Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ: Viết để thể hiện lòng biết ơn...

Thứ Sáu, 24/06/2011, 08:30
Ông vốn là kỹ sư cầu đường, nhiều năm làm việc trong ngành giao thông vận tải nhưng lại nổi danh bởi là tác giả của những bài hát được nhiều người yêu thích như: "Nhịp cầu sông Mã", "Mẹ yêu không nào" (sau đổi tên là "Con cò bé bé")... Đặc biệt, ông có trên 40 ca khúc sáng tác về lực lượng Công an, đã tổ chức đêm nhạc "Khúc hát bình yên" và cho xuất bản tuyển tập ca khúc "Khúc hát bình yên" để ngợi ca người chiến sĩ Công an nhân dân...

Với những cống hiến của mình, ông đã được giải thưởng của Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc cho ca khúc "Mẹ yêu không nào"; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Tổng cục Đường sắt cho ca khúc "Nhịp cầu sông Mã" (năm 1968); giải thưởng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho ca khúc "Hành khúc người chiến sĩ chống tội phạm ma túy" (phổ thơ của Thiếu tướng Vũ Hùng Vương) năm 2009... Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

- Thưa nhạc sĩ Lê Xuân Thọ, ông được nhiều thế hệ tuổi thơ biết đến với bài hát "Mẹ yêu không nào" và những ca khúc về giao thông, ngành mà ông gắn bó trong nhiều năm làm việc, nhưng gần đây, ông tập trung viết nhiều về đề tài Công an. Vì đâu ông lại có sự thay đổi này?

+ Tôi nhớ có một cái Tết đã khá lâu rồi, sau khi xem xong những màn biểu diễn pháo hoa trên truyền hình, gia đình tôi đi ra đường để hái lộc đầu năm. Không chỉ chúng tôi vui vẻ trước một mùa xuân mới, mà tất cả phố phường đều tấp nập, người người quần áo rực rỡ. Nhưng khi đi qua một vài tụ điểm đông người, tôi nhìn thấy các chiến sĩ Công an trong bộ sắc phục vẫn đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho mọi người. Trong lòng tôi lúc đó dâng lên một cảm giác rất lạ. Họ thực sự là những người kiên trung, luôn quên mình để bảo vệ quê hương thanh bình. Ở những giờ khắc gia đình cần một người đàn ông, một người cha, một người chồng thì các anh lại đang phải bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Điều đó khiến tôi xúc động và nghĩ ngợi rất nhiều. Rồi một ngày, tôi đọc được những bài thơ viết về ngành Công an của chính các chiến sĩ Công an. Dù rất bận rộn trên trận tuyến chống tội phạm, nhưng tâm hồn họ vẫn đầy chất thơ lãng mạn. Tôi đã ngồi ghi lại những nốt nhạc ấy với tất cả lòng trân trọng, tình quý mến.

- Dễ thấy rằng, đối với hầu hết những bài hát phổ thơ này, ông đều giữ lại gần như đầy đủ các câu thơ mà không "biến hóa" nó như một vài nhạc sĩ phổ thơ thường làm. Ông có thể giải thích về điều này?

+ Tôi trân trọng sự sáng tạo của nhà thơ. Người nhạc sĩ trong trường hợp này là những người đồng sáng tạo, nhưng làm sao phải không làm mất đi căn bản của ngôn từ nguyên bản mà vẫn tạo được dấu ấn riêng cho mình. Bởi tôi chắc chắn rằng, không ai hiểu về sự vất vả gian nan của nghề nghiệp mình, cảm xúc của mình bằng chính họ, vì thế, để nguyên lời thơ cũng là cách tôn bài hát của mình lên. Chẳng hạn, trong bài "Khúc hát bình yên", lời thơ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an có nhiều câu rất ý nghĩa: "Làng quê bình yên ấm lời ru của mẹ/ Phố phường bình yên ngày đêm náo nức dựng xây/ Bản làng bình yên điện về núi rừng bừng sáng/ Biển khơi bình yên thuyền về tôm cá đầy khoang/ Bình yên, bình yên tình yêu khát vọng ấy/ Sáng bừng lên trong lòng chiến sĩ Công an/ Vì nước quên thân, vì dân phục vụ/ Để niềm vui hạnh phúc đến muôn nhà/ Tổ quốc ơi! Vì cuộc sống bình yên cho muôn nơi ấm áp tình người/ Trọn đời mình dâng hiến tuổi thanh xuân/ Trọn đời mình vì nước quên thân/ Trọn đời mình vì nước vì dân".

Bên cạnh đó là sự mượt mà, thấm đẫm nỗi niềm trước quê hương, con người, tình yêu như lời bài thơ "Về Cà Mau quê em" của Thiếu tướng - nhà thơ Khổng Minh Dụ: "Tôi trở về Cà Mau quê em/ Một sớm đầu thu đầy nắng/ Giải đất cực Nam hiền hòa theo em về Hòn Đá Bạc/ Thăm vùng chiến tích năm xưa/ Nơi đây bao chiến sĩ an ninh/ Lưới giăng vây kín quân thù/ Vì đất nước thanh bình/ Chiến công xưa mãi mãi chẳng phai mờ/ Tôi như lạc giữa rừng mơ/ Mênh mông biển trời sông nước/ Tạm biệt em, tạm biệt Cà Mau rừng Đước/ Tôi về lòng những ngẩn ngơ/ Nghe trong con sóng triều lên/ Xôn xao biển trời ai hát…". Hay như bài thơ "Hai mươi sáu bông ban trắng" rất xúc động của nhà thơ Phan Quế viết về liệt sĩ Công an Phạm Văn Cường hoặc khúc ca đầy bi tráng về người anh hùng Tây Nguyên của Thiếu tướng Huỳnh Huề, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: “Đắc Lắc yêu thương mãi mãi ngợi ca anh hùng Y Thuyên, chàng trai M’Nông quê hương Krông Bông, người trinh sát kiên cường mưu trí, hy sinh cả đời mình vì Tây nguyên bình yên...”

- Trong gia tài hơn 40 bài hát về lực  lượng Công an của ông, tôi thấy có nhiều bài ông phổ thơ của Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an. Ông có thể kể lại về sự gặp gỡ của âm nhạc và những bài thơ này?

+ Tôi đọc thơ của Thiếu tướng Vũ Hùng Vương và nhận thấy rằng, thơ của ông có âm hưởng của hành khúc. Nó bao quát với lời thơ hùng tráng. Bởi vậy tôi đã viết "Hành khúc người chiến sĩ chống tội phạm ma túy", "Tuổi trẻ Cảnh sát Việt Nam" với những điệp khúc rộn ràng, ý nghĩa: "Bao tự hào tuổi trẻ cảnh sát Việt Nam, đi tiên phong trên trận tuyến thầm lặng, từ thành phố đến làng quê, biển cả đến Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc điệp trùng. Không sợ hy sinh, không quản ngại gian khổ, đồng đội bên nhau kiên cường chiến đấu, vì cuộc sống bình yên, vì dân giàu nước mạnh, tiếp bước cha anh xin dâng hiến tuổi xuân…".

- Có nhiều nhạc sĩ họ không học nhạc từ bé nhưng khi đến với âm nhạc lại có nhiều tác phẩm để lại những dấu ấn sâu đậm. Ông cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy, cơn cớ nào, đang là một kỹ sư cầu đường, ông lại đi vào con đường âm nhạc để có những ca khúc đi cùng năm tháng như "Nhịp cầu sông Mã", "Mẹ yêu không nào"…?

+ Dù tôi không được học nhạc từ nhỏ nhưng tôi rất yêu âm nhạc và tự mày mò để học từ những nốt nhạc đầu tiên. Sau đó, tôi cũng có tham gia một số lớp học. Nhưng tôi phải cảm ơn nghề kỹ sư cầu đường của mình vì nó đã cho tôi những chuyến đi khắp mọi miền đất nước làm tươi mới cảm xúc của mình. Bài "Mẹ yêu không nào" (sau này được đổi thành "Con cò bé bé") tôi viết khoảng giữa năm 1966, khi cả nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ rất ác liệt. Bấy giờ, cơ quan tôi được lệnh sơ tán về một làng quê thơ mộng nằm bên sông Cà Lồ, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà ăn ở đầu làng, cuối làng là nơi làm việc nên hôm nào chúng tôi cũng phải đi từ đầu làng tới cuối làng vài bận. Một chiều, sau khi ăn xong, trên đường về, tôi thấy một bà mẹ là công chức của Bộ Nội thương cũng về đây sơ tán, trên tay bế đứa con nhỏ kháu khỉnh, đứng hóng mát dưới lũy tre làng. Đứa trẻ nhìn thấy đàn cò trắng đậu trên bụi tre cứ đưa tay ra vẫy vẫy. Bà mẹ cầm tay con vẫy theo. Cảnh tượng đẹp như tranh ấy đã gợi cho tôi nhiều xúc cảm. Ngay tối hôm ấy, tôi sáng tác bài "Mẹ yêu không nào". Hôm sau, trên đường đạp xe về Hà Nội, tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Mộng Lân. Ngồi trong quán cà phê, anh hỏi tôi có tác phẩm nào mới không? Tôi liền hát mấy câu cho anh ấy nghe. Anh khen tứ lạ, hay và bảo tôi chép lại. Không có giấy, tôi đành viết lại lời và nhạc vào hai vỏ bao thuốc lá và đưa cho anh. Bẵng đi mấy tháng, tôi bất ngờ và xúc động nghe thấy bài hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến cuối năm 1967, tôi nhận được giấy mời lên Nhà hát Lớn nhận giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi do Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc tổ chức. Cùng năm đó, tôi viết bài hát "Nhịp cầu sông Mã" và cũng đã đoạt được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

- Trong số hàng chục đĩa nhạc và hàng chục đầu sách nhạc của riêng ông, có đến hơn một nửa là những ca khúc viết về các ngành nghề như Công an, giao thông, tài chính, nông thôn… Nhiều người chỉ sáng tác những ca khúc về các ngành nghề nào đó khi nhận được đơn đặt hàng. Bản thân ông thì sao?

+ Tôi thì ngược lại, tôi viết mà người ta không biết là tôi viết, vì thường thì tôi thích một bài thơ của ai đó, hoặc có một ý gì bật ra trong đầu là tôi mở đàn piano và bắt đầu chọn cho ca từ ấy một "chiếc áo" đẹp nhất có thể có. Âm nhạc với tôi như một thứ giải tỏa cho tâm hồn và tôi viết vì mình thích chứ không phải bởi một ràng buộc nào, kể cả tiền bạc hay tình cảm. Cho đến nay tôi đã có 3 đêm nhạc của riêng mình. Gần nhất là đêm nhạc "Khúc hát bình yên" nhân kỷ niệm 60 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948-2008) do Ban lãnh đạo Học viện An ninh nhân dân - Bộ Công an tổ chức giới thiệu cùng sự thể hiện của nhiều ca sĩ nổi tiếng và Đoàn nghệ thuật Quân khu II. Tôi cũng đã in tập ca khúc "Khúc hát bình yên" để chào mừng 65 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (1945-2010). Với tôi, âm nhạc là nơi mình chia sẻ những cảm xúc về tình yêu, cuộc sống, con người, hay đơn giản chỉ là thể hiện lòng biết ơn những người đã mang lại cho mình sự bình an trước cuộc sống.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Xuân Thọ!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.