Nhạc sĩ lao đao chuyện tác quyền

Thứ Bảy, 07/05/2016, 07:33
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2016 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012 (Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu), các nhạc sĩ đã rất vui mừng. Với nghị định sửa đổi này, quyền tác giả đã được pháp luật công nhận chính thức. Nhưng khi Thông tư 01/2016 hướng dẫn thi hành Nghị định 15 ban hành mới đây, niềm vui nhanh chóng hóa thành... ngỡ ngàng. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và các nhạc sĩ đã có một buổi họp đột xuất bày tỏ sự bức xúc trước Thông tư bị cho là "cãi" Nghị định này. 


Trong khi đó, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn - đơn vị soạn thảo - lại khẳng định Thông tư không đi ngược lại tinh thần Nghị định. Vì Nghị định nói rõ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nơi cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn sau khi các đơn vị này nộp đầy đủ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép; nội dung chương trình… và đặc biệt phải có "một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả".

Nghĩa là Nghị định đưa ra 3 phương án để người xin phép sử dụng tác phẩm lựa chọn: có thể làm cam kết hoặc nộp bản sao hợp đồng hay văn bản thỏa thuận. Và Thông tư 01 đã đưa ra quy định chi tiết về mẫu cam kết để các tổ chức, cá nhân biết và sử dụng cho đúng.

Nhưng theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, thì điều các nhạc sĩ bức xúc là Nghị định bảo phải có văn bản cam kết với các tác giả và chủ sở hữu quyền, thì Thông tư lại đưa ra mẫu cam kết với nơi cấp phép (Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chứ không phải với tác giả.

Chi trả tiền tác quyền vẫn chưa được các cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn thực hiện nghiêm túc (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Nếu đây là mẫu đơn mà đơn vị tổ chức cam kết với cơ quan cấp phép thì ít nhất cũng phải có chữ ký của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Đằng này, mẫu đơn này không đả động gì. Như vậy là đã "gạt" các tác giả ra rìa, khiến họ không thể giám sát được việc thực thi chi trả tiền tác quyền. Như vậy nếu sử dụng phương án 1 thì đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này với cơ quan cấp phép trong bộ hồ sơ, mà không cần biết là tác giả, chủ sở hữu có biết và có đồng ý hay không.

Dù đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã khẳng định rằng: nếu người sử dụng tác phẩm không thực hiện đúng cam kết thực thi quyền tác giả sau khi đã được cấp phép, họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nhưng các nhạc sĩ vẫn lo lắng vì lúc đó không biết nhạc sĩ nên "chạy theo" ai (cơ quan cấp phép hay bầu sô) để đòi tác quyền?

Câu chuyện tác quyền là vấn đề đầy "trần ai khoai củ" với các nhạc sĩ. Ồn ào nhất phải kể đến vụ nhạc sĩ Phó Đức Phương đến tận điểm biểu diễn đòi tiền tác quyền show diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Việt Nam vào tháng 8-2014.

Động thái quyết liệt của nhạc sĩ Phó Đức Phương bị công chúng chỉ trích nhiều hơn là thông cảm. Gần đây, nhạc sĩ Giao Tiên lên tiếng việc Trung tâm Vân Sơn lờ tiền tác quyền. Ông kể, năm 2005, khi chuẩn bị chương trình ở hải ngoại, nghệ sĩ Vân Sơn - Giám đốc trung tâm có gọi cho ông để hỏi xin một số bài hát. Ông chuyển cho trung tâm hơn 10 bài. Nhưng sau đó thì trung tâm im ắng, không đả động gì đến tiền bản quyền.

Nhạc sĩ Giao Tiên nhiều lần gọi điện thoại, gửi thư sang Mỹ nhưng không có hồi âm. Nhạc sĩ Hà Phương, Hàn Châu, cố nhạc sĩ Hoàng Phương, cố nhạc sĩ Thanh Sơn... cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đáng buồn khi gần đây, Vân Sơn về Việt Nam thành lập trung tâm nhưng anh vẫn chưa giải quyết triệt để tiền tác quyền cho các nhạc sĩ.

Có người mỉa mai: "Các nhạc sĩ sướng quá. Viết ra một bài hát rồi ngồi đó mà ăn tiền cả đời". Họ không hiểu rằng bỏ tâm sức cả đời, thậm chí vắt kiệt để làm nên những bài hát đi vào lòng người nhưng số tiền nhạc sĩ nhận lại chỉ "ba cọc ba đồng" trong khi ca sĩ nổi danh và có mức cát sê ngất ngưởng nhờ vào những bài hát đó.

Rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử được phát trên truyền hình, đài phát thanh... nhưng tiền tác quyền mỗi quý ông nhận được chưa tới 10 triệu. Bệnh tật, đời sống ở thành phố đắt đỏ khiến cuộc sống của ông thêm chật vật. Nhiều nhạc sĩ nói vui, trông mong vào tiền tác quyền thì chỉ có chết đói.

Có người còn mạnh miệng: "Được ca sĩ hát là may rồi. Nhờ vậy bài đó mới nổi tiếng". Nhạc sĩ Trần Minh Phi rất bức xúc đáp trả: "Cứ ví bài hát như cái mặt bằng mà chúng tôi là chủ, ai dùng đến nó để kinh doanh thì phải trả tiền mặt bằng hoặc chí ít là xin phép chúng tôi chứ sao anh tự tiện bày bán thế được". Bài hát là tài sản tinh thần của nhạc sĩ, đứa con mà nhạc sĩ đã bỏ nhiều tâm sức, trí tuệ để sáng tạo nên. Nhiều nhạc sĩ khá thoải mái với việc cho người khác sử dụng tác phẩm của mình. Họ không yêu cầu chi trả tiền tác quyền nhưng muốn sử dụng kinh doanh phải có lời xin phép. Tiếc thay, phép lịch sự này cũng hiếm hoi trong đời sống nhạc Việt.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng buồn bã khi trong mắt công chúng, nhạc sĩ vẫn là cái bóng mờ sau lưng ca sĩ. Chẳng hạn nhắc tới "Giăng câu" người ta nhớ ngay đến ca sĩ Đình Văn - Tài Linh, nhắc tới "Tình cây và đất" người ta nhớ tới Thu Hiền, "Sao em nỡ đành quên" là Đàm Vĩnh Hưng... Như nhạc sĩ Thanh Bình, phải đến khi ông nằm xuống trong nghèo túng thì người ta mới giật mình biết về thân thế cha đẻ bài "Tình lỡ" nức tiếng. Thông tin tác giả mờ nhạt nên chuyện tác quyền của một số nhạc sĩ rơi vào im lặng.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cho rằng Thông tư 01 có thể khiến tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng nhiều hơn.

Riêng tình trạng bài của người này mà đứng tên người kia khiến chuyện chi trả tiền tác quyền rối như canh hẹ. Trong chương trình ca nhạc của một trung tâm hải ngoại, bài "Mắt Diễm buồn" của Tô Thanh Tùng đột nhiên bị biến thành bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Còn "Tôi yêu em" thì bị ca sĩ T.C. nhận là bài của mình.

"Bạn bè lên tiếng giúp, trung tâm này mới cho người về Việt Nam trả tiền bản quyền cho tôi. Mỗi bài 200 USD. Đây là mức giá khá cao chứ nhiều chỗ khác chỉ mấy chục ngàn đồng lấy lệ" - ông cho biết. Lần khác, bài "Sút sút sút nữa đi" của ông lại bị nghệ sĩ B.Q. hát trên truyền hình và nhận luôn là của mình. Nhạc sĩ Giao Tiên cũng một thời làm giới âm nhạc xôn xao khi đòi lại quyền tác giả cho một số bài hát mà lâu nay bị nhạc sĩ V.S "cầm nhầm". Sau đó, V.S phải xin lỗi, trả lại tên cho ông. Các nhạc sĩ mệt mỏi khi tình trạng "cầm nhầm" khiến tiền tác quyền bị lờ tịt.

Lắm người cậy chỗ thân quen, nhờ nhạc sĩ sáng tác một, hai bài. Chính vì quen, nên họ dễ dàng quỵt. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng được nam ca sĩ nổi tiếng H. đặt viết bài "Xót xa 2" để trình diễn trong một đêm nhạc. Đêm diễn vang dội, bài hát giúp H. vô cùng đắt show nhưng cả năm liền H. không hề liên lạc với ông. Đến khi ông vào viện, báo chí loan tin, anh chàng tìm đến gửi tiền coi như vừa giúp đỡ, vừa trả luôn tiền mua bài hát.

Ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam thừa nhận, dù Việt Nam đã tham gia Công ước Berne và các điều ước quốc tế như Brussels, Rome... thế nhưng khi các vụ xâm phạm bản quyền xảy ra, người sở hữu quyền vẫn rất chật vật để đòi lại quyền lợi. Các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam còn khiêm tốn, không đủ sức bảo vệ nhạc sĩ. Ở lĩnh vực âm nhạc chỉ có Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV); Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO). Nghị định 15 thắp lên niềm hy vọng về một làng âm nhạc tử tế, biết trân trọng tài năng và tác phẩm của nhạc sĩ thì giờ đây Thông tư 01 với lỗ hổng gây tranh cãi đang làm giảm sút hy vọng mong manh ấy.

Nguyễn Trang
.
.