Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Phút trải lòng chiều cuối năm
Những ngày cuối năm rét mướt, Lê Minh Sơn phát hành album mới của mình có tên "À í a". Trước đó, liveshow của anh mang tên "Ôi quê tôi" được khán giả thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Nhân một mùa xuân mới đang đến gần, chũng ta hãy cùng trò chuyện với Lê Minh Sơn và chia sẻ những tâm sự của anh về âm nhạc và cuộc sống.
- Thưa nhạc sĩ Lê Minh Sơn, cuối năm mọi người đang hối hả kiếm tiền lo Tết, còn anh lại phát hành album mới, anh không lo "ế hàng" sao?
+ Thực ra đây chính là thời điểm đẹp nhất trong năm để tôi phát hành album của mình đấy. Tôi là nhà sản xuất, đã phát hành hơn chục album rồi, tôi rất có kinh nghiệm về việc này.
-"À í a" là tên album mới của anh. Hầu như tất cả những sáng tác của anh đều về chủ đề "nhà quê". Trong thế giới hiện đại quá nhiều lựa chọn hấp dẫn, liệu rằng anh có thể tình nguyện làm một gã nhạc sĩ nhà quê suốt đời chăng?
+ Tôi đang nghĩ sao bạn không đặt ngược lại câu hỏi, là có phải vì đang sống trong thế giới hiện đại với guồng quay vội vã mà Lê Minh Sơn mới viết được về nhà quê da diết như thể sợ rằng những giá trị truyền thống có thể sẽ mất đi, nếu chúng ta không gìn giữ. "À í a" là album ghi-ta hòa tấu không lời thứ 2 của tôi, sau 30 năm gắn bó với cây đàn. Nếu khán giả đã từng nghe "Ôi quê tôi", "Cặp ba lá", "À í a" qua giọng ca của các ca sĩ, thì ở đây họ sẽ một lần nữa được thưởng thức chúng, trong một không gian âm nhạc khác không kém phần thú vị…
- Đã tình nguyện làm gã nhà quê, sao anh còn "ra phố" chơi những cuộc chơi có vẻ không hợp với mình lắm, như làm giám khảo trong "Cặp đôi hoàn hảo" - một vị trí của người đi "làm dâu trăm họ"? Xung quanh dư luận cuộc thi, nhiều khán giả đã không ngại "chấm điểm" lại anh một cách hà khắc. Tâm trạng anh thế nào?
+ "Cặp đôi hoàn hảo" là một chương trình giải trí. Tôi đã làm nhiệm vụ giám khảo với tất cả tinh thần giải trí trong đó. Điều buồn cười là không có nhiều người cảm nhận được điều này. Có lẽ chỉ có thể lý giải là hiện nay có tới 95% các chương trình được phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng đều là các chương trình giải trí, nên khán giả phần lớn bị "đánh lừa cảm giác" giữa các chương trình nghệ thuật và các chương trình giải trí.
- Từng chấm điểm cho sự hoàn hảo của nhiều cặp đôi, nhưng nếu chấm cho sự hoàn hảo của chính mình, điểm số của anh thế nào?
+ Ôi, câu hỏi này khó đấy. Làm sao tôi có thể trở thành hoàn hảo khi mà tôi lại dại dột tự đi chấm điểm cho mình cơ chứ. Tôi là một người đàn ông và tôi quan niệm hãy để người đàn bà ở bên cạnh mình chấm điểm cho mình. Hình như đây mới chính là suy nghĩ hoàn hảo của một đấng nam nhi thì phải? (cười)
- Mùa xuân, mạn đàm đôi chút về tuổi trẻ. Anh Lê Minh Sơn, cho dù anh có cố làm ra một "ông cụ non" bao nhiêu, thì anh vẫn là một nhạc sĩ trẻ. Thông thường thì trẻ là phải tốc độ, còn anh lại thích câu "sống là phải biết chờ đợi". Anh đang cổ súy cho lối "sống chậm" chăng?
+ Hãy ngẫm mà xem, chúng ta nấu một nồi cơm cũng phải đợi để cơm chín, trồng một cái cây cũng phải đợi ngày nó ra hoa kết trái. Trong tình yêu cũng vậy thôi, biết bao thử thách, biết bao năm tháng mới làm nên hương vị đích thực của nó. Người ta phải biết chờ đợi, ngay cả khi họ còn đang trẻ. Sống chớp nhoáng, sống vội vàng nôn nóng là lối sống mang đến nhiều thảm họa, nhiều bi kịch. Nó cũng thể hiện một văn hóa sống kém cỏi. Tôi không cố sống chậm hay sống nhanh. Tôi không cố điều gì. Tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất, rằng Sống đã là một điều vĩ đại. Vậy nên, hãy tận hưởng cảm xúc mỗi phút giây, mỗi ngày, mỗi tháng. Vui - buồn trong đời người đều giá trị như nhau. Niềm vui thì qua nhanh, còn nỗi buồn thì ở lại. Tuổi trẻ nếu không biết buồn là một giá trị thì niềm vui cũng sẽ vô cùng hời hợt.
- Nếu "sống là phải biết chờ đợi" thì Lê Minh Sơn hôm nay đang chờ đợi điều gì?
+ Tôi ư? Tôi chờ đợi những chương trình văn hóa nghệ thuật đúng nghĩa sẽ làm giàu có đời sống tinh thần của con người. Trong tư cách một người vẫn còn được xem là trẻ, lại là một người thầy giảng dạy âm nhạc, tôi chờ đợi những người trẻ dám làm, dám chịu, dám xả thân vì cái mới, không ngừng sáng tạo ra những ngôn ngữ nghệ thuật mới. Mặc dù tôi vẫn biết rằng cái mới khi ra đời sẽ bị hàng triệu cái cũ nó níu kéo và hủy diệt, nếu người sáng tạo không thực sự tài năng…
- Có nhiều người làm nghệ thuật trẻ không thể kiên nhẫn đợi sự nổi tiếng đến. Họ có nhu cầu được mọi người biết đến mình càng nhanh càng tốt. Thế nên mới sinh ra những xì-căng-đan, những thứ chả nghệ thuật tí nào với mục đích chỉ để tên người làm nghệ thuật được công chúng biết tới. Anh thử bình luận đôi câu về hiện tượng này?
+ Cái này thì tôi không bình luận gì cả. Tôi luôn nhớ câu của ông bà ta dạy, là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Không hiểu cái từ "công chúng" mà bạn nhắc đến trong câu hỏi là ai, còn với riêng tôi, trong suy nghĩ của tôi, không bao giờ có những người làm nghệ thuật và lớp công chúng như vậy. Đó không phải là nghệ thuật đích thực và công chúng đó cũng không dành cho nghệ thuật đích thực.
- Có một nhạc sĩ trẻ nói với tôi thế này, thế hệ các nhạc sĩ trẻ hôm nay khác với thế hệ cha anh đi trước là họ ít có tình bằng hữu thực sự trong âm nhạc. Anh thấy điều này có chính xác không? Trong âm nhạc, anh có nhiều bằng hữu không, hay là anh thấy mình đơn độc?
+ Tình bằng hữu thì theo tôi thời nào cũng có. Nhưng trong nghệ thuật, chỉ có những người thực sự tài năng mới biết công nhận tài năng của người khác. Chẳng có thứ nghệ thuật nào là "nghệ thuật bầy đàn" cả. Người làm nghệ thuật, muốn lao động, sáng tạo ra cái mới thì phải biết tận hưởng và kiêu hãnh với sự đơn độc của mình.
- Có một thực tế thế này, phần lớn các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê, khi ra đến thành phố lập nghiệp thì không muốn quay lại quê nhà nữa. Họ không xem trọng các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời ở làng quê bằng các giá trị văn hóa phương Tây du nhập vào. Họ hiện đại hơn mà tâm hồn "ít Việt
+ Tôi nghĩ trong quá trình phát triển của một xã hội, chúng ta phải chấp nhận sự nhiều mặt của một vấn đề. Đúng là có thực tế như bạn nói thật, không ít trong xã hội đâu. Nhưng hãy cứ để những người trẻ đó họ sống với những điều họ nghĩ là đúng, rồi sẽ tới một ngày không xa họ sẽ hiểu ra một điều rằng, con người ta nếu đánh mất nguồn cội của mình, họ sẽ không có tương lai…
- Anh có một cậu con trai nhỏ, có lần anh tuyên bố sẽ cho cháu về quê học trường làng. Anh không sợ con mình bị lạc hậu so với những đứa trẻ thành phố sao?
+ Sự lạc hậu đáng sợ nhất trong con người là lạc hậu về tư duy, thẩm mỹ. Không phải cứ học trường quốc tế thì đứa trẻ trở thành người văn minh đâu bạn. Muốn là một người văn minh, phải có một nền tảng văn hóa rất vững vàng. Mà văn hóa thì không thể học được. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gen, khát vọng của con người, và quan trọng là khả năng tự học…
- Hàng năm vào ngày Tết, anh có thường cùng gia đình về quê ăn Tết không? Ngày Tết ở quê anh thích điều gì nhất?
+ Năm nào tôi cũng về quê ăn Tết. Cha mẹ tôi mổ một con lợn rất to, kêu eng éc vang cả làng. Rồi cả nhà quây quần gói bánh chưng, làm giò, vui lắm. Bọn trẻ thì chạy lăng xăng, chờ được ăn miếng bánh đầu tiên. Tôi quan sát chúng vui thực sự, hào hứng thực sự. Tết ở quê tôi thích nhất là được tắm mình trong mùi thơm của hương trầm - cái mùi hương đặc quánh ám ảnh trong giá rét. Ngày Tết về quê, ngồi trong ngôi nhà cha mẹ sinh ra mình, nhìn mẹ, nhìn chị ngày thêm vui và bình yên, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc.
- Nếu cần gửi một lời chúc dành cho những người đang bắt đầu với con đường nghệ thuật, nhân một mùa xuân đang ở rất gần, anh sẽ nói gì?
+ Tôi chỉ xin tâm sự một điều, rằng trong nghệ thuật không bao giờ có trẻ-già. Vì tài năng là không có tuổi. Nếu đã làm một người nghệ sĩ, theo đuổi và phải lòng cái Đẹp, thì cần biết giữ cho tâm hồn mình mãi trẻ như mùa xuân, trong veo như mùa xuân.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Minh Sơn về cuộc trò chuyện này