Nhạc sĩ Đình Thậm: Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ, tới bến…
- Nhạc sĩ Lê Minh và những khúc ru tình
- Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Cần một dàn nhạc giao hưởng mang tên Bách Việt
- Nhạc sĩ Phú Ân: Nhớ bàn tay ấm áp của Bác Hồ
- Nhạc sĩ Vũ Thành An: Sống là cho đi
Còn nhớ năm 2012, tôi và anh cùng đoàn công tác của UBND TP Đà Nẵng ra thăm huyện đảo Trường Sa, tôi thật sự bị hút hồn bởi giọng hát trầm ấm của anh hòa trong tiếng gió, tiếng sóng của biển khơi. Anh hát say sưa trước những người lính biển, những ca khúc do chính mình sáng tác. Mồ hôi ướt đầm lưng áo, anh vẫn say sưa hát...
Một buổi chiều, ngồi nhâm nhi ly cà phê trong một quán nhỏ bên dòng sông Hàn đang lững lờ trôi về phía biển, nhạc sĩ Đình Thậm trầm ngâm kể cho tôi nghe “ngọn gió đưa đẩy” anh đến với sáng tác âm nhạc. Đó là năm 1976, khi anh đang trong quân ngũ thì vinh dự giành được Huy chương Vàng tại hội diễn nghệ thuật toàn quân do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức.
Rời quân ngũ, với tình yêu âm nhạc, anh nộp đơn thi vào Trường Âm nhạc Huế và tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Cử nhân khoa sáng tác. Từ đó, anh vừa ca hát, vừa sáng tác. Nghề sáng tác âm nhạc đã đeo lấy anh trở thành duyên nghiệp…
Nhạc sĩ Đình Thậm quê ở Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lấy vợ Đà Nẵng, anh “theo quê vợ” và xin vào làm việc tại Công ty Xây lắp Điện 3. Với niềm đam mê âm nhạc, anh say sưa sáng tác, say sưa hát phục vụ cho cán bộ, công nhân, rồi trở thành Trưởng Đoàn Ca nhạc ngành Điện miền Trung, một đoàn ca nhạc vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước sánh ngang với các đoàn ca nhạc nổi tiếng, đình đám hồi đó, như Hải Đăng, Hoa Sữa…
Hàng trăm ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Trung bộ lần lượt ra đời đã làm giàu thêm “gia tài” của nhạc sĩ Đình Thậm. Nhạc sĩ Đình Thậm trải lòng rằng, những sáng tác của anh hầu hết viết về mảnh đất và con người miền Trung còn nhiều gian khó. Đà Nẵng cũng là mạch nguồn, dòng chảy rạo rực khơi nguồn cho anh sáng tác.
Nhạc sĩ Đình Thậm thể hiện một ca khúc do anh sáng tác. |
Nhiều ca khúc anh sáng tác như một lời tri ân về đất và người Đà Nẵng. Thực tế, nhìn lại quãng thời gian từ khi Đà Nẵng được chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cả ba lần thành phố tổ chức cuộc sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, nhạc sĩ Đình Thậm đều đoạt giải, nói đúng hơn là giải cao. Những ca khúc của anh đi vào lòng người, không chỉ ở Đà Nẵng, mà còn “bay xa” khắp mọi miền. Anh bảo, thật kỳ lạ, mỗi ca khúc anh đoạt giải trong cả ba cuộc thi, với anh đều có những kỷ niệm mãi không quên…
Nhạc sĩ Đình Thậm nhớ lại, khoảng 17 năm trước, sáng sớm anh nhận được điện thoại của một lãnh đạo Đà Nẵng rủ lên Bà Nà chơi và dặn khi đi nhớ mang theo cây đàn. Lên đến Bà Nà, hai người tìm một chỗ ngồi có thể ngắm được toàn cảnh thành phố.
Khi hai người uống cạn chén rượu cay nồng, ông mới nhẹ nhàng rằng, Đà Nẵng đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí địa lý đắc địa, có những con người kiên trung trong những năm kháng chiến, nhưng còn nhiều khó khăn. Phải làm sao cho Đà Nẵng thực sự chuyển mình, thực sự là trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Phải làm sao, động lực nào để làm?!...
Phải phát huy cho được đức tính cần cù, chịu khó của người miền Trung, phải phát huy cho được truyền thống kiên cường, trung dũng của người dân Quảng Nam và Đà Nẵng trong kháng chiến… Anh nhớ mãi chất giọng khàn khàn, ánh mắt rưng rưng của vị lãnh đạo, không biết có phải vì rượu cay nồng, hay vì xúc động mới vậy.
Nhưng chất giọng khàn khàn ấy đeo bám anh đến tận bây giờ: “Phải làm sao cho người Đà Nẵng thương quê mình, yêu mảnh đất mình đang sống hơn; đoàn kết, chung sức, chung lòng, đó là cốt lõi của sự thành công. Đình Thậm đã sáng tác nhiều ca khúc về miền Trung, về Đà Nẵng, mình muốn Đình Thậm có một ca khúc đại loại như thế…”.
Và chỉ một thời gian ngắn, ca khúc “Đà Nẵng tình người” của anh ra đời. Đây là một ca khúc phổ thơ Ngân Vịnh, được anh chuyển tải bằng chất liệu dân ca Nam Trung bộ, như một khúc tâm tình về cuộc sống, lại có nét bay bổng, tươi sáng của một thành phố trẻ Đà Nẵng đang chuyển mình đổi thay, đầy ắp nghĩa tình: “Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng/ Như tình cha muối mặn/ Như tình mẹ gừng cay/… Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến/ Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình…”.
Ca khúc “Đà Nẵng tình người” đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng đầu tiên do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức, được các ca sĩ tên tuổi như Thanh Thanh Hiền, Anh Thơ thể hiện rất thành công. Ca khúc ra đời đã được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Ở Đà Nẵng, trong những ngày lễ, Tết, hội nghị, đám cưới, đám hỏi, sinh nhật… nơi nào cũng nghe ca khúc vang lên, thậm chí người ngoài Bắc, trong Nam, mỗi khi gặp người Đà Nẵng, ca khúc lại được hát thay lời chào bạn tri âm trong ngày hội ngộ…
Tới cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng lần thứ 2 cách đây 6 năm, lại thêm một kỷ niệm nữa với nhạc sĩ Đình Thậm. Cũng vị lãnh đạo lần trước, lúc này đã giữ một vị trí khác, gọi anh tới để đọc cho nghe bài thơ của Đỗ Quý Doãn. Bài thơ như một kỷ niệm về một người con trai ở nơi xa, có một mối tình đầu với một người con gái sau nhiều năm quay lại Đà Nẵng, tình đất và người cùng mối tình thủy chung mộc mạc năm xưa dâng đầy. Đà Nẵng đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ.
Bằng sự mẫn cảm trong tâm hồn người nhạc sĩ, ca khúc “Huyền diệu sông Hàn” đã được nhạc sĩ Đình Thậm chuyển thể bằng chất liệu dân ca Trung bộ, với điệu lý tang tích, cùng giai điệu, điệp khúc chất liệu dân ca Quảng Nam: “Đã lâu rồi em chưa về Đà Nẵng/ Để cùng anh đón gió mát sông Hàn/…
Để cùng anh nghe câu hò xao xuyến…/ Nhớ chiếc cầu đang nối bao khát vọng/ Những công trình đang vươn tới tầm cao/ Một thành phố đang bừng lên sức trẻ/ Đà Nẵng ơi huyền thoại mới bắt đầu”. Ca khúc này đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi với 350 ca khúc của các nhạc sĩ từ mọi miền đất nước tham gia, được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, được khán giả yêu thích…
Nhạc sĩ Đình Thậm tâm sự, anh về hưu đã hơn hai năm, nhưng mạch sống của Đà Nẵng vẫn rạo rực trong anh, vẫn là chủ đề cho những sáng tác của anh. Bằng sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã có những sự thay đổi quyết liệt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, một vùng đất được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”.
Tuy còn những vấn đề phải chấn chỉnh, phải lập lại kỷ cương, phải nhìn nhận, phải rút kinh nghiệm, kể cả phải xử lý bằng pháp luật, nhưng Đà Nẵng vẫn là thành phố trẻ, đang chuyển động nhanh. Qua những vần thơ bày tỏ mãnh liệt, dưới góc nhìn của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, đã được anh chuyển thể thành một ca khúc với giai điệu trẻ trung, rộn ràng, náo nức theo điệu Swing Jazz: “Đà Nẵng có nhiều nắng/ Để đời tôi hong khô/ Đà Nẵng có nhiều mưa/ Để đời tôi nhúng ướt/ Đà Nẵng như tiểu thuyết/ Cho tôi nhiều mộng mơ/ Đà Nẵng phố nên thơ/ Lòng tôi yêu vô bờ…”. Ca khúc “Huyền diệu Đà Nẵng” đã đoạt giải Nhì, cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng lần thứ ba, được UBND TP Đà Nẵng trao giải cuối tháng 12-2018.
Ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ Đình Thậm, với ly cà phê ngát hương bên dòng sông Hàn xanh mát, thơ mộng, khi anh vừa nhận một giải thưởng cao với ca khúc “Đà Nẵng phố tôi yêu” trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, tôi nghĩ, hẳn phải có một tình yêu rất mãnh liệt về Đà Nẵng, anh mới viết được nhiều ca khúc đi vào lòng khán giả, đoạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi như thế. Khi tôi đem thắc mắc hỏi anh vì sao anh sáng tác những ca khúc về Đà Nẵng thành công thế?
Im lặng hồi lâu, nhạc sĩ Đình Thậm đã kể cho tôi nghe một kỷ niệm: Năm 2010, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một trong những cây “đại thụ” của làng âm nhạc Việt Nam về thăm quê hương. Hôm ấy miền Trung mưa trắng trời, ngập lụt khắp nơi, sông Hàn cuồn cuộn chảy. Anh cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đứng bên bờ sông, người nhạc sĩ già hướng về phía thượng nguồn, ánh mắt lo âu, trăn trở: “Lũ lụt thế này, không biết bà con mình trên ấy cuộc sống ra sao?!”.
Anh cũng cuốn theo sự lo âu, trăn trở của người nhạc sĩ già, và rồi ca khúc “Người nhạc sĩ trong tôi”, với những ca từ da diết, như lời tâm sự: “Bên tê sông Hàn mưa /Bên ni sông Hàn nắng/ Người nhạc sĩ trầm ngâm đứng lặng/ Đôi mắt nhìn con nước mênh mông/ Bầu trời quê hương ôm mái đầu tóc bạc/ Tiếng sóng như lời mẹ ru man mác/ Bao nỗi nhớ thương Đà Nẵng vơi đầy…”.
Ca khúc mang đầy tâm sự của một người con xa quê hương, được anh thể hiện trong đêm giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh. Thật cảm động, khi anh vừa trình bày xong, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mang một bó hoa lên sân khấu, gục vào vai anh nước mắt chan hòa... Câu chuyện thay câu trả lời và tôi hiểu được rằng, chính sự gắn bó máu thịt, tình yêu mãnh liệt với đất và người Đà Nẵng đã cho nhạc sĩ Đình Thậm mạch nguồn sáng tác...