Nhà văn Nguyễn Đình Thi: Dồn nén bao năm để có một "Vỡ bờ"

Thứ Năm, 19/12/2013, 08:00
Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Ông vừa viết văn, làm thơ, viết lý luận phê bình lại kiêm cả soạn kịch và sáng tác nhạc. Thành tựu trên nhiều lĩnh vực có thể khiến ông được độc giả (và thính giả) gọi bằng những danh hiệu khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung, mọi người thường gọi Nguyễn Đình Thi là nhà văn. Đây là danh hiệu được giới cầm bút dùng nhiều nhất và thậm chí, có nơi có lúc nó còn được gắn với tính từ "lớn": Nhà văn lớn. Không phải không có cơn cớ...

Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tác phẩm "Vỡ bờ" ra đời đã nhanh chóng được xem như bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng nhất của ta lúc bấy giờ, không chỉ về dung lượng số trang mà cả về qui mô đề tài. Tất nhiên, cùng với thời gian, phần nào bộ sách đã chứng minh cho một ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững, song khách quan mà nói, đến nay bộ sách vẫn còn thu hút người đọc bởi những trang văn đẹp và sức quyến rũ trong tính cách của một số nhân vật...

"Vỡ bờ" là bộ tiểu thuyết sử thi bề thế, gồm 2 tập, dày tới trên ngàn trang in, nội dung đề cập tới cuộc sống, đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Tên bộ tiểu thuyết là sự rút gọn của câu ngạn ngữ "tức nước vỡ bờ", và có "tiền đề" từ những câu thơ được chính tác giả viết trước đó nhiều năm (bài "Đất nước", viết trong kháng chiến chống Pháp): "Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Nguyễn Đình Thi từng có lần đùa vui, rằng ông là nhà văn trẻ nhất trong lớp các nhà văn tiền chiến. Sinh năm 1924, khi Cách mạng thành công mới ở tuổi 21, quả Nguyễn Đình Thi là nhà văn trẻ nhất trong các nhà văn tiền chiến thật. Song "hay" ở đâu không biết, với việc viết văn, nhất là để làm nên một bộ tiểu thuyết có nội dung ôm chứa cuộc sống của quần chúng lao khổ cả một thời kỳ dài trước khi chúng ta giành được chính quyền, đó lại là một "thiệt thòi" của Nguyễn Đình Thi. Điều này kể cũng dễ hiểu: Khi ấy tác giả còn nhỏ tuổi. Chính Nguyễn Đình Thi đã có lúc phải thừa nhận những thiếu hụt về vốn sống của mình.

Trong cuốn "Hỏi chuyện các nhà văn" (NXB Tác phẩm mới, 1977), nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ghi lại lời thổ lộ của Nguyễn Đình Thi về vấn đề này như sau: "Viết tiểu thuyết về một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, như trong quyển "Vỡ bờ" này, nhiều lúc tôi cảm thấy ngòi bút của mình bất lực lắm. Vì vốn sống trong cách mạng ít ỏi"; "Cha mẹ tôi sinh tôi ở bên Lào, mãi đến năm lên sáu tôi mới được về nước. Mà về nước, tôi lại ít được ở nông thôn. Cho nên có nhiều thiệt thòi. Vì vậy, tôi chỉ ngơm ngớp lo cho mình giống cái chú thiếu niên nọ, ở thị thành quen, hôm về nhà quê, thấy cái lưỡi cày trên đường đất dẻo, làm lõm một vệt, thì reo lên là vết bánh xe ôtô".

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (bên phải) và nhà văn Tô Hoài.

Vì thiếu vốn sống (nhất là những hiểu biết về cuộc sống của tầng lớp "dưới đáy") nên Nguyễn Đình Thi luôn tự nhủ mình "Vốn sống không dồi dào thì phải dụng công mà học". Ông kể, khi viết "Vỡ bờ", đến chương tả về mùa gặt, ông đã phải xem lại các trang sách của các tác giả trong và ngoài nước tả về việc này. Ông đọc sách của Trần Tiêu, của Lev Tolstoy, xem lại các bài viết của Xuân Thu đăng trên Báo Cứu quốc. Không dừng ở đó, để chuẩn bị thêm hình ảnh về mùa gặt, ông còn cất công về Thanh Hà (Hải Dương), vác liềm ra ruộng làm vài buổi để "lấy không khí", cũng nhân đó, thêm gần gũi với người dân quê và từ sự gần gũi đó, ông lân la hỏi được nhiều chuyện.

Tất nhiên, kiểu "học bù" như thế không thể một sớm một chiều giải quyết được tất cả sự thiếu hụt về vốn sống của một nhà văn, nhất là trong trường hợp vốn sống ấy lại được huy động cho việc xây dựng một bộ tiểu thuyết đồ sộ, lấy bối cảnh xã hội rộng lớn như của Việt Nam từ ngày Đại chiến thế giới bùng nổ năm 1939 tới Tháng Tám 1945.

Chẳng nói đâu xa, chỉ một chi tiết nhỏ - như việc nói về sư sãi trong chùa - mà có lúc Nguyễn Đình Thi còn nhầm, để rồi nhà văn Tô Hoài phải lên tiếng: "Khi viết "Vỡ bờ", Nguyễn Đình Thi đã rất giỏi về tư tưởng và triết lý, nhưng khi động đến những trang viết về nông thôn, nhiều chi tiết của anh ấy cứ lôi thôi và buồn cười lắm! Ví như đoạn Nguyễn Đình Thi tả về sãi trong chùa. Nhưng mà chùa thì chỉ có sư, làm gì có sãi, bởi sãi thì không ở chùa mà chỉ để phục vụ sư…" (xem bài "Người lục sĩ đa tài, đa tình và đa đoan" của Đặng Vương Hưng, Báo An ninh Thế giới Cuối tháng 11/2001).

Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ, trong bộ "Nhà văn Việt Nam 1945-1975" (tập 1, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1979) cũng nhận xét, đại ý, khi miêu tả những chuyện thất nghiệp, đói cơm rách áo, những quằn quại trong tâm hồn của tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo ở thành thị, Nguyễn Đình Thi khá thành công, song viết về quần chúng công nông, mặc dù đã rất cố gắng song ông không bù đắp nổi sự nghèo nàn về vốn sống (cũng chính GS Phan Cự Đệ từng nhận định rằng, trong "Vỡ bờ", Nguyễn Đình Thi đã "nhìn một số nhân vật dưới góc độ của chủ nghĩa nhân đạo - ít nhiều mang màu sắc tiểu tư sản - của những vấn đề lương tâm, danh dự, nhân phẩm, đạo đức chung chung nhiều hơn là dưới ánh sáng của quan điểm giai cấp công nhân" - một nhận định hiện chỉ làm sáng giá thêm cho Nguyễn Đình Thi mà thôi). 

Từng có thời kỳ, đã có nhà phê bình nửa thật nửa đùa cho rằng, "Vỡ bờ" là một kiểu "Chiến tranh và hòa bình" của Việt Nam. Sự thật, trong buổi nói chuyện với các cây bút tham gia Trại Bồi dưỡng những người viết trẻ ở Quảng Bá năm 1972, Nguyễn Đình Thi cũng đã tiết lộ: Khi viết "Vỡ bờ", ông tìm hiểu khá kỹ cách bố cục của "Chiến tranh và hòa bình".

Trong buổi trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan (đã được ghi lại trong cuốn "Hỏi chuyện các nhà văn"), Nguyễn Đình Thi đã đưa cho nhà văn đàn anh xem một quyển vở ngả màu, trong đó, bên cạnh những hàng chữ lắt nhắt là những trang ông vẽ địa đồ, có trang ông kẻ như cái cây ghi chú các thế hệ trong một đại gia đình. Nhiều trang ông ghi các nghề phụ ở nông thôn (như nghề bẫy chuột, bẫy chim choi choi, nghề bắt rắn)…Cách làm việc tỉ mỉ như thế càng gợi ta nhớ tới Lev Tolstoy khi viết "Chiến tranh và hòa bình".

Lev Tolstoy từng kể rằng, không hiếm lần nhân vật của ông đã không làm theo ý định ban đầu của ông mà làm theo lôgic diễn biến của mạch truyện. Nguyễn Đình Thi cũng gặp tình cảnh như vậy. Có chỗ, ông thấy mình "dựng con người sai, không hợp tình, hợp lý", thế là bỏ, là viết lại. Đến như tên nhân vật, ban đầu tác giả định đặt thế này, sau lại phải đổi ra thế khác. Như một nữ nhân vật, thoạt đầu ông đặt là Duyên, sau đổi là Quyên.

"Tôi thấy đặt tên nhân vật cũng không thể tùy tiện được. Nó có vấn đề xã hội nằm ở trong" - Nguyễn Đình Thi tâm sự. Và ông giải thích: "Gia đình anh Khắc là gia đình nhà nho, có nền nếp nghiêm nghị, có chữ nghĩa, cho nên tên con trai là Khắc, con gái đặt là Quyên, ông bố là nhà nho yêu nước, đặt tên con như vậy có ngụ ý bên trong".

Bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ" được tác giả thực hiện trong một thời gian khá dài. Không kể bản thảo đầu tiên có dung lượng chỉ khoảng bảy, tám chục trang, viết năm 1953 rồi bỏ, tập 1 của bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ" bản sau này như ta biết được thực hiện lại từ năm 1956. Một thời gian sau đấy, để chấn chỉnh tổ chức Hội Nhà văn sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, nhà văn Nguyễn Đình Thi được lựa chọn thay nhà văn Tô Hoài giữ cương vị Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Vì quá bận bịu với việc quản lý hành chính, lại thêm cả đống việc riêng của gia đình, Nguyễn Đình Thi hầu như rất ít có thời gian đầu tư cho việc sáng tác. Bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ" vì thế được thực hiện rất ì ạch. Tới năm 1961, nhà văn mới hoàn thành tập 1. Tới năm sau thì sách được in. Từ tập 1 đến khi tác giả hoàn tất tập 2 (năm 1969), thời gian kéo dài tới 8 năm. Do hoàn cảnh giấy má thời chiến khan hiếm nên mặc dù đường đường là Tổng thư ký Hội Nhà văn, cũng phải mất một năm nữa sách mới được in ra. Như vậy, để được đọc trọn bộ tiểu thuyết, độc giả phải chờ tới…8 năm.

Về việc này, không phải Nguyễn Đình Thi không có những áy náy, thấy "có lỗi to với độc giả". Ông than thở: "Giá ngày ấy tôi viết liền một lèo cho xong toàn tập, thì bút đương đà, tôi làm việc hứng thú, say sưa biết mấy! Thành thử mang cái thai trong bụng mà mãi không đẻ được, tôi nghĩ ngợi, bứt rứt, nhiều đêm mất cả ngủ…". Và ông tự đặt câu hỏi: "Thì giờ gần như không thuộc về riêng tôi, tôi biết làm thế nào?".

Cũng theo Nguyễn Đình Thi cho biết, có những lúc ông phải thực hiện việc viết trong bệnh viện, khi đi chữa bệnh (lao). "Có điều là tôi viết một cách du kích và hết sức giữ bí mật, để che mắt các bác sĩ, y sĩ, y tá và hộ lý. Các đồng chí cấm tôi làm việc. Tôi thì cố làm ra vẻ ngoan ngoãn. Nhưng rồi cũng tìm cách để thậm thụt viết được".

Nếu như với trường hợp Nguyên Hồng, khi nhân vật Gái đen (trong bộ tiểu thuyết "Cửa biển" của ông) chết đi, nhà văn đã bật khóc nức nở, thì với Nguyễn Đình Thi, khi kết thúc trang cuối cùng của "Vỡ bờ", ông đã có cảm giác "bâng khuâng, buồn buồn, ra vào ngẩn ngơ".

Chẳng gì thì ông cũng gắn bó với các nhân vật trong bộ tiểu thuyết của mình tới gần hai chục năm...

P.K.
.
.