Nhạc sĩ Trần Tiến: Hát lên giấc mơ của đời sống

Thứ Bảy, 17/02/2018, 08:18
Năm 2017 là năm quay trở lại âm nhạc của Trần Tiến với những dấu ấn đặc biệt. Ca khúc "Những đứa con mặt trời" của ông gây bão trên mạng xã hội. Ông trẻ trung, sôi động tham gia thể hiện bài hát cùng các nghệ sĩ trẻ và các em nhỏ yêu âm nhạc, mang một nguồn năng lượng tích cực đến cho mọi người. Ông còn tham gia viết bài hát cho một bộ phim tài liệu về nước Lào, với những chuyến đi thực tế thú vị.


- Xem MV "Những đứa con mặt trời" nhạc sĩ biểu diễn cùng các nghệ sĩ trẻ, khó có thể tin ông đã ở tuổi ngoài 70. Thực sự thì ông cảm thấy mình đang bao nhiêu tuổi?

 + Có ba thứ không liên quan gì đến tuổi tác: Bài hát, bài thơ và những bức vẽ nhỏ. Nó là món quà của mặt trời. Ba thứ đó giống như tình yêu: Trinh trắng, dịu dàng và khờ dại. Có thể một ngày nào đó đến bất ngờ không mong đợi. Nó là những gam màu hồn nhiên, thuần khiết, món quà quí của Trời. Chỉ đến khi đã già và còn bị ung thư hành hạ, đại danh họa Henri Matise mới được trao và trở thành chủ nhân của trường phái Dã thú nổi tiếng trong hội họa.Với âm nhạc, tôi cũng chỉ mong có vậy.

- Với người sáng tạo, số tuổi được tính như thế nào, có khác với người bình thường không, thưa ông?

+ Không có người sáng tạo và người bình thường, trừ số người bị khiếm khuyết về gien. Ai sinh ra cũng phải sáng tạo gì đó để tồn tại. Chắc bạn đang nói về những người sáng tạo đến mức nổi tiếng. Họ cũng vậy thôi. Số tuổi không phải là ít hay nhiều, già hay trẻ, mà là Trời cho con người "một Thời có duyên", ở bất cứ thời gian nào, và trong bất cứ lĩnh vực nào.

Mỗi người khi rời khỏi trái đất sẽ để lại cái duyên đời, như một nỗi nhớ cho ai đó. Có người về già mới đẹp, hoặc viết mới hay. Có cô gái ngày bé rất xinh, lớn lên lại xấu. Có cậu bé thần đồng thơ, lớn lên vinh quang biến mất dạng. Nguyễn Du từng mơ ba trăm năm sau còn có người khóc mình, khóc "Truyện Kiều".

Cũng như Cồ Cử ra đi, để lại mùi phở Giao Cù - Nam Định, em "Yến béo" để lại gói xôi ngô, xôi xéo tuyệt vời làng Giáp Bát. Đến như vua ngự trên ngai vàng, họ chỉ vang bóng rồi cũng hết thời, sa sút trí tuệ, nhấm nháp quyền lực, và nhanh chóng quên muôn dân bất hạnh. Con người, sống lâu mà vô duyên thì chỉ như cái bóng đi trên đời. Số tuổi được tính như người còn duyên. "Còn duyên kẻ đón, người đưa/ Hết duyên, đi sớm về trưa mặc lòng".

- Năm 2017, lần đầu tiên ông nhận lời làm Giám khảo cho cuộc thi Thần đồng âm nhạc Wonder Kids. Ông còn hào hứng viết bài hát cho cuộc thi. Trước đó rất nhiều lần ông đã từ chối ngồi ghế nóng các cuộc thi âm nhạc. Vậy lý do nào khiến ông hào hứng đến với cuộc thi này?

+ Tôi ủng hộ việc học nhạc cổ điển của các cháu, vì may ra mai này nước nhà còn có nền âm nhạc cổ điển. Nhạc cổ điển như kinh sám hối, làm cho tâm hồn xa lánh sự ô trọc vốn đầy rẫy quanh ta. Giống như thi ca, người thích làm thơ thì thường sống tử tế. Trên thế giới, đất nước có văn hoá đều yêu thích nhạc cổ điển.

Còn việc viết bài hát cho thí sinh thì không phải như bạn hỏi. Bài hát "Những đứa con mặt trời" tôi viết về những người bạn trẻ của Sun Group đang đứng trên vai những người khổng lồ trên thế giới để xây dựng đất nước. Đêm chung kết Wonderkids, tôi mang ra hát chung với giám khảo và các cháu cho vui, chứ không phải viết cho chương trình

- Ngày nay, nhiều phụ huynh có điều kiện cho con theo học âm nhạc và nhiệt tình đưa con tham gia các cuộc thi trên truyền hình. Theo ông, việc các em nhỏ tham gia vào các cuộc thi âm nhạc, nổi tiếng, kiếm được tiền từ sớm có tốt không, và đấy có phải là tiền đề để các em trở thành những nghệ sĩ có ảnh hưởng sau này hay không?

+ Kiếm được tiền từ nhỏ thì quá tốt, như Michael Jackson vậy. Còn gì tốt hơn là có thể báo đáp công ơn cha mẹ từ sớm. Tuy nhiên, đành phải đánh mất tuổi thơ. Và còn nhiều bất hạnh nữa ập đến với kẻ nổi tiếng, khi họ còn quá trẻ

- Một việc khác, là ông nhận lời tham gia viết bài hát cho một bộ phim tài liệu liên quan đến nước Lào anh em. Khán giả tò mò bài hát mới của ông về nước Lào có gì khác với bài hát "Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp" rất nổi tiếng trong lòng khán giả?

+ Nói trước bước không qua nhỉ…Nhưng có lẽ tôi phải nói trước, vì có thể tôi bước không qua cái ngày bài hát đến với người yêu nhạc. Bài hát này tôi nghĩ sẽ hay hơn "Cô gái Sầm Nưa", với phần tiết tấu ăn ý và lạ lùng của nhạc sĩ Minh Đạo phối cho nó. Cũng như anh đã viết phần bass cho "Những đứa con mặt trời" với cách tư duy chuyên nghiệp cập nhật năm 2017.

Tôi chưa bao giờ tự "lăng xê" bài hát của mình với công chúng. "Chị tôi" phải sáu năm sau người nghe mới biết đến. "Quê nhà" phải tám năm. "Chuyện tình thảo nguyên" là mười năm. Còn "Mẹ tôi" thì những mười hai năm sau... Ôi, chợt nghĩ hai bài hát mới của tôi viết năm nay, có lẽ là món quà cuối cùng Trời cho. Tôi còn không hiểu sao mình viết được trong trẻo đến thế. Đã chắc gì mình còn có thể  viết hay hơn..

- Để viết một bài hát về một vùng đất, ông phải đi thực tế theo những cách như thế nào?

+ Tất nhiên không thể như đi du lịch, "phượt" xem hoa. Phải ráng sống gần như người vùng đất đó, cảm xúc và vui buồn, hạnh phúc, đắng cay như họ. May ra mới hiểu được phần nào. Hiểu thôi, không phải để viết. Muốn viết thì phải bay lên. Viết cái người ta biết thì viết làm gì. Sáng tác là hát lên giấc mơ của đời sống. Giấc mơ nhiều người chưa biết, hoặc biết mà chưa ai hát lên.

- Người sáng tác thường sợ nhất hai chữ "đặt hàng". Nhưng với Trần Tiến, hai chữ đó dường như không tồn tại. Một cách ngắn gọn, từ kinh nghiệm cá nhân mình, ông có thể nói gì về việc viết theo đơn đặt hàng?

+ Tôi không có kinh nghiệm gì cả. Viết đặt hàng cực lắm. Tuy nhiên nó rèn luyện tâm hồn và tính chuyên nghiệp trong nghề. Kiếm tiền đâu có dễ. Có nhiều kẻ không bao giờ viết nổi một bài hát dù chỉ là "đặt hàng", nhưng lại hay giở giọng khinh bạc người khác đi viết thuê. Thật ấu trĩ và ngớ ngẩn. Nhạc sỹ vĩ đại như Bach, Mozart, nhà văn vĩ đại như Balzac, Dostoevsky… đều viết thuê cả. Có tài người ta mới vời viết. Vấn đề là từ viết "thuê" với người có tài lại thường biến thành "chủ". Đôi khi là tác phẩm chủ yếu đời mình. Không ai bảo "Tấn trò đời" và "Tội ác và trừng phạt" là thứ văn thuê mướn. Đó là những tác phẩm để đời của Balzac và của "Đốt" vĩ đại.

Với riêng tôi, đơn "đặt hàng" là một thách đố tài năng, thể hiện những "nhân dân nhỏ" ở những đời sống riêng biệt và rất khó viết. Họ là những người thương binh (Vết chân tròn trên cát). Họ là những em gái vội vàng kết hôn (Sao em nỡ vội lấy chồng). Họ có thể chỉ là người lao động miệt vườn (Tuỳ hứng Lý qua cầu). Hay chỉ là công nhân dập tôn nhưng mộ Phật (Sen hồng hư không). Đôi khi là "nhân dân lớn" đứng trước nạn mất nước (Giai điệu Tổ quốc) vv...

- Bài hát mới của ông có tên là "Nơi tình yêu tôi thơ ngây" với phần lời rất trong trẻo, rất đẹp. Ông thì chưa già nhưng cũng không còn trẻ mấy, nhưng sao tình yêu vẫn luôn "thơ ngây"?

+ Nước Lào ngày ấy, nơi chiến khu Sầm Nưa năm mươi năm trước, tôi đã đến khi còn quá trẻ để viết nhạc và để yêu. Cách đây nửa thế kỷ, Việt Nam và Lào còn là thiên đường của những tình yêu nho nhỏ, thuần khiết mùi đồng cỏ và hương xả thơm ngát. Ở vùng đất Phật, cọp dữ cũng ăn chay, thì tình người còn mãi thơ ngây là vậy.

- Nhiều nghệ sĩ nói rằng, họ không tin vào tình yêu, dường như tình yêu không có thật. Còn ông, niềm tin ấy ra sao?

+ Tôi tin tình yêu có thật. Có thật như tình Mẹ, tình quê, tình bạn bè tuổi thơ, tình yêu chính mình. Tình yêu trai gái cũng chỉ là một thứ tình, thì tại sao không có thật. Tôi cũng đã từng yêu và được yêu, dẫu là ngắn ngủi, thoáng qua. Nhưng thế là quí giá lắm rồi. Âu cũng có một mảnh tình vắt vai. Nhưng tôi đã từng được biết, có những tình yêu lớn lao và dài lâu, không phải chỉ ở trong tiểu thuyết. Tình yêu chỉ quá hiếm, chứ không phải không có. Nếu không mở lòng, thì chẳng bao giờ nhận biết được. Mà bạn hỏi tôi câu này, bạn có chắc là mình biết yêu không đã...

- Ông rời Sài Gòn đô hội về sống với Vũng Tàu mấy năm nay. Sài Gòn đông vui hơn và Vũng Tàu vắng vẻ hơn. Ông thấy chỗ đông vui và chỗ vắng vẻ, chỗ nào buồn hơn?

+ Vui hay buồn là ở mình. Ở giữa đám đông xa lạ có khi lại cô đơn.

- Ở Vũng Tàu, như ông nói, việc chính của ông là hàng ngày ra ngồi trước biển. Nếu có một cuộc trò chuyện giữa ông và biển, ông nghĩ ông sẽ nói điều gì với biển?

+ Biển ơi, lúc nào không còn có ích cho ai nữa, thì hãy mang tôi về .

- Và theo ông, biển có thể hỏi lại ông điều gì?

+ Còn sức bắt cá không?

- Bởi vì năm mới đang đến, xin nhạc sĩ một khái niệm về mùa xuân? Nếu đếm tuổi, ông có chịu khuất phục với ý nghĩ mình đang ở một mùa nào đó mà không phải là mùa xuân của cuộc đời?

+Khi còn trẻ con, đếm tuổi để được lì xì. Và lúc ấy thích mùa xuân lắm. Với người già, xuân-thu là mùa yểm bệnh. Nơi tôi sống chỉ có mùa khô- mùa mưa và mùa gió chướng. Đôi khi nhớ Hà nội, chỉ thèm ra để được mặc chiếc áo len cũ, đón mùa đông về. Còn mùa xuân ư? Mùa xuân không chỉ là niềm vui. Đôi khi là tiếng chuông reo khẽ nhắc người già nhìn về cuối đời. Biết có còn hạnh phúc hay không.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Bình Nguyên Trang(thực hiện) - Xuân 2018
.
.