Nhà viết kịch Trần Đình Văn: Duyên phận đường trường
Đốt thuốc liên tục và có thể nói về chèo cả ngày không biết chán là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi trò chuyện với Trần Đình Văn. Gần 40 tuổi, với hàng chục tác phẩm sân khấu được các nhà hát chèo đặt hàng sáng tác, Trần Đình Văn được đánh giá là tác giả trẻ sung sức nhất của sân khấu chèo hiện nay. Tại Cuộc thi nghệ thuật chèo toàn quốc 2013, Trần Đình Văn đã vinh dự được trao giải thưởng "Tác giả xuất sắc" với vở diễn "Đường trường duyên phận" của Nhà hát chèo Việt Nam.
Nhà viết kịch Trần Đình Văn (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng “tác giả xuất sắc” tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp 2013.
Trần Đình Văn tâm sự, "Đường trường duyên phận" là tác phẩm anh đổ nhiều công sức nhất từ trước đến nay. Thậm chí, trong thời gian chờ đợi tác phẩm được "thai nghén", tập thể Nhà hát chèo Việt Nam dường như cũng căng thẳng, lo lắng theo.
Buổi đầu tiên ra mắt tại Hà Nội, hiệu ứng vở diễn không được như mong muốn khiến nhiều người lo lắng. Nhưng Trần Đình Văn và các đồng nghiệp vẫn vững tin và nghiêm túc cầu thị để chỉnh sửa trước khi "trình làng" tại hội diễn. Trong đêm diễn dự thi tại Hải Phòng, cả Nhà hát Tháng Tám đã không còn một chỗ trống. Nhiều giọt nước mắt lăn dài trên gò má khán giả.
Kể về chuyện đời, chuyện nghề của hai cha con nghệ sĩ chèo trong cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt để giữ lấy nghề tổ, "Đường trường duyên phận" khiến nhiều khán giả, đặc biệt là những nghệ sĩ rất tâm đắc bởi đó cũng là nỗi lòng, tâm sự của họ trong giai đoạn vô vàn khó khăn hiện nay. Khi vở diễn vừa kết thúc, một diễn viên trẻ đã ôm lấy NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nghẹn ngào: "Cô ơi, cháu xin lỗi vì trước đây cháu đã không thực sự yêu nghề. Sau khi xem vở này, cháu nhận ra mình đã sai rồi".
Trần Đình Văn gửi gắm nhiều tâm sự, nỗi niềm, cảnh đời, cảnh nghề của nghiệp chèo vào "Đường trường duyên phận". Bước lên mục nhận giải thưởng, trong anh pha trộn nhiều cảm xúc. Anh vui, hạnh phúc không chỉ vì những cố gắng, nỗ lực của mình được đồng nghiệp ghi nhận mà còn vì sự biểu dương của lãnh đạo ngành, của các bậc tiền bối với tâm huyết và cống hiến của những người trẻ. Và anh quan niệm, giải thưởng ấy chỉ là một cột mốc, chưa phải là đích đến của một chặng đường còn rất dài và gian nan.
Nhà viết kịch Trần Đình Văn (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng "Tác giả xuất sắc" tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyện nghiệp 2013. |
Trần Đình Văn được coi là "con nhà nòi" vì cha anh là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là "vua chèo" Trần Đình Ngôn. Thế nên khi nhận được câu hỏi "Anh đến với chèo thế nào?", anh mỉm cười: "Tôi không cần phải đến với chèo bởi vì tôi sinh ra từ chèo. Cha mẹ tôi thường nói đùa rằng tôi biết nói và biết hát chèo cùng lúc. Tôi được sống, được hít thở không khí của chèo ngay từ tấm bé". Sau này, dù trúng tuyển cả trường Đại học Tổng hợp nhưng Trần Đình Văn đã lựa chọn theo học trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh để gắn bó với chèo. Một quyết định không có gì khó hiểu, như lời thơ trong kịch bản của anh "Con đã trót mang niềm yêu tha thiết/ Tiếng hát chèo như máu thịt tâm can".
Anh có lý lẽ riêng để thuyết phục cha: "Nếu con đi học để trở thành nhà văn hay nhà nghiên cứu văn học thì những nhà văn hay nhà nghiên cứu như con nhiều tới mức lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở không hết. Nhưng nếu con học sân khấu, con sẽ có hy vọng đứng ở tốp đầu".
Nếu không trò chuyện với Trần Đình Văn, nhiều người sẽ lầm tưởng con trai một nhà viết kịch tài danh sẽ bước vào nghề với tấm thảm trải hoa hồng. Thực tế là sau gần hai chục năm làm nghề, Trần Đình Văn đã trải qua và thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc của lao động sáng tạo.
Các nghệ sĩ thường nói, sân khấu là nơi "bánh đúc bày sàng" mà người viết chỉ có thể thuyết phục khán giả bằng tác phẩm. Anh không nóng vội "đốt cháy giai đoạn" mà cẩn trọng bước dần từng bậc thang của quá trình học nghề, làm nghề để trở thành một nhà biên kịch trẻ được đánh giá là giàu triển vọng. Anh nhắc lại một kỷ niệm và cũng là bài học sâu sắc từ ngày anh mới được tuyển dụng vào Nhà hát chèo Việt Nam. Khi đó, cha anh đã nói với Ban lãnh đạo Nhà hát: "Hôm nay các bác nhận cháu về đây nhưng phải đợi 10 đến 15 năm sau mới sử dụng được. Thứ quả này phải chín cây, không chín dấm được".
Hơn ai hết, Trần Đình Văn hiểu sự khắc nghiệt của nghề viết từ những trải nghiệm của cha mình sau hơn 40 năm làm nghề. Để trở thành một nhà viết kịch nổi tiếng, ông cũng đã trải qua những giai đoạn lận đận, thăng trầm. Có những giai đoạn, kịch bản ông viết ra chỉ để "cất ngăn kéo" vì không hợp thị hiếu đương thời. Mối mâu thuẫn giữa "giữ nghiệp" và "mưu sinh" đã có lúc đẩy hạnh phúc gia đình đến bên bờ vực đổ vỡ.
Giống như cha, Trần Đình Văn cũng nếm đủ mùi thất bại. Năm 1995, khi mới chỉ là sinh viên năm thứ tư, Trần Đình Văn tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai trò tác giả chuyển thể. Vở diễn không đạt được hiệu quả nghệ thuật cao. Trong mắt không ít người, Trần Đình Văn phải chịu trách nhiệm chủ yếu về "thất bại" đó. Họ cho rằng, trong một êkíp toàn những người tên tuổi như thế chắc chắn "mắt xích yếu nhất" chính là cậu sinh viên chập chững mới vào nghề kia…
Không có bản lĩnh vững vàng, không thấu hiểu cái lẽ "Nghề viết là nghề chín muộn nhất" thì "cây non" Trần Đình Văn ngày ấy có thể sẽ bị "thui chột" và khó có thể lớn lên.
Bền chí theo nghề, năm 2005, Trần Đình Văn tái xuất tại hội diễn với 2 tác phẩm. Rồi đến Hội diễn năm 2009, một số đồng nghiệp đã gọi đùa là "Hội diễn của bố con ông Ngôn" khi cha con họ Trần có tới 7 vở tham gia. Riêng Trần Đình Văn, ngoài việc là tác giả của "Cờ thiêng trên núi Võ", anh còn chuyển thể tác phẩm "Đợi đến mùa xuân" của tác giả Xuân Trình. Một niềm vui là sau mỗi hội diễn, anh lại nhận được nhiều lời mời sáng tác hơn. Năm 2011, tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an, Trần Đình Văn có tới 2 kịch bản tham gia (vở "Giọt nắng mùa xuân" - Nhà hát Chèo Hưng Yên và "Ngày thường không bình yên" - Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên). Đây là lần đầu tiên anh viết về đề tài An ninh trật tự.
Không đi sâu phản ánh công tác nghiệp vụ của Lực lượng Công an, những tác phẩm của Trần Đình Văn chú trọng khai thác chất liệu từ cuộc sống đời thường người chiến sĩ công an, những éo le mà họ phải trải qua để giữ trọn phẩm chất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thực sự với Trần Đình Văn, thể hiện hình tượng người công an qua chất tự sự trữ tình của sân khấu chèo là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Anh kể, thời gian viết kịch bản, anh được các đơn vị công an tạo điều kiện thâm nhập thực tế, được nghe các chiến sĩ công an tâm sự về đời sống, công việc. Các cán bộ, chiến sĩ còn góp ý cho kịch bản về những chi tiết liên quan đến nguyên tắc nghiệp vụ và thực tế hoạt động của ngành công an...
Trong suốt buổi trò chuyện, Trần Đình Văn nhắc nhiều tới cha mình. Với anh, ông không chỉ là người cha mà còn là người thầy lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật. Điều mà Trần Đình Văn học tập được ở cha mình là sự tận hiến với nghề dù không phải lúc nào cũng nhận được quả ngọt. Anh học được ở cha tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, hết mình, ý thức rèn luyện, tu dưỡng cả "tài" và "tâm". Sau này, nhiều thế hệ học trò luôn dành tình cảm kính trọng khi nói về nhà viết kịch Trần Đình Ngôn: "Làm thầy thì ai cũng Tinh nhưng bác Ngôn không chỉ tinh mà còn có cái Tình".
Có giai đoạn, đi đến đâu, Trần Đình Văn cũng thường được mọi người giới thiệu với cái "mác" đính kèm: "Đây là tác giả trẻ Trần Đình Văn, con trai của nhà viết kịch Trần Đình Ngôn". Anh không buồn, không mặc cảm, bởi suy cho cùng, đó là thiện chí của người giới thiệu, muốn tăng thêm uy tín cho mình. Và bởi anh hiểu điều mà NSND Lê Hùng đã có lần "cám cảnh" nói với anh: "Chúng mày mang bi kịch kiểu "con ông lớn", giống như cây con lớn lên dưới bóng cây to, không bị cớm nắng mà chết là may rồi. Lớn lên từng nào tốt chừng ấy, con ạ!".
Trần Đình Văn đã chuẩn bị sẵn tâm lý để có thể vượt qua những tự ái cá nhân khi thường xuyên gặp phải những ánh mắt nghi ngờ: "Chắc gì đã phải cậu ta viết". Ngay cả khi tên tuổi Trần Đình Văn được đồng nghiệp và khán giả biết đến thì cha anh vẫn nhận được câu hỏi kiểu: "Tôi hỏi thật, anh có viết hộ cháu không đấy?". Kể lại chuyện này với con trai, ông bảo, mới nghe thì thấy buồn, nhưng sau đó lại thấy mừng. Tác phẩm của con "được" đến mức nào rồi thì người ta mới nhầm tưởng là của bố. Trần Đình Văn hiểu rằng, câu trả lời hay nhất chính là bằng những tác phẩm của mình.
Để trang trải cho cuộc sống, thời gian đầu vào nghề, Trần Đình Văn đã phải làm đủ nghề, từ viết kịch bản quảng cáo, tiểu phẩm cho sân khấu không chuyên đến biên tập sách… Nhiều lúc, những công việc ngoài nghề có nguồn thu nhập cao hơn, hứa hẹn mức sống dễ chịu hơn đã tạo nên sức hấp dẫn ghê gớm. Nhưng gần đây, anh bỏ tất cả, quay lại dồn hết tâm sức cho chèo. Với anh, ngoài tình yêu, đó còn là ý thức trách nhiệm của thế hệ con cháu trong nghề, phải tiếp bước cha ông, kế truyền nghiệp tổ.
Là tác giả trẻ sung sức, đang "một mình một chiếu" nhưng Trần Đình Văn chia sẻ, anh thấy buồn nhiều hơn là vui vì thấy mình quá đơn độc trên con đường này. Anh thực sự đau lòng khi chứng kiến có những đồng nghiệp không vượt qua được khó khăn đời sống, không đủ bền lòng, bền sức để rồi "nửa đường dứt mối duyên tơ" với nghiệp chèo. Anh mơ ước làng chèo có một đội ngũ tác giả thế hệ trẻ để chung vai gánh vác cơ nghiệp mà cha ông truyền lại.
Với Trần Đình Văn, chèo là tình yêu. Mà khi yêu thì con người ta luôn dâng hiến vô điều kiện, như những câu thơ anh viết để tự nhủ lòng mình: "Nghiệp chèo đã trót phận nghèo/ Thăng trầm bao nỗi gieo neo mấy chừng/ Tơ tình vẫn quyện năm cung/ Chắt bao tâm huyết hòa cùng men say/ Màn nhung khép mở tháng ngày/ Đường trường duyên phận còn đây nặng lòng"…