Nhà viết kịch Chu Thơm: Rất cảm phục những người thầy “bất đắc dĩ”
- Nhà viết kịch Học Phi: Ngọn lửa sống chưa bao giờ nguôi cạn
- Nhà viết kịch Trần Đình Văn: Duyên phận đường trường
- Nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục: Đạo diễn trẻ ít có cơ hội
- Nhà viết kịch Xuân Trình: Đi trước thời mình đã sống
Chuyên đề VNCA đã có cuộc trò chuyện với nhà viết kịch Chu Thơm sau khi ông có chuyến thực tế dài ngày và ý nghĩa tại một số đơn vị của Bộ Công an.
- Thưa nhà viết kịch Chu Thơm, là một tác giả viết đều và khá sung sức ngay từ khi còn là công chức nhà nước; kịch bản của ông đắt hàng và có duyên với các giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn..; với ông, sáng tác có vai trò thế nào trong đời sống?
+ Mỗi khi ngồi trước bàn viết, tôi được chia sẻ những suy nghĩ, chính kiến và mơ ước của mình với mọi người qua kịch bản. Được giao tiếp với những đồng nghiệp đã quen và là cơ hội có thêm những đồng nghiệp mới và rất có thể còn là bạn tâm giao, tri kỉ. Với tôi, không được viết chẳng khác một cực hình.
- Khi trò chuyện với các nghệ sĩ sân khấu, tôi nhận ra rằng dường như đang có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số nghệ sĩ thì tỏ ra bi quan về thực trạng sân khấu hiện nay. Một số thì lại lạc quan, cho rằng đó là quy luật phát triển tất yếu, sẽ đến lúc sân khấu hưng thịnh trở lại... Với sân khấu, ông bi quan hay lạc quan?
+ Người lạc quan nhìn thấy gai nhọn của hoa hồng là sự kích thích để ta đến gần và ngắm hoặc hái hoa. Nếu lỡ bị gai của hồng đâm chảy chút máu thì đó là cú hích để đến với cái đẹp. Người bi quan nhìn hoa hồng thấy gai của nó như dàn bẫy đang chực chờ đâm vào tay người hái, khiến anh ta nhụt chí và ngay lập tức nghĩ về thuyết âm mưu.
Họ hình sự hoá cả vẻ đẹp, cho rằng đằng sau bông hoa kia là một cái bẫy, nếu vươn tay hái ta sẽ thân tàn ma dại. Tôi thì lại khác, một khi đã ngồi vào bàn, đầu trong veo, không vướng bận gì cả và dồn hết tâm sức vào kịch bản mình đang viết. Viết như mộng du, quên thời gian, quên mọi thứ ở xung quanh.
Đôi khi rơi vào trạng thái "bí", tôi thường bỏ đó, viết sang cảnh khác theo kiểu dòng nước gặp tảng đá chắn đường không lao vào đá mà đi vòng. Nói vậy để khẳng định là ngày nào tôi cũng ôm máy hơn 6 tiếng.
Nhà viết kịch Chu Thơm. |
Tôi viết vì tin rằng nhất định sân khấu sẽ khoẻ trở lại mặc dù giờ nó đang bị ốm yếu. Sân khấu như cuộc sống không thể đứng ngoài các quy luật thịnh, suy, cao trào, thoái trào. Đã có thời nhà nhà uống bia Vạn Lực của Trung Quốc khiến bia Việt bị lép vế, thế mà giờ chẳng cần quảng cáo, bia Hà Nội, đặc biệt bia Trúc Bạch vẫn là đồ uống mơ ước của các tín đồ bia. Cũng vì thế, chẳng cần ai gièm pha mà chẳng ai còn muốn uống Vạn Lực nữa.
Tôi là người lạc quan về nền sân khấu nước nhà. Lạc quan bởi nước Việt mình có bao nhiêu chuyện hay ngày xưa và chuyện hấp dẫn hôm nay về công cuộc chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước của cha ông xưa và của các thế hệ hôm nay đang đợi được các nhà viết kịch đưa lên sàn diễn. Lạc quan bởi chúng tôi vẫn đang viết và sẽ viết như là sự thôi thúc để trả món nợ nhân gian, đáp lại sự nuôi dưỡng của đất mẹ Việt Nam.
- Thưa nhà viết kịch Chu Thơm, được biết ông vừa có chuyến đi thực tế sáng tác tại một số trại giam của Bộ Công an, hẳn có nhiều điều thú vị đáng nhớ sau chuyến đi này?
+ Làm nghề viết kịch bản, tôi được đi nhiều, đến nhiều nơi nhưng ấn tượng nhất vẫn là đến với những người lính, những người đang ngày đêm lặng lẽ đương đầu với bọn tội phạm vì giấc ngủ an lành của nhân dân.
Làm sao có thể quên một đêm nằm trên đồn biên phòng giữa rừng đại ngàn, nghe gió hú suốt đêm và chợt ứa nước mắt thương và rồi cũng cảm phục những chàng lính trẻ chỉ đáng tuổi con mình phải sống xa nhà giữa nơi heo hút, xa dân, những đêm mưa nghe gió hú… nhớ nhà.
Làm sao có thể quên những người lính trẻ ở Trường Sa sống trong điều kiện khắc nghiệt giữa biển cả mênh mông, chắt chiu từng giọt nước ngọt nhưng thấy khách ra vẫn cười rạng rỡ đưa ra một chậu nước rửa tay.
Tôi đã từng ngồi khóc bên cái bể không còn nước của các anh ở Đảo Đá Tây C và oán trách mình sao lại rửa tay vào chậu nước mà các anh mang đến. Với trại giam, tôi đã đến hai lần, năm 2013 qua bốn trại và tháng 9 năm nay, trong những ngày tham gia Trại sáng tác do Đoàn kịch nói Công an, Bộ Công an tổ chức, chúng tôi lại đi ba trại nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Chúng tôi lại gặp những giám thị, quản giáo, những người thầy bất đắc dĩ đang đêm ngày gian khổ dạy những bài học làm người cho những người bị phần "con" lấn át và trở thành những kẻ phạm tội đang trong thời gian cải tạo. Có những giám thị, quản giáo gắn cả đời mình với một trại giam mà người ta vẫn nói vui rằng "tù lâu hơn cả tù".
Trại giam, môi trường khắc nghiệt lành ít, dữ nhiều vì các phạm nhân có thể manh động bỏ trốn, nổi loạn hoặc giết bạn tù. Làm giám thị, quản giáo như sống cạnh quả bom nổ chậm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Phạm nhân thức, quản giáo phải thức, phạm nhân ngủ quản giáo vẫn cứ thức canh.
Các trại giam thường ở vùng heo hút, xa dân, xa trường học và trường không được tốt nhưng vẫn phải gửi con vào đó. Các anh dậy từ 5h sáng, 5h30 chở con đến trường, gửi bảo vệ rồi đến trại điểm danh phạm.
Tôi đã từng nói chuyện với một số đồng chí quản giáo ở Trại 5 (Thanh Hoá), họ nói đùa rằng: "Đặc sản" gió Lào của Thanh Hoá đã làm tổn hại nhan sắc của họ. Tôi vẫn ấp ủ viết về những người quản giáo, những người trả lại nắng trong tim những người lầm lỗi để trên đường trở về hoà nhập với cộng đồng họ không còn cảm thấy xót xa vì bị người đời xa lánh. Hy vọng kịch bản đó sẽ sớm ra đời.
Một cảnh trong vở “Biến dạng” của nhà viết kịch Chu Thơm do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. |
- Là người tâm huyết với đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, thường xuyên tham gia các liên hoan sân khấu của ngành Công an, ông hẳn có nhiều đều chia sẻ về đề tài này?
+ Tôi bắt đầu viết về đề tài này bằng kịch bản "Người mang hai vết thương" (năm 1988), và gần đây nhất là "Dòng đời lặng lẽ". Đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống là đề tài muôn thuở, bởi vì nó chính là nhân tình thế thái, về ứng xử của người với người, với cộng đồng, xã hội.
Đề tài an ninh trật tự không chỉ ở các cuộc đấu tranh chống tội phạm của các chiến sĩ công an mà lắng trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi thành viên của các gia đình nhỏ, khi mà một bộ phận không nhỏ trong xã hội băng hoại đạo đức, sẵn sàng chà đạp lên gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ con, họ hàng để thoả mãn sự ích kỷ của mình và biến mình thành quả bom nổ chậm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, phá tan sự yên bình của gia đình, xã hội. Mối quan hệ khăng khít giữa công an và nhân dân đã có và ngày càng vững mạnh, làm nên một mặt trận Vì An ninh Tổ quốc.
- Nhiều người cho rằng, gần đây, sân khấu rơi vào tình trạng tre già măng chưa mọc, thiếu vắng những tác giả mới đủ tài để gánh vác được nghiệp Tổ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Nói "tre già măng chưa mọc" có lẽ không được đúng lắm, mà phải nói tre già rợp bóng quá khiến măng bị cớm, mọc chậm. Như vậy tre già không có lỗi, mà lỗi là măng không tự vượt qua bóng của tre. Nhưng tôi vẫn luôn ghi nhận sự dấn thân của những tác giả trẻ vào công việc viết kịch bản sân khấu - một nghề khó và có nhiều rủi ro khi kịch bản họ làm ra chưa chắc đã bán được khi các đơn vị nghệ thuật chưa sẵn sàng mở vòng tay ra với họ, khi có đơn vị nghệ thuật vẫn chọn kịch bản để dàn dựng theo kiểu: "Dụng danh hơn dụng chất" trong điều kiện kinh phí được đầu tư cho dàn dựng các tiết mục mới rất eo hẹp và bị nhiều áp lực vì phải có giải thưởng trong các kỳ cuộc thi, liên hoan. Vì thế, trong không ít cuộc thi, liên hoan, quanh đi quẩn lại chỉ thấy tên một số tác giả đã già, những người làm không hết việc nhưng sức thì có hạn.
Tôi luôn thông cảm với các tác giả trẻ và rất muốn cộng tác cùng họ. Chính vì vậy, năm nay tôi đã viết chung một kịch bản với một tác giả trẻ, đã tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tôi nhận thấy các bạn trẻ có sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin và rất coi trọng yếu tố trữ tình, chất văn học trong sáng tác. Và lần cộng tác này làm tôi rất hài lòng. Kịch bản của chúng tôi có tên "Đỉnh cao và vực sâu". Hy vọng kịch bản này sớm được lên sàn.
- Xin cảm ơn ông!