Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và "tài sản của nước Mỹ"

Thứ Ba, 18/03/2014, 08:00
Dép lê, sơ mi đơn giản bỏ ngoài quần, người to ngang thấp đậm, nách cắp chai rượu, giọng ồm ồm, hơi khàn. Ông sẵn sàng vỗ vai người này, cụng ly với người khác, nói chuyện với ai ông cũng gọi mày, xưng tao khá bỗ bã, thân tình, không một chút quan cách hay cố tỏ ra "tao nhã" đúng kiểu văn nghệ sĩ. Được xem như một cây đại thụ trong làng văn chương, nhưng bề ngoài, cho đến lúc tạ thế, nhà văn Nguyễn Quang Sáng  vẫn đặc sệt cốt cách một lão nông tri điền vùng sông nước Nam Bộ.

Cách đây gần 1/4 thế kỷ, đối với những gã sinh viên mới tập tễnh văn chương như tôi, được diện kiến và trò chuyện cùng một người nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một điều diễm phúc. Nhưng chính ở lần gặp đầu tiên, dường như chúng tôi đã hơi hụt hẫng, bởi trông ông không hề có một nét nào ra phong cách "nhà văn lớn", một Chủ tịch Hội Nhà văn Tp HCM thời kỳ đó. Dép lê, sơ mi đơn giản bỏ ngoài quần, người to ngang thấp đậm, nách cắp chai rượu, giọng ồm ồm, hơi khàn. Ông sẵn sàng vỗ vai người này, cụng ly với người khác, nói chuyện với ai ông cũng gọi mày, xưng tao khá bỗ bã, thân tình, không một chút quan cách hay cố tỏ ra "tao nhã" đúng kiểu văn nghệ sĩ.  Được xem như một cây đại thụ trong làng văn chương, nhưng bề ngoài, cho đến lúc tạ thế, ông vẫn đặc sệt cốt cách một lão nông tri điền vùng sông nước Nam Bộ.

Có dịp, tôi đã từng đưa nhận xét này ra nói với ông. Lão nhà văn cười khà khà: "Thì tao là nông dân Nam Bộ thứ thiệt mà mầy. Tại tao viết đọc cũng được nên người ta gọi tao là nhà văn thôi. Tao là nông dân, là bộ đội, viết về nông dân, về bộ đội mà thành nhà văn, chứ hổng phải là nhà văn đi viết về nông dân, bộ đội. Chuyện đó, tụi bây có thích thì cứ làm".

Đơn giản, hóm hỉnh, hơi cà rỡn, nhưng rõ ràng câu trả lời của ông hàm chứa trong đó cả một quan niệm và tâm thế sáng tác rất đáng suy ngẫm. Và cũng rất… Nguyễn Quang Sáng. Có lần, nhà thơ Trương Nam Hương dắt một nhà văn trẻ đến nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng đọc và viết giúp lời giới thiệu một tập truyện ngắn sắp in. Không từ chối, nhưng câu trả lời của lão nhà văn cũng khiến anh nhà văn trẻ chưng hửng: "Tao già rồi, đọc cả tập mệt lắm. Mày cứ chọn cái truyện nào ưng ý nhất đưa đây tao. Văn chương là cái duyên, đọc một cái mà thấy không có duyên là tao khỏi đọc nữa. Mày cũng đừng cố, mất công!".

Câu trả lời đó, nếu không phát ra từ miệng của một nhà văn nổi tiếng, tác giả của những tiểu thuyết "Đất lửa", truyện ngắn "Chiếc lược ngà", "Quán rượu người câm", các kịch bản phim "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Chị Nhung"… hẳn người vừa được ông "úy lạo" sẽ tự ái lắm. Nhưng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc chắn ông đang nói rất thật, rất chân tình. Trong một dịp trò chuyện tại Hội nghị những người viết văn trẻ Tp HCM lần thứ III ở Bến Nhà Rồng năm 2011, lão nhà văn từng nhấn mạnh rằng, văn chương là đi đến tận cùng cuộc sống, nhưng không phải bê nguyên xi cuộc sống, văn chương là sự sáng tạo nhưng không phải là sự tô vẽ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (thứ ba từ phải qua) và các nhà văn trẻ Tp HCM.

Văn chọn người, người không thể chọn văn. Mọi sự tưởng tượng xa rời cuộc sống đều không làm nên tác phẩm. Tuy nhiên, người hiểu và tái tạo được đời sống để thành văn chương thì rất ít, phải tùy duyên. Cuộc sống ở từng nơi, từng miền hình thành nên phong cách, đặc trưng của văn chương từng miền. Văn chương cũng như văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự khác biệt. Không nắm bắt, không hiểu cặn kẽ được điều đó là "vô duyên", tốt nhất đừng ôm mộng "làm văn".

Tham gia kháng chiến, trở thành bộ đội từ năm 14 tuổi, hầu hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều xoay quanh đề tài chiến tranh. Và ông đã rất thành công. Các tác phẩm của ông, từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến kịch bản phim đều có chỗ đứng rất vững chắc cả trong văn học sử lẫn trong lòng bạn đọc, từng giành nhiều giải thưởng vang dội trong và ngoài nước. Cũng chính ông là người từng "nhắc" người ta nhớ đến chiến tranh ở một góc độ khác, góc độ nhân văn, một khoảng lặng. Ở đó, chữ "duyên" mà ông đề cập trở nên minh triết.

Trong hội chứng hậu chiến tranh Việt Nam, người Mỹ vẫn luôn tự hỏi không biết đối phương của họ đã nghĩ gì và đánh giá như thế nào về cuộc chiến tàn khốc mà nước Mỹ - lần đầu tiên - phải đóng vai kẻ chiến bại. Tìm câu trả lời, tháng 7/1989, Trung tâm Nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả về mặt xã hội của chiến tranh Việt Nam (The William Joiner Center for the study of war and social consequences) đã mời một số nhà văn, cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tham gia nhiều cuộc hội thảo với nhiều nhà văn cựu chiến binh người Mỹ.

Khi tham quan thư viện của Trường Đại học Massachusetts, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhìn thấy trong vô số các kỷ vật chiến tranh được trưng bày tại đây có một bức thư gồm 6 trang viết tay của "một người lính Việt Cộng" - Đại úy Trần Ngọc Giao gửi cho vợ, chị Huỳnh Thị Cúc. Ảnh chụp 6 trang thư kèm một bản dịch sang tiếng Anh đã được phóng lớn, treo trang trọng ngay giữa gian trưng bày.

Thư đề "Ngày 6 tháng 4 năm 1967 (tức 27 tháng 2 Đinh Mùi)". Lá thư thời chiến của một người lính không có dòng nào nói về cuộc chiến, chỉ thấm đẫm một giấc mơ hòa bình và chiếc vai cày của một người nông dân khoác áo lính rất mực thương vợ, thương con, đặt hết niềm tin vào ngày đoàn tụ. Trong thư, người lính Trần Ngọc Giao kể cho vợ hành trình đưa con của họ, cậu bé Trần Văn Triệu, 14 tuổi, từ quê nhà, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi lên vùng chiến khu Liên khu V, vừa để bảo đảm sự an toàn, vừa nhằm có điều kiện cho con được ăn học. Thương vợ vừa phải xa con, chắc sẽ rất nhớ, người lính đã kể rất chi tiết cho vợ nghe từng bước một trong hành trình thoát ly của đứa con.

Thư có đoạn: "Hôm ấy đi đến chiều độ 4 giờ thì đến nơi nghỉ, tối đó anh đã lấy võng kaki xé ra một nửa may cho con một cái balô như của anh. Như vậy các thứ cần thiết đã có đủ cho con rồi. Triệu nằm võng nilông, có bọc võng mà anh chị Ba của Triệu (Đào) may cho hôm nọ, anh đưa tấm võng vải dù vàng của anh cho Triệu làm tấm đắp, anh cho Triệu một đôi bít tất để tối ngủ cho ấm chân. Quần áo của Triệu như vậy tạm đủ. Mấy tuần qua anh cho Triệu uống thuốc phòng sốt luôn nên sức khỏe của con bình thường. Đậu phụng mang theo đã rang làm muối cho Triệu nhưng con nó bảo là "con không thích ăn muối đậu". Dọc đường đi có đánh được một bữa cá, Triệu ăn kêu ớn, anh có mua ít thịt heo làm lương khô bổ sung cho con nó ăn, hôm ấy Triệu được dự một bữa liên hoan của bộ đội, ăn thịt heo. Hiện đang còn lương khô muối đậu, mắm khô (hôm Tết) và còn số ruốc khô để dành, còn một hộp sữa, một gói kẹo.

Lần đầu tiên đi lên rừng, Triệu thấy cây suông cứ trầm trồ nói cây này làm gọng bừa, cây kia làm cán cuốc. Thấy mây, Triệu bảo là đem về được mà làm ở nhà thì tuyệt; thấy cây to bằng bắp vế suôn sẻ, Triệu bảo lấy làm hầm thì tốt v.v... Triệu nói: "Khi nào về được, con bứt một số dây mây về cho cậu Hai đánh nài và vác một số gọng bừa về cho cậu". Thật đúng là con của nông dân lao động trong thời kỳ chiến tranh".

Và tất nhiên, người lính ấy cũng không quên dành trọn thương yêu cho người vợ đang xa chồng, xa con, mong ngóng từng giờ để đến ngày đoàn tụ: "Ngày nào kháng chiến thắng lợi, anh sẽ gánh vác một phần để Cúc đỡ vất vả. Ngày thắng lợi chắc không xa lắm... Nhớ bà con, anh chị em và nhớ các cháu lắm. Anh mong ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi để được sống trong tình thương của gia đình và bà con làng xóm, chứ xa cách đã nhiều ngày lắm rồi, gần 20 năm xa nhà rồi còn gì nữa. Ngày ấy rồi nhất định sẽ đến".

Đọc thư, xúc động mạnh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mường tượng ngay ra trước mắt hình ảnh một người lính vừa ngã xuống với lá thư chưa kịp gửi đi, một người lính Mỹ nào đó đã lấy được bức thư trong túi áo anh và đem về Mỹ.

Bám riết tâm trí ông là hình ảnh Cúc, người vợ góa và Triệu, đứa con côi của chiến sĩ Trần Ngọc Giao. Họ đã không thể đọc được bức thư cuối cùng chưa gửi, không thể nhìn lại được nét chữ thân yêu của người đã khuất. Chạm mặt với bức thư, với Nguyễn Quang Sáng, cuộc chiến dường như vẫn còn tiếp diễn. Cảm thấy món nợ với người đã khuất vẫn đè nặng trong tâm khảm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt vấn đề với thư viện Trường Đại học Massachusetts, đề nghị xin lại bức thư để đưa về nước, mong đưa nó về tận tay người đáng được nhận. Nhưng bức thư này đã trở thành "tài sản của nước Mỹ" nên ông bị từ chối!

Xót xa với ý nghĩ hương hồn của một người đồng đội vẫn còn lưu lạc, lẩn quất bên bờ kia của đại dương, ngày 11/10/1989, nhà văn đã viết một bài báo có cái tít như một ý thơ là "Xin đưa hồn anh về Tổ quốc" kèm theo toàn bộ bức thư và cho đăng trên Báo Công an Tp HCM. Thật bất ngờ, người ngã xuống trước họng súng lính Mỹ là một chiến sĩ quân bưu, còn tác giả bức thư, đại tá hồi hưu Trần Ngọc Giao thì vẫn còn sống.

Tình cờ khi đang nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện C Đà Nẵng, ông Giao đã được đọc lại chính bức thư của mình trên mặt báo. Một cuộc trùng phùng cảm động đã diễn ra. Chính cậu bé Trần Hoàng Triệu năm nào, sau này đã trở thành Trung tá, Trưởng phòng PA25, Công an tỉnh Quảng Ngãi, đã đưa người cha cựu chiến binh của mình vào tận Tp HCM thăm và cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện về họ tiếp tục trở thành đề tài cho nhiều bài báo, bài thơ, thậm chí được quay thành cả một bộ phim vào thời gian sau đó.

Nếu không được nhà văn Nguyễn Quang Sáng phát hiện ra, có thể bức thư vẫn chỉ là một kỷ vật chiến tranh bị lãng quên. Nếu không có nỗi day dứt người lính trong ông, bức thư đã không quay lại được tay người gửi. Và những trang viết, thước phim về câu chuyện ấy đã không có dịp hình thành. Sống hết mình và viết hết mình, viết như từng sống, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ tạo được những tác phẩm để đời, ông còn là một "người khổng lồ" có ảnh hưởng lớn trong việc truyền cảm hứng sáng tạo tới nhiều người khác. Tất cả chỉ bắt đầu từ sự mộc mạc, giản dị và chân thành như chính con người của nhà văn Nam Bộ

Nguyễn Hồng Lam
.
.