Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: Trò chuyện với bóng mình
Tôi lười, ít điện cho chị, nhưng tác giả "Huế tình yêu của tôi" thì tháng nào cũng từ TP HCM a lô cho tôi. Tôi rưng rưng nhận ra giọng của chị có nỗi buồn hiu vắng, những khoảng lặng không dễ gì bù đắp được trong bản tổng phổ cuộc đời nhiều thăng trầm sóng gió của người phụ nữ tài sắc mà đa đoan này. Có lẽ, đó là nguyên do chính mà chị ngược dòng thời gian để trò chuyện với bóng mình và những hồi ức dĩ vãng đã lần lượt hiện lên đầy lay động trong "Lật từng mảnh ghép" (Hồi ức của Trương Tuyết Mai, NXB Hội Nhà văn, 2014).
Trò chuyện với bóng mình. Không gì đúng hơn thế. Trương Tuyết Mai thành thật thổ lộ: "Trong khuya khoắt, tôi ngồi tĩnh lặng trước chiếc bóng của mình, vừa mơ hồ, lại vừa tin chắc chắn chiếc bóng cũng là hồn vía của tôi. Tự tình với bóng là với chính mình. Chơi với bóng cũng là tự chơi với mình. Rồi cứ thế, tôi hồn nhiên khóc cười cùng chiếc bóng in trên tường nhà. Những nỗi niềm chất chứa bấy lâu cứ lần lượt tuôn ra, mỗi đêm một ít. Tôi thong thả lật từng mảnh ghép nhỏ của đời mình trước chiếc bóng tri âm tri kỷ - thật thà chiêm nghiệm…".
Những năm tháng xưa cũ trở về với chị qua hồi ức, qua cuộc đối thoại (hay độc thoại nhỉ?) hằng đêm của người phụ nữ tài sắc Trương Tuyết Mai với cái bóng của mình. Và, tất cả lần lượt hiện lên rõ nét, nóng hổi, sinh động đến mức nó như vừa xảy ra, đang xảy ra. Những dòng hồi ức mồn một, rung ngân bao cung bậc nhân thế thông qua cuộc đời chị. Tôi nghĩ, sự cô đơn của chị đã được giải tỏa khi Trương Tuyết Mai được sống với quá khứ, được gặp gỡ, trò chuyện, yêu thương hờn giận, vui buồn với người thân của mình. Quãng tuổi thơ, quãng vào đời, quãng trưởng thành, thành công và thất bại, vinh quang và buồn tủi… đã được Trương Tuyết Mai chậm rãi kể lại rất chân thành.
Tôi nghĩ, thành công của một cuốn hồi ký là tạo được lòng tin ở bạn đọc để được chia sẻ, đồng cảm. Mọi sự bồi đắp giả tạo trước sau cũng bị nhận ra, bị lật mặt, mà minh chứng cho điều này không khó tìm lắm ở nước ta hiện nay. Đọc "Lật từng mảnh ghép" của Trương Tuyết Mai, tôi tin vào sự thành thật của người viết. Sự minh giám nghiêm khắc cho điều đó, không ai khác chính là linh hồn của ba mẹ, người yêu đầu tiên của chị và cả những đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè đang sống hay đã khuất của Trương Tuyết Mai.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. |
Đó là tuổi thơ nhiều đau khổ, phân ly bởi chiến tranh. Ba chị vốn quê gốc ở vùng đất Sông Cầu nằm bên vịnh Xuân Đài của Phú Yên. Ông từng làm việc cho hải quân Pháp, khi toàn quốc kháng chiến đã theo cách mạng và sau đó lên chiến khu của Việt Minh. Đọng lại trong tôi nỗi thương cảm về tuổi thơ đói khổ của chị, ba lên chiến khu, em bị thất lạc, còn má thì phải rửa chén mướn cho một quán cơm. Tình cảnh gia đình chị lúc ấy như thế này đây: "Khi bóng tối đổ xuống, đứa em trai hai tuổi của tôi thường khóc rền rĩ thảm thiết, khóc khản cổ vì đói. Má đưa về thức ăn dư của khách và cơm cháy đáng lẽ cho heo". Cũng rất động lòng khi nghe chị kể lại cảnh đi tìm ba tập kết trong khi má ốm thập tử nhất sinh. Một đứa nhỏ mới hơn mười tuổi vốn chậm chạp nhút nhát lại vượt mưa rừng, vực sâu để đi tìm ba. Gặp ba, trở ngược lại nhà báo cho má thì người sinh ra mình đã chết. Bốn chị em gạt nước mắt đến chỗ ba, sau đó được lên tàu biển tập kết ra Bắc.
Qua hồi ức của chị, chúng ta hình dung được con đường nghệ thuật của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Chị kể: "Tôi được làm quen với âm nhạc từ những ngày còn nằm nôi, bằng những câu hát ru dìu dặt đêm đêm của má tôi…". Thời bé, Trương Tuyết Mai đã yêu thích những bài hát cách mạng. Ra Bắc, là học sinh miền Nam ở Hải Phòng, Trương Tuyết Mai đi thi đơn ca thiếu niên Thành phố Biển vào mùa hè năm 1958. Hát mới được một nửa bài "Chờ con má nhé" chị đã nghẹn ngào nức nở trên sân khấu. Giữa Thủ đô Hà Nội thanh lịch, cô gái Mai với bộ bà ba đen, ống quần thật rộng, chiếc khăn rằn quấn cổ… đi thi tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Mười tám tuổi, với đứa con nhỏ trên tay, Trương Tuyết Mai là học sinh khoa kèn Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1961-1965. Cuối năm 1974, chị xung phong đi B dài trong đội hình Đoàn Ca nhạc A8, CP90 (Phiên hiệu Đoàn Ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng A).
Khao khát lớn nhất của Trương Tuyết Mai là trở thành người sáng tác âm nhạc và sau bao nhiêu cam go trăn trở, chị đã thực hiện được điều đó. Phổ thơ là khuynh hướng sáng tác của chị. Chị tâm niệm phải biết khai thác thơ để phục vụ âm nhạc. Hồi ức của chị đã có những "mảnh" hay nói về điều đó. Trong chiến tranh chống Mỹ, Trương Tuyết Mai đã sáng tác các ca khúc "Xe ta ơi lên đường" (phỏng thơ Huy Cận), "Đường yêu nhất - đường ra mặt trận" (phổ thơ Bùi Minh Quốc) và có lẽ thành công cũng nổi tiếng nhất là bài "Huế, tình yêu của tôi" (phỏng thơ Đỗ Thị Thanh Bình)… Bài này chị viết khi Huế vừa trải qua cơn bão số 8 (năm 1985) bị tàn phá rất nặng nề. Đây là hồi ức của chị: "Cuối năm 1985, tôi được tin Huế bị nạn. Cơn bão số tám năm ấy đã cuốn đi bao nhiêu mái nhà, bao nhiều đường sá, bao nhiêu cánh đồng, cầu cống và người chết! Rồi bao nhiêu em thơ, cụ già thiếu đói, không nơi nương tựa!... Tôi hiểu rằng đây là nỗi đau của cả nước, và tôi càng muốn chia sẻ đau thương đó với Huế…". Chị viết ca khúc cho xứ sở sông Hương núi Ngự bắt đầu từ tình yêu dành cho mảnh đất này với suy nghĩ nó phải thật Huế, nghĩa là "không muốn có sự lẫn lộn âm hưởng của Quảng Bình, Quảng Trị hay Nghệ Tĩnh ở đây". Chị tự làm khó cho mình khi muốn "chất Huế ấy phải từ trong hồn, trong máu tuôn chảy ra, chứ không phải dựa vào một câu hò, một điệu lý cụ thể nào của Trị Thiên để phát triển". Tuyệt vời thay, tình yêu mặn nồng với Huế mộng mơ dịu ngọt đã làm cho chị thăng hoa, tài năng phát sáng để công chúng gần xa được nghe, đúng ra là được thưởng thức một ca khúc trữ tình sâu lắng diết da. Tôi cũng có duyên với nhạc sĩ Trương Tuyết Mai khi chị phổ bài thơ "Trường Sơn tóc dài" thành ca khúc, sau đó nâng lên thành bản hợp xướng khá hoành tráng.
Hồi ức "Lật từng mảnh ghép" cho ta hình dung ra một Trương Tuyết Mai tài sắc nhưng cũng rất đa tình, đa đoan. Chị là một vẻ đẹp u huyền của cuộc sống. Tôi đã bị cuốn hút và vô cùng xúc động với những trang hồi ức kể lại mối tình của chị với một người Pháp có tên Georges Boudarel (tên Việt là Đại Đồng). Ông là một trong những người Pháp đầu tiên dám đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân. Năm 1947, Boudarel sang Đông Dương làm giáo sư triết học ở một trường trung học Pháp ngữ. Năm 1949, từ Lào, ông tới Sài Gòn dạy học; năm 1950 vào chiến khu Việt Minh, sau đó 2 năm ra Việt Bắc công tác. Năm 1954, ông làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Ngoại văn tại Hà Nội. Tình yêu với Boudarel của chị là kỷ niệm đẹp và buồn. Dù hai người không thành chồng vợ nhưng tôi tin nó đã đi suốt cuộc đời chị, từ lúc mười bảy tuổi đến bây giờ và còn nữa… Không nghi ngờ gì nữa, đó là vầng sáng của tình yêu, vừa cổ điển vừa hiện đại, không phân biệt chủng tộc, lãnh thổ, tôn giáo. Nó tỏa sáng và sưởi ấm cho chị vĩnh hằng: "Mỗi lần anh xuất hiện, khuông cửa tiệm ăn như bừng sáng. Một thứ ánh sáng dịu nhẹ thánh thiện lạ lùng, cuốn hút tôi không cưỡng lại được. Và tôi buông thả mình mải miết trôi theo dòng ánh sáng đó đến mê muội".
Nên nhớ, khi ấy chị là cô gái mới lớn, lại ở miền Bắc vào những năm sau hòa bình 1954. Có người đã trực tiếp hạch dọa chị sẽ ghi vào sổ đen, thế mà cô gái mười bảy tuổi Trương Tuyết Mai vẫn "mải miết trôi theo dòng ánh sáng đó đến mê muội…". Cái tình yêu ấy, đôi khi chỉ như thế này thôi: "Những lúc có đông người xếp hàng, hầu như chúng tôi chỉ im lặng đứng bên nhau. Chẳng cần gì hơn, vì như vậy cũng đã có thể nghe rõ hơi thở của nhau rồi. Dù chỉ một thoáng cũng đủ làm tôi ngây ngất như có men say...". Cho đến sau này, khi số phận đã an bài, chị vẫn nhớ nụ cười của người yêu đầu tiên: "Ngửa mặt hít thật sâu hương đêm vào ngực, tôi bắt gặp những vì sao khuya nhấp nháy như âu yếm cười với tôi - nụ cười của Bouda. Tôi như người mộng du trò chuyện cùng anh đang ở tít trên cao. Rồi bài hát với cái tên “Đợi chờ” - viết về mối tình của tôi và anh, đã hình thành từ đêm trắng ấy". Chị đã qua Pháp tìm người yêu thời thanh xuân của mình và giữa Paris tráng lệ, hai người đã gặp nhau. Cuộc gặp đầy nước mắt tủi mừng: "Cứ lặng im phăng phắc. Lặng im để lắng nghe mọi nỗi đời đã trải qua của hai người ào ạt xô về. Lặng im như không còn sự lặng im nào hơn thế. Trong vòng tay anh, tôi choáng ngợp hạnh phúc…". Và, tình yêu ấy đã đạt tới độ cao cả thiêng liêng khi chị quyết định lập bàn thờ cho Boudarel trong ngôi nhà bé nhỏ của mình khi anh mất: "Bàn thờ Boudarel đặt trên đàn piano gần sáu năm rồi, không đêm nào tôi quên thắp nhang cho anh. Mỗi lần thầm thì với anh về những buồn vui trăn trở, về những nỗi đời cực nhọc, ngang trái, ánh mắt và nụ cười anh như hóa giải hết mọi điều cho tôi. Ánh mắt và nụ cười ấy luôn tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ, vừa đủ ấm áp, vừa đủ nâng đỡ tôi những lúc chông chênh nhất".
Tôi tin, ai đọc "Lật từng mảnh ghép" của Trương Tuyết Mai cũng sẽ yêu chị nhiều hơn, không chỉ ở tài sắc, mà còn ở tấm lòng thủy chung rất Việt Nam