Nhà văn Nguyễn Khắc Phục- mỗi cuộc viết một cuộc “Hỏa thiêu chính mình”

Thứ Tư, 02/01/2008, 16:30
Hỏi thăm từ đầu ngõ đã có ngay người chỉ cho tôi nhà trọ ông đang ở. Cánh xe ôm tíu tít: "Tưởng ai, chứ ông đầu bạc ấy thì là bạn của chúng tôi, suốt ngày đánh cờ với chúng tôi ở đầu ngõ". Mấy bà bán nước chè thắc mắc: "Ông ấy là nhà văn ư? Nhà văn gì mà lười thế, suốt ngày thấy đi lang thang, kết bè kết bạn với cánh xe ôm thì viết vào lúc nào?".

Căn nhà thuê 2 triệu đồng một tháng của ông rất nhỏ. Ở đó có một chiếc bàn làm việc kê chiếc máy tính lúc nào cũng phải được nối mạng. Ông không thể thiếu Internet. Một bộ sôpha để đón tiếp bạn hiền.

Một chiếc đệm cá nhân trải khiêm tốn trên sàn, gần bàn viết, để khi nào cần nghỉ ngơi giữa những trang viết ông có thể ngả lưng. Một bức ảnh bốn người phụ nữ, là người bạn đời và ba cô con gái yêu quý của ông luôn được đặt trang trọng ở một vị trí mà khi nào trong trạng thái thảnh thơi nhất, ông có thể ngắm nhìn họ...

Nhân việc mấy bà bán quán ở đầu ngõ chê ông "lười" vì suốt ngày thấy ông "lêu bêu" bạn bè, tôi bèn nảy ra ý định tổng kết xem trong cuộc đời cầm bút của ông, tới nay, ông đã có bao nhiêu trang viết.

Quả là một cuộc tính toán chẳng dễ dàng chút nào với một người vốn rất kém về con số như tôi. Cuối cùng bài toán đơn giản cộng trừ nhân chia cũng được tính xong. Trong 40 năm cầm bút đã qua, số lượng tác phẩm đã được công bố của ông gồm những gì?

Đó là: 300 tập phim truyền hình, 15 phim tài liệu, 10 phim nhựa, 65 vở kịch, 2 tập trường ca, 10 bộ tiểu thuyết đồ sộ và hơn 20 truyện ngắn đã được in. Tổng số trang viết đã được công bố hoặc đã biến thành phim, thành kịch của ông là 51.700 trang. Trung bình mỗi năm ông viết 1.300 trang, cụ thể là 4 trang cho mỗi ngày.

Nhưng trong 40 năm dấn thân vào nghiệp viết, ông đã mất tới 5 năm làm một anh thủy thủ và 5 năm đi chiến trường, cầm súng trước khi cầm bút. Rồi hàng chục năm dành cho công việc quan trọng nhất của đời người, là lập gia đình, lo toan, chăm sóc các con.

3 lần vào bệnh viện, "mặc váy hoa" nằm trên bàn mổ, cắt tứ tung: dạ dày, mật, ruột non... Thế cũng đủ mất béng đi của ông 3 năm hoàn toàn xa rời văn chương… 

Thấy nhà báo cứ loay hoay tính toán những trang viết của mình, ông cười bảo: "Những cái chưa công bố của tôi thậm chí còn lớn hơn cả những cái đã công bố". Đúng là "choáng" thật! Sao vẫn có người chê ông lười nhỉ? Ông cười khoái chí khi biết người ta nghĩ như vậy về mình.

Một thoáng đùa vui thôi, rồi ngắm mái đầu bạc trắng của ông, nhìn vào con số trang viết khổng lồ ta vừa ước tính thì đủ biết, ông đã lao động cực nhọc, vật vã với nghề thế nào. Có người ví "ông là lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa".

Quả vậy, nhìn người nông dân có dáng dấp lòng khòng như hiện thân của "Thần đau khổ" ( ở đâu đó họ viết về ông như vậy) đã cày cuốc cả trong những ngày bão gió, sấm chớp đùng đùng với nỗi lo dai dẳng rằng mình có thể sẽ không đủ thời gian để trồng cấy, gieo hạt...

Bởi vì ông là Nguyễn Khắc Phục.

Cái tên cha mẹ cho ông cũng đã tiềm ẩn một ý nghĩa của sự đớn đau nào đó, tiềm ẩn một ý chí mạnh mẽ nào đó. Nó như một chiếc bùa yểm trấn ngay giữa đời sống của ông...

Tôi nhớ trong một tiệc vui, một nhà thơ đã nhận xét về ông khiến mọi người sững lại vài giây trong cuộc rượu để ngẫm nghĩ: Nguyễn Khắc Phục viết như ngày mai hắn chết, chạy đua với từng giây phút, từng khoảnh khắc thời gian trong đời mình. Hắn là tên cầm bút chuyên nghiệp theo đúng nghĩa chân chính nhất của từ này.

Viết, đối với ông, chính là "tham dự vào một cuộc hỏa thiêu chính mình, hỏa thiêu mọi ảo tưởng và phù phiếm". Nhà thơ Phạm Tiến Duật, trong một bài thơ về những cuộc "hỏa thiêu" của ông, đã viết:"Anh ta tự thiêu cái bóng và gia tài của mình/ Tất cả đều cháy tàn cháy rụi".

Vậy ra, ông đã luôn luôn thực thi một nghi lễ hỏa thiêu chính mình trước và ngay khi ngồi vào bàn viết. Mỗi lần gặp ông, dù ông đang vui hay buồn, đang uống hay im lặng, tôi quan sát mái tóc bạc trắng của ông và thường hình dung nó giống như một đám lửa.

Lại cũng có lúc tôi nghĩ, nó giống như một đám tàn tro ông mang theo sau những cuộc hỏa thiêu không hề tiếc thương chính mình.

Nhà thơ Dương Đức Quảng, người bạn thân thiết năm xưa cùng chung chiến hào với ông đã kể lại: "Hồi đóng quân ở Quảng Đà, tôi đã từng đánh cờ với hắn (Nguyễn Khắc Phục) suốt một đêm. Gần sáng tôi mệt quá lăn ra ngủ, còn hắn thì lại ngồi vào bàn, với chiếc máy chữ. Sức làm việc của hắn thật là khủng khiếp".

Con người rốt ráo như ông được bạn bè nhận xét là "cực đoan" cũng là điều dễ hiểu. Nói như nhà thơ Dương Đức Quảng, thì đó là một "căn bệnh" lớn nhất ở ông.

Yêu ai thì yêu đến quên mình mà đã ghét ai thì ghét đến mức không bao giờ thèm nhìn nhận lại, ngay cả đó là người thân của mình. Một "tật xấu" nữa của ông mà tôi muốn kể ở đây, là ông rất nóng tính. Nếu thỉnh thoảng lại thấy ông thay đổi số máy điện thoại di động thì cũng đừng ngạc nhiên.

Chỉ cần ông muốn kết thúc câu chuyện rồi mà người phía đầu dây bên kia vẫn tiếp tục thì chiếc điện thoại tội nghiệp sẽ thành kẻ "chịu trận" ngay. Ông sẽ đập nó xuống đường và bước đi không thèm ngoái lại. --PageBreak--

Có lần, vẫn là một cuộc điện thoại dai dẳng không chịu kết thúc vào lúc ông muốn, cơn bực bội làm ông không thể nguôi ngoai khi đã về tới nhà. Sợ ảnh hưởng tới hàng xóm, ông đi kiếm một miếng giẻ đặt lên cái đít nồi rồi cứ thế mà đập cái điện thoại tội nghiệp cho đến khi nó nát nhừ, và ông cũng nguôi cơn giận.

Nghe chuyện này, chắc hẳn sẽ có nhiều người bảo: "Những cơn giận của ông nhà văn đầu bạc này quả là tốn kém". Ông cũng tự nhận là mình không có nhiều bạn văn chương.

Bạn của ông chỉ là những người đã cùng chia ngọt sẻ bùi những năm ở chiến trường. Vẫn tan chảy trong đời sống văn chương đấy, thậm chí còn là một dòng chảy riêng mạnh mẽ nữa, nhưng ông lại luôn cảm thấy mình là một người xa lạ, thậm chí chẳng có chút  liên quan gì với dòng chảy ấy.

Nguyễn Khắc Phục là người không có kỷ niệm. Nhận xét này vừa đúng lại vừa không đúng về ông. Vẫn bạn ông, nhà thơ Dương Đức Quảng kể một chuyện nhỏ thế này: "Có lần tôi tặng cho Phục một chiếc áo. Hôm sau đến chơi bỗng nhận ra chiếc áo mình tặng hắn đã được hắn biếu lại ông bạn xe ôm đầu ngõ rồi. Tôi bực mình lắm. Nhưng Phục là như vậy. Chơi với Phục thì yêu Phục ở cả những chi tiết Phục làm mình buồn lòng".

Mấy chục năm lang thang thuê nhà, ông làm công dân của hầu hết các quận ở Hà thành. Ông không có thói quen giữ gìn những vật kỷ niệm. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông không bao giờ quên trong ký ức về những gì ông đã được đón nhận từ bạn bè và những người thân yêu.

Gia tài mỗi lần chuyển nhà của ông đều rất gọn nhẹ, chiếc máy tính cá nhân là vật bất ly thân từ thuở nhiều người chưa có khái niệm về nó, và những cuốn sách mà ông đang đọc dở. Cái sự đọc của ông vô cùng đáng nể.

Đó là bí quyết tự học của ông. Riêng sự học ở trường của ông thì chỉ dừng lại ở học sinh trung cấp kỹ thuật hàng hải. Ông từng được sang Nga học đạo diễn điện ảnh nhưng lại bỏ dở nửa chừng vì nhận ra rằng, chỗ của ông là văn học.

Văn chương, xét một cách công bằng làm ông mất nhiều hơn được. Sau những cuộc "hỏa thiêu chính mình" trên mỗi trang viết, tôi thấy ông nhàu nhĩ, cô quạnh, ốm o hơn về thể xác. Bao nhiêu năm qua ông chọn cuộc sống một mình, không nhà cửa, không tài sản, không người thân gần gũi.

Khi nào nhớ các con, ông điện thoại để nghe giọng nói của chúng. Ông ăn ngủ thất thường. Có hôm ông ngồi viết miệt mài trong phòng quên cả ăn, làm các bạn xe ôm đầu ngõ của ông tưởng ông bị ốm vội vào đập cửa, mua cho ông bát cháo.

Nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, ông vời cô con gái lớn tới và bảo: "Con cầm số tiền này vì đây là công lao của cả nhà, của mẹ và của các con".

Ai có thể tin một nhà văn có số lượng tác phẩm đồ sộ như ông lại có lúc đến chơi nhà bạn, lúc về phải  xin bạn mấy đồng để trả xe ôm? Ông là vậy. Lúc có tiền trong túi, gặp bạn bè khó khăn, ông biếu bằng sạch. Rồi lúc hết tiền gặp bạn bè lại xin.

Xót một đứa trẻ nhà nghèo bị bệnh tim không có tiền mổ, ông chạy đến báo xin viết truyện đăng nhiều kỳ ứng tiền giúp em bé, rồi đeo một món nợ văn chương vào cổ.

Tương tự, có lần nhận viết kịch bản phim truyền hình cũng chỉ vì cần tiền mua tivi cho lũ trẻ sống trên một bãi rác. Chỉ cần nhìn khuôn mặt hân hoan của lũ trẻ nhận quà của mình, ông đã mãn nguyện lắm rồi.

Báo Tuổi trẻ đăng tin một thanh niên người Thái ở Thanh Hóa dũng cảm cứu người gặp nạn, ông hối hả nhắn tin qua mạng, nhờ tòa soạn chuyển cho cậu ta một tháng lương hưu của mình, và nhắn: "Nói với chàng trai người Thái rằng, có một ông già hãnh diện về cậu ấy".

Còn rất nhiều chuyện ông làm việc thiện tôi được nghe từ các đồng nghiệp. Nhưng tôi xin dừng lại, ông không thích kể lể chuyện này và đặc biệt ghét chữ "làm từ thiện".

Tôi phải dừng lại trước khi ông muốn tôi dừng cuộc đối thoại về ông với độc giả. Vì tôi rất không muốn ngày mai gọi cho ông, số điện thoại của ông lại thay đổi. Và chiếc điện thoại hôm nay lại được thay bằng một chiếc điện thoại mới khác. Bởi vì ông là Nguyễn Khắc Phục

Bình Nguyên Trang
.
.