Nhà văn Trương Anh Quốc: Những câu văn được vớt lên từ biển
- Nhà văn Ngôn Vĩnh và chuyện “Bên kia cổng trời”
- Nhà văn Nguyễn Đông Thức: Mãnh liệt trên trang viết, hồn hậu với cuộc đời
- Nhà văn Đỗ Chu với những người Mẹ
1. Trương Anh Quốc là trường hợp có duyên khi đến với văn chương. Sinh năm 1976, so với các tác giả thuộc thế hệ 7X thì anh xuất hiện muộn hơn. Nhưng ngay tác phẩm đầu tiên đã "ghi bàn" ấn tượng với Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ III (năm 2005) cho tập truyện "Sóng biển rì rào". Văn học tuổi 20 là giải thưởng văn học uy tín giữa thời buổi loạn các cuộc thi và loạn giải thưởng hiện nay, là nơi từng vinh danh các nhà văn như Nguyên Hương, Phan Triều Hải, Trang Hạ, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Thị Thanh Bình… v.v…
"Sóng biển rì rào" được nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá cao, khi ông cho rằng: "Trương Anh Quốc có lối dẫn truyện độc đáo và nhiều bất ngờ. (…) Bất ngờ mà hợp lý, điều ấy bao giờ cũng đòi hỏi sự lành nghề văn chương. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất "viễn dương", tươi nguyên và hấp dẫn như thế này".
Năm năm sau, vẫn là Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20, anh lại gây bất ngờ khi tiếp tục dự thi và về Nhất với tiểu thuyết "Biển". Giải Nhất này từng gây tranh luận nho nhỏ trong giới viết lách, nhưng nhận định của nhà văn Chánh chủ khảo cuộc thi lần IV như bảo chứng cho "Biển": "Một lối viết rất trầm tĩnh, không hề to tiếng, nhẹ nhàng, đến như rủ rỉ, có cả nụ cười mỉa mai mà nhân hậu, cứ như thong thả kể chuyện chơi, hết chuyện này tới chuyện khác, không cần thắt không cần mở, không cần cái được gọi là cao trào, hầu như chẳng cần quan tâm mấy đến một đường dây xâu chuỗi kết nối toàn tác phẩm. Tôi nghĩ đó là một cách viết cao tay: bởi cuộc sống thật vốn là vậy đó, thế giới được kết chặt với một bề ngoài trông chừng rất rời rạc, cuộc sống là tất yếu một cách trông chừng như rất ngẫu nhiên".
Tiếp đấy, Trương Anh Quốc giành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Rồi gần đây là giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều người nói, anh "sát giải", viết không nhiều, nhưng đụng đâu thắng đấy. Văn chương là vậy. Tài năng và lao động thật cần thiết. Nhưng chỉ là điều kiện cần. Phải thêm cái duyên nữa mới thành điều kiện đủ. Mà duyên thì ở ngoài mình. Duyên có chọn mình hay không có… trời biết. Ở đây, ông trời đã dẫn duyên xuống gặp Trương Anh Quốc.
2. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Quế Sơn, Quảng Nam, ngay từ nhỏ Trương Anh Quốc đã ôm mộng được đi xa, càng xa càng thích. Nên chàng trai mới lớn chưa một lần ra khỏi huyện chọn trường Đại học Hàng Hải để gửi gắm ước mơ của mình. Với tấm bằng kỹ sư điện trong tay, Trương Anh Quốc hăm hở bước vào nghề thủy thủ trên các chuyến tàu viễn dương. Anh đã đi qua tất cả các đại dương và đặt chân đến 40 quốc gia trên thế giới. Và biển không chỉ biến ước mơ của Trương Anh Quốc thuở thiếu thời thành hiện thực mà còn mở ra cho anh chân trời mới, chân trời chữ nghĩa, chân trời văn chương.
Nếu như biển mang đến nguồn hải sản, nguồn tài nguyên dầu khí cho các quốc gia, mang đến con đường thông thương lớn nhất cho nhân loại, thì với riêng Trương Anh Quốc, biển còn mang đến chất liệu cho những trang văn. Đọc tác phẩm của Trương Anh Quốc, cảm giác như các câu văn được anh vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn. Không có biển, chắc chắn sẽ không định hình một nhà văn Trương Anh Quốc như hiện nay.
Trước giờ, văn chương Việt chưa thấy tác phẩm nào viết trực diện về biển, trừ tiểu thuyết "Biển và chim bói cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhưng vẫn là biển gần bờ. Ngoài ra, nếu có viết về biển thì chỉ là… nhìn ra biển chứ không phải cưỡi lên biển mà viết. Riêng Trương Anh Quốc rong ruổi khắp thế giới, trên biển. Biển thời hội nhập quốc tế. Vậy nên nói anh độc quyền, "bành trướng" trên biển với trang văn cũng không ngoa. Biển chính là sân nhà của anh. Và mình anh một sân. Chẳng ai cạnh tranh.
Văn của Trương Anh Quốc là thứ văn điềm tĩnh. Như thể anh quen ăn sóng nói gió từng trải khắp các đại dương rồi nên chẳng có gì khiến anh vội vàng. Kể cả mạch văn. Thời đại công nghệ, liệu thứ văn chầm chậm có dễ gây chán ngán? Không. Trương Anh Quốc có thứ khác bù lại khiến người đọc không bị "đứt gánh giữa đường". Là câu văn có mật độ dày các ý bật tanh tách, nạp thêm thông tin bên lề hoặc trình ra lối nghĩ khác với thông thường. Chẳng biết điều này có phải bắt nguồn từ tính cách "Quảng Nam hay cãi" của tác giả không? Nhưng lối diễn đạt này tạo cảm giác hào hứng và kích sự tò mò cho người đọc trong quá trình tiếp cận tác phẩm.
3. Đi tàu viễn dương, mỗi khi tàu cập cảng, việc đầu tiên của Trương Anh Quốc là lên đất liền tìm Internet hoặc trạm điện thoại để liên lạc với bạn bè, người thân, hỏi thăm tình hình mọi người. Sau đấy tranh thủ khám phá đất nước sở tại trong khoảng thời gian cho phép.
Nếu tàu cập cảng trong nước thì Trương Anh Quốc gặp bạn văn chương. Lúc Hải Phòng. Khi Đà Nẵng. Hay Sài Gòn. Hoặc Vũng Tàu. Ngoài gặp gỡ bạn, việc khác nữa chẳng khi nào anh quên, là sục sạo các nhà sách. Trương Anh Quốc về nước là nhờ bạn bè tư vấn các đầu sách mới đáng chú ý cần đọc để lập tức cập nhật. Sách là thứ anh luôn nhớ trang bị trước khi tàu nhổ neo. Để trên tàu, khi đồng nghiệp giải trí bằng việc xem tivi hoặc ngồi canteen thì anh lại đóng cửa phòng riêng đọc sách, hoặc tranh thủ viết lúc sóng biển ngủ quên không gây gổ với thân tàu.
Trương Anh Quốc sống giản dị, có phần xuề xòa. Anh nhiệt tình với bạn bè. Đúng kiểu dân "phượt" xuyên lục địa. Với lối nói chuyện tếu táo ngang như cua, trống người ta đánh xuôi anh sẽ thổi kèn ngược, cốt cho mọi người cười, vậy nên ngồi với anh chẳng bao giờ lo nhàm chán hoặc buồn tẻ.
Bìa tác phẩm "Sóng biển rì rào của nhà văn Trương Anh Quốc. |
4. Ba năm nay Trương Anh Quốc không đi tàu nữa. Anh chuyển qua làm cho một công ty dịch vụ dầu khí. Đều đặn xen kẽ 4 tuần ngoài giàn khoan 4 tuần nghỉ trong bờ. Vẫn là biển. Chỉ khác là trước lên tàu đi khắp thế giới, giờ lên máy bay trực thăng ra giàn khoan. Tôi nói, anh chọn việc khéo quá, làm 1 tháng lại có 1 tháng nghỉ vi vu nạp nguyên liệu viết hoặc ngồi nhà viết văn.
Từ ngày Trương Anh Quốc chuyển việc, tôi gặp anh thường xuyên hơn. Thường trước khi anh ra giàn khoan hoặc từ giàn khoan về bờ anh em lại ngồi với nhau rồi anh mới ngược Sài Gòn về với vợ con. Có thể là quán nào đó bên bờ biển hoặc cửa sông hay trong con hẻm nhỏ. Uống ly cà phê hoặc ly bia lấy cớ cho vài câu chuyện xoay quanh việc viết lách, bạn bè văn nghệ.
Nhiều người hỏi Trương Anh Quốc làm gì cho hết 4 tuần trên bờ? Xin thưa lúc thì anh ở Tây Bắc. Lúc Đông Bắc. Khi về quê thăm hai bên nội ngoại. Hoặc đi Tây Nguyên. Trương Anh Quốc ham đi. Đi trên biển đủ rồi đến đi trên bờ, khám phá dọc dài đất nước. Nhiều khi anh nhắn tin hoặc nhắn tin hỏi anh, lại thấy nói đang ở một vùng xa lơ xa lắc. Vậy là biết anh đang bồi bổ mắt và nạp năng lượng cho trang viết rồi. Viết văn mấy người được như anh!
Ngoài tập truyện "Sóng biển rì rào" và tiểu thuyết "Biển", Trương Anh Quốc còn 2 tập truyện ngắn khác là "Lũ đầu mùa" và "Hợp đồng chiều thứ Bảy". Ở 2 tập truyện này, có một số truyện anh trở về với… đất liền. Nhưng có vẻ anh thuộc về biển. Những câu văn phải được vớt lên từ biển mới đúng là Trương Anh Quốc. Chả thế mà khi đọc truyện ngắn không dây mơ rễ má gì với biển của Trương Anh Quốc, nhà văn Hồ Anh Thái đã khuyên anh hãy trở về với biển của mình.
Bây giờ thì Trương Anh Quốc vẫn ở biển. Nhưng trên giàn khoan. Đây là mảng đề tài chưa nhà văn nào chạm tới một cách rốt ráo. Anh lại ở vị trí độc tôn. Chẳng ai viết văn có đủ điều kiện nhảy ra giàn khoan đấu với anh. Tôi nói: Anh tập trung làm một nhát tiểu thuyết nữa về chuyện ngoài giàn khoan đi, sẽ nổi bần bật còn hơn ánh lửa pha - ken trên giàn. Trương Anh Quốc cười. Cái cười của anh tôi phiên dịch ra là: Chờ nhé. Vâng. Tôi đang chờ. Tôi biết anh dư sức làm được, làm ra ngô ra khoai, như anh từng làm với nguyên liệu từ nghề thủy thủ của mình. Và ở đấy, vẫn là những câu văn được vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn.