Nhà văn Nguyễn Bản: Sống mộc mạc, viết kỹ càng

Thứ Năm, 23/01/2014, 08:00
Như chính cái tên của mình, gặp Nguyễn Bản, ta như bị hút bởi một lực hấp dẫn vô hình, có cảm giác được trở về với chính mình, về với cội nguồn bản ngã vốn có của con người, được sống thật là mình. Dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt hiền hậu, thông minh, ở ông toát lên một sự tin tưởng và thiện cảm cho người đối diện ngay từ lần đầu gặp gỡ...

Người viết bài này đã có dăm ba lần được ngồi chuyện trò cùng Nguyễn Bản, nhưng mỗi lần lại là một sự bất ngờ trong những câu chuyện ông kể và khâm phục hơn cả là về tri thức, nhân cách của một nhà văn, nhà giáo tận tâm hết lòng với nghề, với trò. Là tác giả của nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi nhưng đến nay, Nguyễn Bản vẫn không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; là thầy dạy của những thứ trưởng, giáo sư, tiến sĩ nhưng ông cũng chỉ đứng trên bục giảng trong một thời gian ngắn. Những điều tưởng như trái khoáy đó không hề ảnh hưởng đến tâm tư Nguyễn Bản. Ông cứ lặng lẽ làm công việc độc lập tư duy, góp nhặt vui buồn của cuộc đời để thương xót, bao dung, và thăng hoa. Với ông, cái đẹp đôi khi là sự thăng hoa của lòng xót thương.

Nhìn lại chặng đường đã qua của Nguyễn Bản, mới thấy khó có thể hình dung một con người đã chịu nhiều thăng giáng của số phận, chịu đủ thua thiệt như Nguyễn Bản nhưng ở ông vẫn luôn có cái một cái nhìn đầy niềm tin yêu vào thiên lương của con người. Người sao văn vậy, đọc những trang văn của ông, thấy tâm hồn như được cứu rỗi và thanh lọc.

Trong khi lớp bạn học đồng trang lứa với Nguyễn Bản của khóa đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Văn khoa đều đã nổi danh từ lâu như Cao Huy Đỉnh, Cao Xuân Hạo, Văn Tâm… thì Nguyễn Bản vẫn lặng lẽ tỏa hương theo cái cách giản dị mà trân quý nhất là "hữu xạ tự nhiên hương". Nói như thế không phải Nguyễn Bản không được biết đến từ sớm, ngược lại, ngay từ thập kỉ 60 của thế kỉ trước, Nguyễn Bản đã nổi danh với sáng tác đầu tiên "Giá trị mới" viết năm 1960 in trên Báo Văn học.

Truyện ngắn này ngay sau khi ra đời đã được Nhà xuất bản Ngoại văn dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Giáo sư Đặng Thai Mai khi đọc truyện ngắn này còn nhận định "Đây là một ngòi bút tinh tế" mà không hề hay biết rằng tác giả chính lại là học trò của mình ở Trường Đại học Sư phạm Văn khoa.

Vừa tròn hai mươi năm kể từ khi tập truyện ngắn đầu tay "Bức tranh màu huyết thạch" (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1993) được xuất bản, đến nay, Nguyễn Bản đã có hàng chục tập truyện, tác phẩm dịch, song như lời ông nói thì những tác phẩm trong cả một đời văn mà nhà văn tâm đắc nhất vẫn nằm ở trong tập truyện này.

Bìa tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Bản in ở Nhà xuất bản Công an nhân dân.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Bản, phần lớn bạn đọc nghĩ ngay đến một cây bút truyện ngắn xuất sắc, và nhắc đến truyện ngắn Nguyễn Bản thì ngay lập tức mọi người nhớ đến "Ánh trăng". Công bằng mà nói, "Ánh trăng" thực là một áng văn đẹp và tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Bản, đã đoạt giải Báo Văn nghệ năm 1992, được lấy tên đặt cho tên của cả tập truyện đoạt giải năm ấy.

Phải chăng vì cái ưu thế vượt trội đó nên "Ánh trăng" như là chiến tích lẫy lừng làm nên thương hiệu Nguyễn Bản, và làm cho Nguyễn Bản đến gần với độc giả hơn? Song với Nguyễn Bản, "Bức tranh màu huyết thạch" mới là truyện mà ông thấy tâm đắc nhất, là nơi ông đã để vào trong đó rất nhiều suy tư về con người và thời cuộc. Truyện ngắn này đoạt giải trưng cầu ý kiến độc giả trên tạp chí Kiến thức ngày nay, vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn hay 1991 của Hội Nhà văn Tp HCM.

Nói về "Bức tranh màu huyết thạch", Nguyễn Bản tâm sự: "Đây là câu chuyện viết về mối tình của đôi trai gái, phản ánh sự lặp lại quá khứ lịch sử, những người tiết tháo, cương trực, sống ngay thẳng, không uốn mình theo thời cuộc…". Chất giọng ấm áp, rành rọt của Nguyễn Bản cất lên hòa quyện trong làn khói thuốc cho ta như thấy lẩn khuất đâu đó là dáng dấp của chính con người nhà văn.

Trong câu chuyện về sở thích và thói quen đọc sách từ nhỏ của mình, nhà văn vui miệng kể lại kỉ niệm thời học sinh đáng nhớ: Có lần, ông lén đọc truyện trong giờ học, vì say mê quá nên ông không biết thầy đang đi xuống. Không nói không rằng, thầy giáo thẳng tay tát vào mặt ông một cái đau điếng. Ngay tắp lự, phản ứng đầu tiên của Nguyễn Bản đứng bật dậy, nhìn thẳng vào ông giáo. Chính là đôi mắt ấy đã tự nhiên đi vào trang văn của ông khi ông để cho nhân vật Nguyên trong "Bức tranh màu huyết thạch" nói với cô gái mình yêu rằng: "Anh sẽ dang cánh tay đón em, bế em lên, chào giáo sinh, chào nhà trường, rồi đi đâu thì đi, làm gì thì làm". Cái cá tính táo bạo tiềm tàng trong một con người nhỏ bé, dân dã như thế đó.

Vào cuối tác phẩm, nhân vật nữ chính "nghĩ vẩn vơ, có thật không, sau khi chết, có thể hòa vào khí mạch, và sau khi chết, có thể hóa thành một cành thông", và tự hỏi "nhưng tại sao lại phải sau khi chết". Con người Nguyễn Bản là thế, luôn trăn trở với những câu hỏi, thức tỉnh, khơi gợi cảm xúc về giá trị đích thực của cuộc sống, hướng đến một cuộc sống đáng sống.

Trong tập truyện "Bức tranh màu huyết thạch" còn có những tác phẩm đẹp và đầy chiêm nghiệm như "Chuyến li hương cuối đời", "Hành hương giữa hai bờ lau cháy" và "Rau khúc nếp". "Hành hương giữa hai bờ lau cháy" như là một tự truyện sám hối của ông, với lời đề từ: "Kính tặng hương hồn Bà". Truyện lấy từ nguyên mẫu bà ngoại của ông, người cả đời dè sẻn, tích góp, tiết kiệm tiền để đi lên chợ Chu thăm cháu ngoại đang là bộ đội đóng quân trên ấy. Khi trở về, bà bị quy là địa chủ. Phẫn nộ vì chịu oan ức, bà tự tử, may được người cứu mới thoát. Nhà văn Nguyễn Bản đã nhìn thẳng vào những sai lầm của một thời để mong những sai lầm này không bao giờ lặp lại nữa.

Chỉ nguyên số phận của "Rau khúc nếp" cũng là một câu chuyện dài rồi. Ngay sau khi viết "Giá trị mới" thì cách khoảng hai năm, nhà văn nhận được giấy mời của Báo Văn học (tiền thân Báo Văn nghệ bây giờ) tham gia một cuộc thi. Nhận lời, ông đã gửi "Rau khúc nếp" lên, song một thời gian dài vẫn không nhận được hồi âm. Đến khi ông lên gặp Trưởng Ban Biên tập thì được cho biết truyện sẽ được đăng nhưng trên một mục khác của Báo Văn học, với điều kiện nhà văn đồng ý cắt bớt một số đoạn. Tất nhiên với tính cách của mình, Nguyễn Bản đã không đồng ý, và thời gian là câu trả lời xác đáng nhất, "Rau khúc nếp" cứ cao đầu, thẳng thắn tiến vào làng văn, còn được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần.

Nguyễn Bản yêu tha thiết điều giản dị, trung thực và có cảm giác ông đã tôn nó lên như một học thuyết. Ông ít khi nghĩ đến chuyện được mất, dại khôn của bản thân, chính vì thế mà ông yêu "người bạn có một tấm lòng chân thực tới mức khờ khạo và vụng dại" trong "Chuyến li hương cuối đời".

Thời gian gần đây, Nguyễn Bản tập trung vào dịch văn hơn là viết truyện. Ông là người đầu tiên giới thiệu tác phẩm văn học Afghanistan vào Việt Nam. Những tác phẩm ông dịch đều là những tác phẩm giá trị, được sự đón nhận nhiệt liệt của bạn đọc như "Ba chàng lính ngự lâm", "Đỗ quyên đỏ", "Người đua diều"… Có nhiều lí do khiến ông không viết truyện nữa: Phần vì ông chưa cảm thấy hứng thú, phần vì trong con người rất đỗi nhân hậu ấy lại băn khoăn vì sợ viết ra sẽ làm người khác buồn, hoặc chạnh lòng. Con người cả đời chịu thua thiệt về sự nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân, nhưng lúc nào cũng chỉ lo lắng, trăn trở cho người khác.

Ở tuổi bát thập, Nguyễn Bản vẫn không ngừng suy tư, hết lòng với trang sách. Đến tận bây giờ, truyện ngắn mà ông cho là ám ảnh nhất trong sự nghiệp viết văn của mình chính là cái truyện mà ông phải đổi tên ba bốn bận từ "Đêm cuối năm kinh hoàng" đến "Mèo con tội nghiệp" và "Rừng đêm cuối năm" nhưng vẫn thấy chưa thật sự hài lòng. Ngay trước bàn làm việc của ông, có đặt một chiếc đồng hồ rất to, như ngầm báo về một cuộc chạy đua khốc liệt giữa con người với thời gian. Và ở giữa chốn Thủ đô náo nhiệt, ẩn mình trong căn nhà nhỏ ở làng Ngọc Hà, có một con người vẫn lặng lẽ, miệt mài ngày đêm tư duy để tồn tại…

Nguyễn Thái Hà
.
.