Nhà văn đọc văn và những ngôi trường
- Ngày Sách Việt Nam góp phần phát triển phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân
- Bây giờ ai còn đọc sách?
- “Ngày hội đọc sách 2019” dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn
- Bức tranh ảm đạm về thói quen đọc sách của học trò
Ngày nhỏ tôi cũng như bao trẻ con nông thôn khác là buổi đến trường làng học, buổi đi chăn trâu, đánh trận giả trên đồi. Trường làng tôi được xây dựng ở một vị trí khá đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra những chiếc hồ rộng mênh mông dập dềnh đầy hoa sen hoa súng. Phía sau trường là một rừng cây bạch đàn bốn mùa vi vu tiếng hát và bát ngát hương thơm những mùa hoa. Sân trường luôn rộn rã tiếng chim chuyền trong những tán cây cổ thụ, những cây xà cừ không biết ai trồng và trồng tự bao giờ mà to, mà cao, mà già nua trầm mặc đến thế.
Cho đến tận bây giờ, khi đã đi nhiều nơi, học nhiều trường nhưng thú thật là tôi chưa thấy có một ngôi trường nào lại đẹp như ngôi trường làng quê tôi. Trường đẹp bởi sự hợp lý, hài hòa và khoa học. Trong trường còn có cả vườn Sinh - Địa mà ở đó có cột đo hướng gió, có hồ cá nuôi rất nhiều giống cá nước ngọt, có hàng trăm loài cây từ mọi miền đất nước được đưa về đó để trồng. Chính những tiết học ở vườn Sinh - Địa đã đem lại cho chúng tôi sự hứng thú học hành và thu lượm được nhiều kiến thức nhất.
Các nhà văn, nhà thơ và học viên trong khuôn viên Trường viết văn Nguyễn Du. |
Những kiến thức không chỉ về sinh vật, địa lý mà còn cả về văn học và dân tộc học nữa. Chỉ bằng các loài "cây, con" trong vườn Sinh - Địa nhỏ bé trường làng, qua kiến thức của thầy cô giáo tâm huyết, chúng tôi đã biết đến những vùng miền trong nước và cả thế giới rộng lớn bao la. Chỉ tiếc rằng giờ đây, trở lại thăm trường thì mọi thứ đã đi vào dĩ vãng. Những cây xà cừ to lớn đã được chính quyền tận thu, bán đi tự thuở nào, vườn Sinh - Địa không còn… Trường giờ lẫn vào muôn vàn ngôi trường thiếu đất hiện nay, không còn không gian, không còn cây cối, không còn bóng chim, tăm cá… học trò đang khát những tiếng chim chuyền trong cái nắng như rang cát của vùng đất gió Lào.
Vẫn biết mọi thứ đã qua rồi mà tôi vẫn nao nao trong căm phẫn, giống như bị ai đánh cắp mất tuổi thơ, kỷ niệm và những gì còn hơn thế nữa. Sự nhiệt tình, tham lam và dốt nát đã lấy đi những gì tốt đẹp nhất của một thuở hoa niên của bao thế hệ học trò.
Cũng chính ở ngôi trường làng đó, tôi được tiếp xúc với những cuốn sách văn học đầu tiên. Ngày đó tỷ lệ học sinh giỏi không cao ngất ngưởng như bây giờ, cả trường tôi, một năm may lắm chỉ được một vài bạn đoạt học sinh giỏi, dăm ba bạn học sinh khá, còn lại là học sinh trung bình và học sinh yếu. Tôi thuộc nhóm học sinh khá trong trường, tôi không quá giỏi môn gì, tôi học không giỏi môn văn nhưng từ nhỏ tôi đã rất thích đọc sách, tôi đọc tất cả những gì… có chữ, đọc như một nhu cầu tự thân.
Tôi thích nhất là hằng năm khi trao giải tổng kết cho học sinh khá giỏi, phần thưởng bao giờ cũng là một cuốn sách văn, năm nào cũng chỉ có vậy. Nhưng có lẽ đây là những phần thưởng lớn lao nhất, ý nghĩa nhất, có ích nhất… trong những phần thưởng mà tôi được nhận trong cuộc đời.
Ngày đó cô giáo dạy môn Địa lý của trường tôi là một người rất thích đọc sách văn học, tất nhiên là tôi không dám đến mượn sách từ cô vì đa số những cuốn sách của cô là sách của người lớn, chưa hợp với độ tuổi của tôi bấy giờ. May mắn thay, cô có một người cháu gọi cô bằng cô ruột, người cháu này là bạn chăn bò với tôi và chị ấy cũng là một con mọt sách.
Những cuốn sách chị ấy mượn được của cô giáo bị khống chế thời gian rất nghiêm ngặt, bởi chính cô giáo cũng phải đi mượn sách của những người khác, cứ theo cái trình tự như thế, tôi là người được đọc cuối cùng và nhiều khi cũng chả thể đọc cho đến đầu đến đũa được.
Tôi không được chị ấy cho mượn đọc chính thức mà chỉ tranh thủ trong những khi chị mải đi tìm bò đi lạc, hay bận làm việc nhà nên không thể đọc sách được thì tôi cầm sách giúp và đọc tranh thủ, buổi trưa khi mọi người nghỉ ngơi là khoảng thời gian lý thú nhất để tôi được đọc sách… Cứ như thế làm tôi biết đến "Bỉ vỏ", "Mùa lá rụng trong vườn", "X30 phá lưới", "Sao đen", "Ruồi trâu"… như đã nói ở trên, cũng có cuốn tôi mới chỉ được đọc một phần thì đến thời hạn chị ấy phải trả sách cho cô, thế là đành nhờ chị ấy kể lại tóm tắt nội dung.
Đọc sách luôn là nhu cầu không thể thiếu của mỗi nhà văn. |
Nguồn sách thứ hai là từ cha tôi. Cả tuổi thơ tôi, cha đi công tác xa, thỉnh thoảng về quê cha có mang theo vài cuốn sách để đọc và tất nhiên cũng là sách của người lớn, tôi đã lén đọc trong sợ hãi những cuốn sách này, tuy không có nhiều và phần lớn là đọc dở giang. Tuổi thơ tôi hoàn toàn vắng bóng truyện thiếu nhi, còn truyện cổ tích thì chỉ được nghe cô kể trên lớp học mà thôi.
Mặc dù ham đọc sách là thế, nhưng tôi không phải là một học sinh học giỏi văn, bằng chứng là tôi chưa một lần được gọi vào đội tuyển đi thi văn hằng năm của các cấp nhà trường. Tuy chưa một lần phải thi lại môn văn nhưng nói chung, những ký ức về một thời học văn ở nhà trường không còn nhiều trong tôi nữa.
Tốt nghiệp phổ thông, tôi không thi vào đại học mà tình nguyện đi bộ đội khi chiến trường Campuchia mới tạm yên tiếng súng. Vào lính, đơn vị tôi đóng quân gần với thư viện của quân khu, thời gian này tôi được tiếp xúc với sách khá nhiều, nhưng đời lính nay đây mai đó, thời gian được ken kín như nêm cối nên cũng chẳng đọc được là bao. Chỉ đến khi tôi thi đậu và theo học ở Trường Viết văn Nguyễn Du thì mới là thời kỳ tôi đọc sách nhiều nhất.
Trường Viết văn Nguyễn Du có một thư viện, trong đó có rất nhiều cuốn sách quý, cả sách văn học, sách lý luận và sách chuyên khảo… Bởi vì sách nhiều nên tôi phải điều chỉnh phương pháp đọc của mình. Tôi tự rút ra cho mình phương pháp "Đọc thanh toán tác giả".
Thực chất cả một đời văn của một tác giả may mắn thì có được vài cuốn tiểu thuyết, tập thơ, dăm ba truyện ngắn hay. Trong rừng tác giả đó, nếu ta cứ đọc hết của họ thì chẳng biết đến khi nào, vậy nên tôi chọn lấy những tác phẩm hay nhất của các tác giả đó đã được thời gian thẩm định giúp. Bốn năm học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đã được "tiếp xúc" với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng cổ kim.
Và giờ đây, một lần nữa tôi lại cảm thấy hụt hẫng khi trở lại Trường Viết văn Nguyễn Du. Chúng tôi học xong 2 năm đầu thì trường bị chuyển thành Khoa sáng tác lý luận phê bình văn học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sau đó đổi thành Khoa Viết văn - báo chí như bây giờ. Trường cũ bị đập đi xây mới, toàn bộ sách quý, sách hay chuyển hết lên thư viện của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Dẫu biết rằng thư viện vẫn ở trong khuôn viên trường nhưng điều kiện mượn sách, đọc sách nó ngặt nghèo và nhiêu khê hơn. Tháng 11 này, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội long trọng tổ chức kỷ niệm 40 măm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du. Vậy mà trường chẳng còn, thư viện trường cũng đã bị xóa sổ. Tiếc thay!
Giờ sống giữa Thủ đô, làm công việc văn chương nhưng tôi tin rằng, để trở thành nhà văn như ngày hôm nay, những gì tôi đang viết, sắp viết và sẽ viết luôn có một mạch ngầm từ chính vùng quê đồi núi, khốn khó gió Lào quê hương. Không đơn giản mà vùng quê heo hút gió đó có Đại danh y, nhà thơ Hải Thượng Lãn Ông về ở ẩn, bốc thuốc, có cụ Phan Đình Phùng dùng làm căn cứ địa, có địa danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện cùng Lê Lợi chống giặc Minh. Sông núi quê hương chính là mạch ngầm luôn chảy mãi trong mỗi con người và chảy mãi trong mỗi đời văn của mỗi nhà văn.