Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Có một bài ca không bao giờ quên

Thứ Hai, 17/03/2014, 08:00

Sáng tác trên trăm ca khúc, tên tuổi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nổi như cồn trong lòng người mộ điệu với những giai điệu hào sảng và nghĩa tình như "Đất nước", "Bài ca không quên", "Khát vọng" hay "Dấu chân phía trước"... Thế nhưng, hầu như trái ngược với tác phẩm của mình, Phạm Minh Tuấn có cuộc sống khá lặng lẽ. Sau thời gian làm cán bộ quản lý ngành Văn hóa thông tin Tp HCM, ông chọn nếp sinh hoạt bình dị của một công chức về hưu.

Nghe ca khúc của Phạm Minh Tuấn, nhiều người vẫn ngỡ ông là một người Nam Bộ. Thế nhưng, quê cha của ông ở Nam Định, còn quê mẹ của ông ở Hưng Yên. Phạm Minh Tuấn kể: "Từ những năm 30 của thế kỷ trước, bố mẹ tôi lưu lạc sang Campuchia làm ăn sinh sống và anh em tôi đã được sinh ra trên xứ bạn. Năm 1960, theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, chàng trai có tên thật Phạm Văn Thành là tôi về nước tham gia cách mạng lúc 18 tuổi!". Lặn lội ở sông nước Vàm Cỏ, Phạm Minh Tuấn viết ca khúc đầu tay "Qua sông" và được trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Non sông thống nhất, Phạm Minh Tuấn theo học Khoa Sáng tác Nhạc viện Tp HCM khóa 1976-1981 để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Cũng từ đó, hàng loạt ca khúc mang hơi thở cuộc sống mới của Phạm Minh Tuấn được ra đời.

Phạm Minh Tuấn nói về cảm hứng âm nhạc của mình: "Đề tài chiến tranh cách mạng luôn thôi thúc tôi sáng tác. Kỷ niệm về một thời khói lửa và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thường đem đến cho tôi những giai điệu đẹp!".

Ca khúc "Đất nước" là một trong những bài hát tiêu biểu nhất của Phạm Minh Tuấn. Từ bài thơ của Tạ Hữu Yên in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1984, Phạm Minh Tuấn đã đầu tư suốt một năm để viết nên những lời tha thiết: "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ…".

Ba mươi năm đã trôi qua, "Đất nước" vẫn được nhiều thế hệ hát lên đắm say mỗi khi thoáng nghe trong lòng chút bâng khuâng về quê hương hào hùng và kiêu hãnh! Và có lẽ "Đất nước" cũng là một dấu son trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Minh Tuấn như chính ông thổ lộ: "Tôi sống rất nội tâm và thỉnh thoảng cũng lẩm nhẩm một vài câu của nhiều bài khác nhau. Trên thực tế, khi mình viết một bài hát thì nó đã trở thành gan ruột của mình rồi, nó ăn vào máu của mình rồi. Những bài hát về mẹ thì càng sâu sắc hơn, nghĩ đến nơi đến chốn hơn. Nó như một lòng biết ơn, một tiếng gọi, một tiếng khóc, một đóa hoa… dành tặng mẹ vậy.

Ca sĩ Cẩm Vân trình bày ca khúc "Bài ca không quên" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tại Lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Cũng là nỗi lòng của những người con dành cho mẹ. Càng về già thì tôi càng thấy điều đó rất có ý nghĩa. Tôi mong sao bài hát của tôi không chỉ của riêng tôi nữa, mà khi những người mẹ Việt Nam nghe những giai điệu đó, cũng sẽ "nghe dịu nỗi đau", nỗi khổ trong đời… Đó là hạnh phúc không thể đánh đổi của bất cứ người nhạc sĩ nào!".

Ngoài ca khúc "Đất nước", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn chứng tỏ một khả năng phổ thơ tài tình qua các sáng tác "Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ" từ vần điệu của Nguyễn Nhật Ánh; "Dấu chân phía trước" từ ý tứ của Hồ Thi Ca; hay "Khát vọng" từ vài chấm phá chữ nghĩa của Đặng Viết Lợi.

Không phải là người thích nói về thành công của mình, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thổ lộ về phương pháp phổ thơ: "Trước hết, phải cảm nhận trọn vẹn bài thơ, nhưng không để âm nhạc chạy theo thơ, mà hướng cho thơ đồng hành với thủ pháp âm nhạc. Sau đó, dựa vào thơ, nâng thơ lên, phát triển ý thơ để thành bài hát hoàn chỉnh! Để một bài thơ chuyển thành một bài hát thì có ba yếu tố quyết định, thứ nhất bài thơ gắn với cuộc sống, thứ hai bài thơ có âm điệu, và thứ ba là bài thơ phải phù hợp với phong cách âm nhạc của nhạc sĩ! Nếu không, rất dễ giống như hát thơ!".

Với hơn 100 ca khúc đã công bố, chất liệu âm nhạc của Phạm Minh Tuấn phần lớn đều tự sự và thao thức: "Bài ca tôi không quên, tôi không quên, đất rừng xứ lạ. Bài ca tôi không quên tôi không quên, bước dồn đường khuya đói lả, gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi" hoặc: "Có từ bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho anh làm thơ", hoặc: "Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư". Tuy nhiên, tâm hồn Phạm Minh Tuấn cũng có lúc thật sôi nổi và rộn ràng, đó là trường hợp ca khúc "Mùa xuân từ những giếng dầu".

Không chỉ reo mừng cùng vẻ đẹp lao động qua nhịp điệu trẻ trung, Phạm Minh Tuấn đã đưa vào tác phẩm nhạc của mình những ngôn ngữ đặc thù ngành nghề tương đối khó như "giếng dầu", "giàn khoan", "mỏ quý". Tính đến nay, có lẽ chưa có ca khúc nào viết một cách trực diện về lĩnh vực dầu khí được nhiều người yêu thích như "Mùa xuân đến từ những giếng dầu" với sức thuyết phục rạo rực: "Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ… Mùa xuân từ những giàn khoan, hỏi biển sâu ở đâu mỏ quý…".

Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, "Mùa xuân từ những giàn khoan" không phải "ngành ca", mà xuất phát từ cảm xúc thật: "Năm 1981, tôi cùng đoàn nhạc sĩ của TP Hồ Chí Minh đi thực tế Vũng Tàu, đến đơn vị xây dựng cơ sở ban đầu của ngành Dầu khí, chính là Liên doanh Vietsovpetro bây giờ, lúc đó cũng đang giải quyết những công việc "khai hoang" để đặt giàn khoan. Ba năm sau thì có tin Việt Nam khai thác tấn dầu đầu tiên. Thời điểm đó nền kinh tế nước ta đang ở vào giai đoạn khó khăn, cao trào của bao cấp, nên tin này thực sự thắp lên trong lòng người dân Việt Nam niềm hy vọng mới, về một chặng đường phát triển mới của đất nước. Không ai nghĩ là chúng ta có dầu, tôi cũng vậy, nên cảm xúc lúc đó trào dâng lên như sóng biển, cộng thêm những tư liệu sống có được từ chuyến đi thực tế năm 1981, nên tôi liền bắt tay viết "Mùa xuân từ những giếng dầu" và hoàn thành rất nhanh sau đó!".

Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn viết khí nhạc, nhạc phim, nhạc cho kịch nói và cải lương. Ít ai biết, nhiều bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là kết quả của… đơn đặt hàng như "Ngôi sao biển", "Lối nhỏ vào đời"… đều là những bài viết cho các bộ phim, các vở kịch sẵn có. Chỉ có điều, sau khi rời khỏi màn ảnh, rời khỏi sân khấu, chúng lập tức trở thành ca khúc độc lập, với đầy đủ sức sống nội tại của mình. Đến nay, Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (các năm 1993, 1995, 1996).

Nhiều năm làm công tác giảng dạy âm nhạc tại Nhạc viện Tp HCM khiến nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn suy tư: "Thế hệ tôi lý tưởng là chống giặc ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh, xây dựng lại đất nước và bảo vệ biên cương vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ mục tiêu hiện nay là làm thế nào để dân giàu nước mạnh. Do đó mỗi thanh niên phải dựa vào hoàn cảnh của mình để đưa ra những mục tiêu cụ thể cho mình, cho đất nước và phải nhớ đến công ơn những đấng sinh thành ra mình, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì cũng nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhạc trẻ hiện nay chủ yếu nói về những vấn đề cá nhân quá nhiều, họ chưa viết đúng tầm cái mà họ đang có. Tuy nhiên, tôi miễn bình luận vì mỗi người một phong cách, không ai giống ai nên không thể nói một lúc mà được".

Sinh năm Bính Ngọ 1942, ở tuổi 72, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn sáng tác, nhưng ông ít công bố tác phẩm. Bởi lẽ, ông đặt ra đòi hỏi khá khắt khe cho chính mình: "Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia. Như vậy là không thể nào vắng âm nhạc được. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị rơi rụng. Tuy nhiên hiện nay, dù cuộc sống của một viên chức về hưu chẳng dư giả gì, song thời điểm này, những ca khúc của tôi có tung ra thì nó cũng lẫn vào đâu đó, mặc dù tôi tự tin khẳng định rằng chúng khá hay. Tôi sẽ đợi cho đến khi chúng được yêu thích thật sự. Chính vì thế, gần hai mươi ca khúc tôi sáng tác trong thời gian gần đây cũng đang... nằm trong tủ.

Tôi cũng trăn trở nhiều lắm. Làm sao có được bút pháp mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay, nói được tâm thế người Việt Nam thời hội nhập. Tôi vẫn đang tìm tòi, khi nào cảm thấy hài lòng, sẽ giới thiệu rộng rãi cho mọi người!"

Lê Thiếu Nhơn
.
.