Nhạc sĩ Vinh Sử: Đau đáu cuối chiều một chữ yêu

Thứ Ba, 10/09/2013, 08:00

"Đau lắm. Đau đến mức mấy ngày nay tui không chợp mắt được. Biết đau đến mức này, tui thà không mổ, ở nhà uống ...". Chưa nói hết câu, cơn ho sù sụ kéo đến. Khuôn mặt ông nhăn lại, cánh tay ôm chặt ổ bụng chằng chịt dây nhợ, bông băng, giữ cho nó khỏi rung lên bần bật theo từng cơn ho. "Vua nhạc sến" thều thào tiếp câu nói đứt đoạn: "…thuốc chuột!".

1. Trong góc phòng Ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tác giả những tình khúc nổi tiếng một thời như "Mưa bụi", " Nhẫn cỏ cho em "… quằn quại trong cơn đau rỉ rả, dai dẳng như cơn mưa chiều lạc ngoài cửa sổ. Nhạc sĩ Vinh Sử nằm đó, đã hơn mười ngày trời. Bụng chướng lên nhằng nhịt những ống dẫn nước, dẫn dịch truyền... Chiếc túi đựng chất thải lủng lẳng trên bụng. Giờ phút này cho đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông phải sống chung với nó. Như một định mệnh. Như một ràng buộc khủng khiếp mà ông không hề muốn. Ca phẫu thuật hoàn thành cuối tháng 8. Bác sĩ cắt bỏ khối u ở vết mổ của ca phẫu thuật ung thư trực tràng cách đây hai năm. Hai năm trước, ông ăn uống khó khăn, đi đại tiện đau rát ê ẩm. Xét nghiệm, ông suýt ngất khi biết mình bị ung thư trực tràng. Chút tiền dành dụm cho lúc cơ nhỡ tuổi già ông dồn hết cho ca phẫu thuật cắt bỏ trực tràng, những mong mình khỏe lại để tiếp tục sáng tác nhạc. Ngày xuất viện sau ca phẫu thuật, ông mừng lắm. Vậy là từ nay ăn uống ngon lành, khỏe mạnh như ai. Nhưng ông đi đại tiện vẫn khó. Uống một gói thuốc không thấy "xi nhê" gì, ông "quất" luôn hai gói, cộng thêm mấy viên thuốc nữa mà việc đại tiện vẫn mất tự chủ.

Căn nhà trọ chưa tới 10m2 ở  quận 7 lúc nào cũng cửa đóng im ỉm, ít người lai vãng. Ông sợ mùi xú uế thường trực của căn nhà làm người ta nhăn mũi, nôn mửa. Bạn bè thân hữu cũng ít gặp dần. Vả lại làm thế, ông mới có thể tập trung sáng tác. Một người đàn ông, một cây đàn, lầm lũi trong căn trọ chật hẹp đầy giấy báo lót dưới sàn. Thỉnh thoảng, người ta nghe thấy tiếng đàn buông ra từ nơi ấy, có tiếng hát đàn ông khàn khàn, dăm phút đứt quãng lỡ nhịp. Rồi im lặng, rồi lại vang lên da diết, u hoài. "Cái bụng nó hành ghê lắm. Nó mà lên cơn, đang sáng tác phải bỏ cây đàn mà chạy vô nhà vệ sinh. Vừa quay ra là mấy câu từ, nốt nhạc dự định viết bay đi đâu hết. Vò đầu bứt tóc hoài mà cũng không nghĩ ra được" - Nhạc sĩ Vinh Sử cười chua chát.

Do bệnh tật như vậy, nên mỗi lần ông đi gặp gỡ bạn bè, xe qua chỗ nào hơi xóc là tự dưng phân chảy đầy quần. Sắp tới chỗ hẹn, ông phải quay đầu xe chạy về nhà. Đường xa quá thì tìm chỗ nào có nhà vệ sinh rồi tấp vào. Vào nhà vệ sinh nam, ông cởi ra hết, giặt giũ lại đàng hoàng. Lần đầu giặt bằng nước lã nên vẫn còn mùi. Về sau, hễ đi xe là ông thủ sẵn … nước rửa chén. Ông bảo nước rửa chén lẹ hơn bột giặt và có mùi thơm, đỡ dùng nước xả vải, lại dễ mang theo. Giặt xong, vắt sạch, hong hong cho bớt nước rồi mặc. Bạn bè thắc mắc: "Ủa sao quần ướt hết trơn vầy nè?". Ông gãi đầu, gãi tai cười hì hì: "Tui vô nhà vệ sinh, lỡ vặn vòi nước mà sơ ý để nó xối vào người". Vậy là thôi, hết nghi ngờ. Bạn bè nào thân, biết bệnh tình của ông thì đều thông cảm, ông không nói dối làm gì.

Nhạc sĩ Vinh Sử đang điều trị bệnh u trực tràng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bệnh tình vậy nhưng mỗi lần tái khám vị bác sĩ lại vỗ vai: "Yên tâm đi, uống thuốc mấy bữa nữa là chú quen hà". Ông nghe, bụng bảo dạ rằng yên tâm. Ba tháng sau, thấy ông nhăn nhó vì "hổng quen", vị bác sĩ lại vỗ vai: "Yên tâm đi bác, mấy bữa nữa là bình thường hà". Sáu tháng sau vẫn cái vỗ vai đó. Một năm sau, vẫn cái vỗ vai đó. Chờ hoài mà ông vẫn "hổng quen", riết rồi ông đâm nản, đành sống chung với căn bệnh "hôi hám" trọn hai năm. Đến khi "hổng quen" thành "hổng chịu nổi" thì ông phải cầu cứu bệnh viện. Lần này, các bác sĩ phát hiện ở vết mổ cũ xuất hiện khối u. Vậy là phải cắt, nếu không ông sẽ chết. Hai năm ròng, cơn đau không cho ông sáng tác sung sức như trước được nữa. Tiền chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra số tiền khổng lồ cho ca phẫu thuật. Nghĩ tới, nước mắt ông lại chực ứa ra. May thay, biết tin nhạc sĩ Vinh Sử lâm bệnh, các nghệ sĩ giúp đỡ mỗi người một ít, ông mới có đủ tiền lên giường mổ.

2. Cuộc phẫu thuật khiến lưỡi ông bị rụt lại, nghe giọng hơi đơn đớt, nói năng khó khăn. Mấy hôm trước có nhiều người đến thăm, nói chuyện chưa được dăm câu, ông đã thở dốc. Lấy chút hơi sức, ông nói cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều nghe. Nghe giọng điệu, khách biết mình bị đuổi khéo. Vậy là ra về. Nghe bước chân nặng trịch của bạn bè, đôi mắt ông nhìn trân trân theo vòng quay đều của cánh quạt trần mà buông tiếng thở dài. Bạn bè nhiệt tình, thương mến mình mới ghé thăm, vậy mà mình nỡ... Biết làm sao, khi nghe tiếng râm ran, ồn ã, cơn đau của ông thêm nhói thắt. Ông ghét lây cả chiếc ti vi "lắm chuyện" trong phòng, ghét luôn nhóm bạn ồn ào, say xỉn vào thăm ông làm huyên náo một góc. Kể từ ngày mổ, thân ông cứ như đóng đinh vào chiếc giường, muốn trở mình là điều không tưởng. Nhìn người ta ăn, ông thèm đến cháy cổ nhưng cũng không được bác sĩ cho nhấp nháp bất cứ thứ gì, kể cả nước. Mọi dưỡng chất, nước uống đều truyền vào bằng những sợi dây to nhỏ cắm sâu vào da thịt. Nhìn nó, ông sợ, nỗi sợ hãi ám ảnh bởi đau đớn. Cơn đau của cuộc phẫu thuật cộng thêm cái ê ẩm của thân xác càng khiến ông thêm vật vã. Đau đớn đến mức bao lần ông xin bác sĩ cho ông uống thuốc độc để được chết. Chết nhẹ nhàng hơn cuộc hành xác khủng khiếp này chăng?

Người vợ lau nước mắt, xoa bụng cho chồng để ông dịu cơn. Ngày ông lâm bệnh, ghé qua thăm, bà không cầm lòng được khi chứng kiến cảnh ông lủi thủi một mình, vật vã với bệnh tật trong căn nhà vắng, bà gói ghém đồ đạc dọn về căn nhà ấy bởi tình nghĩa vợ chồng bao năm. Dù rằng bà là chỉ người đàn bà thứ ba. Lặng lẽ cho vợ lau mặt, nước mắt ông lại ứa ra. Nhạc sĩ Vinh Sử có 4 người vợ, nhưng gần mười năm ly dị với cô vợ trẻ thua mình hơn 20 tuổi, ông đơn côi một mình. Yêu cho lắm để rồi đau thương lắm. Ông biết, nhưng trái tim lãng tử đa tình cứ mặc cho mây ngàn bay, tìm về neo đậu ánh mắt giai nhân. Đa tình làm nên giông tố cuộc đời ông. Cô vợ trẻ đẹp mà mỗi lần ông chở ngang qua Chợ Lớn, mấy bà chủ quán lại hỏi với theo: "Chú Sử chở con gái đi đâu vậy?". Nghe, hai vợ chồng bấm bụng cười nghiêng ngả. Ông yêu nàng nhiều và chiều nàng như chiều… con gái. Ngày tán tỉnh nàng, ông mua hẳn căn nhà hoành tráng ở quận 7 để dắt nàng về. Rồi nàng xoay ra kinh doanh, ông giúp hết. Lúc đó hai người vẫn chưa có hôn thú, chưa con cái. Kinh doanh đang ăn nên làm ra, vẫn chưa thấy nàng nói gì. Ông cũng quên bẵng chuyện đó. Thời gian sau, nàng giục ông đi làm giấy đăng ký kết hôn. Nhận được giấy đăng ký kết hôn xong, đùng một cái nàng đòi ly dị. Lúc đó ông mới biết nàng làm ăn vỡ nợ. Nợ đè lên vai ông, căn nhà phải bán để lấy tiền chi trả. Ông không còn nhà, đành gửi thân nơi xóm trọ. Rồi đêm về nghe đời đắng đót trôi, lay lắt. Nhưng trái tim đa tình vẫn khát cháy tình yêu dù cuối chiều đường về có đau đớn ngập lối. Hạnh phúc thay, khi ông lâm vào bệnh tật, sự trở lại và bàn tay ân cần chăm sóc của người vợ thứ ba khiến trái tim ông rung lại những sợi tơ tình.

"Nhất dạ đế vương" (một đêm làm vua) của "vua nhạc sến" giờ đâu còn. Cuộc chơi trác táng, hoang phí thời trai trẻ với rượu, với gái đẹp, với món ngon vật lạ… giờ chỉ còn vang bóng thuở "Nhẫn cỏ cho em", "Đêm lang thang", "Nhành cây trứng cá", " Nối lại tình xưa"... Ngày ấy, một bài hát, nhạc sĩ của giới bình dân có thể mua được một chiếc xe hơi đời mới kia mà. Đi đâu cũng nghe người ta nỉ non nhạc Vinh Sử. Những bài hát của ông bán chạy như tôm tươi. Cuộc sống chìm ngập trong kim tiền, sống không biết ngày sau. Nhưng tiền rồi cũng hết, thời rồi cũng qua, tình rồi cũng nhòa. Những bài sáng tác mới đây không còn ghi dấu trong lòng công chúng nữa, nhìn lại, ông trắng tay. Bây giờ, tiền tác quyền chỉ đủ cho ông trang trải tiền ăn, tiền trọ qua ngày. Có tháng, bài sáng tác ra không bán được, lại bệnh tật hành hạ, ông cũng nằm lì ở nhà chịu đói chứ không dám ngửa tay xin tiền ai, kể cả con cái. Ông ngại, dẫu rằng như ông nói: "Tui bị bệnh tật vầy có lẽ do kiếp trước tui ở ác quá. Chứ tui không hối tiếc hồi mình ăn chơi này nọ. Tuổi trẻ mà. Do mình không dành dụm nên giờ nghèo khổ, mình làm mình chịu, chẳng than oán ai". Cơn ho lại kéo đến. Ông lấy khăn giấy bụm miệng. Tấm khăn ướp nhẹp nhưng ông không vứt đi mà dùng vành khăn lau miệng. Ông cười khó nhọc: "Giờ phải dè sẻn vậy đó. Thay vì hai cái khăn giấy thì dùng một cái cho đỡ tốn".

Bây giờ, bệnh tật, đau đớn, ông chẳng còn tâm trí nào để sáng tác nữa. Nốt nhạc bật ra làm gì giữa muôn trùng khổ lụy, đau thương. Nhưng trong cơn đau ấy, ông chợt thấy ấm lòng khi bạn bè từ khắp nơi đến thăm hỏi, động viên và góp sức cho mình. Lẫn trong tiếng mưa, giọng người nhạc sĩ già lạc đi: "Hai năm qua tui nợ nhiều người lắm". Tôi hiểu, ông muốn sử dụng từ "nợ" gồm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tự hỏi, biết bao giờ ông mới trả hết?  Nằm đây, ông nhớ ngày xa xưa. Ông nhớ những người đi qua đời mình. Dù lạ, dù quen. Đôi khi đi qua một kiếp người, ta mới tìm được sự bình yên. Để rồi, dù rằng đường xa mịt mờ trong cơn đau bệnh tật, ông mong mình vẫn có ngày ngồi dậy, ôm cây đàn mà dệt nên muôn giai điệu mới. Hỏi ông đó là giai điệu gì? Vẫn hai giọt nước mờ trong khóe mắt: "Tình yêu!"

Mai Quỳnh Nga
.
.