Nhà văn Lê Văn Thảo: Không hờ hững với cuộc đời

Thứ Tư, 12/07/2006, 08:30

Lê Văn Thảo nấu ăn rất ngon, làm món nhậu thì thuộc hàng “cao thủ”. Nhanh, rất nhanh, mà ngon, rất ngon, đó là lời khen không cần tiết kiệm mà các “chiến hữu” dành cho ông.

1. Chơi với nhà văn Lê Văn Thảo đã lâu. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện buồn, chuyện phiếm, v.v… của ông, tôi biết cũng không phải là ít. Nhưng có một câu chuyện chẳng phải ghê gớm gì mà cứ làm cho tôi nhớ mãi. Một bữa, nhân lúc trà dư tửu hậu, nét mặt Lê Văn Thảo chợt buồn, rồi nói: “Con người ta ấy mà, nhiều khi sống mà vô tình lắm. Ví dụ như mình, hầu như tháng nào cũng đi hớt tóc ở cái tiệm góc phố ấy ít nhất một lần; mỗi lần nhanh nhất cũng nửa giờ đồng hồ; một năm mười hai tháng là có được sáu giờ đồng hồ; tưởng là ít nhưng mình hớt tóc ở đó gần chục năm nay, vị chi mình có khoảng thời gian không nhỏ để có thể tìm hiểu về con người ấy. Nhưng mình có biết gì về người hớt tóc đó đâu.

Cho đến một hôm, cái góc phố đó trống hoác, người hớt tóc không còn, chẳng biết là mất hay đi đâu  rồi. Tự dưng mình buồn quá. Mình là nhà văn thì không được sống hờ hững nhưng đôi khi mình đã hờ hững một cách rất hồn nhiên như thế đấy…”.

Lời tự vấn của Lê Văn Thảo quả tình đã bộc lộ được tính cách của con người ông: một con người không bao giờ tự cho mình là quan trọng, nhưng cũng quyết sống không hờ hững với cuộc đời.

2. Trong đời thường Lê Văn Thảo là một người “rất đàn ông”, có cái lạnh lùng, lý tính nhưng cũng rất đỗi gần gũi, chân tình. Lê Văn Thảo có thói quen sống giản dị, rất gần dân, nhất là với những người nghèo. Từ khi còn làm Phó tổng biên tập báo Văn nghệ TP HCM đến khi giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP HCM; từ khi nhà còn ở sát sạt bên cơ quan đến khi đường tới cơ quan có hơi xa một chút thì Lê Văn Thảo vẫn giữ một thói quen bất di, bất dịch, đó là dậy sớm, đi chợ.

Nhà văn Lê Văn Thảo và nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa ở chóp mũi Cà Mau, năm 2005.

Lê Văn Thảo đi chợ ĐaKao (P Tân Định, Q1), không biết có giỏi kỳ kèo, trả giá không, nhưng chắc chắn một điều là ở đấy toàn những “mối ruột”. Lê Văn Thảo nấu ăn rất ngon, làm món nhậu thì thuộc hàng “cao thủ”. Nhanh, rất nhanh, mà ngon, rất ngon, đó là lời khen không cần tiết kiệm mà các “chiến hữu” dành cho ông. Do vậy, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi các “văn nhân” xứ Bắc như: Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, v.v… mỗi khi có dịp vào Sài Gòn đều ghé nhà Lê Văn Thảo nhậu chơi.

Từng theo Lê Văn Thảo trong nhiều chuyến đi thực tế, tôi thấy ông còn có nhiều “tài lẻ” như: kể chuyện tiếu lâm, đàn hát v.v… Khi say, Lê Văn Thảo thường ôm ghita ngồi hát, giọng “huê tình” xốn xang nghe “nổi da gà”. Vào những lúc đang lênh đênh ghe xuồng trên sông nước miền Tây thì cái giọng “huê tình” ấy còn chao đảo như có sóng có gió. Lê Văn Thảo thường đùa, thật ra cái “món hát” này của ông mới ngon lành, có khi còn ngon lành hơn “món văn”. Nhưng, tôi nghĩ đấy cũng chỉ là nói đùa, vì quả thật càng ngày Lê Văn Thảo viết càng hay. “Gừng càng già càng cay”- câu ấy đặc biệt đúng với Lê Văn Thảo.

Nhắc đến tiểu thuyết Việt Nam trong vài năm trở lại đây, không thể không nhắc đến cuốn “Cơn giông” của Lê Văn Thảo. “Cơn giông” (NXB Trẻ 2002 - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003) là cuốn tiểu thuyết khá hay. Với một vốn sống đầy ắp và một bút pháp vững vàng, “Cơn giông” là một bối cảnh nhưng đồng thời cũng là một ý niệm về những biến cố của cuộc đời. Sự mơ mộng vừa là hình thái vừa là bản chất của tiểu thuyết mà ở đây Lê Văn Thảo đã thành công hơn hết trong những cuốn tiểu thuyết khác của ông.

Nhiều người nhận định rằng, sở dĩ Lê Văn Thảo càng ngày viết càng hay là bởi ông có nhiều thời gian tập trung cho sáng tác. Điều ấy đúng nhưng chưa đủ. Lê Văn Thảo còn là người đi nhiều, đọc nhiều. Đặc biệt là ông thích đọc và chơi với những người trẻ. Chơi như với một người bạn, chứ không phân hạng, vai vế, xét nét, trịnh trọng… Nhờ cái tâm thế trẻ ấy là văn ông vừa mang cái mới mẻ của sự khám phá vừa đạt đến sự giản dị của sự chiêm nghiệm

Trần Nhã Thuỵ
.
.