Nhà văn Như Bình: Viết như một sự tạ lỗi
1.Tôi đọc chị từ những trang viết đầu tiên, khi chị bắt đầu nổi tiếng với những truyện ngắn dữ dội và bứt phá về thân phận người phụ nữ, những "Giông biển", "Đêm vô thường", "Dòng sông một bờ" đã ám ảnh tôi… Khi đó chị đã là một cây bút khá nổi trên văn đàn cùng với những bạn viết một thời: Trần Thanh Hà, Nguyễn Thị Châu Giang, và cùng với họ, chị đã góp mặt để làm nên những gương mặt nữ nhà văn trẻ, mới mẻ trên văn đàn Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước. Thế rồi, đột ngột Như Bình chuyển sang làm báo. Mảnh đất Hà Tĩnh khốn khó, cằn cỗi ấy đã buộc những người viết như chị phải mưu sinh.
Bươn bả viết báo để kiếm sống, Như Bình bắt đầu những bài viết đầu tiên về số phận của những con người thời hậu chiến, đầy ám ảnh đã được đăng tải trên An ninh thế giới cuối tháng. Và có lẽ cũng là duyên hạnh ngộ khi một thời gian sau, chị được nhận về công tác ở tờ báo uy tín này. Bắt đầu cho một ngả rẽ trong cuộc đời, số phận và con đường của chị.
Như Bình ra Hà Nội để làm báo. Nhưng hành trang chị có chỉ là một gia tài đầy ắp văn chương. Đó là một lợi thế, nhưng cũng là một áp lực đối với chị. Cuộc sống gấp gáp, và những áp lực của nghề báo đã khiến chị gác lại niềm đam mê của mình. 10 năm qua đi như một cái chớp mắt trong đời. Nhưng đối với Như Bình, đó là 10 năm của sự kiếm tìm, của sự nỗ lực và bứt phá, để tìm cho mình một con đường riêng. Và chị đã làm được điều đó, khi những bài viết của chị đã chạm vào nỗi buồn, niềm vui của cõi nhân gian rộng lớn, và được độc giả chờ đợi trên An ninh thế giới như một phần không thể thiếu.
Trong hành trình dài 10 năm đó, Như Bình vừa đi vừa dò dẫm tìm đường. Nhiều lúc chị tự hỏi, không biết đó có phải là đường không, nhưng như một kẻ độc hành không thể khác chị đi miết, trong đơn độc, trong cả nỗi sợ hãi, cả những áp lực của nghề báo khốc liệt mà không kém phần bạc bẽo. Như Bình bước ra từ một cõi mộng của văn chương, đến với hiện thực. Bằng tất cả bản năng, bằng cả nỗi đau đớn của một người đàn bà viết, chị đến với báo chí và đã gặt hái được một thành công nho nhỏ là người đọc nhớ tên chị sau mỗi bài báo chị viết.
Nhân vật của Như Bình đều là những người nổi tiếng, bởi thế cuộc đời họ là những thước phim dày mà ở đó, có cả danh vọng, hào quang lẫn những cay đắng. Chị, bằng bản năng của một người đàn bà viết, bằng sự nhạy cảm và từng trải của mình, đã tiếp cận một cách chân thực nhất về nhân vật của mình. Đối với chị, vượt qua mọi kỹ thuật viết, hay sự biến hóa của ngôn từ, thì sự thật vẫn là cái đẹp lộng lẫy nhất, lay động hồn người nhất. Và bằng sự thật mà chị tìm thấy ở những số phận chân dung chị gặp, Như Bình, đã chạm tới một cõi thiêng trong các chân dung của mình. Từ một góc riêng trong đời sống nhân vật, để soi rọi cả một thời kỳ, một không khí của thời đại mà nhân vật đang sống. Nhiều sinh viên khoa báo các trường đại học đã sử dụng ký chân dung của Như Bình làm đề tài nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp. Một số trường đại học mời chị vào nói chuyện về thể loại ký chân dung. Đó là những thành công mà đối với một người làm báo mày mò như chị đáng được ghi nhận. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc những chân dung đầu tiên của Như Bình: "Các chân dung văn học của Như Bình nối tiếp nhau trong 10 năm qua chính là một cuộc hành trình, bền bỉ, đầy ý thức, cảm thông và chia sẻ, đi vào những thân phận của đời sống mà chị là nhân chứng. Chị đã đến với nhân vật như tham dự vào một phần đời sống của họ. Chị sống với những giấc mơ, những buồn bã, với những giày vò, với những mất mát và những ngờ vực nào đó của nhân vật". Đi đến tận cùng những góc khuất trong cuộc đời của nhân vật, Như Bình đã chạm tới một miền rung cảm sâu sắc nhất trong thế giới nội tâm của họ.
Bìa tập: "Người mang lại ái tình" của nhà văn Như Bình. |
2.Trong lời tự bạch mở đầu cho cuốn chân dung những người nổi tiếng, tập hợp những bài viết trong hơn 10 năm làm báo của chị - "Người mang lại ái tình", Như Bình thú nhận: "Cho đến bây giờ, nhiều lúc, tôi cũng không phân định được, mình đang viết văn bằng báo chí hay viết báo chí bằng văn chương. Mỗi chân dung nhân vật của tôi, được bắt đầu bằng một cuộc đối thoại kỳ công và không kém phần chịu áp lực. Một cuộc đối thoại mà ở đó, tôi, kẻ đã cùng với nhân vật của mình đi đến tận cùng những trạng thái cảm xúc để cố gắng cảm nhận được tất cả những hỉ nộ ái ố trong từng đoạn đời nhân vật đã đi qua".
Quả thật đọc những chân dung của Như Bình, khi như một thiên truyện ký, khi như một tản văn mà ở đó, chất văn chương được sử dụng như một thế mạnh tối đa, khiến người đọc day dứt, ám ảnh. Và ở đó, còn là cảm xúc, cái nhìn của một nhà văn, mà sự tinh tế và nhạy cảm đạt đến độ, để có thể dẫn dụ người đọc vào thế giới riêng của nhân vật một cách khéo léo. Có lẽ bằng bản năng của một người đàn bà viết văn, đã cho chị nhiều hơn bản năng của một nhà báo khi chị thực hiện những chân dung nhân vật này. Đó là chân dung về những người đã mất, như danh họa Dương Bích Liên, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, nhà thơ Hoàng Trung Thông, hay những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tưởng như đã quá quen thuộc với người đọc, nhưng qua góc nhìn của chị, vẫn cảm nhận ở đó, những góc khuất sâu chưa ai từng chạm tới. Vệt chân dung về nhà văn Lê Lựu, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Nguyễn Quang Lập là vậy… Họ trút tất cả những buồn vui vào chị. Ở đó người đọc cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ của chị, một người phụ nữ có trái tim đa cảm, đôi khi nặng nợ với cuộc đời.
"Tôi yêu những nhân vật của mình vô điều kiện. Đó là nguyên tắc tối thượng trước trang viết. Và vì quá yêu những nhân vật của mình, thỉnh thoảng tôi rơi vào sự miên man vô thức trong những chi tiết, con chữ mà tôi không đừng được. Nó bước ra trong tâm cảm tôi, tràn ngợi ra trước trang giấy trắng mà nhiều khi tự thân tôi thấy bất lực. Mỗi một nhân vật được kể như một câu chuyện đời ám ảnh, khiến người đọc nhân vật của tôi, hiểu về họ hơn ở một góc khuất sâu mà người ngoài không chạm tới, và nhiều lúc còn là cảm giác nhức lòng về số phận của họ".
Chị, đã bước qua cái ranh giới mong manh trong biển đời của nhân vật, chị chọn cho mình một góc nhìn và mải mê cuốn theo nó từ chữ đầu tiên cho đến khi dứt bút đến chữ cuối cùng. Và khi đó, chị rơi vào trạng thái rỗng. Đấy là một lối đi vô cùng khó nhưng là thành công của những nhà văn viết chân dung. Tôi cảm giác, chị viết không vì áp lực của một bài báo. Đôi khi chính chị cũng bị cuốn theo những con chữ trong miên man những cảm xúc của mình về số phận nhân vật. Nhưng thế không có nghĩa, Như Bình áp đặt cảm xúc, cái nhìn chủ quan lên từng nhân vật, mà thay vào đó, chị sống sâu trong thế giới của họ, để giúp họ cảm và hiểu, nhận ra chính mình. Đấy là một ranh giới khó trong lối viết chân dung mà nếu không có sự dồn nén của cảm xúc và sự tỉnh táo của một trái tim biết suy xét, thì không thể chạm tới.
10 năm qua, trên con đường miệt mài của mình, Như Bình đã có một gia tài riêng cho mình, những chân dung nhân vật mang dấu ấn của riêng chị. Hành trình đó không hề đơn giản. Bởi nhiều người viết chân dung là để ca ngợi nhân vật của họ, hay để chê ghét họ. Nhưng Như Bình thì không, chị yêu nhân vật của mình vô điều kiện. Và một nguyên tắc trong nghề viết của chị, đó là chạm đến những chân giá trị, với Như Bình, đó là sự chân thật mà vì nó, chị đã phải chịu không ít những hệ lụy nghiệt ngã từ nghề báo. Nhưng có sự dấn thân nào mà không phải đánh đổi, không chịu những mất mát. Và trong hành trình dài đó, đôi khi là vô thức, chị đã sáng tạo ra các nhân vật của mình.
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Như Bình đã "khám phá ra một con người mới trong chính một con người mà chúng ta và cả chính nhân vật được viết đã nghĩ chẳng còn gì mới mẻ nữa. Đó chính là bản chất sáng tạo của thể loại chân dung văn học".
Nhưng với những chân dung của Như Bình, người đọc còn nhận ra, đôi khi chị viết như một sự giải thoát khỏi những cơn trầm cảm, khỏi những bất an trong đời sống. Chị trút vào nhân vật, đằm mình trong đó, như một chốn nương thân, để chị cảm thấy bớt chênh vênh trên hành trình dài của một kiếp người. Như Bình viết như là một sự tạ lỗi của chị với chính bản thân mình, với những gì không trọn vẹn ở cuộc đời không phải như chị mong ước.
Giờ Như Bình đang tạm dừng lại với một nhiệm vụ khác. Chị hiện đang là thư ký tòa soạn của tờ Cảnh sát toàn cầu tuần. Giờ chị không còn viết báo nữa. 10 năm miệt mài với những số phận, có lẽ là đủ cho một hành trình. Chị dừng lại trên cánh đồng chữ của mình, và chị nói, sẽ bắt đầu cho một dự định khác, cho niềm đam mê ấp ủ mà bấy lâu, mà vì những cuộc mưu sinh, chị đã phải nén mình. Cuốn sách, như là một sự gói ghém lại cho riêng mình, để cất giữ cho một hành trình làm báo nhọc nhằn và không ít những chông gai của chị. Chị nói sắp tới chị sẽ tiếp tục xuất bản nhiều tập cuốn sách: “Như Bình - Người kể chuyện khó tin nhưng có thật” và lẽ dĩ nhiên sẽ là sự trở lại của tập: Truyện ngắn Như Bình. Chúng ta sẽ chờ đợi và chúc cho chị thành công