Nhạc sĩ Trần Tiến: Khi giấc mơ quay về

Thứ Tư, 15/08/2012, 08:00
"Như chờ từng giấc mơ" - tên chương trình khiến Trần Tiến gật gù hài lòng. Người ta có thể chối bỏ mọi thứ, nhưng sẽ không bao giờ chối bỏ giấc mơ. Vì giấc mơ là hy vọng vào cuộc đời, để tiếp tục sống trong cuộc đời. Vậy, giấc mơ trong âm nhạc của Trần Tiến là gì?

Trần Tiến trở lại - riêng điều đó thôi cũng đã thực sự là một thông tin lôi cuốn khán giả. Bởi lẽ, ông dường như đã dự định dừng cuộc chơi âm nhạc từ lâu, và vắng bóng hẳn trong đời sống biểu diễn. Ông đã quay đi trước rất nhiều lời mời hấp dẫn từ những chương trình lớn trên sóng truyền hình, như chương trình "Con đường âm nhạc". Và, như là muốn buông bỏ chính mình, ông rời khỏi Sài Gòn - mảnh đất ông gắn bó nửa cuộc đời, về sống ở Vũng Tàu, làm một ngư ông câu cá, trò chuyện với biển khơi và sáng tác. Chỉ sáng tác thôi mà không muốn tham gia vào đời sống biểu diễn sôi động nữa. Nhưng hôm nay ông đang chuẩn bị hạnh ngộ cùng khán giả của mình, trong liveshow có tên "Như chờ từng giấc mơ" được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai ngày 11 và 12/8.

Nguyên cớ của cuộc trở lại lần này, với Trần Tiến rất đơn giản: "15 năm nay tôi gần như không nghe đài, đọc báo. Truyền hình tôi cũng không quan tâm nhiều. Tôi không biết rõ ràng cái gì đang diễn ra trong đời sống âm nhạc. Tôi chỉ thấy là mình già rồi, âm nhạc của mình xưa rồi, bây giờ các bạn ca sĩ trẻ không lựa chọn bài hát của tôi để biểu diễn nữa, họ đã ở trong những hệ quy chiếu khác, những thang bảng giá trị khác, không giống với thời của tôi. Cái gì trong cuộc đời mà chả đến lúc bị lãng quên đi, và tôi vui lòng với điều đó. Tôi cũng đã quên chính mình đi rồi. Thì một hôm, có một ê-kip các bạn trẻ, lại toàn là những người tài năng đáng yêu, như nhạc sĩ Hồng Kiên, ban nhạc Anh Em. Họ đến và bảo họ muốn bỏ tiền làm cho tôi một liveshow, tôi chỉ việc "comple cà vạt" đến làm khán giả thôi. Thế thì có gì mà tôi không gật đầu chứ. Tôi tò mò muốn xem các bạn trẻ vẽ chân dung mình như thế nào, nhất là ở thời điểm mình không còn hot nữa".

"Như chờ từng giấc mơ" - tên chương trình khiến Trần Tiến gật gù hài lòng. Người ta có thể chối bỏ mọi thứ, nhưng sẽ không bao giờ chối bỏ giấc mơ. Vì giấc mơ là hy vọng vào cuộc đời, để tiếp tục sống trong cuộc đời. Vậy, giấc mơ trong âm nhạc của Trần Tiến là gì? Nhìn xuyên suốt vào sự nghiệp âm nhạc của ông, có thể nhận ra, đó chính là giấc mơ về tuổi thơ với những ký ức quê nhà tươi đẹp, sáng trong, có cánh đồng, mùi rơm rạ và tiếng sáo diều vi vút. Đó là giấc mơ về một thời chiến tranh, bom đạn với muôn vàn mất mát, đau thương, những ký ức buồn mà hào hùng, bi tráng. Đó còn là giấc mơ về nhân tình thế thái, về thời cuộc mình đang sống, về số phận những con người bé nhỏ, bình dân trong xã hội mà lúc nào ông cũng muốn cúi xuống sẻ chia, hát lên giùm họ những nỗi niềm sâu kín…

Trần Tiến chia sẻ rất thật, ông chưa bao giờ muốn kinh doanh âm nhạc của mình. "Tôi không thể ghi âm những ca khúc của mình rồi mang đi bán. Có một lần duy nhất tôi kinh doanh âm nhạc kiểu đó, là khi tôi làm chương trình bán vé lấy tiền ủng hộ trẻ em mồ côi. Tôi viết xong là hết bổn phận. Còn những bài hát, chúng đi về đâu, chúng sống như thế nào trong khán giả, tôi không biết và cũng không thể định đoạt được".

Như một định mệnh không thể không nhận lấy, Trần Tiến bị buộc vào âm nhạc từ khi còn rất trẻ, cho dù lý trí muốn ông trở thành một nhà khoa học. Suốt tuổi thơ nghèo khổ ở quê nhà và tuổi trẻ gian nan ở chiến trường, ông nếm đủ mùi vị cuộc đời, chủ yếu là mùi mồ hôi và máu, nên việc viết và việc hát lên giống như liều thuốc xoa dịu tâm hồn. Ông nói: "Tôi không yêu âm nhạc nhiều đến mức như mọi người nghĩ đâu. Tôi viết xong là quên, chả buồn nhớ đến". Đối với Trần Tiến, viết chỉ là để giải phóng những năng lượng, những nghĩ suy dồn ứ trong tâm trạng của mình. Như một cuộc tự đối thoại, có thể chẳng cần ai biết tới. Nên ông có phần xa lạ với đời sống âm nhạc đậm mùi thị trường hôm nay. Không ít người làm âm nhạc đang tìm mọi cách để xiêm áo thật lộng lẫy cho mình, để tên tuổi được hot, để được nhiều khán giả chú ý, để bán những sản phẩm mình làm ra cho thật đắt. Và giá trị của người nghệ sĩ giờ đây, đôi khi được đánh giá bằng số tiền cát-xê họ nhận được, ngôi nhà họ ở hay chiếc xe họ lái, chứ không phải bằng những gì họ thực sự đóng góp cho nhân dân, cho xã hội. Trần Tiến không bình luận gì, ông chỉ lặng lẽ lánh xa cái đời sống lấp lánh ấy. "Thời của tôi, âm nhạc gần với cái chết, với mất mát đau thương, chứ không phải gần với tiền. Tôi không có khái niệm về âm nhạc giải trí".

Thời của Trần Tiến là gì? Là ôm đàn hát trên các chiến hào. Là sáng tác nhạc dưới gầm đại bác. Là cùng với các đồng nghiệp của mình "du ca" trên khắp các nẻo đường của dải đất hình chữ S, hát cho một chú bé con đang dòm qua khe cửa ngôi trường học nghèo, những người thương binh đang chống chọi với cơn đau trong trại điều dưỡng, hay những người nông dân cày cấy trên đồng ruộng. Ông chỉ viết nhạc cho những người bình dân - những người không bao giờ có tiền triệu để mua vé vào xem biểu diễn ở Nhà hát Lớn, trong những bộ quần áo đẹp xúng xính. Ông viết cho những phận người lấm lem, để yêu thương và an ủi họ.

Âm nhạc, với Trần Tiến, phải là vẽ nên những gương mặt thật của cuộc đời. Thật như là nhịp đập của trái tim mình, không vay mượn, chắp vá. Bởi thế, dễ hiểu vì sao Trần Tiến xuất hiện ở đâu là được nhân dân yêu mến. Cho dù ông đã chán từ lâu sự nổi tiếng của mình, nhưng sự nổi tiếng thực sự chưa khi nào chịu rời bỏ ông. Ở đâu, hình ảnh của ông cũng có sức lôi kéo tự nhiên, và rất đặc biệt. Điều này không phải người làm âm nhạc nào cũng có được.

Cách đây mấy năm, ngồi trò chuyện với Trần Tiến trong một ngày thu Hà Nội, khi ông vừa từ Sài Gòn ra, ông chia sẻ rằng sẽ ít về Hà Nội hơn. Tưởng ông đùa thôi, vì một người yêu Hà Nội như ông, có tới hàng chục ca khúc hay, ám ảnh về Hà Nội, sao lại có lúc chán mảnh đất này. Nhưng hóa ra là ông nói thật. Hà Nội của hôm nay không còn là Hà Nội trong ký ức của ông nữa. Đã mất đi rồi cái mùi xưa cũ của kỷ niệm, của những gương mặt thân thương, những con phố đậm đặc vẻ đẹp của âm nhạc, hội họa. Một điều gì đó thực sự mất mát đã xảy ra. Sự ồn ào, pha tạp, hào nhoáng của một đô thị đang phát triển, cùng với đó là sự mất đi vĩnh viễn nhiều vẻ đẹp, nhiều giá trị văn hóa đã dội vào ông một sự xa cách mỗi khi có dịp trở về. Đành rằng thay đổi là điều tất yếu, nhưng Trần Tiến tự thấy mình không còn phù hợp với những môi trường "tốc độ" như vậy nữa. Ông bảo, có lẽ vì ông đã già chăng? Mà người già thì hay sống bằng quá khứ, hay nhớ thương những điều đã cũ. Những câu chuyện cũ và những người tình cũ…

Nhưng nếu lắng nghe kỹ tâm sự của Trần Tiến ta có thể cảm nhận Trần Tiến thực sự chưa già. Nói đúng hơn là ông chưa bao giờ già. Ông chỉ là người đã thấu thị cuộc đời này, đã hiểu mọi phù phiếm trong thế giới nghệ thuật hôm nay lẫn lộn nhiều thật - giả. Ông muốn được ở trong cõi riêng của mình. Nơi ông có thể trở lại với những giấc mơ âm nhạc đẹp đẽ của mình. Nơi cái mùi của thị trường, của chen lấn phù du, của ganh đua tiền bạc, danh tiếng không thể chạm đến. Và ông vẫn viết đều đều. Cảm hứng có thể đến từ những cuộc trò chuyện với thiên nhiên, cỏ cây, biển cả, hay đơn giản là những "đơn đặt hàng" cụ thể từ những tổ chức, cá nhân. Ông cần những cái cớ để viết. Người ta có thể đặt ông viết về mọi chủ đề, từ HIV đến kế hoạch hóa gia đình, đăng kiểm, doanh nhân, cọc nhồi, vật liệu, thậm chí công việc của người làm vệ sinh môi trường. Đề tài gì cũng được, miễn là cho ông một cái cớ. Và bài hát ông mang đến cho khán giả không bao giờ chỉ là vỏn vẹn trong ý nghĩa của một ngành nghề, một công việc, hay ngợi ca ai đó sống sượng, giả tạo. Nó luôn là những suy ngẫm sâu thẳm về cuộc đời, về con người, về thời cuộc. Làm gì có đề tài nào là to hay nhỏ, là sang hay hèn chứ. Với Trần Tiến, những "cái cớ" để viết cũng giống như tình yêu là "cái cớ" để mỗi người chúng ta sống trong cõi đời này vậy.

"Tôi không bao giờ để ý đến khán giả, và không viết những điều khán giả muốn. Tôi chỉ viết điều tôi muốn thôi". Đó là một cách nói của Trần Tiến. Ông chả cần phải nghĩ đến khán giả, cũng giống như ông đã tự quên mình đi. Vì người nhạc sĩ khi đã hoàn tất công việc của mình, như con tằm đã nhả tơ, thì công việc còn lại là của sự giao thoa tác phẩm và công chúng. Cuộc trò chuyện ấy không cần tới sự có mặt của người nhạc sĩ, cũng như mọi trò PR, đánh bóng tên tuổi của người sáng tạo là vô nghĩa. Hàng chục ca khúc của Trần Tiến đã nằm lòng nhiều thế hệ người nghe, và chính nó đã chối từ mọi sự lãng quên ngay cả khi ông muốn tạo ra nó.

Ngày hôm nay, nhìn vào thị trường âm nhạc nhốn nháo, bạn có thể thấy nhan nhản những ca khúc não tình, yêu đương thời thượng, phấn son hoa mỹ. Người ta đã quên đi quyền được ở trong âm nhạc của những người nông dân, những người thành thị nghèo, những thân phận trẻ thơ lấm bụi đường, những số phận bơ vơ thiệt thòi trong xã hội. Vì họ không phải và không thể là những người trả tiền cho các show diễn của người nghệ sĩ. Một cách vô tình, không ít người làm nghệ thuật đã quay đi với những phận người như vậy. Thì âm nhạc của Trần Tiến vẫn còn mãi đấy, còn được ngân lên để an ủi những lớp người bình dân, mà lúc nào cũng là số nhiều trong xã hội.

Mong rằng ông vẫn cứ mơ những giấc mơ của riêng mình, có thể nó "lạc loài" so với đương thời, ở một nghĩa nào đó. Nhưng nó vẫn luôn là những giấc mơ đẹp, sáng trong và thánh thiện, trên con đường âm nhạc mà ông đã băng qua hơn nửa thế kỷ nhiều biến động…

Vũ Quỳnh Trang
.
.