Nhạc sĩ Thanh Sơn: Đợi xuân về mới viết
Nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự, Tết luôn mang lại cho ông những cảm giác thật lạ, nó luôn làm ông bồi hồi, rộn rã, phấn chấn, xốn xang… Dường như những cung bậc tình cảm thương mến nhất, nồng nàn nhất ông đều dành trọn cho mùa xuân: "Nào ta cùng chúc xuân, chúc cho muôn người một năm mới ấm no, biết bao điều may. Đầu năm cầu chúc cho muôn nhà đầm ấm, thế gian kết thân sống trong yên lành" (Chúc xuân) hay: "Đẹp làm sao gió xuân mơn man cành đào, đẹp làm sao bướm hoa trao tình với nhau. Xuân đến đem vui về mọi nhà, duyên lứa đôi ta thật đậm đà…
Đã nhiều năm, Tết nào nhạc sĩ Thanh Sơn cũng dành trọn thời gian vui Tết với gia đình. Ông cho biết: "Tôi luôn mong muốn ngày Tết là ngày cả gia đình đoàn tụ, đó là những khoảng thời gian rất thiêng liêng, quý giá mà những thành viên trong gia đình nên dành trọn vẹn cho nhau. Tết năm 1977 là cái Tết duy nhất tôi xa gia đình. Lúc đó tôi đi theo đoàn hát "Quê hương" của nhạc sỹ Châu Kỳ và Duy Khánh, với vai trò là ca sĩ, tôi cùng đoàn hát rong ruổi phục vụ bà con ở Long Xuyên, An Giang. Lúc đó tôi hát bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", bài "Nổi lửa lên em", nhận được nhiều tình cảm của khán giả, quý lắm, nhưng rất nhớ gia đình".
Khi được hỏi, đi biểu diễn nhiều nơi như vậy, có mối tình nào đặc biệt đến với nhạc sĩ trong mùa xuân xa nhà đó không. Ông cười và trả lời chân tình: "Không, lúc đó lo kiếm cơm thấy mồ".
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1940 tại Sóc Trăng. Năm 1955 ông lên Sài Gòn, năm 1959, sau khi giành giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn, ông trở thành ca sĩ có tiếng những năm 60 của thế kỷ trước. Sự nghiệp sáng tác bắt đầu đến với ông từ năm 1962, khi ông đọc cuốn "Để sáng tác một ca khúc" của Hoàng Thi Thơ. Ban đầu ông thấy khó quá, nhưng không dừng ở đó, ông đã tìm gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để học hỏi thêm. Những nỗ lực của ông đã được khẳng định ngay khi "Nỗi buồn hoa phượng" ra đời. Ông tâm sự: "Những kỷ niệm thuở học trò với những rung cảm đầu đời luôn làm tôi bối rối, và sau này là những nỗi day dứt…". Cũng có thể nỗi day dứt ấy bắt nguồn từ tình cảm rất học trò với người con gái có tên "Hoa Phượng".
Sau khi họ chia tay dưới sân trường ngập tràn màu hoa phượng tại một trường phổ thông ở Sóc Trăng năm 1955, ông và cô Phượng không gặp lại nhau nữa… và mỗi lần thấy những cánh hoa phượng lặng lẽ rơi ông lại không khỏi bùi ngùi. Thực tế, lời hai của bài "Nỗi buồn hoa phượng" được ông viết sau những day dứt ấy. Ít ai biết được bài hát này lại có lời hai. Ông viết sau 27 năm. Ông chia sẻ, ông viết lời hai của bài hát ấy là viết cho riêng lòng mình: "Lời xưa đã hứa xin nhớ nhau luôn/ Mỗi mùa hè sẽ có phượng/ Phượng ơi biết không tôi buồn".
Sau "Nỗi buồn hoa phượng" ông tiếp tục có những ca khúc về đời học trò như "Lưu bút ngày xanh", "Hạ buồn", "Màu áo hoa phượng", "Tháng ba tạ từ", "Ve sầu mùa phượng", "Trả lại thời gian", "Phượng buồn", "Nhật ký đời tôi", "Hoa tím người xưa"… Những năm 70 của thế kỷ trước, các tình khúc học trò của nhạc sĩ Thanh Sơn là những tình khúc rất được ưa thích. Có lẽ rằng, cho đến bây giờ, những ca khúc về thuở ấy vẫn là những giai điệu đẹp đối với những cô cậu học trò lần đầu biết đến sự chia ly.
Năm 1973, cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác của Thanh Sơn chuyển dần sang đề tài quê hương, đất nước. Cho đến nay, những vùng đất nơi ông đi qua luôn là cảm hứng cho những sáng tác của ông. Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Cái Bè, Hà Tiên… đó là những bài ca có giai điệu đẹp, luôn làm người nghe thấy thêm yêu mến, nhớ thương những vùng đất trên quê hương mình.
Đối với người nghệ sĩ, mùa xuân là mùa của hoa thơm, trái ngọt, mùa của tình yêu lứa đôi. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã hòa vào niềm vui chung của đất nước và niềm vui của những nốt nhạc, ông viết: "Đoản ca xuân". Bài hát nhanh chóng được đến với khán thính giả như một món quà xuân ngọt ngào "Nghe xuân sang thấy lòng mình vui chứa chan, tiếng hát vui nghe đó đây thấy rộn ràng… Xuân ơi xuân vẫn muôn đời yêu mến xuân… Ta chúc nhau những gì đẹp nhất lòng nhau".
Những bài hát về mùa xuân và quê hương của nhạc sĩ Thanh Sơn cũng nhanh chóng đưa giọng ca trầm ấm ngọt ngào của chàng trai trẻ Quang Linh đến với đông đảo công chúng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước: "Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà lòng anh thương quá, tiếng hát ngọt ngào nào đong đưa nhớ xa xưa trời mưa bóng dừa, hẹn hò nhau tình quê hai đứa, mùa mạ non hương tóc em… "(Hương tóc mạ non); "Quê hương em hai mùa mưa nắng, hai thôn nghèo nối liền bờ đê, từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè… Dù xa nhau nhớ ngày trong nôi, nghe tình quê hương gọi mãi trong đời (Gợi nhớ quê hương); "Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng. Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê" (Hình bóng quê nhà).
Đạo diễn Vũ Liêm - đạo diễn chương trình ca nhạc tôn vinh nhạc sĩ Thanh Sơn tên gọi "Thanh Sơn với Hình bóng quê nhà" tâm sự: "Thanh Sơn là một nhạc sĩ của tình yêu học trò, mùa xuân và quê hương, tôi thấy ông đã đi đến tận cùng của những cảm xúc để có được những giai điệu mượt mà những lời ca chứa chan tình quê, tình người. Đặc biệt, những bài ca về mùa xuân và ngày Tết của ông luôn mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc".
Một chia sẻ đặc biệt của nhạc sĩ Thanh Sơn với khán giả là hầu hết các sáng tác của ông đều được viết vào mùa xuân. Tác giả bài báo đã nói đùa với ông rằng: "Một năm có bốn mùa, chẳng lẽ nhạc sĩ cứ đợi đến mùa xuân mới viết nhạc ư?". Nhạc sĩ cười hiền từ: "Tôi là thế, cứ đợi đến mùa xuân mới viết được".
Hy vọng rằng, mùa xuân này những người yêu mến nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ được chào đón những sáng tác mới của ông