Nhạc sĩ Vũ Thảo: Tôi đã đồng hành với anh em cảnh sát suốt 500 tập phim

Thứ Sáu, 19/06/2009, 16:30
Đã có nhiều ca khúc về đề tài người chiến sĩ cảnh sát nhân dân nhưng có được thành công như "Cảnh sát hình sự" của nhạc sĩ Vũ Thảo không phải là nhiều. Chính vì thế đã đôi lần tôi có ý định viết về sự nghiệp sáng tác cùng những tâm sự của ông khi sáng tác "Cảnh sát hình sự". Nhưng lần nào Vũ Thảo cũng "khất". Ông "khất" vì bận công việc mà cơ quan chủ quản giao.

Vũ Thảo "khất" còn vì một lý do nữa: Ông rất ngại nói về mình. Ông cho rằng việc sáng tác nhạc, viết bài hát là chuỵên thường ngày ở hãng phim, như bác đạo diễn, như chú quay phim, như chị hóa trang, như các anh chị diễn viên... chẳng có gì đáng nói.

Nhưng tôi nghĩ, báo chí đã có nhiều bài viết xung quanh những người làm phim, vậy thì chuyện về nhạc sĩ Vũ Thảo cũng rất đáng viết. Thôi thì không dựng thành chân dung như các "nhà này", "nhà khác" mà chỉ là chắt lọc đôi dòng tâm sự từ cuộc trò chuyện giữa ông với tôi trong một cuộc bia hơi cuối chiều thứ Sáu, tháng 5 này.

Hôm trước đọc một bài báo viết rằng, từ năm 2004 bác đã giữ "kỷ lục Guinness" về việc viết nhạc cho phim truyền hình. Từ ấy đến nay, vẫn thấy tên Vũ Thảo xuất hiện đều đều trên các phim dài tập, chắc kỷ lục ấy bác vẫn giữ vững?

+ Mình là người của Hãng phim truyền hình từ ngày mới "khai thiên lập địa", với nhiệm vụ của một nhạc sĩ nên tên xuất hiện nhiều trên các chương trình phim là đương nhiên. Nói là kỷ lục Guinness có vẻ to tát quá, mà cũng không nên. Nhưng điều này thì mình dám chắc, cho đến nay ca khúc "Cảnh sát hình sự" đang giữ kỷ lục về số lần sử dụng trên phim truyền hình.

Năm trước, nhân kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức giao lưu với một số văn nghệ sĩ có nhiều sáng tác về lực lượng này, NSND Khải Hưng và nhà văn Phạm Ngọc Tiến có nói rằng: Hãng phim truyền hình đã xây dựng được khoảng 500 tập thuộc seri phim "Cảnh sát hình sự". Và như thế, trong thành tích chung của hãng, ca khúc của mình cũng được sử dụng ngần ấy lần.

- Đó là một ca khúc có giai điệu hay, ca từ đẹp mà hàm súc. Nhất là những câu đầu: "Những bàn chân lặng lẽ/ Giữa dòng đời như nước cuốn/ Chập chờn trắng đen/ Không thể nhìn thấy đáy" và những câu cuối: "Ai giữ ngọn lửa qua đêm đen?/ Ai đếm được những bàn chân vô danh/ Gửi làn hương thầm theo về trong gió/ Suốt chặng đường gian nan...". Không có một chữ "công an", "cảnh sát" hay "trinh sát" nào, thế mà người nghe vẫn hiểu bác đang dựng chân dung người chiến sĩ cảnh sát nhân dân qua ca từ giàu hình ảnh và thi pháp...

+ Đó là cảm nhận của ông, và có thể, nhiều người cũng nghĩ như vậy. Thực ra khi nhận được những tập kịch bản "Cảnh sát hình sự" mình nghiền ngẫm rất lâu và nhận thấy rằng viết ca khúc và giai điệu về lực lượng này không thể như viết về anh bộ đội.

Bên Quân đội ra trận thường là: "Rầm rập bước chân ta đi/ Rung chuyển đường phố Sài Gòn" hay" "Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác"...v.v... rất hào sảng và phù hợp với khí thế của những đoàn quân chống xâm lăng trước đây và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Viết về Lực lượng Cảnh sát với những hy sinh thầm lặng phải nhìn, phải nghe, phải nghĩ  về họ theo một cách khác. Mỗi khi chuyên án mở ra, chỉ một vài trinh sát, một vài điều tra viên được giao nhiệm vụ. Những chuyến đi của họ không kể thời gian, không kể không gian...

- Xin được ngắt lời bác. Ban nãy bác có nói về công việc sáng tác nhạc cho phim là chuyện thường ngày. Nhiệm vụ của những người cảnh sát là chống tội phạm nên những chuyến đi làm án của họ cũng là chuyện thường ngày?

+ Nhưng chuyện thường ngày của họ là gian khổ, là cận kề hiểm nguy... Với tôi khi thực thi nhiệm vụ, được ngồi trong phòng, bên cây đàn, đọc kịch bản, ngẫm ngợi rồi viết. Còn với những người trinh sát thì có lệnh là lập tức lên đường và đúng như tôi đã viết: "Từ trong bão giông, vẫn nghe tiếng gọi".

Đó là tiếng gọi của chỉ huy ngay sau khi có một vụ án cụ thể vừa xảy ra... Nhưng đó cũng là tiếng gọi của trái tim người cảnh sát... Không thể và cũng không nỡ để chậm một giây, một phút trước sự đe dọa đến tính mạng và sự mất mát tài sản của người dân. Ngoài ra, tôi cho rằng, nhiệm vụ của người cảnh sát, đâu chỉ là đi bắt tội phạm, điều tra án mà họ còn là người giữ gìn ngọn lửa niềm tin về sự bình yên cuộc sống trong lòng dân...

- Vậy là từ am hiểu về những hy sinh thầm lặng, những công lao của người cảnh sát mà trong âm nhạc bác đã thi vị hóa thành những câu hát: "Ai giữ ngọn lửa qua đêm đen/ Ai đếm được những bàn chân vô danh...".

+ Tôi đã hiểu về họ nhưng khó mà hiểu hết. Đến bây giờ, qua hàng trăm tập trong seri phim "Cảnh sát hình sự", tôi nghĩ rằng mình đã được đồng hành với anh em cảnh sát suốt hơn 10 năm qua cũng như trong những năm chống Mỹ trước đây, tôi được đồng hành với anh bộ đội ra mặt trận.

- Từ ngày làm quen "mạng", thỉnh thoảng em có tìm các tư liệu về bạn bè và cũng đã vào ô "Nhạc sĩ Vũ Thảo". Nhưng trên mạng viết về bác chỉ có đôi dòng ít ỏi, rằng bác tốt nghiệp Khoa Kèn và Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, nhưng chưa thấy nói đến những ngày bác vào chiến trường?

+ Mình vào chiến  trường với nhiệm vụ của một anh lính kèn. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, mình được bổ sung vào một đoàn ca múa. Hàng năm, cứ đến mùa khô, đoàn của mình lại chia nhỏ thành các đội văn công xung kích đi chiến trường  phụ vụ anh em bộ đội. Mình còn nhớ, đội của mình ngày ấy có Phạm Anh Tuấn kéo Acoócđêông, anh Đỗ Lộc thổi sáo và mình thổi kèn Clarinét.

Cùng với hai, ba ca sĩ trong đó có NSND Anh Đào, vài diễn viên múa, bọn mình có mặt ở hầu khắp các trọng điểm từ Quảng Bình đến Quảng Trị và sang cả Nam Lào biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Những ngày tháng đó, văn công xung kích bọn mình cũng trải qua mưa bom, bão đạn, cũng nhiều ngày chịu đói khát và có người bị sốt rét đến rụng tóc, bợt da...

- Có lẽ vì thế mà trong số những sáng tác về thân phận người lính và người thân của họ, ca khúc "Mẹ chồng tôi" của bác có những câu hát rất cảm động như: "Con đường nào mẹ đã đi qua/ Hằn vết chân trâu gập ghềnh cuống rạ/ Một ngày tiễn chồng, lại một ngày tiễn con/ Mất mát lặn vào trong..." do NSND Mai Tuyết thể hiện đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ.

+ "Mẹ chồng tôi" là một những ca khúc đầu tay mình sáng tác cho phim truyền hình. Ngày Hãng mới thành lập, bộ phim nào cũng được các đạo diễn đưa cho mình viết nhạc và sáng tác ca khúc. May sao tất cả những ca khúc đều đứng được, từ: "Mùa hoa cải bên sông", "Trăng muộn" đến "Mẹ chồng tôi"... Nhưng còn một điều này, chắc là rất ít người biết, kịch bản phim "Mẹ chồng tôi" cũng do mình viết.

- "Mẹ chồng tôi" là một bộ phim hay, đến bây giờ khán giả truyền hình vẫn không thể nào quên được ba nhân vật: Bà mẹ do nghệ sĩ Thu An đóng, cô con dâu qua sự thể hiện của nữ diễn viên xinh đẹp Chiều Xuân và anh thương binh do nghệ sĩ Trần Lực điển trai hóa thân. Nhưng trên Giênaric giới thiệu tác giả kịch bản lại là Quang Huy?

+ Quang Huy là tên con trai mình. Sau này mình còn viết một số kịch bản khác nữa ký tên con gái Hương Hạnh. Chuyện về "Mẹ chồng tôi" là thế này: Một lần đọc được truyện ngắn của tác giả Nguyễn Minh Chính trên một tờ báo, thấy có chi tiết của phim truyện mình phóng tác thành kịch bản. Cũng không ngờ phim ra mắt cũng xem được.

- Không chỉ "xem được" mà nhiều người nhận xét đó là một trong những phim hay trên truyền hình Việt Nam. "Mẹ chồng tôi" cũng như  "Cảnh sát hình sự", dẫu có lẫn giữa "dòng phim và dòng ca khúc như nước cuốn" hiện nay cũng không thể "vô danh".

Có thể ví: Đó là những tác phẩm "gửi hương thầm theo về trong gió", suốt chặng đường nhạc sĩ Vũ Thảo đóng góp cho phim truyền hình Việt Nam. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này

Nguyễn Xuân Hải
.
.