Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Chỉ tình yêu ở lại

Thứ Sáu, 04/12/2009, 14:30
Đầu tháng 11, trong cái gió heo may se lạnh đặc trưng của mùa thu Hà Nội, khán giả thủ đô lại một lần nữa được thưởng thức những tình khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong chương trình "Tình yêu ở lại" diễn ra tại Nhà hát Lớn.

Chương trình được thực hiện nhân sinh nhật lần thứ 85 của người nhạc sĩ tài hoa này đã tập hợp gần như đầy đủ những ca khúc nổi tiếng trong sự nghiệp âm nhạc của ông như "Tình trong lá thiếp", "Hành khúc ngày và đêm", "Đoàn giải phóng quân", "Những ánh sao đêm", "Bóng cây Kơnia, "Thuyền và biển", "Anh ở đầu sông, em cuối sông", "Ở hai đầu nỗi nhớ", "Cuộc đời vẫn đẹp sao"... Gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mới thấy, ngoài mái tóc trắng như cước, cách nói chuyện của ông vẫn dí dỏm, trẻ trung, đúng như điều lâu nay khán giả yêu mến vẫn gọi ông là "Nhạc sĩ không có tuổi".

1. Biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra Hà Nội chuẩn bị cho chương trình, cánh phóng viên văn nghệ rồi bạn bè yêu mến tới tấp gọi điện cho ông. Điện thoại di dộng của ông lúc nào cũng trong tình trạng... rung bần bật. Không có nhiều thời gian nên ông hẹn tất cả các phóng viên một lúc.

Ai cũng chuẩn bị sẵn những câu hỏi "đinh" vì chỉ sợ ông không có thời gian trả lời tất cả mọi câu hỏi. Thế nhưng ông đã khiến cánh phóng viên "choáng" và "đã" khi trả lời tất cả các câu hỏi một cách nhiệt tình đến mức qua cả giờ dùng cơm chiều. Vẫn bằng cách nói chuyện hài hước, hóm hỉnh, ông khiến cả nhóm phóng viên ồ lên thú vị bởi tư duy nhạy bén, nhất là khi nói tới chủ đề... tình yêu.

Ra Hà Nội lần này, đi cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người vợ hiền mà theo nhạc sĩ tiết lộ, nếu năm nay họ tổ chức tiệc kỷ niệm ngày cưới thì đã tới đám cưới kim cương (tức là đã tròn 60 năm). Sự chăm sóc của bà với ông, sự trìu mến của ông trong từng câu nói với bà khiến những người trẻ ngưỡng mộ, cảm phục.

Dù đã bước vào tuổi thất thập, nhưng nếu không quá bận, bà đều thu xếp đi cùng ông mỗi chuyến đi xa. Trong hành trang bà mang theo không thể thiếu những gói sâm. Nghe bà nói vậy, ông tếu táo tán chuyện ngay: "Bà ấy chuẩn bị để cho tôi đi gặp... người yêu đấy".

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự, lần nào ra Hà Nội ông cũng đều chọn khách sạn ở khu phố cổ gần Hồ Hoàn Kiếm để nghỉ ngơi. Đó là nơi ông dễ dàng thả bộ quanh bờ hồ, ngắm hàng liễu rủ và tận hưởng không gian thơ mộng. Ông nói rằng, Sài Gòn nóng và náo nhiệt quá.

Hà Nội bây giờ mở rộng, nhiều khu nhà hiện đại nhưng ông vẫn yêu khu phố cổ nhất. Nó gợi lại cho ông nhiều kỷ niệm đẹp và cũng là nơi "Hà Nội nhất". Mỗi lần ra thủ đô, ngoài những lúc bận rộn giao lưu với khán giả hay gặp gỡ bạn bè, ông bà lại cùng nhau dạo phố và thưởng thức những đặc sản Hà Nội.

Tranh thủ thời gian nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ghi hình cho chương trình "Tình yêu của tôi", chúng tôi có dịp trò chuyện cùng người phụ nữ lặng lẽ đứng đằng sau thành công của ông và biết thêm nhiều thói quen thú vị của nhạc sĩ. Rằng đã 85 tuổi nhưng ông vẫn rất mê bóng đá và gần như không bỏ sót một trận nào trên truyền hình.

Ông bà lấy nhau đã 60 năm nhưng số lần giận nhau có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong những lần giận nhau ấy, ông cũng chưa một lần nặng lời với bà. Mỗi lần giận chuyện gì ông lại trút vào... cây đàn, có lần làm đàn đứt cả dây nhưng tuyệt nhiên không khi nào ông to tiếng. Ngay trong việc dạy con cũng vậy. Ông không bao giờ đánh con. Có lần bực quá, ông lấy tay phết vào mông con nhưng rồi lại lấy tay mình... đỡ.

Tôi hỏi vui: "Ông là nhạc sĩ nổi tiếng, lại thông minh, vui tính, được nhiều người mến mộ, có khi nào bà ghen không"? Bà cười liền lành: "Thú thực là không. Chúng tôi quen biết và đến với nhau từ những ngày khó khăn nhất. Dù ông đi nhiều nhưng luôn khiến tôi cảm thấy an tâm, tin tưởng".

Sáu mươi năm qua, tình yêu và niềm tin họ dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thế. Ngày trước, ông đi công tác suốt, một mình bà chăm sóc các con. Bận bịu chuyện gia đình nhưng bà vẫn tranh thủ đi học bổ túc văn hóa để rồi đỗ vào Đại học, chuyên ngành Dược. Những lần về nhà, ông đều tranh thủ trông con và động viên bà trau dồi bài vở.

85 tuổi, nhưng cuộc sống với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn là làm việc và những chuyến đi. Khi có phóng viên hỏi rằng: "Nhạc sĩ có thể tổng kết một chút về sự nghiệp âm nhạc của mình?", ông cự lại luôn: "Sao lại có thể nói là tổng kết khi mà tôi vẫn đang tiếp tục sáng tác". Và quả thật, ngòi bút của ông vẫn chưa ngừng nghỉ. Ở tuổi 80 ông vẫn nhận được giải A với ca khúc "Con chim hay hót".

Ca khúc "Tình yêu của mẹ" vừa ra đời đã được giải nhất cuộc thi sáng tác ở Hà Tĩnh. Nói về sự ra đời bài hát, nhạc sĩ chia sẻ, một lần thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, đứng trước 10 nấm mồ của 10 cô gái trinh trắng, bên hàng thông gió thổi vi vu, lại thêm những giọng nói ấm áp, nồng nàn của người dân Hà Tĩnh đón tiếp khiến cảm xúc dâng trào, ông đã phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Hồng Ánh và bỏ hẳn bản nháp một bài hát đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Giải thưởng từ cuộc thi đã được ông gửi lại để thắp hương cho 10 cô gái bất tử này.

2. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự rằng, ông rất vui trước đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật. Vui hơn, khi nó được tổ chức bởi những khán giả yêu mến tác phẩm của ông. Được hỏi, tại sao chương trình lại có tên gọi "Tình yêu ở lại", ông bảo: "Mọi thứ như của cải, danh vọng rồi sẽ qua, nhưng tình yêu thì còn mãi trong tim mỗi người, như chuyện tình Trương Chi, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Romeo & Juliet. Tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu với cuộc sống, quê hương, với con người".

Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã cho công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ và nói về tình yêu. Ông cũng là nhạc sĩ viết được nhiều thể loại: nhạc thiếu nhi, hành khúc, ca khúc về tình yêu. Một điều dễ nhận thấy trong các ca khúc của ông là giai điệu trau chuốt, trữ tình. Ông là một trong những tác giả tân nhạc đầu tiên và vẫn sung sức cho đến tận bây giờ.

Về việc phổ nhạc cho thơ, nhạc sĩ nói: "Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn".

Nổi tiếng trong số các ca khúc phổ thơ của ông là "Thuyền và biển" và "Thơ tình cuối mùa thu" của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Thời gian là hàng xóm với nữ sĩ tài hoa này tại 96 Phố Huế đã giúp ông hiểu hơn những đau đáu của người phụ nữ đa đoan này. Đọc những câu thơ của Xuân Quỳnh, ông cảm nhận được nhịp đập gấp gáp, hối hả của một trái tim yêu say đắm đến đớn đau. Có lẽ vì thế mà ông phổ nhạc thành công.

Còn câu chuyện ra đời ca khúc được ví như "ngành ca" của ngành Xây dựng là "Những ánh sao đêm" lại gắn với ca sĩ Quốc Hương. "Khi ấy, Quốc Hương vừa đi Hungari về, hai anh em ngồi với nhau ở thềm nhà hát Hồng Hà. Quốc Hương bảo mình viết một bài nào cao cao vào, són lá thoải mái... mình cứ nghĩ mãi...

Lên tầng thượng ở nhà phố Huế, nhìn về phía Kim Liên, lúc đấy đang xây những ngôi nhà mới, thấy đèn rực sáng, tự nhiên nảy ra ý nghĩ những ánh đèn như những ánh sao đêm. Đầu tiên chỉ định nói về xây dựng, nhưng viết xong lời 1, nghĩ mình là dân miền Nam tập kết ra Bắc, thấy cần phải có chút gì đó với miền Nam. Sau này, bạn bè cứ trêu, một ca khúc mà trúng... 2 đích".

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người chưa bao giờ "ngại nói" về những "bóng hồng" trong cuộc đời. Ông còn hóm hỉnh khẳng định: Nghệ sĩ không có bóng hồng là điều vô lý. Mặc dù chỉ là những tình cảm thoáng qua, nhưng sẽ có hương thơm đọng lại trong tâm hồn mỗi người, gợi nhiều cảm xúc, làm phong phú tâm hồn nghệ sĩ. "Tuy nhiên, nếu mỗi bài hát là một lần đau khổ, thất tình, thì làm sao tôi sống được với bà nhà trong 60 năm qua. Phải biết yêu và cũng phải biết trân trọng, yêu quý gia đình của mình".

Trò chuyện với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mới thấy tại sao các ca khúc của ông lại dạt dào tình yêu đến thế, và tại sao ông lại giữ được thần thái trẻ lâu đến vậy. Ông lý giải đơn giản, đó là nhờ tình yêu.  Tình yêu cuộc sống, cái nhìn lạc quan "cuộc đời vẫn đẹp sao" trong bất kỳ hoàn cảnh nào lại là nguồn cảm hứng dạt dào để cảm hứng sáng tác trong ông chưa bao giờ vơi cạn.

Nhạc sĩ thổ lộ với báo giới, sau chuyến đi này, ông sẽ dành thời gian hoàn thành tác phẩm về 1.000 năm Thăng Long cũng như dự án âm nhạc cho thiếu nhi...

Tương Hương
.
.