Nhạc sĩ Phú Quang: “Nịnh” phụ nữ bằng âm nhạc

Thứ Năm, 23/02/2017, 14:00
Phú Quang nói, đàn bà là để yêu, để trọng. Những người đàn ông có thể làm bất cứ điều gì trên đời, nhưng đừng bao giờ làm cho người đàn bà của mình buồn, hay tổn thương. Họ sinh ra là phái đẹp, vốn yếu đuối mỏng manh, cần được nâng niu...

Ông cũng thích nói nhiều về chữ "nịnh". Đàn ông mà biết "nịnh" người đàn bà của mình, biết chiều lòng nàng, thì đó là người đàn ông tốt. Vậy Phú Quang "nịnh" phụ nữ như thế nào? Tất nhiên là bằng âm nhạc rồi.

Âm nhạc Phú Quang, ngẫm cho kỹ, thì tính âm nhiều hơn tính dương. Không tin cứ thử liệt kê hình tượng "em" trong hàng trăm ca khúc được phổ biến của Phú Quang mà xem. Phần lớn những ca khúc đó có nhân vật trữ tình là em. Phú Quang thường viết về nỗi niềm của những người đàn bà.

Những vui buồn, những trắc ẩn, những mất mát, những đủ đầy và hao khuyết. Ông như được trời phú cho khả năng thấu cảm tâm trạng của đàn bà. Nhiều ca khúc của ông là tiếng lòng sâu thẳm của phụ nữ. Dễ hiểu vì sao công chúng của Phú Quang phần lớn là phụ nữ.

Nhạc sỹ Phú Quang và NSND Lê Khanh- người dẫn chương trình thường xuyên trong các đêm nhạc của ông.

Những phụ nữ trẻ, dĩ nhiên, nhưng nhiều hơn thế là những người đàn bà đã trải nghiệm đời sống. Những người ở thời điểm nhận diện hạnh phúc và nỗi buồn một cách sâu sắc nhất. Tiếng nói của đàn bà trong âm nhạc Phú Quang là tiếng nói cá nhân, nó là câu chuyện của tâm tư, những gì thầm kín nhất, khó giãi bày nhất. Bởi tìm thấy mình trong âm nhạc của Phú Quang nên phụ nữ luôn là số đông khán giả trong các đêm nhạc của ông. Có thể nói, Phú Quang là nhạc sĩ được khán giả nữ mến mộ bậc nhất.

Từng có ý kiến cho rằng, âm nhạc Phú Quang ít quan tâm đến những vấn đề thế sự, những chủ đề lớn, những câu chuyện thời cuộc. Ông chỉ loanh quanh những câu chuyện của mỗi cá nhân, nỗi buồn nhỏ hẹp của những con người cụ thể. Phú Quang chắc cũng không tự ái vì nhận xét này. Ông là người kiêu ngạo, và khi cần đối thoại, cần đanh đá đáp trả thì cũng chẳng vừa, nhưng khi cần im lặng thì im lặng. Xét cho cùng, quan tâm đến chủ đề gì là câu chuyện của mỗi người sáng tạo. Mỗi người sẽ có một cái "tạng" riêng, không ai giống ai, là thế mạnh của họ.

Viết về chủ đề gì thực ra cũng không quan trọng. Trong sáng tạo, chỉ quan trọng là viết hay, viết làm sao để tác phẩm của mình gặp được công chúng, ở lại trong công chúng. Câu chuyện cá nhân của một con người, một số phận, thiết nghĩ, cũng không phải là vấn đề nhỏ. Bởi đi đến tận cùng một con người, thì nhân loại ở đó. Nghệ thuật là cõi lòng. Lắng nghe cõi lòng để rung động những cõi lòng...

NSND Lê Khanh, người nhiều năm cộng tác với Phú Quang trong các đêm nhạc của ông chia sẻ, chị rất đồng cảm với những người đàn bà trong ca khúc của Phú Quang. Mỗi lần đứng trên sân khấu đêm nhạc Phú Quang, trước khán giả, chị muốn nói mãi về những người đàn bà ấy. Họ khi gần khi xa, khi thấp thoáng, lúc ồn ào lúc im lặng, nhưng họ luôn chứa đầy âu lo, thảng thốt. Họ là những người đàn bà khao khát yêu và được yêu, luôn mong muốn những chân trời bình yên, những bến đỗ ngọt ngào. Thường thì đàn bà sẽ viết hay về giới của mình, bởi họ hiểu những tâm trạng đó. Nhưng một nhạc sĩ phái mày râu như Phú Quang mà thấu cảm được đàn bà như vậy, thật xúc động.

Có thể giải thích phần nào câu chuyện này, ở chỗ, Phú Quang thường phổ nhạc cho thơ. Và ông là người có con mắt xanh, luôn tìm ra được những bài thơ hay. Ông phổ thơ của nhiều nhà thơ nữ. Và ngay cả với thơ của những nhà thơ nam giới, ông cũng thường hay chọn những bài thơ tình hay và đẹp. Rồi ngay cả nhân vật trữ tình là nam đi nữa, thì hình bóng những "em" trong bài thơ cũng rất ám ảnh. Khi cộng vào âm nhạc, bay lên với âm nhạc, những gì trong thơ đã được chắp thêm một đôi cánh mới.

Hỏi Phú Quang, trong âm nhạc thì như vậy, còn trong đời sống thường nhật ông ứng xử với phụ nữ ra sao, Phú Quang hài hước bảo, tôi "sợ" họ. "Sợ" ở đây có nghĩa là, phụ nữ được ông yêu chiều vô điều kiện. 

Với vợ hay với con gái, Phú Quang bao giờ cũng rất nhỏ nhẹ. Ông lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ.  Ông cho rằng, tôn trọng phụ nữ là bài học đầu tiên của một người đàn ông. Vì họ được sinh ra bởi một người mẹ, gắn bó với người đàn bà là vợ mình, là cha của những cô con gái nhỏ. Tôn trọng, bảo bọc, chở che phụ nữ chính là vai trò của người đàn ông.

Sở dĩ Phú Quang nói nhiều về phụ nữ, vì chúng tôi đang trò chuyện cùng nhau trong những ngày cuối cùng của tháng 2, cũng là thời điểm nhạc sĩ đang hối hả chuẩn bị cho chương trình sắp diễn ra của mình vào những ngày đầu tháng 3.

Một chương trình dành tặng phụ nữ- những khán giả đã luôn đồng hành cùng âm nhạc của ông trong gần nửa thế kỷ làm âm nhạc. Ông chia sẻ: "Tôi mới làm đêm nhạc riêng vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng gần đến Tháng 3, nhiều khán giả nữ gọi điện hỏi, liệu họ có thể được thưởng thức âm nhạc của tôi trong ngày của họ hay không. Và tôi bắt tay vào tổ chức chương trình này.

Sẽ là 4 đêm nhạc, từ mùng 4 đến mùng 8 tháng 3. Có 2 đêm là hoàn toàn âm nhạc Phú Quang, 2 đêm sau sẽ là nhạc Phú Quang cùng với nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên. Tôi đưa ra một thực đơn chú trọng vào khán giả nữ. Vì Tháng 3 là dành cho họ. 

Dĩ nhiên, khi họ đến nhà hát, họ sẽ đi cùng một nửa của mình, chính là những người đàn ông yêu thương họ. Lắng nghe tiếng lòng của người phụ nữ qua âm nhạc, những người đàn ông sẽ hiểu hơn người phụ nữ của mình, yêu thương họ nhiều hơn, quan tâm họ nhiều hơn. Tôi cũng mời những giọng ca hàng đầu, những người hát hay âm nhạc của tôi để cống hiến cho khán giả những đêm nhạc ấn tượng nhất".

"Những bài ca cho em khi mùa xuân nắng nhạt" là tên của chương trình Phú Quang sắp tổ chức. Đùa một chút với ông, mới nhận xét rằng tên chương trình quá dài, lại hơi sến, ông chỉ cười. Phú Quang không mấy bận tâm những nhận xét dù nó tích cực hay tiêu cực.

Ông cứ đường mình mà đi. Hoặc lúc nào nhân tiện ông sẽ nhắc lại nhận xét của ai đó, với một lý lẽ của riêng ông. Chẳng hạn câu chuyện "sến" trong nghệ thuật, có lần ông nói rất thuyết phục. Cái gì mà là tình cảm thật lòng thì thường yếu đuối. Vì yếu đuối nên người ta gọi là sến. Sến thực ra chẳng có gì là dở cả. Hãy nhìn xem, nhạc sến, hay giờ gọi là nhạc bolero, chưa khi nào ít khán giả. Nó đang quay trở lại đời sống những năm gần đây với một lượng khán giả khổng lồ hơn.

Khi ta yêu ai đó, ta nói những lời yêu thiết tha, có thể một kẻ chưa từng yêu sẽ gọi là sến. Nhưng người trong cuộc thật sự, và đang trong tình yêu thật sự thì sẽ thấy vẻ đẹp, sự thăng hoa của những lời tha thiết ấy. Nó là chất liệu, là men say của tình yêu. Nó là tuyệt vời nhất. Những bài thơ tình hay nhất, những bài hát về tình yêu hay nhất cũng vậy, luôn bùng nổ, khát khao, đắm đuối, tha thiết. Chỉ có những người đã trải nghiệm, đã yêu thì mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó.

Những đêm nhạc Phú Quang đã trở thành thường niên, trở thành một thói quen với khán giả của ông. Ngoài việc sáng tác, ông còn là một nhà tổ chức chuyên nghiệp. Có lẽ ở ta không có nhạc sĩ nào tự làm chương trình của mình giỏi như Phú Quang. Thậm chí không ít nhạc sĩ nổi tiếng một đời mơ một đêm nhạc của riêng mình cũng khó. Phú Quang thì không đếm hết các chương trình riêng của mình. Cái duyên của ông còn ở chỗ, đêm nhạc nào cũng bán vé tốt, cũng chật kín khán giả.

Năm này qua năm khác, thế hệ này rồi thế hệ khác, mua vé, đến và nghe Phú Quang. Bên cạnh đó Phú Quang còn tự làm đĩa nhạc của ông. Số lượng đĩa nhạc ông đã làm có lẽ cũng không dễ nhớ tên hết được. Ông sống đàng hoàng bằng âm nhạc. Rồi ông viết hồi ký, in đẹp, giá cao, bán kèm với đĩa nhạc. Nghĩa là rất nhiều ý tưởng xung quanh việc đưa nghệ thuật của mình đến với công chúng đã được Phú Quang thực hiện.

Qua đó, có thể phục tài Phú Quang nhiều hơn nữa. Một người biết tự đưa âm nhạc của mình vào công chúng.  Bên cạnh sức hút tự thân của âm nhạc Phú Quang, cá nhân ông cũng chính là người có công đại chúng hóa âm nhạc của mình.

Thực sự mà nói, nếu như ở ta nhiều nhạc sĩ khác cũng làm được như Phú Quang thì chắc chắn đời sống biểu diễn sẽ sôi động hơn, đời sống thu nhập của họ cũng tốt hơn, và họ cũng có nhiều hơn cơ hội gặp gỡ, tiếp cận khán giả của mình. Khi người nhạc sĩ tự làm chương trình của mình, tiếp cận trực tiếp với khán giả của mình, họ sẽ hiểu khán giả hơn. Đó cũng chính là chất xúc tác, là cảm hứng lớn lao để họ ngồi vào bàn viết, sáng tạo những tác phẩm mà công chúng cần, công chúng mong muốn...

Vũ Quỳnh
.
.