Nhà văn Thùy Linh: Tôi không thần thánh hóa nỗi buồn

Thứ Tư, 05/05/2010, 16:30
Nhà văn Thùy Linh tên thật là Trần Nguyệt Tuệ. Chị sinh năm 1959 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp trường Đại học An ninh, Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3 (1986-1988) rồi tiếp tục theo học Trường Viết văn M.Gorki (Matxcơva, 1990-1995). Là một người được đào tạo bài bản về An ninh nhưng chị lại được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà biên kịch gắn với những tác phẩm văn học, điện ảnh đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống.

Chị đã đoạt các giải thưởng lớn về văn học như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ (1985) với truyện "Mặt trời bé con của tôi"; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2001-2002) với truyện "Gió mưa gửi lại"; giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn "Gió mưa gửi lại" (2004). Hiện nhà văn Thùy Linh đang là Phó giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC).

- Thưa nhà văn Thùy Linh, cũng là khá lâu kể từ khi chị giành được giải thưởng cho truyện ngắn "Gió mưa gửi lại", độc giả không thấy chị xuất hiện nhiều với tư cách là một tác giả văn học. Hình như ở vai trò của một người quản lý của VFC, chị đang dành hết tâm sức của mình cho "sự nghiệp điện ảnh"?

+ Nói thế thì có vẻ to tát quá, thực ra, tôi quan niệm, văn chương chỉ là nghiệp, còn biên tập phim mới là nghề của tôi. Nghề thì mình phải chi chút và dành nhiều thời gian cho nó. Trên thực tế thì hiện nay, các sóng "ngốn" khá nhiều phim, cho nên tôi và các đồng nghiệp phải làm việc gấp hai, gấp ba lần thời gian trước. Cứ tưởng tượng, 8 giờ sáng tôi ngồi làm việc ở cơ quan đến 7 giờ tối mới về, cơm nước xong, nếu chưa hết việc lại phải ngồi làm nốt. Vậy thì thời gian đâu còn để dành cho văn chương nữa. Với lại, văn chương là thứ trời cho, tôi chỉ ngồi vào bàn viết văn khi thực sự có một sự thôi thúc rất lớn.

- Chị tốt nghiệp trường Đại học An ninh, nhưng lại không đi dài hơi với nó. Có lúc nào chị tưởng tượng nếu vẫn chung thủy với chặng đường ban đầu thì sẽ có một Thùy Linh như thế nào không?

+ Thực ra, ban đầu tôi không nghĩ sẽ học trường An ninh. Nhưng do sự khuyên nhủ của gia đình, tôi đã vào đó học… Rồi cũng lại do gia đình khuyên nhủ, chủ yếu từ mẹ tôi mà ra trường tôi chuyển sang làm báo… Lúc đó tôi còn quá trẻ, ít nghĩ ngợi xa xôi, cũng chẳng định hình mình sẽ theo ngành nào, nghề nào nên mẹ bảo gì làm nấy… Lúc đầu mới về báo Công an, tôi được giao nhiệm vụ đi viết cho chuyên mục tường thuật những vụ án nóng, hoặc chuyên vào "vai" trinh sát kể chuyện. Khi đó, hình như do đã có sẵn "máu" văn chương trong người nên tôi viết chuyện hình sự mà như… viết văn, cũng bị các anh, các chú kêu ca nhiều, thậm chí bỏ bài, bắt viết lại từ đầu… Nhưng tạng của tôi, cho dù có cho viết đi viết lại cũng không thể viết đơn thuần theo kiểu tường thuật khô cứng được. Tôi nghĩ, bản thân các vụ án, các chuyện hình sự đã khủng khiếp lắm rồi, mình làm nó nhẹ nhàng được từng nào thì hay từng ấy. Tôi nghĩ, cái quan trọng của một người viết báo là làm cho người đọc không cảm thấy quá hoang mang trước những cái ác, cái xấu. Lối viết ấy, ngày nay lại là lối viết chủ đạo của báo Công an nhân dân và tôi thấy hợp lý.

- Sau này chị là biên tập của hàng trăm tập phim hình sự, hẳn những ngày tháng làm báo không uổng phí đối với chị, giúp ích cho chị nhiều?

+ Có chứ… Kiến thức học ở trường An ninh sau này giúp tôi khá nhiều trong biên tập kịch bản "Cảnh sát hình sự"…  Thuở mới bắt đầu đưa vào sản xuất phim hình sự, cả ê kíp từ người viết kịch bản, biên tập, đạo diễn, diễn viên…chưa ai có kinh nghiệm, thậm chí chẳng biết gì về nghiệp vụ công an. Việc này khá mất thời gian nên mọi người e ngại nhiều. Chịu áp lực công việc đã đành, còn chịu áp lực từ chính ngành Công an nữa vì dính dáng đến nghiệp vụ… Kiến thức học xong không dùng nên mai một nhiều, khi biên tập kịch bản ban đầu rất bỡ ngỡ khiến anh Trần Gia Cường - khi đó là Phó Cục trưởng Cục Công tác Chính trị - Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an nhân dân làm cố vấn cho phim, sau khi đã chữa đỏ lòe vào kịch bản rồi còn mắng: "Trời đất, em quên hết nghiệp vụ rồi à?". Nhưng khi bắt tay vào làm thì những gì được học bắt đầu hồi lại. Giờ đây, với lãnh địa phim hình sự thì tôi đương nhiên là người phải chịu đảm trách.

- Nói về phim hình sự, thời gian qua, sự thành công của loạt phim này đang là một "món ăn" khá quen thuộc của khán giả, nhưng gần đây, nhà Đài lại quá chú tâm vào phim giải trí nên có vẻ không mặn mà tiếp tục với đề tài này?

+ Hiện nay, đã có một sê-ri phim hình sự đang làm hậu kỳ và sẽ được phát sóng vào thời gian tới. Tùy vào từng thời điểm mà Đài sẽ đưa ra những chiến lược cụ thể. Cũng không nên bắt khán giả cứ ăn mãi một món được. Loạt phim hình sự tới đây sẽ hướng đến một loại tội phạm mà sự gia tăng của nó trong thời gian qua đã lên tới con số khủng khiếp: Giới trẻ. Tôi tin là khán giả sẽ quan tâm.

- Có lần chị thổ lộ rằng, truyện ngắn đầu tay "Mặt trời bé con của tôi" được chị viết trong thời kỳ đang làm ở báo Công an nhân dân. Chị còn nhớ căn nguyên nào đã khiến cho người chiến sĩ Trần Nguyệt Tuệ cầm bút viết văn và ghi dấu ấn tên tuổi của mình vào làng văn với cái tên Thùy Linh?

+ Có lẽ, khó có ai biết được đường đi của số phận. Tôi nhớ vì sao tôi lại cầm bút viết truyện ngắn đó nhưng xin được phép không nói (cười!)… Tôi viết liền một mạch mà không đọc lại. Truyện ngắn sau đó giành được giải Nhất của báo Văn nghệ là một sự bất ngờ lớn đối với tôi. Tôi còn nhớ, hồi đó, khi đi nhận giải thưởng xong, trên đường về, tôi đã khóc. Không phải vì vui mà vì nghĩ mình đã bước vào một chặng đường rất khó khăn, giống như người đã cưỡi lên lưng hổ… Nhưng công việc đó cũng mang đến cho tôi thật nhiều niềm vui. Tôi có một nơi để trang trải những nỗi niềm trắc ẩn, những vui buồn khổ đau, đó là trang giấy.

- Chị viết ít, nhưng hễ cứ viết mà dự thi là y rằng đoạt giải. Có lẽ, chị cũng ít nhiều có may mắn?

- Phải nói thật là với tôi, viết văn chỉ đơn thuần là trút bỏ những gì mình không thể kham nổi nữa trong cơ thể mình, khối óc mình, trái tim mình. Nhu cầu trang trải và trút bỏ ấy với tôi là lớn nhất. Khi viết, tôi không nghĩ đến việc dự thi chứ đừng nói gì đến kiếm giải thưởng. Truyện ngắn "Gió mưa gửi lại" cũng là một "cơn cớ" rất ngẫu nhiên. Một ngày gặp nhà văn Trung Trung Đỉnh (hồi đó ông ấy đang làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội), trong lúc ngà ngà say, ông ấy nói dạo này thiếu truyện ngắn quá, không biết lấy gì đem về nộp cho Trưởng ban Văn xuôi - nhà văn Khuất Quang Thụy. Lúc đó có tôi và nhà văn Phạm Ngọc Tiến đang ngồi ở phòng làm việc. Phạm Ngọc Tiến xui ông Đỉnh: "Tiến thì không có nhưng Linh thì có". Kỳ thực tôi đang có mấy truyện ngắn "om" ở máy tính nhưng chưa chỉnh sửa gì. Mấy hôm sau tôi in truyện "Gió mưa gửi lại" ra giấy và nhờ Phạm Ngọc Tiến chuyển tới nhà văn Trung Trung Đỉnh. Đúng lúc ấy Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát động cuộc thi truyện ngắn, ông Đỉnh gửi và tôi... đoạt giải.

- Ngoài đời, Thùy Linh là một người đàn bà mạnh mẽ, vui vẻ, bận rộn, khiến người ta nghĩ chị ít có thời gian để buồn, nhưng hầu hết những trang văn của chị thường man mác nỗi buồn, thậm chí, đôi khi nó như một lời... trăng trối vậy?

+ Con người tôi là vậy, tôi thường không thần thánh hóa nỗi buồn, nhưng có lẽ những lúc buồn nhất tôi đã gửi gắm hết những tâm sự vào trang viết nên ngoài đời, chả có cơn cớ gì khiến mình phải buồn cả. Đối tượng phản ánh trong văn học là con người nên tôi lấy con người làm chủ đích sáng tác. Con người ta ai cũng có nỗi buồn, niềm vui, bất hạnh… Tôi chọn những nỗi buồn để gợi cái nhìn nhân văn. Sau nỗi buồn là niềm vui, là hạnh phúc đấy thôi… Cũng chính vì thế nên tôi viết ít, tôi chỉ ngồi vào bàn khi thực sự có điều gì đó thúc giục tôi cầm bút. Trong văn chương, tôi là một kẻ khá lười biếng, hoặc vì do công việc quá nhiều khiến tôi nghĩ, văn chương là một thú vui mà chỉ khi nào tâm tĩnh, rảnh rang thì mới ngồi sáng tạo được.

- Có lẽ chị là người đàn bà may mắn và rất có nghệ thuật sống vì đã giữ được một người đàn ông kém mình đúng một giáp gần 20 năm nay. Trong chuyện này, chị có bí quyết gì không?

+ Bí quyết là không giữ, không nắm. Không ai lấy chỉ buộc chân voi… Trong cuộc sống, đặc biệt cuộc sống vợ chồng, tôi nghĩ ngoài tình yêu thì phải biết tôn trọng nhau, thật lòng với nhau, thậm chí, chấp nhận xấu tốt ở nhau.

- Giờ đây ngoài niềm vui trong công việc, chị tìm kiếm niềm lạc quan trong cõi Phật, chị có nghĩ, nếu để lòng quá bình an thì sẽ khó... viết văn?

+ Tôi theo đạo Phật đã lâu và cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ cần mỗi khi mệt mỏi, bất ổn mà ngước lên nhìn tượng Đức Phật là cảm thấy tan hết mọi u sầu. Tôi không phải là người mê tín nhưng quả thật, sau một ngày vất vả không có gì sung sướng bằng việc ngồi thiền. Cõi thanh tịnh ấy giúp tôi lấy lại thăng bằng, tĩnh tâm và trí tuệ… Người ta có nhiều cách để cho trái tim và khối óc mình bình an trở lại, tôi chọn Đức Phật để gửi gắm những tâm niệm của mình.

- Xin cảm ơn nhà văn Thùy Linh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.