Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Tiểu thuyết của tôi không có nguyên mẫu

Thứ Năm, 08/03/2012, 08:00
Có người nói "trong tác phẩm có bóng dáng tác giả", điều này hình như không đúng với Nguyễn Danh Lam. Nếu ngoài đời anh luôn hóm hỉnh, tếu táo... thì văn của anh lại nặng trĩu những trăn trở, ưu tư trước thời cuộc và những phận người...

Đến với văn chương bằng việc làm thơ, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, làm việc tại tòa báo dành cho thiếu nhi, nhưng Nguyễn Danh Lam lại gặt hái được nhiều thành công với những giải thưởng uy tín dành cho thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết: Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2006 - 2007, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010. Nhân dịp nhà văn Nguyễn Danh Lam đứng trên bục vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn dành cho tiểu thuyết "Giữa dòng chảy lạc" trên sân Văn Miếu đầu xuân vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

- Trước hết, xin chúc mừng giải thưởng của anh. Có người cho rằng, năm qua, văn học trẻ không nở rộ về số lượng nhưng lại đạt thành tựu về chất lượng với 3 trong số 11 giải thưởng của Hội Nhà văn được dành cho những nhà văn trẻ. Điều này cho thấy cách nhìn thoáng hơn của lớp các nhà văn "già" đối với một thế hệ kế cận. Anh nghĩ thế nào về điều này? Vài nhận định của anh về các nhà văn trẻ ở Tp HCM cũng như cả nước?

+ Thế hệ các nhà văn đi trước "thoáng" hơn với lớp kế cận là một sự khích lệ đáng trân trọng. Nhưng cũng chính vì vậy, lớp trẻ, trong đó có tôi càng cần phải nỗ lực hơn. Bởi văn học là một cuộc đi dài, rất dài. Đến tuổi như các "bác" mà vẫn sáng tạo sung sức mới thực là điều khó. Văn học trẻ Tp HCM cũng như văn học trẻ Hà Nội mang tính chất "hợp lưu" từ nhiều nguồn bạn viết trên cả nước, nên giọng điệu nhìn chung khá phong phú. Họ nén sẵn trong mình động lực viết, động lực vươn lên của "người ở quê", cùng vốn sống gắn liền với thiên nhiên, điều này theo tôi rất quan trọng. Với vốn liếng ấy, sau khi về thành thị, họ tiếp nhận thêm những nguồn văn hóa từ lâu nay mình thiếu. Và thẩm thấu rất nhanh. Sự kết hợp ấy đã hình thành nên một thế hệ cầm bút, trong đó có tôi.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam (đứng giữa) trong lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn 2010-2011 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (4/2/2012). Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

- Anh viết không nhiều nhưng dường như cuốn tiểu thuyết nào của anh ra đời cũng gây được hiệu ứng đối với bạn đọc trẻ: Từ "Bến vô thường", "Giữa vòng vây trần gian" rồi "Giữa dòng chảy lạc". Có lẽ vì thế mà ít người biết rằng, anh khởi đầu nghề viết bằng việc làm thơ. Anh có thể chia sẻ gì về sự thay đổi này?

+ Từ năm 16 cho đến 20 tuổi, tôi sống một mình coi cái rẫy cà phê trên Đắk Lắk. Bố mẹ cùng các em tôi ở trong phố. Hoàn cảnh rất khó khăn, khắc nghiệt. May mắn trong nhà có tủ sách nhỏ. Tôi tha vào rẫy được một ít. Những đêm dài, giữa rẫy cà phê heo hút, không điện, không nước, không một tiếng người, nhưng trăng gió lại bao la, tôi thèm... được yêu lắm, ở cái tuổi ấy mà. Nhưng lấy đâu ra... người để yêu, ngoài mấy gốc cà phê, thế là đành ngồi… làm thơ! Sau mấy năm trời viết... như điên, chẳng biết đưa ai đọc, đến thời điểm bùng nổ của mấy tờ báo học trò, tôi gửi thơ về thành phố và được đăng ngay chùm bài đầu tiên. Tôi... ngất lịm!

Hai mươi tuổi mới về thành phố học, tôi sinh hoạt trong mấy bút nhóm học sinh, sinh viên thời đó. Những nhà văn, nhà thơ mà tôi chịu ơn nhiều nhất có Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Dương, Hồ Anh Thái, Mai Sơn, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, Lê Văn Thảo... Năm 17 tuổi, tôi đã viết một cái dài dài, kín 5 - 6 cuốn vở học trò. Cái này gửi đi đâu cũng được... cảm ơn, và không ai cho tôi cảm ơn lại! Thất vọng, tôi "không thèm" viết văn xuôi nữa, quyết yên ổn với thơ. Làm thơ chục năm, tôi bắt đầu thấy thơ mình... cũng dở không kém gì văn xuôi ở cuốn kia, thi ở đâu cũng đoạt giải... khuyến khích. Thế là tôi... điếc không sợ súng nữa, quay lại văn xuôi. Và viết luôn... tiểu thuyết.

- Hẳn là trong  văn của anh đầy rẫy ký ức về những tháng ngày ở rừng xanh, núi thẳm?

+ Với một "cậu bé rừng xanh", cái gì cũng thiếu, cũng muốn tiếp thu, sự ảnh hưởng lại càng... ào ạt, như kiểu đói quá, có thức ăn là ngấu nghiến. Ngoài sách, tôi còn mê nghe và xem nhiều thứ: phim ảnh, hội họa, âm nhạc... Tất cả đều có những ảnh hưởng đối với trang viết của tôi. Nhưng có thể nói, văn xuôi của tôi không có nguyên mẫu ngoài đời, trừ cuốn tiểu thuyết đầu - mà như những người mới viết thường kể chuyện của mình. Thêm nữa, lối viết của tôi khá huyền ảo. Sự kiện, nhân vật đều do tôi tưởng tượng. Bởi vậy, kỉ niệm gắn cuộc đời với trang viết tôi... hầu như không có.

Tôi nhớ rằng, thuở tôi còn nhỏ, cả vùng xung quanh chỉ có mỗi cái nhà sách bé tí. Trong tủ bày dăm ba quyển mốc meo, bám đầy bụi đỏ Tây Nguyên. Mỗi năm bổ sung được vài đầu sách mới. Nhưng tôi... không bao giờ có tiền đủ để mua nổi một cuốn sách. Ngày ngày đi học về, bám tủ kính nhà sách, dòm vào, tôi thuộc lòng từng cái bìa, rồi về nhà lấy màu ra vẽ lại. Chi tiết nào không nhớ rõ lắm, hôm sau lại mò ra, dòm một cái rồi về vẽ tiếp, cho đến khi giống hệt thì thôi. Lớn hơn một chút, tôi... kiếm tiền bằng cách vẽ bản đồ giáo cụ, các loại khẩu hiệu treo trong lớp học. Mỗi bạn trong lớp góp dăm ba đồng, gọi là trả tiền mua bột màu và... bồi dưỡng cho tôi. Bố tôi là họa sĩ, nên tôi tập vẽ từ bé. Sau này tôi thi vào Đại học Mỹ thuật. Mấy dịp "có tiền" như thế, thứ tôi mua ngay lập tức là sách. Tủ sách trong rẫy của tôi, ngoài những cuốn văn học cổ điển Nga, Pháp cũ mèm do bố tôi sưu tầm từ lâu, sau được tôi bổ sung đủ bộ giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991: "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường), "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Bến không chồng" (Dương Hướng)... Thế rồi một hôm, đi học về, cái chòi gỗ trên rẫy của tôi bị phá tung cửa. Tôi lao vào, trong chòi có tài sản gì đâu để mất, ngoài mấy cuốn sách. Vâng, tôi mất trắng cả tủ sách của mình! Ôi bọn trộm hồi ấy sao... trí thức thế không biết! Tôi chết lặng bao nhiêu ngày trời. Đau lòng đến độ... làm thơ, gọi mấy cuốn sách là... em! Mất sách, coi như thất tình vậy!

- Thời gian gần đây, có hiện tượng những tác giả trẻ khi đến với văn chương thường chọn những vấn đề dễ nổi như… sex chẳng hạn. Anh có ủng hộ thủ pháp ấy?

+ Ngay cả khi còn làm thơ, tôi cũng hầu như không viết thơ tình. Nên "nàng thơ" vì vậy cũng chẳng có luôn! Và trong văn xuôi, tôi cũng không có một dòng nào đề cập sex. Nói ra điều này quả thực dễ... bị nghi. Song tôi quan niệm, cuộc đời là một căn phòng đóng kín. Nhiều triết gia đã vạch những nẻo đi hòng vượt thoát tình thế này. Trong đó sex là một ý hướng nghiêm túc. Ở các nước Âu - Mỹ đã từng có thời đoạn bùng nổ với vấn đề giải phóng tình dục. John Lennon đưa ra "khẩu hiệu" nổi tiếng "Make love not war" (Làm tình không chiến tranh). Trong tiểu thuyết "Hạt cơ bản", Michel Houellebecq đã đưa ra mô hình những cái trại, mà trong đó người ta dẫn cả vợ mình vào "quần hôn" cùng bất cứ ai đi ngang... Song tất cả đã rơi vào bế tắc.

Tôi quan niệm, sex chỉ là một cách thức bất lực trong việc giải quyết cái tình thế "kín cửa" kia. Với quan niệm ấy, tôi thấy sex không giải quyết được những vấn đề của mình, nên không đưa vào trang viết. Tất nhiên, việc các bạn trẻ hay đề cập sex trong tác phẩm, theo tôi nghĩ, ngoại trừ việc chạy theo "mốt", hoặc muốn gây sự chú ý, đó cũng là một lẽ tự nhiên. Viết về nó chẳng có gì sai, thậm chí... tuyệt hay, nếu hiểu được về nó, ở đẳng cấp cỡ G. Marquez, H. Murakami, M. Houellebecq...

- Anh hiện đang làm việc tại những tờ báo dành cho thiếu nhi: Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím. Điều này có giúp ích gì cho trang viết của anh?

+ Nó giúp tôi tách bạch giữa công việc chữ nghĩa này và công việc chữ nghĩa kia. Sẽ chẳng có chút báo chí nào can dự vào sáng tác của tôi. Còn về mặt đời sống, công việc ở cơ quan của tôi rất bình yên, vui vẻ. Chính vì lẽ ấy, đã có nhiều tờ báo "người lớn" gọi tôi về làm việc. Nhưng tôi quyết định vẫn ở lại, ngày ngày vui cùng "đám trẻ" là bạn đọc của mình. Có lần bút nhóm này họp mặt, kéo theo khá đông các cộng tác viên chưa vào nhóm. Người của tòa soạn giới thiệu tôi là nhà văn phát biểu vài câu. Tất cả các bạn đều mắt tròn mắt dẹt, chẳng biết ông này là nhà văn nào, viết cái gì, vì sách của tôi có bạn nào... thèm đọc đâu! Thậm chí một số bạn quen rồi mới đọc, cũng bảo, đọc chỉ... hại sức khỏe! Đặc biệt trong những buổi giao lưu giữa bạn đọc với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi toàn có nhiệm vụ kê bàn ghế, bưng quà tặng. Các bạn lao vào xin chữ ký anh Nguyễn Nhật Ánh còn xô tôi… té chúi nhủi!

- Nguyễn Danh Lam là một nhà văn trẻ sôi nổi, ồn ào, thậm chí luôn là nhân vật pha trò trong các cuộc vui. Nhưng dường như thơ văn của anh lại có nhiều sự chiêm nghiệm, trầm buồn bởi những va đập của ký ức… Sự đối lập này có thể lý giải như thế nào?

+ Quả vậy. Thơ cũng như văn xuôi của tôi không có một tác phẩm nào... vui, trừ mấy bài tếu tếu đăng báo học trò. Đó cũng là con người bên trong và đằng sau của tôi vậy. Cuộc đời dằng dặc phiêu bạt từ ông bà, cha mẹ, rồi đến chính bản thân mình là một dồn nén lớn. Sau này tôi cũng đọc sách với số lượng kha khá. Nên cái "phía trong" ấy lại càng thêm "ít nhẹ nhàng". Và chính từ thái cực này, tính cách tôi tự nó điều chỉnh cân bằng sang thái cực kia. Nên thay vì nằm nhà thương, uống thuốc ngủ, hay ra đường chào cột đèn cột điện, tôi... ra quán uống bia với bạn bè, kể chuyện tiếu lâm và đọc thơ... cấm phụ nữ nghe!

- Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.