Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Âm nhạc nhắc ta về giấc mơ thuở nhỏ
Trước khi gặp người nhạc sĩ ấy, tôi cứ hình dung về nụ cười đi dọc năm tháng tuổi nhỏ của mình. Cái cười trìu mến, hơi hơi rộng mở, hơi hơi lặng lẽ lại vừa như bình thản. Để rồi khi nghe ông trò chuyện, tôi chợt nhớ về một thời không biết ai là tác giả nhưng bọn trẻ ngày đó vẫn sang sảng mà ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Chú voi con ở Bản Đôn", "Cô và mẹ"... Ông chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên, người vẫn yêu thương hết mực các em thiếu niên, nhi đồng.
Lúc tôi gọi điện xin gặp, nhạc sĩ Phạm Tuyên hỏi tôi một câu thế này: "Cô định viết về chuyện tôi được giải thưởng à? Nếu thế thì tôi không có gì để nói đâu nhé". Khi tôi phân bua rằng chỉ muốn viết một bài chân dung về nhạc sĩ thôi thì ông mới khẽ khàng đồng ý. Với ông, từ lúc người vợ thân yêu của ông mất đi, căn phòng nhỏ yên tĩnh nằm trên phố Vạn Bảo dường như trở thành chốn đi về của một người sống nhiều bằng hồi ức. Ông nói, bây giờ ông chỉ muốn dành quãng thời gian còn lại để tập hợp và cung cấp những tư liệu quý về người cha quá cố của mình - học giả Phạm Quỳnh; đồng thời, quan tâm nhiều tới các em thiếu nhi.
Đối với người nhạc sĩ tám mươi hai tuổi này, lúc nào ông cũng sợ các em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi. Đợt xét giải thưởng Hồ Chí Minh vừa qua, biết tin Hội Nhạc sĩ có đề xuất lên một số bài của mình, ông nói với Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: Trong các tác phẩm đưa xét giải ít nhất nên đưa một bài hát thiếu nhi. Các bài ấy được phổ biến hơn nửa thế kỷ nay mà không được nhắc đến thì đúng là không công bằng với các em nhỏ. Cuối cùng, trong cụm tác phẩm của Phạm Tuyên được tặng giải thưởng có ca khúc "Tiến lên đoàn viên". Trên mái đầu điểm bạc, những nếp nhăn như dài ra và đôi mắt trũng xuống vì tuổi tác, tôi vẫn thấy nụ cười ông lấp lánh, nhẹ nhõm khi kể lại chuyện này.
Giữa thời buổi các chương trình gameshow phát triển như vũ bão với những hợp đồng mua bán lên ngôi, nhạc sĩ đa phần không mặn mà với việc sáng tác ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói đùa rằng viết cho các em thì khó nổi tiếng, trẻ con không phải là những nhà phê bình - lý luận mà đưa lên báo. Thích thì chúng hát thôi; với lại, viết cho chúng thì không có thu nhập cao. Đấy là một chia sẻ hết sức thật lòng, đầy tâm huyết của người nhạc sĩ cả đời đau đáu cho thế hệ tương lai của đất nước này.
Chúng ta dễ dàng thấy ngoài những đĩa nhạc được sản xuất từ hơn chục năm trước, tái bản liên tục như "Con cò bé bé", "Mèo con dễ thương" của Xuân Mai, "Mãi mãi trẻ thơ" của Lam Anh, bộ ba album của Xuân Nghi và một số album của nhóm Ve sầu, TyMyTy thì hiện nay chẳng thấy xuất hiện thêm album ca nhạc mới nào dành cho lứa tuổi này. Cô bé Xuân Mai ngày ấy bây giờ đã 17 tuổi nhưng gần như một thế hệ trẻ thơ lúc đó và tới tận bây giờ, hằng ngày vẫn được các bậc phụ huynh mở CD, VCD của Xuân Mai lúc còn bé để nghe.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và các cháu thiếu nhi. |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: Năm 1997, NXB Kim Đồng thấy thiếu các tác phẩm cho thiếu nhi nên có đề xuất với ông in một tuyển tập khoảng 100 bài viết riêng cho lứa tuổi này. Sau mười năm, vẫn thiếu các bài hát cho trẻ con, NXB lại đến để xin tái bản tuyển tập trước và thêm một số bài mới. Mới đây nhất, năm 2012, họ lại xin tái bản lần thứ ba tập sách nhạc tuyển chọn từ hai tập trước. Nói ra những điều này để thấy rằng bức tranh âm nhạc Việt Nam đương thời nghèo nàn và bị khuyết một lỗ hổng lớn như thế nào.
Tôi còn nhớ thời ấu thơ phơi mình ngoài đồng, hun lửa luộc sung chín; nhớ thuở chi chi chành chành, thả địa ba ba; nhớ những đêm trăng, lũ trẻ con cùng nhau hát rất nhiều ca khúc quen thuộc ngày ấy. Nào thì "Ở trường cô dạy em thế", "Em đưa cơm cho mẹ em đi cày", "Em yêu trường em", rồi thì "Hai con thằn lằn con", "Bà Còng", "Hòa bình cho bé"… Những bài hát thiếu nhi thường có lời ca đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ. Thậm chí, đa phần trẻ con thuộc bài hát trước khi thuộc mặt chữ cái. Hồi đó, chúng tôi hát bằng bản năng của đứa trẻ, thích thì hát chứ không quan tâm tới việc ai đã viết ra chúng. Để hôm nay, ngồi chuyện trò cùng một trong những nhạc sĩ quý mến của thế hệ tuổi thơ, tôi mới biết ông là tác giả của rất nhiều ca khúc tuổi hoa, tuổi nụ mà ngày xưa chúng tôi thường nghêu ngao như "Chú voi con ở bản Đôn", "Tiến lên đoàn viên", "Chiếc đèn ông sao", "Cánh én tuổi thơ", "Trường chúng cháu là trường mầm non", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"... Với người nhạc sĩ, còn gì hạnh phúc hơn khi người nghe yêu thích tác phẩm của mình trước khi biết tên mình?
Những ca khúc viết cho các em thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên đậm nét hồn nhiên, trong sáng, phù hợp với từng độ tuổi và mang tính giáo dục cao. Lúc còn nhỏ thì hát "Trường chúng cháu là trường mầm non", "Chiếc đèn ông sao", lớn hơn một chút thì có "Tiến lên Đoàn viên"… Cứ thế, cứ thế, nhạc Phạm Tuyên tự lúc nào trở thành mạch nguồn, cội rễ đằm sâu trong ký ức, là người bạn thân thiết quá đỗi của tuổi thơ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: "Phạm Tuyên là một đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ". Quả thực, trong đời sống tinh thần của thiếu nhi cả nước, từ đồng bằng, biển cả tới vùng cao, có lẽ nơi nào cũng lưu lại dấu vết của người nhạc sĩ giàu lòng nhân ái này.
Ông kể lại một vài kỷ niệm vui trong đời sáng tác của mình. Một hôm, có người gọi điện tới chúc mừng nhạc sĩ vì ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk. Không chỉ các em nhỏ mà già làng cũng hát. Rồi hễ nhắc đến "Chú voi con ở Bản Đôn" là chúng ta lại nhớ tới dáng điệu ngộ nghĩnh của NSND Trần Hiếu khi thể hiện bài hát, nhắc đến "Cánh én tuổi thơ" không thể không nhớ tới cố NSND Lê Dung. Đó là bằng chứng cho việc ca khúc viết cho thiếu nhi nếu hay thì người lớn cũng thích. Nghệ thuật rất bình đẳng, hay thì người ta nhớ, dở thì người ta quên, tự nó chứa đựng quy luật sinh tồn rồi.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa mà ông chia sẻ: Hồi ấy ông có cô con gái học ở trường mầm non Thợ Nhuộm. Một hôm, cô giáo biết bố nó là nhạc sĩ nên xúi về bảo bố viết về trường mình. Nó "dọa" yêu rằng nếu bố không viết thì con không đi học đâu. Và thế là ca khúc "Trường chúng cháu là trường mầm non" ra đời. Và chẳng bao lâu sau, ca khúc này lan rộng trong Nam ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn cải biên lại theo ước muốn dễ thương của mình như "Trường của cháu đây là trường Hoa Sen", hay "Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc tuổi mười ba"…
Để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài tấm lòng yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của chúng. Khi kể lại chuyện qua thăm một trường mầm non, các giáo viên ở đó thấy chẳng có bài hát thiếu nhi mới nào nên đã tự viết nhạc và lời rồi bắt các em hát theo, ánh mắt ông chùng xuống, xen lẫn tiếng thở dài: "Đừng bắt trẻ em làm cái này cái kia. Tội nghiệp chúng lắm!".
Và đừng nghĩ viết cho thiếu nhi thì dễ. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều. Một số người viết cho thiếu nhi nhưng còn chung chung quá nên tác phẩm của họ ở lại trong đời sống các em không bền lâu. Mỗi nấc tuổi lại có một đời sống tâm, sinh lý khác nhau. Trước khi viết, hãy là người bạn biết lắng nghe các em nhỏ, rồi tự khắc giai điệu cất lên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên gợi ý một con đường gần nhất cho những nhạc sĩ trẻ muốn viết cho lứa tuổi này: Đó là trở về nguồn cội, bắt đầu từ những bài đồng dao giản dị nhưng cũng giàu triết lý nhân sinh. Không gì đẹp và thơ bằng tiếng Việt của mình. Mọi sự lai căng về ngôn ngữ, nửa Việt nửa Anh nhan nhản trên các phương tiện truyền thông hiện nay làm một nền văn hóa đậm đà bản sắc như Việt Nam đứng trước nguy cơ chết đuối. Một khi mất chủ quyền về ngôn ngữ thì Đất có còn là Đất, Nước có còn là Nước nữa không?
Tôi nhớ hình như danh họa Picasso đã nói, đại ý: Phải mất rất nhiều thời gian để chúng ta trở thành trẻ thơ. Có phải vì thế mà mặc dù trên đầu hai thứ tóc, nhiều lúc con người chỉ ước được ngả lưng xuống bãi cỏ và mơ về những giấc mơ cũ. Nhạc Phạm Tuyên nhắc mỗi người nhớ về giấc mơ thuở nhỏ, giấc mơ đã từng rất đơn sơ và hồn nhiên trong cuộc đời già nua này