Nhà văn Lương Sỹ Cầm: Ước vọng tuổi bát tuần

Thứ Năm, 11/10/2012, 08:00

Nhà văn Lương Sỹ Cầm hiện là "trưởng lão" của Chi hội Nhà văn Công an. Ông là nhà văn thứ 2 của Lực lượng Công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau nhà văn Lê Tri Kỷ. Ở tuổi 85, ông chuẩn bị cho trình làng cuốn tiểu thuyết dày dặn và tâm huyết nhất đời viết của mình có tên "Đèn kéo quân" (506 trang - NXB Quân đội Nhân dân). Ông tếu táo: "Chỉ đợi tiểu thuyết ra lò nữa, là sẵn sàng đi... Văn Điển được rồi!".

Vợ chồng nhà văn Lương Sỹ Cầm mới chuyển nhà riêng từ phố Quỳnh Lôi (Quận Hai Bà Trưng) sang phố Ngọc Lâm (quận Long Biên). Nhà cũ của ông vốn ở trong một con ngõ rất sâu, lúc nào cũng thiếu ánh sáng. Sang Long Biên, ông tỏ ra thích thú với không gian sống mới chan hòa nắng gió. Sau nhà lại có một hồ nước, rất thích hợp với tuổi già, với người viết văn. Hôm tôi đến, ông tiết lộ rằng mới chuyển nhà được 3 ngày thôi, nên mọi thứ hãy còn đơn sơ. Trò chuyện với tôi, ông chưa hết phấn khích vì buổi sáng vừa sang NXB Quân đội Nhân dân để xem lại lần cuối cùng ma két tiểu thuyết "Đèn kéo quân" trước khi nó được đưa xuống nhà in. Ông thổ lộ: "Ban đầu, tôi viết tới 700 trang cơ, nhưng số trang lớn quá nên khó in. NXB Quân đội nhân dân nhận in, nhưng yêu cầu cắt bớt, còn 506 trang thôi. Tôi viết tiểu thuyết này trong vòng 3 năm, nó theo tôi đi 3 trại viết của Công an, nên cắt đi trang nào cũng thấy tiếc cả...". Ông bảo, khi cuốn tiểu thuyết này ra đời, 6 cuốn đầu tiên ông sẽ dành để tặng 6 người bạn chiến đấu thân thiết của ông. Ngày 6/4/1946, ông lên đường trở thành chiến sĩ "Nam tiến" cùng với 33 chiến sĩ khác. Nhiều người trong đó đã nằm lại rải rác khắp dọc chiến trường. Một số do tuổi già đã "đi trước", giờ chỉ còn lại 6 người. Họ đã cùng ông vào sinh ra tử và đến giờ vẫn giữ mối liên hệ thân thiết, hàng năm cứ đến ngày 6/4 lại họp mặt ôn lại những kỷ niệm xưa và nhớ về những người đã mất.

Tôi hỏi ông: "Giờ đây, bác quan niệm thế nào về cái chết?" thì nhận được câu trả lời rất vui của lão nhà văn: "Tôi sẵn sàng đi... Văn Điển bất cứ lúc nào! Thanh thản lắm. Tôi nghĩ mình đã tròn bổn phận làm người chiến sĩ, làm con, làm cha và với nghiệp viết của mình rồi!".

Dù lão nhà văn Lương Sỹ Cầm có nói là "sẵn sàng đi Văn Điển", nhưng theo tôi ngày ấy hãy còn xa. Nhà văn cho biết, "trên giấy tờ" ông mới 83 tuổi thôi, nhưng thực tế ông sinh năm Mậu Thìn, tính tuổi ta nay đã 85. Nhưng nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, quắc thước, nước da hồng hào, đặc biệt là tư duy mạch lạc với một trí nhớ tuyệt vời, nhiều người nghĩ rằng ông chỉ tầm tuổi ngoài bảy mươi thôi. Điều đặc biệt là, không ai có thể nghĩ ông từng trải qua cơn tai biến dẫn đến bị liệt, từng rất khó khăn mới nuốt được một thìa nước lọc, một miếng cháo loãng... mà lại có lại được sức vóc như bây giờ. Nhờ sự kiên trì và những nỗ lực phi thường, nhà văn già đã dần bình phục. Nếu ai không biết nhà văn Lương Sỹ Cầm trước đó, thật khó hình dung ông từng là một "người bệnh", phải mất tới gần 5 năm tập luyện phục hồi chức năng: Đầu tiên là tập ăn, rồi tập cầm nắm đồ vật, tập đứng, tập đi... Là nhà văn, nên cách tập luyện của ông cũng thật khác người. Đầu tiên ông chỉ tập cử động nhấc từng bàn chân lên rồi lại đặt xuống. Mỗi bước chân như thế ông lại đọc một chữ trong "Truyện Kiều" vốn ông thuộc làu. Thế mà có ngày ông đọc tới nửa cuốn tuyệt phẩm ấy của đại thi hào Nguyễn Du. Một ngày kia, ông đứng được lên nhưng tay phải vịn vào tường, rồi dần dần đứng mà buông được tay ra, rồi nhúc nhích từng bước nhỏ trong nhà với xe đẩy, rồi đi được ra ngoài với xe đẩy, sau đó "từ biệt" hẳn xe để đi lại được một mình. Từ năm 2007 trở đi, ông đã đi đến được mọi nơi ông muốn, bắt đầu viết văn trở lại. Đến nay, nhà văn đã tham dự 5 trại viết của ngành Công an do Báo Công an nhân dân, NXB Công an nhân dân tổ chức. Với ông, các trại viết do Báo Công an nhân dân, NXB Công an nhân dân tổ chức rất hiệu quả, lần nào tham gia ông cũng mang về "chiến lợi phẩm". Cuốn tiểu thuyết đầy công phu, tâm huyết của ông có tên "Đèn kéo quân" mà tôi nhắc tới ở trên đã theo lão nhà văn Lương Sỹ Cầm đi 3 trại viết, đó là trại viết Đồ Sơn, Sầm Sơn và Nha Trang trong 3 năm qua. Đến với các trại viết, sống trong không khí sáng tác đầy hứng khởi với các nhà văn trẻ tuổi hơn, bao giờ nhà văn Lương Sỹ Cầm cũng được "nêu gương" bởi sự mẫn cán, tận tụy với những trang viết của mình. Ông chưa bao giờ có suy nghĩ đến với các trại viết là để... nghỉ ngơi, ngay cả khi nhận được lời động viên như thế của Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an - Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Bây giờ, mỗi ngày ông đều dành thời gian đi bộ 3 cây số, duy trì một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ để ổn định huyết áp, bởi ông biết rằng: "Với người từng bị tai biến mà bị lại lần thứ 2 là... đi tong!". Mới hay, lão nhà văn còn rất nhiều yêu mến và lưu luyến với cuộc đời này, dù miệng ông lúc nào cũng nói: "Đã sẵn sàng đi Văn Điển!".

Nhà văn Lương Sỹ Cầm là người con của quê hương Đức Thọ - Hà Tĩnh. Trở thành người lính trước khi là nhà văn nên ông có một phong thái giản dị, tiết kiệm, sống vui vẻ, hồn nhiên chan hòa với mọi người. Hơn chục năm gắn bó với Quân đội, 32 năm trong lực lượng Công an Vũ trang, ông có một tình cảm đặc biệt với người lính, người Công an và với ông đến giờ đó vẫn là những hình ảnh đẹp đẽ, đáng tôn trọng nhất. Những hình ảnh người lính, người chiến sĩ Công an luôn là trung tâm trong hành trình sáng tạo của nhà văn Lương Sỹ Cầm. Từ tiểu thuyết đầu tay là "Trận đầu" (1962), rồi đến "Sắc rừng Abai" (1986), "Em vẫn chờ ngày cưới" (1992), "Ngang trái" (2002, Giải ba Cuộc thi viết tiểu thuyết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức) đến các tập ký như "Lê Đình Chinh", "Giữ vững Thèn Chu"... đã cho độc giả thấy rằng, với nhà văn Lương Sỹ Cầm, đề tài này như một mạch nguồn chứa đựng tình yêu thương và cảm hứng sáng tạo mãnh liệt.

Trong cuộc đời viết văn của mình, nhà văn Lương Sỹ Cầm đặc biệt quý trọng hai nhà văn mà ông coi là những người thầy của mình, đã dẫn dắt, nâng đỡ ông đến với văn chương, đó là nhà thơ Trần Mai Ninh và nhà văn Lê Tri Kỷ. Nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông đã dạy Lương Sỹ Cầm "đến dấu chấm cũng phải tròn" như lời thơ ông đã viết để tưởng niệm bậc đàn anh. Nhà văn Lê Tri Kỷ thì thường đọc rất kỹ tác phẩm của ông để góp ý, chỉnh sửa cho "đàn em". Nhà văn Lê Tri Kỷ hơn nhà văn Lương Sỹ Cầm 7 tuổi, nhưng 2 người vinh dự là học viên của lực lượng Công an vũ trang được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn khóa 1 của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá (Tây Hồ - Hà Nội). Nhắc đến bậc đàn anh Lê Tri Kỷ, nhà văn Lương Sỹ Cầm rất ngậm ngùi bởi nỗi nhà văn tài ba ấy đã ra đi hơi sớm. Ông không giấu niềm tôn kính: "Anh Lê Tri Kỷ hơn tôi 7 tuổi, nhưng tài năng hơn gấp nhiều lần. Anh ấy không chỉ tận tụy với tôi trong văn chương mà với thế hệ sau như Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Tôn Ái Nhân... cũng vậy! Tôi vô cùng biết ơn và quý trọng anh ấy!".

Nhà văn Lương Sỹ Cầm là người viết báo từ rất sớm. Trước đây, khi còn đang công tác ông chỉ viết báo viết văn vào buổi tối hay ngày nghỉ, nhưng từ ngày về hưu, ông sáng tác nhiều hơn và viết báo cũng năng nổ hơn. Ông là cộng tác viên thân thiết của chuyên đề Văn nghệ Công an từ nhiều năm nay. Theo chia sẻ của nhà thơ Phạm Khải - Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ Công an thì nhà văn Lương Sỹ Cầm là một người rất tinh tế và hiểu nghề báo. Mỗi khi gửi bài cho Văn nghệ Công an, ông chỉ gọi điện hỏi xem người biên tập đã nhận được bài chưa rồi chào và kết thúc ngay cuộc gọi chứ không thúc giục gì cả. Và mỗi khi bài báo in ra, ông không quên gọi điện nói lời cảm ơn. Đó chính là nét ân tình, dễ mến mà nhiều người nhận ra ở ông - một nhà văn đậm chất lính. Ông tâm sự: "Lúc nào tôi cũng đầy hào hứng với văn chương. Niềm đam mê ấy thôi thúc tôi sáng tạo, cho dù bản thân tôi luôn nghĩ rằng mình chưa đóng góp gì được mấy cho văn chương. Tôi vẫn ấp ủ viết được một tác phẩm về đội Biệt động An ninh B5 Sài Gòn thời chống Mỹ và ra mắt tập truyện ngắn mà tôi đang củng cố bản thảo. Nhưng đó là ước vọng. Nếu nhờ giời, còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục với dự án này..."

Hà Anh
.
.