Nhà văn Nguyễn Đình Chính : Bỏ thú nuôi gà tre để vẽ tranh

Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:00
Về ở ngõ 310 Nghi Tàm khá lâu rồi, tôi mới biết nhà văn Nguyễn Đình Chính cùng xóm với mình. Ông là người có tiếng trên văn đàn, nhưng lại khá kín tiếng ở khu dân cư. Người xung quanh không biết ông là ai, cứ nhìn cái cách ăn mặc giản dị, cũ cũ, nhiều người lầm tưởng ông là dân Tứ Liên sở tại ven sông chuyên nghề trồng quất, trồng đào. 


Trước đây tôi chỉ biết ông là nhà văn, tác giả của trên 10 cuốn sách, trong đó cuốn đầu tay “Ngàn dặm xa” viết năm 1961 lúc ông mới mười lăm tuổi. Cuốn sách viết về hành trình của một… con kiến, mà sau này nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét là cuốn hay nhất của Nguyễn Đình Chính; rồi phải kể đến các tiểu thuyết như “Xưởng máy nhỏ của tôi”, “Đêm thánh nhân”… ra đời trước và trong công cuộc Đổi mới đều đã gây tiếng vang. 

Ông là tác giả các kịch bản phim như “Người trên mặt sông”, “Rừng lạnh”, “Hồi chuông màu da cam”, “Bãi biển đời người”, cùng 14 vở kịch, trong đó có vở “Tôi là người Việt Nam” viết về các chiến sỹ tình báo của lực lượng Công an nhân dân.

Ông bảo sau ngót nửa thế kỷ cầm bút, bây giờ ông mới thấy thấm thía lời khuyên của nhà văn Nguyễn Đình Thi (cha ông), chả là sau khi Nguyễn Đình Chính tốt nghiệp kỹ sư cầu đường năm 1968, ra trường về Đoàn 559 mở đường Trường Sơn, năm 1972 đã đeo lon Thiếu úy, nhưng vì máu nghệ sỹ đã “bẻ ghi” hướng ông sang con đường viết văn.

Ông Thi bấy giờ tỏ vẻ không hài lòng, nhưng không ngăn cản mà chỉ khuyên “Làm kỹ sư cầu đường vừa nhàn lại có tiền tiêu sướng lắm, chứ làm văn học nghệ thuật khổ lắm…”. Nhưng Nguyễn Đình Chính vẫn xông vào con đường khổ ải ấy.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính bên xưởng vẽ.

Sở dĩ nhà văn Nguyễn Đình Chính về giai đoạn sau này chuyển sang viết kịch bản sân khấu cũng là do bạn bè ở các đoàn kịch đặt hàng, ông nể mà viết. Có thời gian ông đóng kín cổng chỉ ngồi nhà viết, lúc rảnh rỗi thì chơi với đám chó mèo và một lũ gà tre. Ông rất yêu quý những con thú nuôi trong nhà, coi nó cũng như thành viên trong gia đình. Nhớ lần đầu tôi đến, mới gõ cổng, 3 con chó lai cao lênh khênh xồ đến, hai chân chồm với lên khe cửa sủa ầm ầm, trong sân mấy chục con gà tre kêu toán loạn, cảnh tượng ấy mà yếu bóng vía là hãi.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính ra mở cổng, ông chỉ quát nhẹ một tiếng là tất cả bỗng trật tự, im phăng phắc. Ngồi để ý quan sát đám thú nuôi nhà này thấy rất lạ, chúng biết nhường nhịn nhau và rất đoàn kết. Con chó to vài chục ký vẫn nhường lối đi cho con gà tre chỉ bằng nắm tay, hoặc có con mèo con ngứa chân đành hanh cứ vả vào mặt con chó lớn mà nó vẫn để cho vả…

Thấy tôi để ý lũ chó mèo, ông Chính bảo cao điểm lúc nhiều nhất nhà ông nuôi tới 20 con mèo, 9 con chó, 40 mái gà tre, ngày nhiều nhất chúng đẻ tới 33 quả trứng. Ông khen trứng gà tre rất thơm và chỉ ăn trứng chứ không ăn thịt gà. Với khuôn viên chừng 80m2 mà nuôi ngần ấy con thú thì thật chật chội. Bây giờ quay sang vẽ tranh nên ông giải tán hết đám thú nuôi kia đi, chỉ để lại mỗi thứ vài con cho vui nhà.

“Chiến dịch” vẽ tranh lần này của Nguyễn Đình Chính là lần thứ 2. Nói vậy là vì trong cả năm liền ông chỉ tập trung vào vẽ chứ không làm gì khác. Lần thứ nhất là cách đây 20 năm, ông cùng với nhà thơ Đỗ Trung Lai đã từng mở triển lãm.

Trong lần ra mắt triển lãm đầu tiên, Nguyễn Đình Chính tự bạch suy nghĩ về hội họa của mình: “Tôi vẽ như là tôi đang nghĩ, như là tôi đang đi chơi, như là tôi đang mơ tưởng. Tôi rất yêu mầu sắc. Và thật thú vị biết bao khi trộn màu này với màu kia. Chỉ nguyên nhào lộn chúng trên Palet thôi cũng đã thỏa mãn lắm rồi, chưa nói là được bôi chúng lung tung trên vải, mà lại tha hồ trát, tùy theo ý thức của mình… Nghệ thuật không chỉ dừng lại ở cảm xúc yêu thương, mà giúp con người ta thức tỉnh”.

Họa sỹ Hoàng Hà Tùng, sau khi xem kỹ nhiều bức tranh của Nguyễn Đình Chính đã nhận xét: Anh Chính là người có tố chất để làm nghệ thuật. Nhiều người nghĩ anh không được đào tạo bài bản về hội họa, nhưng chính cái tố chất đã giúp anh bùng phát ngọn lửa đam mê. Sự hồn nhiên và triết lý luôn được mách bảo từ miền tâm hồn sâu thẳm.

Điều này nó khác với người được học bài bản. Ở anh Chính, anh thường không vẽ những gì nhìn thấy, mà chỉ vẽ cái không nhìn thấy, cho nên bố cục và màu sắc rất hồn nhiên, tươi vui, phóng khoáng. Còn người được học thì run, vì sợ xa rời bản năng.

Hoàng Hà Tùng bảo cách đây 20 năm đã từng xem tranh anh Chính, ông đã thấy rất lạ cả về bố cục và màu sắc, đợt này xem tranh ông càng thấy nó hồn nhiên hơn, tươi vui hơn, có lẽ do vẽ nhiều mà được như thế. Và ông tiếc cho bản thân mình đã qua cái thời ấy rồi.

Bức tranh “Chị về với các em” của nhà văn Nguyễn Đình Chính.

Đến đây tôi lại nhớ câu chuyện Nghệ sỹ ưu tú Bằng Thái (nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Quảng Ninh) kể về Nguyễn Đình Chính. Ấy là năm 1985 trước thời điểm đổi mới, để mở đường cho sân khấu phát triển, ta có chủ trương xã hội hóa hoạt động sân khấu, nghĩa là các đoàn kịch tự tìm nguồn trang trải, không dùng tiền ngân sách.

Đoàn kịch Quảng Ninh dựng vở “Mảnh đời ngộ nhận” của Nguyễn Đình Chính, có mời tác giả kịch bản tham gia góp ý về thiết kế mỹ thuật. Vì ít tiền nên không thể thiết kế hoành tráng, anh Chính đã đề xuất làm các bục bệ nhiều màu theo như khối ru-bic, khi chuyển cảnh chỉ việc xoay bục bệ…Với khả năng phân biệt tinh tế về màu sắc, ông không ngạc nhiên về chuyện anh Chính vẽ tranh…

Vì gần nhà nhau, nên thỉnh thoảng ông lại gọi tôi “Sang anh đi, anh vừa vẽ vài cái hay lắm…”, tôi lọ mọ sang, để ý thấy trong nhà ông giờ trở nên chật chội bởi những khung gỗ. Cả khoảng sân trước đây là dãy chuồng gà mấy tầng, ông dọn đi để làm “xưởng vẽ”.

Cũng lạ, tôi thấy nhiều họa sỹ muốn sáng tác phải đi thực tế, phải có mẫu, nhưng Nguyễn Đình Chính thì không, chẳng thấy ông đi đâu cả. Như lời họa sỹ Hoàng Hà Tùng nhận xét, vì ông chỉ vẽ những cái không nhìn thấy, vẽ bằng tư duy của một nhà văn, vẽ bằng trí tưởng tượng phóng khoáng nên không cần khuôn mẫu.

Mấy người bạn thân của Nguyễn Đình Chính có lúc cảm thấy ông vẽ tranh rất kỳ cục, có khi bức vẽ hoàn thành rồi, ông bảo bỏ đi, họ xin ông không cho, mà cứ lấy mầu trát lung tung vào chính bức vẽ ấy, tốn mầu mà chả biết ông làm thế để làm gì. Họ đâu biết ông đang lục tìm ký ức trên những mảng màu.

Mấy năm trước, gia đình nhà văn Nguyễn Đình Chính có chuyện buồn, ông bà có đứa con gái bị bệnh rồi mất, thương nhớ con ám ảnh vợ chồng ông suốt thời gian dài. Nỗi day dứt ấy ông đã thể hiện vào tranh. Bức vẽ “Chị về với các em”, ông vẽ con gái ông đang ngồi vỗ về ba con chó dáng buồn thiu, những con vật mà ông đã nuôi trong nhà hàng chục năm, lúc còn sống con gái ông rất yêu quý chúng. Tôi đoán chắc Nguyễn Đình Chính vừa khóc, vừa vẽ bức tranh này.

Một bức tranh khác có tựa đề là “Gia đình tôi” vẽ một con trâu đực và ba con trâu cái, mỗi con trâu cái lại lẽo đẽo mấy con nghé con, dường như mỗi trâu mẹ đi về một hướng, như muốn căng ra, muốn bứt khỏi sự ràng buộc của định mệnh. Phần lớn các bức vẽ của Nguyễn Đình Chính là vẽ theo trí nhớ, vẽ từ trong ký ức, ông vẽ chân dung những người bạn, những cánh rừng thời trai trẻ ông đi qua, nó cứ dáng dấp ngồ ngộ, mờ mờ ảo ảo, giúp cảm xúc cho người xem dễ liên tưởng theo.

Nguyễn Đình Chính “chơi” hội họa theo cách của mình, cái cách mà ông vẽ như là ông đang nghĩ, như là ông đang đi chơi, như là ông đang mơ tưởng… ở đó cảm xúc được thăng hoa nhất, và cũng hồn nhiên nhất.

Hà Văn Thể
.
.