Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: “Tôi viết để mổ xẻ sự bất cập của cơ chế”

Thứ Tư, 27/09/2006, 09:00

“Tôi là người trong cuộc, tôi mổ xẻ, chứ không đứng ngoài dẩu mỏ chửi vào, cũng không chửi đổng. Tôi viết với tất cả đau đớn, vật vã khổ sở và với ý thức xây dựng, tháo gỡ. Có lẽ vì thế mà về chủ đề đặt ra trong tác phẩm, tôi được dư luận trong ngoài, trên dưới đồng tình”, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn nói về cuốn tiểu thuyết “Luật đời và cha con”.

- Trước đây dăm bảy năm, người ta chỉ biết đến ông là một cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, có thêm chăng là những bài báo vì ông viết khá nhiều báo. Thế rồi liên tục  là những tác phẩm văn xuôi. Ông mê văn từ bao giờ, và viết như thế nào?

- Hồi học phổ thông, tôi cũng có mộng văn chương đấy, nhưng chỉ là mộng mơ thế thôi. Cùng lớp tôi, có anh Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), hình như lúc ấy đã có thơ đăng báo. Là sau này mới biết chứ không phải lúc học với nhau đã biết. Năm cuối cùng, học Giáo sư Phan Trọng Luận bây giờ. Tập làm văn, thầy cho về nhà làm, ba bài được điểm 5 là ghê lắm (thời đó theo thang điểm 5). Lúc ấy chưa có chuyện thi học sinh giỏi văn miền Bắc, chưa có chuyện bồi dưỡng gà nòi, cũng chưa học thêm như bây giờ. Vậy mà tối thứ bảy, thầy đã gọi mấy đứa thích học văn lại để dạy.

Kỷ niệm văn chương thời phổ thông chỉ nhớ vậy. Học xong đi dạy học, đi bộ đội rồi lại về dạy học, làm cán bộ quản lý ở một trường cấp 3, hơn chục năm cuối cùng mới sang ngành Văn hóa -Thông tin. Cái mộng văn chương theo thời gian cũng tắt ngấm. Nhưng rồi thấy nhiều chuyện quá. Không viết không được. Lúc đầu, ký là hấp dẫn tôi nhất. Bao nhiêu chuyện người, chuyện đời, chuyện quê hương đất nước dồn cho ký. Đi máy bay viết về người lái máy bay, người dẫn đường máy bay, xuống nước gặp anh thợ lặn, viết gian nan nghề thợ lặn. Mấy bước ra Bờ Hồ, gặp cây lộc vừng liền viết về cây lộc vừng chín gốc bên Hồ Gươm. Thế rồi sang truyện ngắn, tiểu thuyết lúc nào không hay. Năm 1999, tôi ra cùng lúc 4 cuốn sách với gần 1.700 trang. Báo Văn nghệ Trẻ khen và đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là hiện tượng xuất bản của năm nay?”. Tôi thành “nhà văn trẻ tóc bạc” từ đấy

- Như vậy quả là có muộn so với tuổi đời. Vì sao ông bắt đầu muộn như vậy?

- Hoàn cảnh cả thôi. Làm công chức, cái anh cuối cán đầu binh như tôi, toàn những việc không tên, lắt nhắt, thì giờ đâu mà viết. Phải tranh thủ thời gian lắm mới viết được một bài báo. Văn chương cần nhiều thời gian suy ngẫm hơn, nên lâu lâu mới viết được một truyện ngắn. Trong ba năm liền (2001 - 2003), tôi đoạt một giải nhì, hai giải nhất cuộc thi “Cả nước viết về Thăng Long Hà Nội”, do Báo Hà Nội Mới tổ chức, thật ra cũng vì công việc. Năm 1978, in tập truyện ngắn đầu tiên, ít người để ý. Đến khi nghỉ hưu, thời gian là của mình, được sống theo sở thích, sống cho mình, lúc ấy cái chí viết văn mới thực sự trỗi dậy. Thế là lao vào viết. Càng viết càng ham. Viết chí chết. Mình là một người của cơ chế, cơ chế ấy do mình góp phần đẻ ra. Là người của cơ chế nhưng lại thấy cơ chế nhiều bất cập quá. Nó buộc mình phải viết, phải mổ xẻ.

Với tôi, viết văn là sự giải tỏa những bức xúc cuộc đời, là góp một tiếng đời cho đời. Tôi, anh, hay nhiều người khác, thất bại trong việc này, không thành công trong việc kia, kém cỏi so với thiên hạ ở nhiều việc khác, là bởi mình làm không đúng luật, chơi không đúng luật, ứng xử không đúng luật. Thế nên trời còn cho viết được, thì những cuốn khác của tôi dù đặt tên là gì, vẫn nằm trong bộ “Luật đời”.

- Bởi thế nên mới có “Luật đời” truyện ngắn rồi “Luật đời & Cha con” tiểu thuyết chăng? Thành thật chúc mừng ông. Lâu lắm mới thấy một cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt bạn đọc đã được tái bản ngay, được hội thảo…

- Cảm ơn anh. Lúc đầu thì cũng lo. Sợ đụng chạm chỗ nọ chỗ kia. Sau thấy cũng ổn cả. Viết văn được như thế là sướng. Có lời khen tiếng chê nhưng về thành công của “Luật đời & Cha con”, tôi thấy trước hết nhờ việc chọn lựa đề tài. “Đề tài cơ chế” - tạm gọi như thế, ai chả biết. Ai chả bàn thảo. Đi đâu, ngồi đâu cũng bàn thảo. Nhưng sao không ai viết. Một đàn anh bảo tôi: “Họ biết cả đấy nhưng ngại viết”. Vì sao họ ngại là chuyện phải nghĩ. Có lý do cả đấy. Tôi liều. Có điều, tôi là người trong cuộc, tôi mổ xẻ, chứ không đứng ngoài dẩu mỏ chửi vào, cũng không chửi đổng. Tôi viết với tất cả đau đớn, vật vã khổ sở và với ý thức xây dựng, tháo gỡ. Có lẽ vì thế mà về chủ đề đặt ra trong tác phẩm, tôi được dư luận trong ngoài, trên dưới đồng tình. Điều ai cũng biết là, không phải viết cái gì, mà còn là viết như thế nào. Dù là đề tài nhạy cảm, tôi thấy nếu có được bốn chữ  L: cương lĩnh đúng, tâm linh sáng, bản lĩnh vững, yếu lĩnh thạo thì tác phẩm sẽ đứng được.

- Một tổng kết tôi nghe lần đầu nhưng cũng khá thú vị đấy chứ.

- Xin tặng anh thêm một câu nữa mà tôi rất tâm đắc. Đàn ông Trung Quốc bây giờ có triết lý này: Sống trong vũ trụ, không chống thiên nhiên. Sống trong đất nước, không chống Đảng Cộng sản. Sống trong gia đình, không chống vợ.

Có lẽ, cánh nhà văn đàn ông ta và không chỉ cánh nhà văn đàn ông nên tham khảo.

- Cuộc sống riêng tư của ông có tác động nhiều đến trang viết? Có phản ánh vào trang viết?

- Tất nhiên cũng có, nhất là giai đoạn đầu trong mấy tập truyện ngắn. Vốn sống 30 năm trong ngành giáo dục trở thành chất liệu văn chương trong hàng loạt truyện ngắn. Thấp thoáng đâu đó cũng có hình ảnh quan chức, bạn bè, vợ con  người thân trong họ. Nhưng là thấp thoáng thôi, chứ không phải là nguyên mẫu. Tôi không chăm chăm đi tìm nguyên mẫu. Chỉ có ý tưởng, ý tứ, rồi dựng chuyện, dựng bối cảnh, dựng cảnh, dựng người. Rồi nhặt nhạnh, tái hiện, đắp mặt vẽ râu, tô son trát phấn cho nhân vật. Vì vậy đến truyện vừa và tiểu thuyết thì toàn bịa. Bịa y như thật theo cách nói của Nguyễn Công Hoan. Tôi không năng động (thời bao cấp chưa bao giờ được phân xe đạp. Cũng chẳng được phân nhà, chia đất lần nào). Nhưng là người hay nghĩ ngợi. Cái ấy, thế mà được việc khi viết tiểu thuyết. Có viết tiểu thuyết mới có cơ hội lôi được vốn sống trực tiếp, gián tiếp, vốn hiểu biết của mình vào trang viết. Cũng là nhờ tính tò mò, hay quan sát, năng nhặt chặt bị. Nhưng tôi cũng giống nhiều bạn viết chẳng ghi chép gì như khi đi viết báo.

- Ông thấy dư luận về tiểu thuyết gần đây nhất của mình, cuốn “Luật đời & Cha con” đúng bao nhiêu? Họ khen chê có thỏa đáng không? Có chỗ nào người ta nói như thế mà lại không phải như thế?

- Không! Cả nói chung lẫn nói riêng đều đúng, nhất là các nhà nghiên cứu, phê bình. Các nhà văn có những phát hiện rất tinh. Chẳng hạn, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn lưu ý bạn đọc về sự tác động của người nước ngoài vào đời sống xã hội. Những đánh giá mặt được, mặt hạn chế đều là của những con mắt xanh, giúp tôi nhìn nhận đúng mình để khắc phục. Trong tình hình sách ra nhiều như hiện nay, trung bình mỗi ngày vài chục cuốn đủ loại, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi được tổ chức tọa đàm, được báo chí có bài phê bình, giới thiệu, thế là quý lắm. Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam cũng đang chuyển thể thành phim truyền hình. Chất hóm hỉnh hài hước nhiều người đã đề cập, tiếc là chưa có điều kiện đi sâu phân tích. Tính dự báo cũng có báo đã đề cập, nhưng cũng chưa được nói kỹ. Tính luận đề nhiều người khẳng định, nhưng không mấy người đi sâu.

- Dự định của ông trong tương lai?

- Tôi đang viết cuốn tiếp theo của “Luật đời & Cha con”. Tôi nghĩ, mình được coi là có công khai hoang “đề tài cơ chế” thì phải tiếp tục. Được không khí xã hội, không khí chính trị sau Đại hội Đảng X cổ vũ, cuốn sau sẽ đi đến tận cùng số phận các nhân vật, tận cùng câu chuyện. Truyện sẽ quyết liệt hơn. Sẽ có một nhân vật nữa, lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết Việt Nam. Tôi cố gắng khắc phục những hạn chế của “Luật đời & Cha con”. Nhà báo Hữu Thọ bảo tôi: “Thời buổi này mở cửa ra đã thấy ngay không khí, mùi vị của tiểu thuyết rồi”. Mà đúng thế thật. Chỉ sợ mình không có sức, không có tài, chứ tư liệu thì đâu cũng thấy. Nhưng bây giờ phải viết chậm lại, cho sâu lắng hơn. Quỹ thời gian của tôi không dư dật như các nhà văn trẻ khác, nên gã nhà văn “trẻ” đầu bạc này phải rất khẩn trương. Khẩn trương một cách thong thả, bình tĩnh. Trông gương anh Nguyễn Xuân Khánh đấy, “Mẫu thượng ngàn” viết xong từ năm 2001, xếp xó cho quên hẳn đi, bốn năm sau lôi ra, cứ như của thằng cha nào khác. Lúc ấy anh mới tỉnh táo, xem lại, viết lại. Phục! “Chuyện văn chương, đi đâu mà vội” - Anh bảo vậy.

- Làm sao ông bán được sách? Tôi thật sự ngạc nhiên khi thời buổi này ông vẫn “lấy sách nuôi sách” được. Tôi thì ngược lại, chưa kiếm được đồng nào từ việc tự bán sách của mình

- Trăm sự nhờ bạn đọc cả. Bạn đọc không mua thì tài thánh cũng chịu. Cho tôi trở lại với “Luật đời & Cha con” một tí. Báo Người lao động, báo Thể thao - Văn hóa đưa thông tin của Công ty Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh: “Luật đời & Cha con” là một trong 5 cuốn sách bán chạy nhất trong tháng 2 vừa rồi.

- Xin cảm ơn ông

.
.