Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Viết bằng lòng biết ơn Mẹ

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:00
Nhắc đến ông, người ta thường nghĩ đến những ca khúc cách mạng quen thuộc đi vào lòng nhiều thế hệ như: "Bài ca không quên", "Đất nước", "Khát vọng", "Mùa xuân từ những giếng dầu", "Đêm trắng", "Sao biển"...

Có nhiều bài hát của ông đã trở thành chuẩn mực của giai điệu trong các cuộc thi nhạc thính phòng. Tuy nhiên, với riêng ông thì "Đất nước" vẫn là một bài hát gợi lên nhiều kỷ niệm sâu sắc về âm nhạc, về những người mẹ Việt Nam anh hùng, và, người mẹ của riêng ông...

-Thưa nhạc sĩ, "Đất nước" là một trong những bài hát hay viết về tình yêu đất nước và tình mẹ. Bài hát này đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào?

 + Cuộc sống tha phương cho tôi cảm nhận sâu sắc về thân phận con người, về cuộc đời. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ khát khao muốn có một nhạc phẩm tâm đắc về quê hương, về mẹ. May mắn thay, năm 1984, tôi đọc được bài thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên có nhan đề "Đất nước tôi" được đăng trên báo Sài Gòn giải phóng.

Qua bài thơ, tôi thấy nhiều ý độc đáo, trữ tình nhưng cũng rất hùng tráng. Nó đi vào những khía cạnh tình cảm mang chất tự sự nói về đất nước, nói về mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi viết say sưa nhưng sửa tới sửa lui vẫn thấy không ổn. Tôi quyết định cất vào tủ.

Lý do tôi quyết định xếp cất vì nó không những không thể sánh được với những ca khúc viết về quê hương đã ra đời trước đó, mà so với cả những ca khúc tôi đã từng viết, nó cũng không bằng. Một năm sau, ca khúc "Đất nước" mới được hoàn thành vẹn toàn.

Khi đó, tôi mới quyết định giới thiệu đứa con tinh thần của mình ra công chúng. May mắn, nó được khán giả yêu mến và đón nhận. Người đầu tiên biểu diễn là nghệ sĩ Ngọc Tân (đã mất). Năm 1988, NSƯT Quang Lý biểu diễn nhân hội diễn ca nhạc tổ chức tại Hà Nội do Bộ Văn hóa tổ chức. Từ đó bài hát phổ biến ra công chúng, các ca sĩ Bích Việt và Trọng Tấn là những người hát thành công.

- Có thể thấy, tình cảm ông dành cho mẹ mình đã vượt ra ngoài sự riêng tư và hóa thành những tình cảm chung của những người con dành cho mẹ, cũng là cho Tổ quốc. Lúc sáng tác, ông đã nghĩ tới những điều gì về mẹ?

+ Tôi nhớ năm 1970, khi chiến tranh lan sang các nước Đông Dương, lúc bấy giờ tôi cùng đơn vị về hoạt động ở vùng Công Pông Chàm (Campuchia) thì tình cờ tôi gặp mẹ tôi tản cư.

Gia đình anh em tôi đi kháng chiến hết nên chỉ còn mẹ ở nhà. Thật là một sự cảm động đặc biệt khi trên đầu là F105 quần thảo, ở dưới thì mẹ tôi chui vào gầm bàn để tránh bom đạn và bà đã xuống tóc để cầu nguyện cho anh em tôi được bình an.

Nhưng đâu có được bình an, chỉ vài tháng sau, nơi tôi đóng quân và nơi mẹ tôi đi tản cư, đã bị đánh bom và may mắn là bà đã thoát chết. Mãi 15 năm sau tôi mới viết bài hát này. Ngoài mẹ của tôi ra, còn biết bao bà mẹ Việt Nam chịu đựng sự hy sinh để cho chồng con lên đường cứu nước.

Tất cả chúng ta đều không thể quên công lao của người mẹ, nhất là những người mẹ có con hy sinh vì Tổ quốc. Nói đến mẹ là nói đến những gì vĩ đại nhất, những tình cảm sâu đậm nhất với thiên chức của mình, các bà mẹ đã chịu sự hy sinh vô cùng cao đẹp cho Tổ quốc. Vì vậy, những giai điệu cho dù có đẹp đến mấy thì cũng không nói hết được tình mẹ đâu.

- Trong nhiều ca khúc của ông, hình ảnh người mẹ luôn như một nốt lặng sâu lắng ám ảnh người nghe. Tuy nhiên, trong bài hát "Đất nước" thì người mẹ đã trở thành hình tượng lớn...

+ Trong thời điểm viết bài hát "Đất nước", tôi nhớ có ba kỷ niệm sâu sắc nhất về mẹ tôi. Vào năm 1945, khi đó tôi còn nhỏ, quân Đồng minh ném bom vào thủ đô Pnômpênh. Gia đình tôi tản cư về miền Nam. Rồi chiến tranh, mẹ tôi một nách ba con lại đùm túm nhau về Campuchia sinh sống.

Sau đó, vào năm 1960 tôi được tổ chức điều về miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ tôi đã dặn tôi: "Con đi đừng làm gì hổ thẹn cho gia đình". Cuối cùng, lúc mẹ tôi mất vào năm 1985, tuy đã giải phóng 10 năm rồi, nhưng do điều kiện công tác, tôi vẫn không thể ở cạnh mẹ để mà chăm sóc bà lúc bà đau ốm.

Khi tôi trở về thăm mẹ thì mẹ đã ra đi. Tôi nghĩ rằng mỗi người một số phận và những bà mẹ Việt Nam cũng đều có số phận buồn vui, tự hào và có những mất mát, bất hạnh. Điều đó là rất chân thật khi chúng ta đeo huân chương đỏ ngực thì biết bao đồng đội biết bao bà mẹ nằm đâu đó không thể tìm được. Những kỷ niệm đó chắc chắn tôi không bao giờ có thể quên trong suốt cuộc đời mình.

- Bản thân ông, ông tâm đắc đoạn nào nhất trong bài hát này?

+ Với tôi, bài hát này là một bài tròn trịa, nó gần đạt tới sự hoàn chỉnh. Một số người thì thích đoạn điệp khúc, nhưng tôi thì thích toàn bài vì một phần không làm lên sự hoàn chỉnh và vì nó là đứa con tinh thần mà tôi đã tạo ra.

- Thường thì khi nhớ mẹ, ông có tự lẩm nhẩm hát bài của mình cho vơi đi nỗi nhớ?

+ Tôi sống rất nội tâm và thỉnh thoảng cũng lẩm nhẩm một vài câu của nhiều bài khác nhau. Trên thực tế, khi mình viết một bài hát thì nó đã trở thành gan ruột của mình rồi, nó ăn vào máu của mình rồi. Những bài hát về mẹ thì càng sâu sắc hơn, nghĩ đến nơi đến chốn hơn. Nó như một lòng biết ơn, một tiếng gọi, một tiếng khóc, một đóa hoa… dành tặng mẹ vậy.

Cũng là nỗi lòng của những người con dành cho mẹ. Càng về già thì tôi càng thấy điều đó rất có ý nghĩa. Tôi mong sao, bài hát của tôi không chỉ của riêng tôi nữa, mà khi những người mẹ Việt Nam nghe những giai điệu đó, cũng sẽ "nghe dịu nỗi đau", nỗi khổ trong đời… Đó là hạnh phúc không thể đánh đổi của bất cứ người nhạc sĩ nào.

- Bài hát "Đất nước" thường được cất vang lên trong mỗi quán karaoke, nhiều người còn xuyên tạc lời hát thành nhiều bản khác nhau. Liệu ông có… bất mãn với điều đó?

+ Nhiều người gặp tôi nói rằng, lúc buồn thường ngâm nga bài hát của tôi, thỉnh thoảng đi hát karaoke cũng thường lấy nó làm… bài tủ. Tôi thì nghĩ, nghệ thuật là một sự sáng tạo, nó khiến mọi người tự sáng tạo lại bài hát theo cách của riêng mình, chứ đó không phải chỉ là sáng tạo của tác giả.

- Hầu hết những ca khúc của ông như một lời vĩ thanh sau những năm tháng gian khổ, giặc giã…Tôi có cảm nhận rằng, đối với ông, âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, thời gian gần đây, hình như ông ít công bố các tác phẩm của mình?

+ Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia (ở miền Nam có phong tục là đám tang chừng 3- 4 ngày và người ta sẽ tổ chức hát những bài mà người quá cố thích nhất, còn miền Bắc thì chỉ có đội kèn đưa đám rất buồn và đám tang cũng diễn ra nhanh gọn trong vòng 1-2 ngày - PV).

Như vậy là không thể nào vắng âm nhạc được. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị rơi rụng.

Tuy nhiên hiện nay, dù cuộc sống của một viên chức về hưu chẳng dư dả gì, song thời điểm này những ca khúc của tôi có tung ra thì nó cũng lẫn vào đâu đó, mặc dù tôi tự tin khẳng định rằng chúng rất hay. Tôi sẽ đợi cho đến khi chúng được yêu thích thật sự. Chính vì thế, gần hai mươi ca khúc tôi sáng tác trong thời gian gần đây cũng đang... nằm trong tủ.

- Hiện nay, nhạc trẻ thường hướng tới những nỗi đau vụn vặt (thậm chí bế tắc trong ca từ). Với vai trò là một người từng quản lý âm nhạc trong nhiều năm, cũng là người có nhiều đóng góp cho âm nhạc nước nhà, ông nghĩ thế nào về hiện trạng của nhạc trẻ hiện nay và hướng đi của nó?

+ Thế hệ tôi lý tưởng là chống giặc ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh, xây dựng lại đất nước và bảo vệ biên cương vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ mục tiêu hiện nay là làm thế nào để dân giàu nước mạnh.

Do đó mỗi thanh niên phải dựa vào hoàn cảnh của mình để đưa ra những mục tiêu cụ thể cho mình và cho đất nước và phải nhớ đến công ơn những đấng sinh thành ra mình, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì cũng nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhạc trẻ hiện nay chủ yếu nói về những vấn đề cá nhân quá nhiều, họ chưa viết đúng tầm cái mà họ đang có. Tuy nhiên, tôi miễn bình luận vì mỗi người một phong cách, không ai giống ai nên không thể nói một lúc mà được.

- Ngày mồng 8 tháng 3 sắp đến, nhạc sĩ có nhắn nhủ gì đến những người mẹ, người vợ, những người từng làm nên một phần âm nhạc của ông?

+ Nhân ngày mồng 8 tháng 3, chúc các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tiếp tục phát huy được tám chữ "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang". Các em thì được hạnh phúc, được yêu thương bên chồng con. Các cháu thanh niên thì vui vẻ khỏa mạnh và cống hiến sức lực cho Tổ quốc, và cũng chúc các cháu hạnh phúc bên những người mình yêu thương.

- Vâng, xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.