Nhà văn Vũ Thị Hồng và một thời Hoa - Lửa

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:02
Gần hai mươi năm ẩn mình trong công tác quản lý, đông đảo bạn đọc chỉ biết đến chồng chị, cựu chiến binh đặc công, nhà văn nổi tiếng Chu Lai chứ ít ai biết về chị - Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng (bí danh Nguyễn Thị Bắc Hà), nguyên cán bộ biên tập sách văn học Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nguyên Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội…


Đặc biệt, chị là nữ phóng viên - nhà văn hiếm hoi có mặt ở chiến trường (thời chống Mỹ), từng có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đoạt giải thưởng Văn học về đề tài chiến tranh Cách mạng. Gần đây nhất, năm 2015, với tiểu thuyết "Mùa thu ở lại", chị đoạt giải Nhì của cuộc vận động sáng tác về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức. Trước đó, vào năm 1991, trong cuộc thi "Người phụ nữ trên mặt trận bảo vệ An ninh Tổ quốc" (cũng do Bộ Công an tổ chức), tác phẩm "Trở lại là em" của Vũ Thị Hồng đã được nhận giải A.

Nhà văn Vũ Thị Hồng kể, năm 1967, mười bảy tuổi, chị là sinh viên năm thứ nhất Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm ấy, cả nước trong khí thế sục sôi chống Mỹ. Lớp lớp thanh niên trí thức miền Bắc háo hức lên đường ra trận. Chị làm đơn tình nguyện xung phong nhưng không được chấp thuận.

Ba năm sau, năm 1970, khi chị chuẩn bị bước vào năm thứ tư Đại học; Ban Thống nhất Trung ương cùng Hội Nhà văn Việt Nam mở đợt tuyển lớp phóng viên phục vụ các chiến trường phía Nam, chị cùng hai nữ sinh viên: Đỗ Thị Thanh (tức nhà văn Hà Phương sau này) và Trần Thị Thắng (nhà thơ Trần Thị Thắng)… tiếp tục nộp đơn tình nguyện ra mặt trận.

Có lẽ do không tin những cô gái mảnh mai nói trên có thể dũng cảm can trường, chịu hy sinh gian khổ nơi chiến trường ác liệt; giỏi lắm chỉ dăm bữa nửa tháng là bỏ về nên ngày các chị lên đường, cả lớp không một ai đến chào tạm biệt, tiễn chân.

Nhà văn Vũ Thị Hồng và nhà văn Nguyễn Hồng Thái tại lễ ra mắt sách, giao lưu tác giả - tác phẩm do NXB CAND tổ chức.

Những ngày huấn luyện ở trường 105, mỗi người lính đeo vác trên vai 14, 15 viên gạch. Mỗi viên gạch nặng 1,5kg. Những đôi vai con gái trợt da, những đôi chân phồng rộp. Đó là thời gian chuẩn bị cho cuộc hành quân trường kỳ gian khổ đi B. Ngày 16 tháng 4 năm 1970 đoàn đi khu V xuất phát. Hơn hai tháng trời ba lô trĩu vai hành quân trên con đường mòn chênh vênh vách núi Trường Sơn - có lúc con đường bé tẹo chỉ đủ đặt bàn chân, chỉ một cái trẹo chân là rơi xuống vực.

Đường hành quân núi non hiểm trở, leo dốc leo dốc lại leo dốc. Những cái dốc cao hàng nghìn mét như dốc Bà Định, dốc Năm Thang… Bàn chân người đi trước chạm đầu người đi sau. Chưa hết, cái nắng, cái nóng, những cơn mưa tầm tã kéo dài của nơi rừng thiêng nước độc khiến quần áo lúc nào cũng đẫm nước mưa quyện mồ hôi, những con vắt khát máu bé xíu như cái kim cái tăm chui vào bụng vào nách bám chặt da thịt người, hút no nê máu tròn vo tự rơi xuống đất…

Tuổi hai mươi con gái Hà Nội như nhành hoa, lại sẵn có bệnh đau khớp, đến bây giờ nhớ lại chị vẫn ngạc nhiên, không hiểu tại sao gian khổ thế, bệnh tật thế mà chị vẫn vượt qua tất cả. “Môi tái nhợt, mái tóc mềm ướt sũng" vẫn không ai kêu khổ, không ai chịu rời bỏ những cuốn sách "Bông hồng vàng" của Pauxtốpxki, "Chiến tranh và hòa bình" của Lép Tônxtôi cất giữ trong ba lô…

Tiếng cười trong trẻo, giòn tan hòa tiếng suối reo, tiếng chim rừng thánh thót. Âm thanh màu sắc của núi rừng, hào khí đường hành quân ra trận làm xao động trái tim những chàng trai cô gái. Họ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên trùng điệp, của những đóa hoa rừng miên man bước hành quân.

Là một cô gái Hà Nội, Vũ Thị Hồng không thể không dừng lại, sững sờ đắm đuối ngắt hoa cài lên mũ. Những cô gái dáng yêu kiều như những bông hoa điểm xuyết trong đoàn quân. Thiên nhiên hùng vĩ, hùng vĩ một màu xanh, những bàn chân con gái trắng ngần đi dép lốp khiến các chàng lính trẻ phải thốt lên rằng: "Trời ơi, em ấy điên rồi, xinh tươi thế kia mà vào mặt trận. Thật phí đời".

Trên đường hành quân gần tới mặt trận có con suối trong vắt, đẹp như một bức tranh, mấy chị em rủ nhau xuống tắm. Nào ngờ, vừa mới lên bờ, chị lên cơn sốt rét. Cả tiểu đội có bao nhiêu chăn, bao nhiêu chiếc dù trong ba lô mang ra hết, đắp cho chị vậy mà người chị vẫn rét run lên bần bật. Không thể khác được, nửa đêm, đơn vị cử một số người cáng chị vào bệnh xá gần nhất.

Hôm sau, trời sáng, chị choàng tỉnh dậy, núi rừng vắng ngắt, không một bóng người, cả đơn vị hành quân tự lúc nào, trên sạp nứa chị nằm trơ trọi chiếc ba lô của chị cùng cái ruột tượng có vài lon gạo. Cảm giác bị đào thải, bị bỏ rơi, cô đơn thân gái một thân một mình giữa rừng núi heo hút thật khủng khiếp.

Chim rừng kêu khắc khoải càng khơi dậy nỗi cô đơn. Chị quyết định đứng dậy, chị chạy đuổi theo đoàn. Nhưng cơn sốt rét đã làm các khớp chân của chị đau buốt. Chị không thể nào nhấc nổi tấm thân đang bủn nhủn. Chị đành phải nằm lại.

Ngày thứ ba, chị quyết tâm bằng mọi giá dù không đi được cũng bò lê theo đoàn.

Vài lon gạo trong ruột tượng đã hết từ lâu. Cái đói làm gan ruột cồn cào, hoa mắt, bủn rủn chân tay, theo phản xạ tự nhiên, bản năng của sự sinh tồn, tất cả những cái gì chị cảm thấy có thể ăn được, nhai được, chị hái ăn: lá dương xỉ non, lá lốt, củ nầng, củ chóc… cứ ba ngày nghỉ một ngày theo bước chân đường mòn người đi trước để lại, cuối cùng chị cũng tới đích - Khu ủy Khu V. 

Khi ấy hai người đi cùng chị: Nhà thơ Trần Thị Thắng và nhà văn Hà Phương đã được phân về công tác tại B2 (Nam Bộ). Chị tạm thời ở lại làm giao liên. Tháng 9/1971, chị được chuyển về làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, cùng đơn vị với các nhà văn: Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, nhà báo Nguyễn Hồng… Trong đơn vị ấy, vẫn chỉ mình chị là con gái.

Nhiệm vụ của nhà văn, nhà báo ra mặt trận là chứng kiến, là thu thập tài liệu để viết. Vì vậy, khi xuống đơn vị chủ công, chị không bao giờ chịu ở trên trung đoàn mà chị xuống thẳng đại đội. Bởi, những con người dũng cảm, những nhân vật anh hùng gần như đều ở mũi chủ yếu này và họ sẽ là người ngã xuống đầu tiên. Chiến trường lửa đạn. Mỗi giây phút bên nhau thiêng liêng quý giá biết nhường nào. Chị chan hòa, gắn bó, chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với các chiến sĩ và khi cần, chị cùng anh em cầm súng xông lên, như một người lính thực thụ.

Lần nào cũng vậy, trước giờ nổ súng, anh em đề nghị được nghe chị hát dân ca Quan họ "Người ơi người ở đừng về"; hát "Đường chúng ta đi" của Huy Du. Không phải ca sĩ nhưng chị có giọng hát khá hay. Tiếng hát của chị, tình yêu của chị, cô gái miền Bắc giữa chiến trường ác liệt đạn bom đã lay động lòng người, thúc giục, động viên người lính dũng mãnh ra trận.

Nhiều lần chị đã cùng Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, Sư đoàn 711 (sau này là Sư đoàn 2) "quần" nhau với địch ở vùng "da báo". Hông đeo súng lục, vai khoác AK, nhà báo Vũ Thị Hồng chạy băng qua cánh đồng về chốt trong tầm ngắm của kẻ thù. Đạn pháo cối đanh trời, chị nằm ẹp xuống cỏ. Đạn xuyên thủng ba lô qua mấy lần áo và nằm lại trên da. Cái mũ có tên Bắc Hà văng xa mất tích. Một đơn vị bộ đội hành quân tiến về phía trước đã nhặt được. Thế là tin nữ nhà báo Bắc Hà hy sinh loang nhanh khắp vùng…

Kể đến đây, chị cười, vẻ ngậm ngùi, thực ra, ba lô trên vai đã cứu chị. Cánh tay chị bị thương (chị là thương binh 4/4) trong một lần chị theo Trung đoàn 38 đánh vào quận lỵ Quế Sơn, Quảng Nam. Cái áo nâu cổ hình trái tim, kỷ niệm của một người bạn gái cùng vào chiến trường. Lần chết hụt ấy đã làm chiếc áo ướt đẫm máu và rách toạc một ống tay. Chiếc áo, kỷ vật một thời lửa đạn hiện được chị cất giữ như một báu vật.

Ở chiến trường, chị luôn thể hiện mình bình đẳng với các đấng mày râu. Còn nhớ, có lần chị cùng ba đồng chí trong đơn vị thành một tổ đi lấy gạo. Các anh vác 40 kg gạo, chị cũng vác đủ 40 kg. Hơn thế, chị còn đeo thêm gô cơm đủ suất ăn cho mấy người. Chuyến đi lấy gạo những tưởng chỉ ba ngày là về đơn vị. 

Nào ngờ, giữa đường gặp mưa, lũ ào ào đổ xuống, mấy anh em phải dừng lại dựng lán trú mưa, đợi lũ qua. Lương thực mang theo ăn đã hết. Gạo đầy nứt ba lô nhưng anh em kiên quyết không ăn vào khẩu phần lương thực của đơn vị.

Chuyến đi tải gạo ấy, mười ngày sau mới về đến cơ quan. Trong mười ngày ấy, đúng kỳ chị '"chịu tội… con gái"  lặng lẽ, thụt lùi tít sau cùng. Các anh hỏi tại sao? Các anh đâu có biết chị không muốn các anh nhìn những vệt máu loang trong nước, chị xấu hổ. Và ngửi thấy mùi tanh của máu, họ hàng nhà vắt sẽ kéo hàng đàn bám theo các anh.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, chiến tranh kết thúc. Trong khi mọi người háo hức với cuộc sống mới mẻ của Đà Nẵng, Sài Gòn thì chị lặng lẽ tìm về một xóm nhỏ toàn phụ nữ ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định. Gần hai tháng trời ở đây, chiều nào chị cũng lên cơn sốt. Về Đà Nẵng, thấy chị bị bệnh nặng, thủ trưởng đơn vị cho chị theo một chuyến máy bay vận tải quân sự ra Bắc. Cứ tưởng chị bị nhiễm căn bệnh nghiệt ngã của chiến tranh.

Trước ngày lên đường vào mặt trận, kiểm tra sức khỏe, chị nặng 49kg. Bây giờ chị chỉ còn 39kg. Về nhà, mẹ và các em gái đều ngỡ ngàng không nhận ra. Chị còn phải điều trị nhiều ngày nữa rồi cũng may mắn qua khỏi. Và từ đó, liên tục 17 năm chị làm công tác biên tập mảng sách văn học ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Gần 15 năm tiếp theo chị giữ cương vị Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội.

Trong sáng tác, đề tài chiến tranh Cách mạng và người lính luôn là thế mạnh của chị. "Những giấc mơ có thật",  "Tiếng rừng", "Có một thời yêu" của chị là những truyện ngắn đặc sắc, cảm động, từng đoạt giải  thưởng văn học, được nhiều nhà làm sách tuyển chọn.

Ngoài những giải thưởng của Bộ Công an, nhà văn Vũ Thị Hồng còn được trao tặng Giải thưởng Văn học 5 năm (1990 - 1995) của Bộ Quốc phòng.

Cả thời thanh xuân chị gắn với chiến trường. Chị phục vụ trong quân đội cho đến ngày nghỉ hưu. Nghỉ hưu, chị, nhà văn Vũ Thị Hồng mới thật sự có thời gian dành cho hoài niệm, cho nghiệp văn chương. Đại tá, nhà văn Chu Lai, chồng chị luôn động viên chị: "Cứ viết đi, viết về chính mình…". Anh và chị đã cùng nhau thăm lại chiến trường xưa.

Cảnh xưa nay đã lùi vào dĩ vãng, nhường cho màu xanh bạt ngàn của núi rừng cùng những công trường, những con đường trải nhựa thông thoáng, nối liền Nam Bắc. Nhưng những kỷ niệm một thời hoa lửa vẫn còn tươi nguyên, sống động như hiện diện trước mắt chị. Chị cầm bút, hồi tưởng một thời đã qua, miệt mài, xúc động, kiên nhẫn viết những dòng văn tâm huyết của đời mình.

Lê Hồng Nguyên
.
.