Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Những tác phẩm viết từ ký ức

Thứ Hai, 03/03/2008, 16:30
Ông thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành từ sau 1975. Với 5 tập truyện ngắn, 5 tiểu thuyết đã xuất bản, trong đó tác phẩm "Lạc rừng" đoạt liền hai giải, một của Bộ Quốc phòng, một trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, ông trở nên quen thuộc trong văn đàn từ 10 năm trở lại đây.

Cuối năm Hợi, VNCA dự định sắp xếp một cuộc hẹn với ông chuẩn bị bài cho chuyên mục "Tâm sự văn nghệ sĩ". Nhưng cả ba lần gọi điện, ông vẫn ở Tây Nguyên. Hỏi: "Bao giờ bác về?". Ông trả lời: "Chưa biết được!". Lại hỏi: "Bác có việc gì ở Tây Nguyên lâu thế? Hội nghị, hội thảo hay hội hè...?". Ông nửa đùa nửa thật: "Tớ đi chơi". Rồi ông nói thêm: "Chơi với anh em bạn bè và bà con các dân tộc nơi xưa tớ cùng sống, cùng chiến đấu...".

Và ông đã đi chơi gần một tháng trời. Tất nhiên, đi chơi là cách nói của nhà văn chứ sau mỗi chuyến hành hương, thế nào ông cũng có dăm cái ký và truyện ngắn. Mà có khi vài năm sau, một tiểu thuyết mới nữa ra đời không chừng! Cuối cùng cũng gặp được ông vào một ngày giáp tết. Có vẻ như ông phấn chấn hơn sau chuyến "đi chơi" Tây Nguyên về. Vậy thì cuộc trò chuyện với ông cũng nên bắt đầu từ Tây Nguyên - Tôi nghĩ vậy.

- Thưa nhà văn, được biết ông sinh ra ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, đất có cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất nổi tiếng. Nhưng nói đến Trung Trung Đỉnh, bạn đọc thường nghĩ ngay đến những trang viết đầy ắp hơi thở Tây Nguyên từ thời chống Mỹ đến tận bây giờ.

+ Gần như vậy. Truyện ngắn đầu tiên, tôi viết ở một hang đá Tây Nguyên. Viết về đồng đội cùng sống và  chiến đấu ở nơi đây. Hai tiểu thuyết: "Lạc rừng" và "Ngược chiều cái chết" dẫu viết ở Hà Nội nhưng vẫn đậm đà đời sống Tây Nguyên, đúng hơn là ký ức không thể nào quên về miền rừng núi đầy nắng và gió…

- Được biết truyện ngắn đầu tay của ông cũng có cái tít rất Tây Nguyên: "Những khấc coong chung". Chắc truyện ngắn ấy đã gắn với bao kỷ niệm vui buồn những ngày đầu đến với văn chương của ông?

+ Chuyện dài lắm. Nhưng có thể tóm tắt thế này. Năm 1971, tôi đang là lính của tỉnh đội Gia Lai, đóng quân ở trong rừng An Khê, đánh nhau với sư đoàn không vận  số 1 của Mỹ - ngụy như cơm bữa.

Một lần bộ đội ta đánh đồn An Khê, địch bỏ chạy, tôi nhặt được cái hộp. Mở ra mới biết đó là cái máy chữ kèm hai cuộn giấy. Mừng quá! Mang luôn về hang đá trong rừng sâu tập đánh máy. Vừa đánh vừa nghĩ cốt một câu chuyện. Một câu chuyện phịa. Nhưng phịa dựa trên thực tế một cuộc họp tìm cách đánh địch của đơn vị.

Trong cuộc họp ấy, anh em bàn nhau: Cứ mai phục sau mấy bụi cây lúp xúp, đợi địch đi qua xả súng bắn vài chục thằng rồi lại rút, xem ra hiệu quả không cao. Chi bằng, leo đại lên những cây khoọc lớn, phục kích từ trên cao, đợi địch đến gần, phóng B40 xuống. Chẳng cứ gì xe tăng, mà cả trung đội cũng phải cháy thui. Kế hoạch đề ra thấy hay hay, ai cũng tán thưởng.

Nhưng khi ra thực địa, trèo lên cây rồi mới thấy quá trống trải và quá nguy hiểm. Đành thôi và tiếp tục đánh theo cách cũ... Thế nhưng cái kế hoạch táo bạo kia vẫn luôn ám ảnh tôi. Và khi tập đánh máy, hứng chí, tôi phịa thành truyện  như thật về một trận đánh mà bộ đội ta phục kích trên cây cao, bất ngờ tấn công cả một đơn vị của địch đang hành quân, diệt được cả xe tăng và khá nhiều binh lính.

Truyện ngắn ấy được gửi theo đường giao liên ra tòa soạn Văn nghệ Quân giải phóng. Gửi hú họa. Thế mà vẫn đến nơi. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đọc và cho in ngay vào số tạp chí đầu năm 1972. Trong khi anh em ở Văn nghệ quân khu bắt đầu để ý đến tác giả mới ký tên Trung Trung Đỉnh từ truyện ngắn "Những khấc coong chung" thì mấy ông Tỉnh đội đọc truyện liền cho trợ lý tuyên huấn đến gặp tác giả.

Đồng chí trợ lý đặt vấn đề rất nghiêm túc: "Nếu chuyện có thật thì chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên khen thưởng cho đơn vị và những anh em có cách đánh độc đáo mà cậu đã viết!". Đành phải thú nhận đó là chuyện bịa. Đồng chí trợ lý nghiêm giọng: "Nếu chuyện không có thật thì cậu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!". Khiếp quá! Được in cái truyện ngắn đầu tay chưa kịp mừng đã lo. Lo hơn chuẩn bị bước vào trận đánh lớn... Nhưng may thay mọi sự rồi cũng qua.

- Và ông lại tiếp tục viết?

+ Đúng vậy, nhưng chủ yếu là thơ.

- Hóa ra trước khi xuất hiện nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có một "tác giả thơ" Trung Trung Đỉnh. Còn nhớ năm 1977, trường ca của ông được trích in dài tới 10 trang, trên tạp chí Văn nghệ Quân đội có cái tên cũng đậm chất Tây Nguyên: Pui Kơ Lớ. Vậy Pui Kơ Lớ có nghĩa là gì?

+ Tây Nguyên đã từng có trường ca "Đam San" mà nhân vật chính là chàng Đam San. Rồi trường ca rất nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn mang tên một loài chim quý của cao nguyên: Chim Chơ rao. Vì thế, khi viết trường ca, tôi lấy luôn một người mà tôi hằng yêu quý - Pui Kơ Lớ làm tên tác phẩm của mình. Trường ca này tôi viết theo kiểu kể "Khan" của bà con dân tộc vùng này.

- Được biết trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp ông đã từng làm đội trưởng đội chiếu bóng lưu động ở Tây Nguyên. Vậy duyên cớ nào mà từ một lính chiến trở thành một anh chiếu bóng?

+ Nói đúng hơn là một anh lính chiếu bóng. Hồi cuối năm 1974, cấp trên điều tôi và một số lính ở tỉnh đội ra quân khu học một khóa chiếu bóng. Mãn khóa,  được lệnh chờ ở trạm giao liên để chuẩn bị đi phục vụ chiến trường. Sốt ruột vì những ngày chờ đợi hoài hoài ở binh trạm, tôi và anh bạn tên là Rơ Ma Chuốt đề xuất với trạm trưởng đi săn lấy thực phẩm dự phòng cho bộ đội qua đây. Trạm trưởng đồng ý và cử thêm một anh lính của trạm đi cùng.

Trước khi chúng tôi khăn gói quả mướp vào rừng sâu, ông dặn: "Săn được càng nhiều thịt càng tốt. Bao giờ có lệnh cấp trên thì tớ cho người gọi về". Lặn lội cả tháng trong rừng, chẳng thấy ai gọi mà số thịt săn được cũng kha khá, ba anh em quyết định về trạm giao nộp sản phẩm.

Ra đến vùng của đồng bào dân tộc huyện Trà My sinh sống, gặp một ông già say rượu đang nằm ở ngoài rẫy, hỏi chuyện, mới biết miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Về đến trạm, thấy vắng tanh. Sau này mới biết những ngày  chúng tôi lọ mọ trong rừng sâu với nhiệm vụ lo hậu cần tại chỗ thì cả dân tộc đang thực hiện cuộc hành quân thần tốc để giành thắng lợi cuối cùng.

Lại cuốc bộ ra đường tuyến. Gặp một đoàn xe tải của bộ đội, xin quá giang về Đà Nẵng chơi với các anh Văn nghệ vài ngày rồi mới về lại Pleiku trình diện Tỉnh đội. Có cái chứng nhận đã qua khóa đào tạo chiếu bóng nên được phân công luôn chức "đội trưởng đội chiếu bóng" và công việc chính là mang phim đi phục vụ bộ đội và bà con đồng bào ở khắp vùng Gia Lai - Kon Tum...

-  Từ anh đội trưởng đội chiếu bóng lưu động, duyên may nào mà ông trở lại với nghề viết? Ý tôi muốn nói đến nghiệp văn mà ông gắn bó đến tận bây giờ?

+ Gần hai năm làm công việc chiếu bóng tôi vẫn viết lai rai. Những ngày ấy tôi còn nung nấu quyết tâm thi vào đại học. Được vào đại học là ước mơ suốt thời thơ bé của tôi. Nhưng năm 17 tuổi, đang học phổ thông thì tôi được lệnh lên đường đánh giặc. Nay giặc đã tan, tôi nghĩ phải thực hiện ước mơ đó. Vừa đi chiếu bóng vừa tranh thủ đọc sách và ôn thi đại học.

Đến giữa năm 1977, tôi thi đỗ vào Trường đại học Văn hóa ở Đà Nẵng. Về nhập học được ít lâu, tôi lên chơi với mấy anh nhà văn, nhà thơ đang công tác ở Đà Nẵng. Nào ngờ, lần này đến thăm các anh lại là bước ngoặt của cuộc đời.

Vừa nhìn thấy tôi, nhà văn Nguyễn Chí Trung hỏi ngay: "Bây giờ đang ở đâu?". Tôi khoe đã thi đỗ đại học, theo ngành thư viện. Nhà văn sốt sắng: "Bây giờ không học hành gì nữa. Học hành tính sau. Em mang ngay balô về trại sáng tác". Rồi nhà văn dẫn tôi vào Ban chỉ huy quân khu làm thủ tục. Thủ tục chuyển tôi về trại viết cũng nhanh như lệnh hành quân ra trận.

Xong xuôi anh lại bảo: "Bây giờ em lên địa bàn Tây Nguyên. Phải cắm sâu mới viết được". Thế là tôi khoác balô trở lại Tây Nguyên. Nhưng lần này tôi trở lại Tây Nguyên với tư cách là một văn nghệ sĩ đi thực tế. Những chuyến đi theo chân các đơn vị truy quét Fulro hay đến những vùng biên giới tiễu trừ bọn lính Pôn Pốt quấy phá. Mấy năm ròng, vừa đi thực tế, vừa viết, chủ yếu là truyện ngắn. Những tác phẩm thời đi thực tế đã từng bước đưa tôi về với đội ngũ của các nhà văn...

- Một nhà văn với những trang viết về Tây Nguyên một thời gian khổ mà hào hùng. Ngoài ra, đọc sách của ông, độc giả còn thấy một vùng ký ức nữa, đó là Vĩnh Bảo, miền đất quê hương?

+ Đúng vậy. Toàn bộ những tác phẩm của tôi chủ yếu viết bằng ký ức, hư cấu từ ký ức. Những ký ức Tây Nguyên và cả những ký ức tuổi thơ ở quê hương. Tôi từng được sống trong một không gian trong lành, một môi trường rộng mở suốt thời thơ ấu ở vùng đất này. Chính vì thế hầu hết các tác phẩm của tôi đều thấp thoáng bóng dáng của người và đất làng Sưa, xã Vĩnh Long (Vĩnh Bảo) của tôi.

Ngay một câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết "Lạc rừng" cũng được tôi xây dựng từ kỷ niệm với một cô bé học cùng trường. Đó là những cảm xúc, bóng dáng mà cô bé ấy đọc sẽ hiểu... Sắp tới hai cuốn tiểu thuyết mới: "Lính trận" và "Sống khó hơn là chết" ra mắt, độc giả còn thấy bóng dáng ký ức làng Sưa trong tác phẩm của tôi còn đậm đặc hơn.

 - Xin cảm ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh về cuộc trò chuyện này

Nguyễn Xuân Hải
.
.