Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Đây là cơ hội ngàn vàng để bày tỏ lòng tri ân...
Kịch bản văn học có tên "Hùng ca Yên Thế và Khát vọng tự do" do nhà văn Nguyễn Khắc Phục chấp bút đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Hiện chương trình nghệ thuật đang được dàn dựng công phu và sẽ "trình làng" tại buổi khai mạc Lễ hội kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế (ngày 16/3 tới). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Khắc Phục xung quanh nội dung kịch bản văn học này.
- Thưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục! Từng là người có nhiều kịch bản được dàn dựng trong các sự kiện lớn, ông nói gì về chương trình nghệ thuật Lễ hội Yên Thế do chính ông là tác giả?
+ Có một sự khác thường là chương trình lần này diễn ra vào ban ngày (9 giờ sáng). Đây là một thử thách lớn và khác thường, nó khiến tôi phải dốc hết sức lực và trí tuệ vì không thể dựa dẫm vào kỹ thuật ánh sáng hay màn hình Led. Thứ hai, đây không phải là một lễ hội ca, múa, nhạc mà chúng ta đang cố gắng dựng một vở sử thi quảng trường đậm chất oai hùng, vừa thiêng liêng, lại vừa đòi hỏi cảm hứng nghệ thuật. Vì thế theo tôi, đây chính là cơ hội ngàn vàng để chúng ta bày tỏ lòng tri ân với cụ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.
- Đâu là tình cảm riêng ông gửi gắm vào kịch bản này?
+ Khi nhận nhiệm vụ và tiếp cận vấn đề, tôi vừa thấy tự hào, kiêu hãnh vì Tổ quốc có những người anh hùng như thế, nhưng đổi lại, tôi cũng rất trăn trở để cho ra được một kịch bản vừa hay, vừa xứng tầm. Tôi hiểu rằng, trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay đang đứng trước những thử thách cam go, phải đối mặt với họa xâm lăng cả về văn hóa lẫn lãnh thổ thì việc truyền ngọn lửa yêu nước và văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ không có cơ hội nào tốt hơn là Lễ kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế. Thứ nữa, chúng tôi và cả các bạn đang giẫm trùng lên dấu chân của những người anh hùng Yên Thế năm xưa, có thể chúng ta không làm nổi sự nghiệp vĩ đại như các cụ thì chí ít cũng đừng làm điều gì phải xấu hổ với tiền nhân.
- Ông đã gặp khó khăn gì khi phải đụng chạm tới nhiều vấn đề lịch sử chưa ngã ngũ, nhất là xung quanh năm sinh cụ Đề Thám?
+ Xin được thông tin rằng, chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ sử dụng "ngôn ngữ" của sân khấu quảng trường nên phải rất sinh động. Rất may thời Pháp đã để lại nhiều hình ảnh và tài liệu ghi chép kỹ về cuộc khởi nghĩa này. Có lẽ rất ít sự kiện lịch sử nào ở Việt Nam mà chính kẻ đã đi xâm lược (thực dân Pháp) lại chụp ảnh chung với nghĩa quân, và sau khi kết thúc cuộc xâm lược, phía Pháp lại bày tỏ sự kính trọng đối với một phong trào như vậy. Điều đó cho thấy, chủ nghĩa anh hùng đã làm nên cả một cuộc chấn động văn hóa đối với chính quyền Pháp.
Tuy nhiên đây là kịch bản có tính khái quát, chứ không phải bản tổng kết hay phim truyện nên sẽ không đi vào những chi tiết vụn vặt. Vừa rồi có nhà nghiên cứu lịch sử xác định cụ Đề sinh năm 1836 mà không phải 1858. Vì thông tin cách nhau tận 22 năm nên tất nhiên sẽ nảy sinh một vấn đề về hình ảnh xuất hiện của Hoàng Hoa Thám trên sân khấu sẽ như thế nào? Khi mọi thứ còn chưa rõ trắng đen thì một giải pháp ứng phó tốt nhất được chúng tôi tính đến là xây dựng hình ảnh tượng trưng, ước lệ về cụ Đề Thám. Chúng tôi để khán giả quan sát cụ Đề ở đằng xa, điều đó là hợp lý, vì thế hình tượng cụ Đề không già quá mà cũng không trẻ quá. Nhưng qua việc này tôi thấy rằng, với một người anh hùng như Đề Thám thì rất cần một việc làm pháp lý để khẳng định chính thức năm sinh của cụ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.Phối cảnh sân khấu tại lễ khai mạc Lễ hội kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế. |
- Để làm nổi bật tinh thần quật cường của nghĩa quân Yên Thế, ông đã dùng những thủ pháp nghệ thuật gì?
+ Tất cả các cảnh sẽ diễn ra tại khu di tích Cầu Gồ, có sử dụng ngựa và súng thần công nên rất chân thực với một cuộc chiến đấu oai hùng. Hơn nữa, theo chính hồi ký một sĩ quan viết rằng, cụ Hoàng Hoa Thám hai tay hai súng và chuyên bắn vào tay phải của đối phương. Do vậy, tôi sẽ tận dụng các tư liệu lịch sử tốt nhất có thể. Đặc biệt, tôi học được rất nhiều từ phim "Những thủ lĩnh áo nâu", qua đó sẽ cố gắng làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng và tái dựng không khí oanh liệt thời nghĩa quân Yên Thế. Tuy nhiên vì quy mô và kinh phí hạn chế, thời gian lại làm ban ngày nên việc sử dụng ưu thế của ngựa sẽ khó hơn.
Việc dựng sân khấu cũng phải được ngụy trang thật khéo để giấu những hình khối thô mộc và sử dụng đường Bà Ba để huy động các đám cháy thật bằng rơm, dạ, cố gắng tạo cảm giác chân thực. Ngoài ra, hôm đó các bảo vệ sẽ ăn mặc như kiểu nghĩa quân, cố gắng hạn chế cảnh sát mặc sắc phục để tạo không khí lễ hội vừa thân thiện, đồng thời sẽ chuẩn bị kỹ các phương án bảo đảm an toàn. Hơn nữa, Lễ hội Phồn Xương do Đề Thám đứng ra tổ chức nên đương nhiên ở đây các diễn viên phải ăn mặc trang phục đúng với nghĩa quân xưa. Trong đó có rất nhiều người đi chân đất, quấn xà cạp nên từng chi tiết phải rất chân thực.
- Vậy theo nhà văn, đâu sẽ là điểm nhấn của chương trình nghệ thuật này?
+ Trong 45 phút tôi chỉ có thể nói được những điều quan trọng nhất. Đầu tiên là sự kiện anh hùng Lương Văn Nắm chiến thắng ở Thái Nguyên và có một lễ tế cờ ở đình Hả (Tân Yên). Sự kiện thứ hai là Đề Thám và nghĩa quân đã bước vào cuộc "sống mái" với khát vọng tự do. Sự kiện thứ 3, những người anh hùng Yên Thế đã sử dụng thành quả văn hóa, chủ nghĩa yêu nước do họ tự tạo dựng. Tựu trung lại, chương trình gồm 5 cảnh khái quát: Cảnh 1- khởi đầu là bản hùng ca từ mùa Xuân 1884, tái hiện không khí đau thương khi nước mất, nhà tan, giặc Pháp xâm lược tàn phá, giết chóc trên mảnh đất Yên Thế. Cảnh 2 - tái hiện hội nghị Dĩnh Thép vào năm 1888, một số trận đánh quy mô của nghĩa quân Yên Thế như ở trận Hố Chuối, Đồn Hom. Cảnh 3 - lễ tế cờ của Đề Thám để trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào. Cảnh 4 - lễ hội Phồn Xương do Đề Thám chỉ huy. Cảnh 5 - Đề Thám thực hiện nghi thức phóng chim, thả điểu - thông điệp của khát vọng tự do và hòa bình.
Đặc biệt, không có cuộc khởi nghĩa nào mà các nhà đại chí sĩ yêu nước lại hướng về nhiều như cuộc khởi nghĩa Yên Thế, cho nên ở đây, ta cũng bắt gặp hình ảnh của cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
- Đến thời điểm này ông còn băn khoăn điều gì?
+ Việc làm rõ các sự kiện lịch sử cho thế hệ trẻ qua lễ hội là rất cần thiết, nhưng trong 45 phút chúng tôi không thể ôm hết mọi thứ, vì vậy đề nghị các Đài Truyền hình Trung ương và địa phương sẽ dựng và giới thiệu liên tục nhiều phim tài liệu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, để trước khi công chúng đến dự lễ hội có một vốn kiến thức nhất định về cuộc khởi nghĩa. Tôi cũng biết rằng, năm 1929, Bác Hồ đã tự viết kịch và đóng vai Hoàng Hoa Thám ở Xiêm. Nếu cho tôi nhiều thời gian hơn, nhất định tôi sẽ dựng bằng được vở kịch này.
- So với kịch bản "Bắc Giang - Kí ức tỏa sáng", ông có sợ người xem nhận thấy sự trùng lặp nào không?
+ Khác hẳn! Vì thời làm "Bắc Giang - Kí ức tỏa sáng" (năm 2012), kinh phí thoải mái hơn, thời lượng lớn, lại làm vào ban đêm. Lúc đó chúng ta lại tập trung tôn vinh mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca quan họ và các di sản văn hóa Bắc Giang nên không khí rất khác. Duy có một chi tiết trùng lặp là sự xuất hiện của hát ống, hát ví, nhưng hát ống ở "Bắc Giang - Kí ức tỏa sáng" với tư cách là di sản, còn lần này là không khí sinh hoạt văn hóa của nghĩa quân Yên Thế chứ không phải tôn vinh hát ống.
Một số tài liệu cũng nói, con trai cụ Đề là Cả Trọng rất thích hát ống, hát ví và ông là một trong những người hát ống rất hay. Đương nhiên là sẽ không có người ăn mặc xanh, đỏ, tím, vàng và sẽ không có chèo, tuồng. Tôi không phản đối chèo, tuồng nhưng do diễn ra ban ngày, việc diễn viên ăn mặc lòe loẹt sẽ giảm tính chất khốc liệt của cuộc chiến đấu. Từng chi tiết như vậy, với tất cả sự tự hào và chân thực, tôi tin rằng chắc chắn buổi diễn sẽ là một tiền lệ cho cách dàn dựng sân khấu sử thi quảng trường ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Khắc Phục