Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Hy vọng sẽ có những bộ phim “triệu đô” từ tác phẩm của mình

Thứ Sáu, 11/05/2018, 08:45
Nếu trong làng điện ảnh Việt Nam hôm nay có những “đạo diễn triệu đô”, “DOP triệu đô”... thì có thể gọi Nguyễn Nhật Ánh là “nhà văn triệu đô”...


Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là bảo chứng cho tiểu thuyết văn học tuổi mới lớn bán chạy nhất mọi thời đại ở Việt Nam mà đã bắt đầu chứng minh rằng, kịch bản chuyển thể từ truyện của anh cũng có thể trở thành phim “triệu đô”.

Mời độc giả theo dõi cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xoay quanh câu chuyện không phải sở trường của anh: Điện ảnh.

- Chào nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được biết anh chưa bao giờ chấp bút viết một kịch bản sân khấu, điện ảnh nào, nhưng sau thành công từ 2 bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của anh là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Cô gái đến từ hôm qua”, anh có bao giờ nghĩ đến việc sẽ viết kịch bản điện ảnh không?

+ Tôi vẫn không nghĩ đến chuyện đó, dù đã có nhiều lời mời. Tôi nghĩ rằng sở trường và công việc yêu thích của mình là sáng tác văn chương nên tôi muốn dành hết mọi tâm sức cho văn chương, dù việc viết kịch bản cũng khá gần với sáng tác văn chương.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhóm diễn viên trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

- Anh có hài lòng với kịch bản của hai bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của anh không?

+ Nói chung là hài lòng, nhưng không tuyệt đối. Tôi hiểu điện ảnh là phải phục vụ chủ đề, đường dây hoặc các yếu tố đặc trưng của thể loại. Tôi đồng cảm với các đạo diễn khi lược bỏ các tình tiết hay nhân vật so với tiểu thuyết và tôi chấp nhận, nhưng tôi thấy không “đã”. Tất nhiên, đó là suy nghĩ chủ quan của tác giả văn học.

Tôi nghĩ, câu chuyện nó như một chất liệu được xử lý bởi hai đầu bếp khác nhau. Có những độc giả chia sẻ rằng, họ không thích tác phẩm của tôi được chuyển thể thành điện ảnh vì họ cho rằng nó làm hỏng tưởng tượng của họ về tác phẩm. Tôi thì không nghĩ thế, với một chất liệu, hai đầu bếp thì ta sẽ thưởng thức được hai món ăn khác nhau chứ món ăn này không đến nỗi làm hỏng món ăn kia. Tôi hiểu tâm trạng ấy của độc giả vì tôi cũng từng có tâm trạng ấy khi xem chuyển thể điện ảnh từ các tiểu thuyết của những nhà văn mà tôi yêu thích.

- Nhiều người cho rằng phim ảnh, văn chương cho tuổi teen phải phù hợp với thời đại. Nhưng những tác phẩm của anh, và hai bộ phim chuyển thể thành công đã chứng minh ngược lại. Anh nhận xét sao về đánh giá này?

+ Thời đại có thể thay đổi, thậm chí thay đổi rất mạnh mẽ. Tuổi trẻ thời nay có smart phone, iPad, máy tính bảng, facebook… Tuổi trẻ thời nay ăn mặc khác, suy nghĩ khác, hành xử khác nhưng rung động, cảm xúc thì không khác biệt nhiều. Nếu nhà văn viết đúng tâm lý nhân vật, viết đúng về tâm lý lứa tuổi mới lớn, đúng về các mối quan hệ của lứa tuổi ấy thì yếu tố thời cuộc sẽ không phải yếu tố quyết định, và trẻ em thời nào cũng nhìn thấy bóng dáng mình, bóng dáng bạn bè mình trong đó.

Tác phẩm của tôi xoáy sâu vào các mối quan hệ, tâm lý của tuổi teen và yếu tố thời cuộc chỉ là cái nền nên nó không bị ảnh hưởng gì sau một quãng thời gian trôi qua. Còn một tác phẩm viết về tài xã hội, mang đậm dấu ấn thời cuộc, như “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh hay “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn chẳng hạn thì sẽ khó khăn hơn khi muốn tiếp cận độc giả, khán giả ở một thời đại khác.

- Đánh giá chủ quan của mình, anh có cho rằng chúng ta đang thiếu kịch bản phim ảnh hay cho tuổi teen không?

+ Nếu nhìn vào tỷ lệ số lượng phim điện ảnh hay truyền hình dành cho tuổi teen trong thời gian qua thì có thể nói là thiếu, rất thiếu. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận kỹ là thiếu kịch bản thực sự hay do các nhà đầu tư còn chưa đủ mặn mà với đề tài cho tuổi teen. Tôi nghĩ nếu mình làm phim thật tốt thì tuổi teen sẽ rất thích xem. Ví như tôi nhớ, “Kính vạn hoa” hồi đó của tôi chuyển thể thành phim truyền hình thì khán giả rất thích. Hoặc như “12A4H” hay “Đội đặc nhiệm nhà C21” ngày xưa cũng thu hút rất nhiều người xem.

- Nhưng thực tế thị trường hiện nay là lực lượng mua vé chủ đạo lại đang là tuổi teen, và phim tuổi teen một hai năm trở lại đây đang thắng thế, với những phim như “Sắc đẹp ngàn cân”, “Tháng năm rực rỡ”, “Em là bà nội của anh”. Nhưng các kịch bản mua của Hàn Quốc đang lấn át thị trường điện ảnh Việt. Anh có lo ngại với chuyện đó hay không?

+ Ở góc độ cái gì hay của nước ngoài mình mang về giới thiệu ở Việt Nam thì không có gì đáng ngại cả. Nó cũng như ta dịch văn chương nước ngoài ra tiếng Việt thôi. Bên xuất bản sách cũng có tình trạng như vậy. Có thời người ta kêu ca rằng sách dịch cho trẻ em lấn át sách tác giả người Việt viết. Dĩ nhiên đây là cuộc đấu không cân sức.

Ngoài các sách kinh điển thì các sách bán chạy trên thế giới cũng sẽ được mua về dịch và kinh doanh ở Việt Nam. Rõ ràng các nhà văn Việt Nam không chỉ đấu với văn chương thế giới mà đấu với từng đầu sách bán chạy của từng nước khác nhau. Nhưng điện ảnh thì khác.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chụp với bé Hà Mi (đóng vai Tiểu Li) trong phim “Cô gái đến từ hôm qua”.

Theo tôi, nếu phim nước ngoài hay thì ta mua về chiếu. Việc chúng ta nhập sách hay về dịch, nhập phim hay về chiếu để giới thiệu tinh hoa nước ngoài cho người Việt là việc rất tốt. Nhưng vấn đề là những phim ta nhập về đã phải là tinh hoa hay chưa, hay chỉ là phim bán chạy. Như thế việc mua kịch bản bán chạy của nước ngoài mà lại chẳng có gì tinh hoa để giới thiệu với khán giả trong nước, chỉ đem về để tái chế biến vì lý do doanh thu thì chẳng có gì để vui mừng.

Tất nhiên tôi không phản đối phim “remake” nhưng nên khai thác ở một tỷ lệ hợp lý. Còn nếu thành một trào lưu thì thật đáng buồn. Điện ảnh là văn hoá, là tinh thần mà. Trong trường hợp chúng ta thấy kịch bản gốc hay quá mà đạo diễn của họ làm phim chưa đã, ta tự tin ta có thể làm tốt hơn nữa, làm hay hơn nữa, ta nhập kịch bản về làm lại để chứng minh ta làm hơn họ thì khác. Còn nếu chỉ đơn thuần vì yếu tố thương mại và chỉ tập trung vào một nguồn (một quốc gia cụ thể nào đó) thì đó là hiện tượng bất thường và đáng lo.

- Nhưng nhiều người biện minh rằng vì Việt Nam thiếu kịch bản cho tuổi teen, trong khi thực sự số lượng tác phẩm văn học cho tuổi teen ở Việt Nam không ít. Anh có nghĩ là có mâu thuẫn nào ở đây không?

+ Tôi không rành về lĩnh vực điện ảnh (chẳng hạn về đội ngũ biên kịch) nên tôi không thể trả lời câu hỏi này. Song tôi nghĩ, bạn hãy thử tìm hiểu, liệu chăng nhà đầu tư họ xem xét từ yếu tố tác phẩm văn học có đông độc giả không rồi cân nhắc xem liệu nó có thể tạo ra đông khán giả cho điện ảnh.

- Hiện nay anh đang bắt tay vào tác phẩm mới nào không?

+ Tôi cũng đang viết một cuốn mới. Nhưng cũng chưa tiết lộ được gì vì văn chương giống như một cô gái đỏng đảnh. Nhiều khi tôi viết được vài chương, nhưng tôi chưa thấy hài lòng, tôi lại bỏ đó và bắt đầu một cuốn khác. Cuốn khác viết vài chương chưa thấy thích lắm, tôi cũng xếp lại đó. Tôi đang có 3,4 cuốn dang dở như thế và chưa biết lúc nào thì quay lại với cuốn nào.

- Sau khi hai bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mình ra mắt thành công, anh có nhận được lời mời từ hãng phim nào nữa không?

+ Có, đó là “Mắt biếc”, “Thiên thần nhỏ của tôi” và “Ngồi khóc trên cây”. Ba cuốn này đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho các hãng phim lớn để làm phim. Còn khi nào bấm máy thì tôi cũng chịu.

- Câu hỏi cuối, với kịch bản đã chuyển nhượng cho các hãng phim đó, anh có tự tin phim sẽ cạnh tranh được với các phim kịch bản mua từ Hàn Quốc không?

+ Tôi không dám nhận xét vì tôi chỉ là tác giả văn chương. Quyết định thành bại là ở đạo diễn. Tất nhiên, các nhà sản xuất phải nhận thấy có tiềm năng họ mới đầu tư. Nhưng tôi tin nếu đạo diễn làm tốt thì sẽ thu hút được khán giả. Tôi cũng nhận được thêm vài đề nghị chuyển thể cho các tác phẩm khác nữa nhưng tôi chưa trả lời. Việc chuyển nhượng kịch bản cho các hãng phim sau này tôi cũng cân nhắc hơn. Tôi đặc biệt quan tâm ai sẽ làm đạo diễn cho cuốn phim chuyển thể từ tác phẩm của mình. 
Hà Quang Minh (thực hiện)
.
.