Nam có biết bao bài hát bất hủ, đi cùng năm tháng mà các nhạc sĩ không hề phải sử dụng bất kỳ một chữ nước ngoài nào. Nhiều khi chính việc sử dụng tiếng nước ngoài - tưởng như một cách giao thoa với thế giới - lại trở nên kệch cỡm. Cả khán giả trong nước lẫn khán giả ngoài nước đều không hiểu ca khúc ấy thuộc thể loại gì. Đó là chưa kể tới việc phản tác dụng ngay khi tiếp cận công chúng trong nước bởi không phải khán giả Việt nào cũng hiểu những lời tiếng Anh, nhất là những khán giả lớn tuổi ở các vùng sâu, vùng xa.
Việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các sản phẩm âm nhạc tràn lan không chỉ khiến những tác phẩm kém thuần Việt, trở nên "nửa nạc nửa mỡ" mà chính chủ nhân của chúng đã vi phạm quy định của Nhà nước. Theo quy định trong Pháp lệnh Quảng cáo, tên album hay tên các chương trình đều phải được Việt hóa. Nếu có sử dụng tiếng nước ngoài thì ngôn ngữ ấy phải đặt ở dưới tiếng Việt và kích cỡ tối đa chỉ được bằng 2/3 chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, hầu hết các ca sĩ Việt khi làm album đều phớt lờ quy định này.
Một trong những cách lách luật phổ biến hiện nay của các ca sĩ là khi xin cấp phép thì vẫn ghi tên tiếng Việt, có tên tiếng Anh nhưng rất nhỏ. Tuy nhiên, sau khi ra thành phẩm thì tiếng Việt lại nhỏ xíu còn tiếng nước ngoài lại áp đảo. Khi nộp hồ sơ xin cấp phép, các ca sĩ chủ yếu chỉ cung cấp văn bản về nội dung bài hát, ít có người nào tự nguyện nộp phần thiết kế bìa đĩa.
Một trong những vấn đề đặt ra trong việc xét duyệt ca khúc, quản lý băng đĩa là lâu nay, các cơ quan chức năng mới chỉ xem ca khúc đó có vấn đề gì về chính trị, có liên quan tới thuần phong mỹ tục hay không mà ít để ý việc ca khúc đó sử dụng ngôn ngữ như thế nào. Trong khi đó, ngôn ngữ cũng là văn hóa. Giữ gìn sự phong phú, trong sáng của tiếng Việt cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Và ngược lại, việc tồn tại những ca khúc lai căng đã vô tình gây tổn hại đến ngôn ngữ - vốn quý của dân tộc, đẩy thế hệ trẻ xa rời những giá trị văn hóa truyền thống.
Phía các nhà quản lý cho rằng đang tồn tại một bất cập là những quy định không cho phép album hay chương trình mang tên nước ngoài áp dụng theo Pháp lệnh Quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ xét album hay chương trình ca nhạc ở phương diện một sản phẩm quảng cáo thì có lẽ chưa thật chính xác. Vì vậy không thể cấm các ca sĩ, nhà sản xuất lấy tên nước ngoài đặt cho những sản phẩm tinh thần của mình. Phần lớn những đơn vị sản xuất đều theo cách "tiền trảm hậu tấu". Khi nhà quản lý biết thì mọi chuyện cũng đã rồi. Và tất cả đều được cho qua.
Giao thoa, hội nhập với thế giới là xu hướng chung và thực sự cần thiết với âm nhạc trong giai đoạn hiện nay nhưng chắc chắn không phải là cách vay mượn ca từ nước ngoài một cách vô tội vạ như vậy. Hơn bao giờ hết, để giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, các nhạc sĩ, các ca sĩ cần ý thức hơn nữa để cho ra đời những tác phẩm thuần Việt thay vì những đứa "con lai" như hiện nay