Nhạc sĩ Doãn Nho: Vẫn tiến bước dưới quân kỳ

Thứ Sáu, 12/12/2008, 15:30
Ngày niên thiếu, trong một kỳ cắm trại ở Đồ Sơn, tôi thật ngạc nhiên khi nghe một người bạn hát một hành khúc mới toanh trong đêm lửa trại. Bản hành khúc có tên "Tiến bước dưới quân kỳ" nghe mới hào sảng, thôi thúc làm sao. Tôi khẩn khoản nhờ người bạn dạy cho. Người bạn có vẻ tự hào vì đã thuộc được một hành khúc hay.

Sau này, khi vào đại học, chúng tôi vẫn thường hát vang hành khúc này trong các kỳ tập quân sự. Lúc ấy, tôi mới biết tên tác giả là Doãn Nho nhờ một nữ cán bộ đi học tên là Ngô Hiền Minh. Không ngờ đến bây giờ chị Minh lại là thông gia với nhạc sĩ Doãn Nho.

Doãn Nho gốc Hà Nội. Anh tham gia quân đội năm 1950. Khi ấy, anh mới 17 tuổi, đã từng tham gia thiếu niên cứu quốc hồi 1945, rồi sau đó là Đội Tuyên truyền Xung phong Vĩnh Yên ngày Toàn quốc kháng chiến. Doãn Nho vào bộ đội là đi học ngay Trường Lục quân Việt Nam khóa 6. Nhưng do khả năng âm nhạc và biết chơi violon, anh trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Trường Lục quân.

Ngày ấy, anh đã bắt đầu viết ca khúc. Những "Bà mẹ nuôi", "Tiến lên theo gương La Văn Cầu"… do anh sáng tác đã được thành tiết mục biểu diễn. Khi chuyển về Văn công Tổng cục Chính Trị ngày Giải phóng Thủ đô, bài hát "Vui giải phóng" của anh cũng được sử dụng trong chương trình của đoàn. Nhưng có lẽ phải đến "Tiến bước dưới quân kỳ", cái tên Doãn Nho mới được giới âm nhạc biết đến như một "tân binh nhạc sĩ".

Khi đó, sau hòa bình, quân đội ta đang trên đường tiến lên "chính quy và hiện đại". Những cuộc hành quân mới rất cần có những hành khúc mới bên cạnh những hành khúc truyền thống. "Tiến bước dưới quân kỳ" vừa trang nghiêm, vừa lạc quan và khỏe khoắn. Chắc chắn nhờ sức trẻ của tuổi đôi mươi, Doãn Nho đã đẩy ra cuộc đời một cảm xúc đầy tươi sáng.

Nào hãy nghe: "Vừng đông đã hửng sáng…". Hành khúc bắt đầu bằng một nốt trắng ngân dài, rồi vọt lên những cung bậc chính của điệu thức sol trưởng, tưởng như tiếng lảnh lói của kèn Trompet. Nhịp đi của người lính lẫn trong nhịp đi của thiên nhiên lúc bình minh: "Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa". Nhịp đi dẫn tới những miêu tả ngợi ca chân thành: "Tươi thắm bóng cờ/ Vờn bay trên cao/ Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trên sóng lúa/ Lấp lánh sao bay trên quân kỳ".

Những bước đi phơi phới. Những bước đi dập dồn. Những bước đi tin tưởng. Những bước đi hy vọng. Bản hành khúc ở thể hai đoạn này chợt cho lòng người lính lắng lại khi chuyển đoạn: "Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhớ mãi chiến công ngàn năm xưa…".

Biết bao thương nhớ, biết bao tình đồng đội ở trong những giai điệu chợt trữ tình, sâu lắng trở lại sau nhịp đi hùng mạnh. Thủ pháp chuyển từ giọng trưởng sang giọng thứ cùng hóa biểu, kết hợp với bước trùng xuống nốt trầm và vút cao quãng tám, ngôn ngữ âm nhạc hết sức kiệm lời, để "ý tại ngôn ngoại", khiến bài hát vừa ngắn, vừa dễ nhớ nhưng lại đủ sức lay động.

Bây giờ, khi bản hành khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" đã cùng "Quốc ca Việt Nam" của Văn Cao sáng nào cũng vang lên tại Quảng trường Ba Đình vào lúc 6 giờ 30 phút, người nghe luôn cảm thấy tự hào và thấy lắng đọng một hồn nước hàng ngàn năm, song có lẽ ít ai biết hoàn cảnh ra đời cụ thể của bản hành khúc hào sảng ấy…

Nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại: Ngày ấy là những ngày đầu quân đội ta bắt đầu công cuộc chuyển sang thời kỳ "Chính quy và hiện đại" vào năm 1958 cách hôm nay tròn nửa thế kỷ. Vào thời điểm đó, Doãn Nho mới tròn 25 tuổi - cái tuổi thanh xuân dâng tràn tình yêu. Anh và một nữ ca sĩ cùng đoàn đã thầm hẹn ước "một lời thề hải minh sơn".

Chị cũng là thiếu nữ khuê các của đất Tràng An thanh lịch nên dù "lời yêu đã ngỏ" thì vẫn còn nhiều "ngại ngùng dín gió e sương". Bỗng một anh được cử là người tiền trạm của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (do nhạc sĩ Lương Ngọc Trác làm đoàn trưởng) lên Điện Biên trước một tuần để chuẩn bị đưa cả Đoàn lên phục vụ sự kiện chuyển những người lính tham gia xây dựng Điện Biên thời bình thành Nông trường Quân đội.

Lúc anh và chị bịn rịn chia tay thì anh sực nhớ bỏ quên chiếc quần đùi ở doanh trại. Chị thấy thế thì vội vã chạy ra phố mua cho anh chiếc quần đùi mới. Nhưng khi chị trở về thì xe đã chuyển bánh. Khoảnh khắc này đã được họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ thành tranh hài hước. ở dưới là chị đang giơ cao chiếc quần ngắn. ở trên là anh đang ngồi trên xe com-măng-ca với tay xuống nhưng không thể nắm lấy được...

Doãn Nho lên tiền trạm ở Điện Biên ngoài nhiệm vụ tổ chức cho đoàn lên, còn có nhiệm vụ phải viết một tác phẩm mới để đoàn lên sẽ có tiết mục mới biểu diễn. Lên tới Điện Biên, Doãn Nho tới ngay đồi A1, nơi có rất nhiều đồng đội trường Sĩ quan Lục quân đã nằm lại trong chiến dịch.

Dù đã thanh bình được 4 năm, ở Điện Biên vẫn còn đầy tiếng nổ phá bom mìn, gỡ hàng rào hàng ngày. Vừa chầm chậm bước chân lên từng bậc thang đất nẹp "ghi" sân bay ở đồi A1 bên chiếc xe tăng gãy nòng và hai ngôi mộ chiến sĩ vô danh, chàng nhạc sĩ trẻ vừa rưng rưng tưởng nhớ tới đồng đội đã hy sinh. Và nét nhạc đầu tiên viết trong nhật ký lại chính là nét nhạc mở đầu đoạn hai hành khúc "Tiến bước dưới quân kỳ": "Nghe rung núi đồi…".

Nét nhạc mới nghe tưởng hơi lai Nga nhưng nghe kỹ thấy luồn trong đó là âm hưởng ví dặm. Từ đoạn này mang điệu thức thứ, Doãn Nho mới viết đoạn đầu mang điệu thức trưởng phơi phới như những tân binh má còn lông tơ giữa những cựu binh gương mặt xạm đen.

Thành công của bản hành khúc này thực ra lại bắt nguồn từ thành công của bản hợp xướng "Sóng cửa Tùng" được Doãn Nho viết ngay từ năm 1955 sau một đợt thi thực tế sáng tác tại giới tuyến Vĩnh Linh. Doãn Nho và Đỗ Nhuận là hai nhạc sĩ đầu tiên đưa âm hưởng hò dân gian vào hợp xướng. ở Đỗ Nhuận trong hợp xướng "Hò đẵn gỗ".

Còn Doãn Nho thì trong hợp xướng "Sóng cửa Tùng". Âm hưởng hò dân gian này đã vang lại trong "Tiến bước dưới quân kỳ". "Sóng cửa Tùng" đã được Doãn Nho cảm hứng từ những bình minh Cửa Tùng đẹp như tranh lụa, từ những khoảnh khắc lặng đứng nhìn từ bờ Bắc sang làng Cát Sơn có thể lội qua mà bước chân bỗng dưng dừng lại, từ những điệu hò Quảng Trị da diết nhớ thương.

Một giọng nữ cao lĩnh xướng. Một lối "kể" và "xô" trong ca hát dân gian. Những thủ pháp phức điệu qua giọng các bè hát đã tô đậm chất tráng ca trong ngôn ngữ.

Cái chất tráng ca ở âm nhạc Doãn Nho không khô khan, duy lý mà lại đằm sâu, dào dạt trữ tình.

Nhờ cái chất riêng như thế, ở giữa những âm hưởng tráng ca, Doãn Nho lại đưa ra một tình ca được phát triển từ dân ca Khơ Mú tên là "Chiếc khăn rơi" mà thanh niên thời ấy hay gọi là "Chiếc khăn Piêu". Bài tình ca đã được Trần Chất thể hiện rất hoang sơ và trở thành bài hát trong những tiệc cưới nhiều năm hòa bình ở miền Bắc: "Nghe con chim cúc cu - Kìa nó hót lên một câu rằng - Có một nàng đi vào rừng - Tìm trong rừng, lạc trong rừng, chiếc khăn Piêu…".

Dù đã qua tuổi "Nhân sinh thất thập", Doãn Nho vẫn còn đầy đam mê trong sáng tạo âm nhạc. Những kinh nghiệm của anh và những đóng góp của anh vừa riêng biệt, vừa khiêm nhường nhưng rất đáng nể trọng. Và cuộc hành trình trong âm hưởng tráng ca của anh vẫn còn đang nhịp bước trong tiết tấu hành khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" hồi nào.

Vừa mới đây, tôi và anh có dịp cùng ngồi làm giám khảo một hội diễn nhỏ của công ty VDC thuộc Tổng công ty VNPT. Anh vẫn rất phong độ mặc dù phải vào Quân y viện 108 kiểm tra tai cùng nhạc sĩ Huy Thục (hình như giới nhạc sĩ hay gặp những vấn đề về tai).

Sau khi lên phát biểu kết luận thành công của hội diễn, anh tâm sự rằng, mặc dù mình đã 75 tuổi mà nghe lớp trẻ ca hát thấy mình như đang tuổi 25. Và để thể hiện mình đang ở độ tuổi yêu đương, Doãn Nho đã hát tặng hội diễn tình ca "Chiếc khăn rơi" của anh  bằng một phong cách rất lính

Nguyễn Sĩ Đại
.
.