Nhà văn Tô Hoài: Từ "Con dế mèn" đến "Dế mèn phiêu lưu ký"

Thứ Ba, 31/12/2013, 08:03

Đọc dòng chữ ngắn ngủi ghi cuối cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký": "12/1941. Nghĩa Đô", hẳn bạn đọc nào cũng nghĩ ngay đó là thời gian và không gian tác giả viết nên cuốn sách. Kỳ thực, thời gian Tô Hoài bắt đầu viết "Dế mèn…" sớm hơn và cuốn truyện ngay trong lần xuất bản đầu cũng không đầy đặn như cuốn truyện bạn đọc đang có trong tay ngày hôm nay...

Mặc dù sau lưng Tô Hoài là một sự nghiệp văn học đồ sộ, với gần 200 tác phẩm, song "Dế mèn phiêu lưu ký" - cuốn truyện đồng thoại được ông viết khi còn ở tuổi đôi mươi hiện vẫn là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và được đọc nhiều nhất của ông. Nói đến Tô Hoài là người ta nói ngay tới "Dế mèn phiêu lưu ký". Không chỉ thu hút bạn đọc trong nước, cuốn truyện hấp dẫn này còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn bè quốc tế (cả trẻ em và người lớn) đón nhận nồng nhiệt không thua kém gì những truyện cổ tích kinh điển của Anđécxen, của anh em nhà Grimm…Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn Tô Hoài bằng chứng nhận "Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất".

Đọc dòng chữ ngắn ngủi ghi cuối cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký": "12/1941. Nghĩa Đô", hẳn bạn đọc nào cũng nghĩ ngay đó là thời gian và không gian tác giả viết nên cuốn sách. Kỳ thực, thời gian Tô Hoài bắt đầu viết "Dế mèn…" sớm hơn và cuốn truyện ngay trong lần xuất bản đầu cũng không đầy đặn như cuốn truyện bạn đọc đang có trong tay ngày hôm nay.

Theo như những gì mà Tô Hoài kể lại thì bấy giờ (những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước), ông làm chân bán hàng cho một hiệu giày ba ta trên phố Hàng Khay. Mỗi tháng ông được nhà chủ trả cho 6 đồng, tương đương 2 tạ gạo, trong khi chỉ cần một đêm là ông có thể "khoắng bút" viết được một truyện ngắn và nếu truyện ngắn đó được in trên Báo Hà Nội tân văn của nhà văn Vũ Ngọc Phan, ông sẽ được trả nhuận bút tới 5 đồng. Thấy viết truyện thu nhập "ngon" hơn bán giày, Tô Hoài chuyển hẳn sang viết văn.

Cũng thời gian này, được tin chủ nhà xuất bản Tân Dân là ông Vũ Đình Long đang có ý định xây dựng một "tủ sách thiếu nhi" ra nhiều kỳ, lấy tên là "Truyền bá", nhà văn Nguyễn Công Hoan đã mách nước cho bậc đàn em Tô Hoài nên tham gia: "Anh viết cũng hóm đấy. Để tôi bảo ông Vũ Đình Long mời anh viết cho Truyền bá".

Nhận "đặt hàng" của ông chủ nhà xuất bản Tân Dân rồi, thoạt đầu, tác giả trẻ vẫn băn khoăn không biết nên viết gì. Trong một bài báo in trên Văn nghệ Công an số Tết Quý Tỵ 2013, nhà văn Tô Hoài kể: "Tôi ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên bãi cỏ cạnh gò cỏ, có mấy đám trẻ đang múc nước đúc dế. Chúng tôi hàng ngày những lúc thong thả vẫn ra bãi sông để chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đêm đi chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười, bên cây gạo có hoa đỏ ối từ bao năm nay. Tôi chợt nghĩ: hay là ta viết chuyện con dế mèn, con dế mèn ta đúc, ta chơi chọi dế từ bao năm nay".

Vậy là truyện "Con dế mèn" ra đời. Bản thảo gửi đi, hơn một tháng sau thì tác giả trẻ được ông chủ Vũ Đình Long cho người kéo xe tay tới tận nhà (ở làng Nghĩa Đô) mời lên nhà in nhận sách và nhuận bút.

Nhà văn Tô Hoài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ra đời tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký".

Truyện "Con dế mèn", tiền thân của "Dế mèn phiêu lưu ký" đã "trình làng" như thế. Sách in lần đầu tại nhà xuất bản Tân Dân năm 1941, với vẻn vẹn chỉ 30 trang in, là 3 chương đầu của cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" hiện nay (truyện "Con dế mèn" kết thúc ở chỗ dế mèn về thăm nhà, thăm mẹ; hai mẹ con mừng mừng tủi tủi; dế mèn thưa với mẹ: Mẹ kính yêu của con! Không bao giờ con quên được lời mẹ. Rồi mai đây con lên đường, con sẽ hết sức tu tỉnh được như mẹ mong ước cho con của mẹ). Truyện "Con dế mèn" bán rất chạy. Ông chủ nhà xuất bản Tân Dân hào phóng trả cho tác giả trẻ 10 đồng nhuận bút và mời viết tiếp truyện "Con dế mèn".

Mặc dù là truyện viết về loài vật, đối tượng bạn đọc chủ yếu lại là thiếu nhi, song bối cảnh đời sống trong nước và quốc tế lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng nhiều tới tâm tưởng của tác giả, từ đó dội vào nội dung tác phẩm. Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương rầm rộ phát triển, rồi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II nổ ra và ngày càng loang ra, trầm trọng. Chính vì lẽ ấy mà tinh thần đấu tranh vì hòa bình, hữu nghị; vì một thế giới đại đồng đã thể hiện rõ trong khát vọng và cả hành động của các nhân vật chính trong "Dế mèn phiêu lưu ký" (phần tiếp theo của "Con dế mèn"). Bên cạnh đấy, việc tác giả trẻ bị mê hoặc bởi những cuốn sách dịch như "Qui-li-ne du ký", "Tê-lê-mác phiêu lưu ký", "Con chim xanh"…trong loại sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh cũng góp phần làm cho chú dế mèn nơi đồng đất quê nhà của ông càng như được tiếp thêm động lực để bay cao, bay xa…

Cũng như lần trước, phần tiếp theo của "Con dế mèn" bán rất chạy. Lần này tác giả trẻ được ông chủ Nguyễn Đình Long trả 100 đồng. Ông Nguyễn Đình Long thông báo: "Dế mèn phiêu lưu ký của ông bán được hai nghìn quyển rồi, đương in nữa, mời ông viết tiếp cho".

Có lẽ ở đây, việc ông Vũ Đình Long mời tác giả trẻ viết tiếp là mời ông tiếp tục cộng tác mảng sách dành cho thiếu nhi, mời ông viết những cuốn khác, chứ với "Dế mèn phiêu lưu ký", dừng lại ở đấy là vừa đẹp. Tuy nhiên, để có một "Dế mèn phiêu lưu ký" hoàn chỉnh như chúng ta thấy hiện nay thì phải đến năm 1954, khi tác giả cho nhập hai cuốn "Con dế mèn" và "Dế mèn phiêu lưu ký" làm một trong một bản in ở NXB Thanh niên.

Tính đến nay, "Dế mèn phiêu lưu ký" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Nam Tư, Rumani, Cuba, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan…; trở thành tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (đúng như Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận vào năm 2006). Trong các bản dịch nói trên, bản dịch mà Tô Hoài ấn tượng hơn cả chính là của dịch giả người Nga Marian Tkachov (in lần đầu tại Nhà xuất bản Thanh niên cận vệ - Nga). Đó là một bản dịch hay, dịch sát, và sách in rất đẹp. Nhiều nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng đã in "Dế mèn phiêu lưu ký" hoặc bằng tiếng Nga hoặc bằng tiếng địa phương của mình.

Nhà văn Nga Gôlôpnép, trong một bài viết in trên Bản tin Liên Xô số ra ngày 1/4/1963 đã so sánh sức hấp dẫn của "Dế mèn phiêu lưu ký" với các câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grim, của nhà văn Đan Mạch Anđécxen và nhà văn Đức Hốpman. Gôlôpnép cho biết: "Hồi ấy là năm 1959. Nhìn lại thì ngày nay chúng tôi có thể nói quả quyết rằng những dự đoán của chúng tôi lúc ấy đã được chứng minh. Nhà văn Tô Hoài đã tới Liên Xô sau khi "Dế mèn phiêu lưu ký" ra mắt bạn đọc Liên Xô được ít lâu. Chắc rằng ông còn nhớ tới sự hoan nghênh nhiệt liệt của các bạn đọc, lớn cũng như nhỏ, đối với tác giả câu chuyện. Và chắc rằng nhà văn Việt Nam cũng còn nhớ tới cả bài diễn văn của B.Pôlêvôi đọc tại Hội Nhà văn Liên Xô ở Mátxcơva, trong đó nhà văn Xôviết có nói rằng ông phải quở phạt con vì đã quá mải mê với chú dế mèn quên cả bài và vở toàn điểm xấu".

Với cách trình bày đẹp (do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thực hiện), ngay trong đợt in đầu ở Nhà xuất bản Thanh niên cận vệ, cuốn sách đã được bán hết veo sau vài tiếng đồng hồ. Nhà văn Vlađimia Xôlôukhin còn tiên đoán: "Cuốn sách này sẽ được tái bản ở nước ta và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác, cho tới khi nó trở thành một trong những cuốn sách hay nhất bằng tiếng loài người".

Thực tế, theo một số liệu, chỉ hai năm sau khi sách được dịch và in ở Nga, nó đã được tái bản nhiều lần với số lượng in lên tới 200.000 bản.

Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng kỹ tính trong việc dùng chữ. Chữ ông dùng luôn chính xác và giàu sức biểu cảm. Ông kể, một lần, đọc cuốn tiểu thuyết "Đảo hoang" của ông, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã góp ý ông không được dùng chữ "người" trong cụm từ "trên người con cá" mà phải viết là "trên mình con cá" mới đúng. Tô Hoài đã sửa ngay tắp lự lỗi này.

Ở cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký", Tô Hoài cũng có động tác tương tự. Chẳng là, khi viết đến đoạn dế ta trần thuật cho ông anh trưởng của mình nghe về bước đường gian truân lưu lạc của mình, thoạt tiên, theo cách nói quen thuộc, nhà văn đã hạ một câu: "Em đã trải những phút gian nan, tính mệnh ngàn cân treo đầu sợi tóc". Nhưng sau ngẫm lại, Tô Hoài mới nhớ là câu ấy chỉ hợp khi nói về người, bởi thực tế con dế mèn không có... tóc mà chỉ có râu. Và Tô Hoài đã chữa câu văn của mình thành ra "tính mệnh ngàn cân treo đầu sợi râu" cho... hợp lý hơn.

Mặc dù nhà văn cẩn thận đến vậy, trong cuốn truyện trứ danh nói trên, ông vẫn để lọt một chi tiết chưa chính xác, và phải đến khi có tuổi, ông mới nhận ra được. Ấy là, khi truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" được dịch in ở Nga, một số em nhỏ đọc đến chỗ tác giả tả chú dế mèn "răng trắng tểnh", thấy không đúng với những gì các em được đọc trong cuốn từ điển về loài vật. Các em bèn viết thư phản ảnh với tác giả, tại sao con dế mèn ở Nga có răng... nâu, còn dế mèn của nhà văn Tô Hoài lại răng... trắng. Điều các em thắc mắc khiến nhà văn phải suy nghĩ và... xem lại. Quả nhiên, ông thấy, trong thực tế, răng dế mèn nó "nâu mờ mờ", chứ không hề... trắng tểnh. Và khi sách tái bản, ông đã sửa lại chi tiết này.

Về sức cuốn hút của "Dế mèn phiêu lưu ký" đối với bạn đọc, nhất là các em nhỏ của chúng ta, Giáo sư Hà Minh Đức, trong cuốn "Tô Hoài - đời văn và tác phẩm" (NXB Văn học, 2007) đã kể câu chuyện cảm động: Một lần, qua màn hình tivi, ông bắt gặp hình ảnh 12 em bé bị đắm thuyền, xác được vớt lên, đặt trên bãi cỏ, bên cạnh là cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" ướt sũng, với hình con dế mèn to sụ, đậm màu ở bìa sách. Hà Minh Đức đã kể lại chuyện này với Tô Hoài. Nhà văn già, khi ấy đã ở tuổi ngoài 80, hỏi Hà Minh Đức trông thấy ở đâu. Hà Minh Đức nói trên truyền hình quay rất rõ. "Tô Hoài nghẹn lời không nói gì, hai mắt đỏ rưng rưng như muốn khóc. Có lẽ chưa bao giờ tác giả Dế mèn lại nghĩ đến một tình cảnh xót xa đến thế, em nhỏ ngây thơ và cả chú dế mèn đều gặp nạn" 

P.K.
.
.