Nhà văn Nguyễn Trọng Tân: Người có cung thiên di
- Nhà văn Đinh Phương: Đi vào vùng lơ lửng...
- Nhà văn Ngô Thảo: Và “Của để dành”...2
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Cái tên bảo chứng cho lượng độc giả
- Nhà văn Văn Lê:Viết là để những ngày đã qua không hoang vu
1-Chuyện cứ như đùa, khi nhà văn Nguyễn Trọng Tân nói, tính đến nay gia đình anh đã phải dọn nhà đến 11 lần. Hỏi sao khốn khổ thế? Anh bùi ngùi tâm sự, mọi sự muộn màng đến với mình đều gắn với chuyện nhà cửa và mưu sinh.
Đầu tiên Nguyễn Trọng Tân kể việc học hành của mình rất gian truân, trong mười năm đi bộ đội và tham gia các chiến dịch ở mặt trận khu V. Ngay từ những ngày đầu tiên nhập ngũ, chàng chiến sĩ trẻ làng Phù Phong, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ đã mang theo sách để tự học. Anh còn mang theo cả sách tiếng Nga để ôn luyện chờ ngày được đi học tiếp.
Sau mười năm ở quân ngũ (1966-1976), anh mới có dịp toại nguyện, hoàn thành nốt chương trình phổ thông và thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp (Khóa 21 - khoa Ngữ văn). Khi tốt nghiệp năm 1980, anh đã bước sang tuổi 31. Việc học hành muộn màng ấy gắn liền với những ngày tháng anh luôn gắn bó với chiếc giường cá nhân, trong những ngôi nhà tập thể hay ký túc xá.
Cho dù sau đó Nguyễn Trọng Tân được nhà trường giữ lại làm giáo viên, anh cũng chỉ được ở tập thể như mọi giáo viên trẻ khác. Nhất là khi anh lấy vợ thì cũng không được phân nhà ở riêng, mà mỗi người một nơi.
Suốt trong nhiều năm trời, giường ai nấy ở tập thể cơ quan. Vợ sinh con cũng phải chịu xa xôi cách trở. Mỗi lần về thăm vợ con, Nguyễn Trọng Tân phải đạp xe từ Thanh Xuân về tận làng Vân Côn xa hơn 20 cây số. Nhớ lại đoạn đường dằng dặc ấy mà hãi. Ngay khi Nguyễn Trọng Tân được Thành đoàn Hà Nội xin về làm Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô (1983), anh cũng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn được phân nhà riêng. Anh đành phải bám lấy chiếc giường cá nhân, tiếp tục cảnh chồng một nơi vợ một nẻo.
Nhưng có thể nói đây là khởi điểm đầu tiên cho sự nghiệp báo chí và văn chương của Nguyễn Trọng Tân. Những năm tháng miệt mài học tập và dạy học đã được bù đắp khi Nguyễn Trọng Tân thể hiện ngọn bút của mình. Cho dù lận đận vất vả với công việc mưu sinh, chở báo đi bán, ăn túng mặc thiếu, dành dụm từng chút cho vợ con, nhưng Nguyễn Trọng Tân luôn rạo rực niềm vui với nghề nghiệp.
Và bất ngờ, Nguyễn Trọng Tân viết truyện ngắn, như một sự ngẫu nhiên trong đường đời. Nhưng có lúc anh lại nghĩ việc anh viết văn đúng là định mệnh chứ không phải tình cờ. Bởi anh đã từng va vấp trong cay đắng của số phận phải hứng chịu từ tuổi thơ, khi mẹ anh bị quy oan là thành phần cường hào trong cải cách ruộng đất.
Một tuổi thơ bị hắt hủi và cô đơn. Cùng với đó là 10 năm trải nghiệm trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Trọng Tân đã cầm bút viết lại những câu chuyện của người lính mà chính mình đã trở thành nhân vật bên chiến hào cùng bom rơi đạn nổ. Một số truyện ngắn của anh đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được bạn đọc chú ý. Sau đó, anh được nhà văn Tô Hoài gợi ý sang làm Báo Người Hà Nội (1985)
Kể đến chuyện nhà cửa giai đoạn này, Nguyễn Trọng Tân nói vẫn một chốn đôi nơi. Cho dù năm 1981, người em đã mua cho gia đình anh một căn nhà nhỏ, 13 mét vuông để ở. Nhưng rồi ngôi nhà không thể đủ cho bốn người, trong khi đó hai con càng ngày càng lớn, ấy là chưa kể anh còn người mẹ già chưa đón về được.
Sau mấy năm, gia đình vợ con anh lại phải về ở nhờ nhà tập thể cơ quan, còn anh lại tiếp tục vật vạ ở chốn một giường, một chiếu. Vậy là đến hơn 40 tuổi anh vẫn chưa có nhà ở với vợ con. Nhưng từ đây anh lại có niềm vui khác, đó là những tác phẩm được ấp ủ và những trang văn dạt dào cảm xúc đến tới bạn đọc.
Trong thời gian làm Báo Người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trọng Tân bất ngờ gây dư luận khi cho ra đời những truyện ngắn hay như "Tiến sĩ vinh quy", hoặc "Công ty điếu văn"… Ngẫm lại, anh cho rằng mình bước vào con đường văn chương khá muộn, cũng như việc lo được một mái ấm cho gia đình thật gian truân. Cho dù liên tiếp trong mấy năm, anh đã được in một số tập truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký.
Trong thời gian này, Nguyễn Trọng Tân đã được giải thưởng truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội năm 1986. Nhưng sự day dứt về một ngôi nhà vẫn còn trong vọng tưởng, bởi có sinh cơ mới lập nghiệp, mà gia đình vẫn không chốn sum vầy.
2-Nhưng đâu đã hết, trong khi đó anh lại tiếp tục thay đổi công tác khi sang Hội Nhà văn làm việc vào năm 1990. Đây có thể nói lại thêm một bước chuyển mới trong sự nghiệp viết văn của Nguyễn Trọng Tân. Ngọn bút của anh ngày càng sắc sảo với những tác phẩm mới. Những ký ức về quê hương dội về làm lay động trái tim người con tha hương với muôn điều day dứt. Những câu chuyện như dồn nén bấy lâu được nhà văn Nguyễn Trọng Tân dành tâm sức thể hiện như những điều mong muốn đổi thay cho một vùng quê nghèo.
Trong thời gian này, bạn đọc xôn xao về những truyện ngắn hay của anh trong tập sách cùng tên như: "Trang gia phả viết bằng vôi", "Chuyện làng Phù", "Vật hy sinh của dòng họ", hay "Tháng năm nghiệt ngã", "Chuyện buồn thời con gái", hoặc "Bà The" cùng "Tiến sĩ vinh quy"… (NXB Văn học, 1991); cũng chỉ năm sau, anh cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Một thời để nhớ" (NXB Quân đội nhân dân - 1992).
Đặc biệt, vào năm 1993, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã được Hội Nhà văn phân cho một căn hộ 36 mét vuông ở Thanh Xuân Nam. Vậy là anh có ngôi nhà đầu tiên cho gia đình vợ con khi đã vào tuổi 45. Có thể nói niềm vui này đã khích lệ đường văn của anh thật sự bay bổng.
Giai đoạn này anh viết như lên đồng vậy. Giờ thì cả văn lẫn báo anh được in tới chục cuốn sách. Kèm theo đó là hai giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1996 và Giải Văn học quốc tế sông Mê Kông năm 2014. Đáng chú ý với những tập ký sự báo chí, Nguyễn Trọng Tân thể hiện là một nhà báo năng động, dồi dào sức sáng tạo.
Anh thường than, nghiệp báo đã chiếm mất 60% thời gian của cuộc đời cầm bút của mình. Nhìn lại con đường làm báo của anh cũng thật sôi nổi, không kém gian truân như chính câu chuyện lo một cái nhà để ở vậy. Phải nói chưa có nhà văn nào làm ở nhiều cơ quan báo như nhà văn Nguyễn Trọng Tân. Nếu tính từ năm 1985, anh đã chuyển đổi làm việc tới 6 tờ báo.
Mà cũng lạ, có đến 5 tờ báo anh đều giữ chức Phó tổng biên tập. Có đôi tờ anh còn được giữ Quyền Tổng biên tập. Cuối cùng, anh trở về Hội Nhà văn làm quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Đôi lần anh tổng kết rằng, đời mình cứ lênh đênh đời... "phó tổng". Rồi anh tếu táo cười nói, sau này chắc sẽ lại làm "phó gia đình", giúp việc cho bà xã…
Đến khi về hưu năm 2011, nhà văn Nguyễn Trọng Tân vẫn còn nặng nợ với báo chí lắm. Anh trở lại làm cho ba, bốn tờ báo trong ba năm sau đó. Lại nói đến chuyện nhà cửa của anh đâu đã hết. Sau năm 1993, tuy có nhà ở nhưng cái số thiên di của anh còn long đong chán, phải thay đổi thêm ba lần nữa, đến nay mới tạm gọi là nhà cao cửa rộng, sau 11 lần dọn nhà. Có lẽ vì thế mà anh bất ngờ bỏ hết để tập trung viết cuốn tiểu thuyết về quê hương.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân ấp ủ cuốn tiểu thuyết này từ 18 năm qua. Anh cặm cụi viết trong hai năm trời. Viết đi viết lại và sửa đến ba, bốn lần, đến đầu năm nay mới hoàn thành. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho in và phát hành vào quý III năm 2016. Cuốn tiểu thuyết mang tên "Thư về quá khứ".
Giờ đây, gia đình nhà văn Nguyễn Trọng Tân đang sinh sống tại một ngôi nhà mặt phố trong khu đô thị Xa La, Hà Đông. Có thể câu chuyện dịch chuyển lần thứ 12 cuối đời khó có thể xảy ra nữa. Bởi đã bao năm nay, dù có đi đâu về đâu, trong lòng anh vẫn hướng về quê hương. Ngay những truyện ngắn đầu tiên cũng là viết về nơi anh đã sinh ra với những ám ảnh khôn nguôi. Những nỗi niềm sâu nặng đó đeo đuổi suốt cuộc đời anh cùng những trang viết hơn 30 năm qua.