Tô Thanh Tùng:

Nhạc sĩ của làng quê Nam Bộ

Thứ Hai, 17/08/2015, 08:18
Vào những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nền âm nhạc của miền Nam đã xuất hiện một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc đi vào lòng người như: "Hồng Ngự mang tên em", "Giã từ", "Sao em nỡ đành quên", "Xót xa", "Tình cây và đất", "Giăng câu", "Tiễn biệt", "Tình em Tháp Mười", "Về miền Tây"... Giai điệu cùng ca từ trong những nhạc phẩm này đậm chất trữ tình và chất chứa nhiều tâm sự. Người sáng tạo ra những ca khúc ấy chính là nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.

Tô Thanh Tùng và dòng nhạc Bolero

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm Giáp Thân (1944) tại vùng đất Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tuy sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bản thân nhạc sĩ Tô Thanh Tùng lại đam mê âm nhạc từ nhỏ. Vì thế, trong lòng ông lúc nào cũng quyết tâm theo đuổi âm nhạc đến cùng.

Để sáng tác được ca khúc, ông mất nhiều thời gian và công sức khi phải tự mày mò tìm hiểu về nhạc lý thông qua những quyển sách dạy nhạc do các nhạc sỹ của thế hệ trước để lại. Đến năm 1963, khi 19 tuổi, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã cho ra đời nhạc phẩm đầu tiên có nhan đề "Hồng Ngự mang tên em". Ca khúc này cũng là ca khúc khởi đầu cho người nhạc sĩ của mảnh đất miền Tây gắn bó với dòng nhạc trữ tình Bolero.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.

Hầu hết những sáng tác của nhạc sỹ Tô Thanh Tùng ở thể loại trữ tình đều là những cuộc tình xâu chuỗi lại. Phải chăng thời trai trẻ ông đã yêu nhiều và luôn hết lòng với tình yêu, nên ông đều gửi gắm tâm sự vào trong từng lời ca, nốt nhạc. Tiêu biểu cho những cuộc tình này là ca khúc "Sao em nỡ đành quên".

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể: "Năm 1965, tôi rời quê nhà Đồng Tháp lên Sài Gòn học trường luật. Kỳ nghỉ hè sau khi kết thúc năm học đầu tiên, về quê nhà Hồng Ngự, tôi gặp lại cô bạn gái chung xóm tên T. Trong buổi gặp gỡ ấy, cô T lúc bấy giờ mới 17 tuổi đã thổ lộ "tình cảm đặc biệt" với tôi. Nhưng vì đang còn đi học, chưa muốn ràng buộc, nên tôi đã từ chối mối tình trong sáng này. Đêm về, trong sự day dứt, tôi đã viết ca khúc "Sao em nỡ đành quên" tặng cho cô bạn gái tên T với câu mở đầu là một lời trách móc rất con gái: "Sao em nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm/ Sao em nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ…".

Ca khúc "Giã từ" cũng thế. Ông kể: "Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao quận 1 bởi quán này có một người con gái rất đẹp tên D làm nhân viên thu ngân. Tôi biết cô ấy để ý tôi vì thời điểm đó tôi có sáng tác bài "Mắt Diễm buồn" được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với cô bạn này khá ngắn ngủi, khi cô nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ, nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc "Giã từ".

Năm 1971, Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ tên T.V có giọng hát hay, ông liền mời cô từ Sa Đéc - Đồng Tháp lên Sài Gòn thu âm bài "Giã từ" để gửi cho Đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn lúc bấy giờ) lại từ chối vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng. Trong khi đó, T.V. chỉ là một ca sĩ không có tiếng tăm. Nhưng khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp.

Không ngờ với giai điệu trữ tình Bolero, cộng hưởng cùng chất giọng da diết của ca sĩ T.V., ca khúc "Giã từ" đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Cô ca sĩ của vùng quê Sa Đéc cũng nổi tiếng từ đó.

Với giai điệu mượt mà, ca từ mộc mạc, gần gũi, hầu hết các nhạc phẩm của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thường đem lại cho người nghe cảm giác buồn man mác, pha lẫn ngậm ngùi. Tuy nhiên, câu kết trong các bài hát của ông đều rất có hậu. Khi tôi hỏi về điều này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng nói rằng: "Tình yêu dù đã ra đi nhưng vẫn nên giữ lại những điều ngọt ngào về nhau. Từ suy nghĩ ấy, nên trong những câu kết của bài hát, tôi đều hướng đến những điều tốt đẹp chứ không ủy mị, thê lương. Điển hình như trong bài "Giã từ", kết thúc là câu hát "Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người". Còn trong bài "Tiễn biệt" câu kết là "Chúc em phương đó có nhiều tương lai, với bao mong ước đong đầy trong tay"…

Không đóng khung mình

Dù rất thành công với dòng nhạc trữ tình Bolero, nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không muốn "đóng khung" mình ở một thể loại. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, khi chương trình "Mưa bụi" gây được tiếng vang trên thị trường âm nhạc lúc bấy giờ, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng lại một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên khi trình làng ca khúc "Giăng câu" hết sức dân dã, do Đình Văn và Tài Linh trình bày.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và bạn bè.

Nhạc phẩm "Giăng câu" khác hẳn những sáng tác trước đây của ông, bởi nó mang âm hưởng dân ca Nam Bộ rõ rệt. Ca từ trong ca khúc "Giăng câu" gần gũi, được đại bộ phận giới bình dân yêu thích: "Em hỏi anh đêm nay đi đâu?/ Anh nói rằng anh đi giăng câu/ Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu/ Anh có cây sào anh chống ào ào, chống ào ào…".

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã viết hàng trăm nhạc phẩm. Nhạc của ông mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, chất chứa trong đó là tình yêu và tâm huyết với quê hương và con người Nam Bộ. Ca khúc của ông mang vẻ đẹp của tình đất tình người vùng đất phương Nam, nên dễ tạo sự đồng điệu từ phía thính giả yêu âm nhạc.

Những sáng tác của Tô Thanh Tùng giàu tính trữ tình, ca từ thấm đẫm chất thơ và giai điệu du dương, làm mê đắm lòng người. Tác giả Giang Điền, người từng viết lời vọng cổ cho nhiều ca khúc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng chia sẻ: "Nhiều ca khúc của ông đã thấm sâu vào hồn tôi, gợi cho tôi nhớ những câu dân ca của những bà mẹ ở miền quê hát ru con ngủ...". Ca sĩ Khang Lê bộc bạch: "Tôi rất thích những ca khúc của ông không chỉ vì giai điệu mộc mạc, gần gũi mà còn vì ca từ được ông sử dụng khá trau chuốt, sâu sắc và ý nghĩa...".

Hơn 10 năm qua, người nhạc sĩ của vùng đất miền Tây Nam Bộ này về Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mua đất làm vườn, vui thú điền viên. Tính ông hiền lành, không màu mè, khách sáo, luôn cười sảng khoái đúng kiểu nông dân Nam Bộ. Mỗi lần khách tới thăm, ông cầm đàn chơi và thể hiện những đứa con tinh thần của mình cho khách nghe. Ông hát bài "Giăng câu" nghe rất xúc cảm như mình đang ở vùng Đồng Tháp Mười chống sào đi câu cá; khi hát ca khúc "Sao em nỡ đành quên" thì ngậm ngùi, man mác; còn ca khúc "Giã từ" thì được ông thể hiện thật da diết, nồng nàn. Và đến nhạc phẩm "Tình cây và đất" thì vô cùng trong sáng, dễ thương.

Hiện nay, trong các tiệc cưới ở nhà hàng hay những đám cưới ở nông thôn, nhiều người chọn ca khúc "Tình cây và đất" của nhạc sỹ Tô Thanh Tùng để chúc phúc cho cô dâu chú rể vì ca từ trong nhạc phẩm này rất phù hợp với ngày cưới của đôi vợ chồng son chẳng hạn như "Trời se duyên nên khiến anh gặp em/ Cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh/ Rồi mai đây anh là đất, em là cây/ Vĩnh phúc cho ai biết rằng, từ đó mùa xuân vĩnh hằng…".

Có lẽ với nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, âm nhạc như chính ông ở ngoài đời. "Tôi được sinh ra và lớn lên ở quê hương Nam Bộ. Mà tính cách của con người Nam Bộ thì mọi người đã biết rồi: Bộc trực, thẳng thắn, chân thành và giản dị. Mặc dù là người có chút tiếng tăm, nhưng tôi không bao giờ thay đổi tính cách này được" - nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tâm sự.

Hơn 50 năm gắn bó với công việc sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã để lại cho nhân gian nhiều ca khúc hay ngợi ca về quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa.v.v… Với những thành quả mà nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã có được, hi vọng trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục phát huy tài năng của mình, ngày càng có thêm nhiều sáng tác hay, để tô điểm cho đời, tô thêm sắc màu cho cuộc sống.

Phạm Thái Bình
.
.