Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Cày nốt những đường cày cuối vụ

Thứ Hai, 03/09/2012, 08:00

Cuối thu này nhà văn Khuất Quang Thụy sẽ rời Nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Anh là nhà văn khoác áo lính thuộc thế hệ chống Mỹ cuối cùng rời Nhà số 4. Đối với nhà văn, nghỉ hưu chỉ là khái niệm tương đối vì nghỉ hưu hay không thì nhiệm vụ chính của họ vẫn là viết văn. Với Khuất Quang Thụy cũng thế, nghỉ hưu anh có thời gian hơn để tập trung vào viết. Viết về người lính, viết về những cuộc chiến tranh.

1. Theo lý lịch thì Khuất Quang Thụy tuổi hổ, còn như những gì anh em nhà văn sống và làm việc gần gũi với anh thấy thì hình như Khuất Quang Thụy tuổi trâu mới đúng. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã có lần ví Khuất Quang Thụy là "Con trâu già đang ì ạch kéo nốt những đường cày định mệnh". Trước đây, khi chưa có máy vi tính, chưa có điều hòa nhiệt độ, Khuất Quang Thụy có thói quen là… đứng viết. Nhiều khi thấy anh đứng viết trong cái nóng nung người, chúng tôi nghĩ anh đích thị là bị… trời đày.

Có lần buột miệng tôi đã hỏi: "Anh lấy đâu ra thời gian mà viết nhiều thế", Khuất Quang Thụy trả lời đại ý, nếu để viết thì không cần quá nhiều thời gian, vì chỉ cần mỗi ngày anh viết được một trang mà hôm sau không phải xóa thì cũng đã nhiều lắm rồi. Đối với nhà văn, thời gian mất nhiều nhất chính là thời gian trước khi ngồi vào bàn viết. Quả đúng như anh nói, đối với tôi và nhiều bạn viết khác, chỉ cần trong ngày có cuộc họp báo, cuộc giao ban, thậm chí là buổi trưa có đám cưới thì ngày hôm đó coi như đi tong, chẳng còn viết lách gì được nữa cả. Khuất Quang Thụy thì khác, anh đã "giải quyết xong mọi vấn đề sau cánh cửa phòng họp", ra khỏi phòng họp, trên đường đi về phòng mình anh đã chuẩn bị được tâm thế viết, ngồi vào bàn là có thể viết được ngay, viết mà ngày hôm sau không…phải xóa.

Từ ngày sống gần anh, tôi đã nhiều lần ngạc nhiên phát hiện Khuất Quang Thụy không biết… cáu,  kể cả buồn hình như cũng rất ít. Có nhiều việc, nhiều pha, nhiều vụ nếu rơi vào người khác thì chưa biết sự thể sẽ đi đến đâu. Nhẹ thì cũng mặt đỏ tía tai, cãi nhau oài oại, nặng thì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không chừng. Nhưng với Khuất Quang Thụy thì không, anh vẫn cứ ôn tồn và nhẫn nại làm việc, ôn tồn với cả cấp trên lẫn cấp dưới. Đúng là với cấp trên anh luôn có lòng kính, còn với anh em cấp dưới anh có tính nhường.

Tôi nhớ những ngày đầu khi mới được trang bị chiếc máy tính để bàn buộc anh phải thay đổi thói quen đứng viết bằng ngồi xuống gõ mổ cò. Những ngày đầu dan díu với… công nghệ, anh đã phải trả giá. Số là trong một buổi sớm đầu tuần rất đẹp giời, thấy anh đến cơ quan, mặt như người mất trộm. Trưa đó anh gọi tôi và nhà văn Đỗ Tiến Thụy đi ăn… bún ốc, ăn nửa chừng anh ngửng lên nói: "Tao đau quá chúng mày ạ, vừa mất béng đi nửa cuốn tiểu thuyết". Nghe vậy Đỗ Tiến Thụy nhanh nhẩu: "Thằng nào dám ăn cắp, bác bảo em, chỉ cần bác chỉ mặt nó là được, em xử nó đẹp cho bác xem". Khuất Quang Thụy trầm ngâm ngồi ăn, không nói gì. Thấy anh buồn nên chúng tôi cũng không dám hỏi nữa. Khi về đến cơ quan, anh gọi chúng tôi vào phòng uống nước, rồi rầu rầu đưa tay chỉ vào cái mặt… máy vi tính, nói: "Thằng này này, chính nó đã ăn cướp mất của anh mày nửa cuốn tiểu thuyết, cướp mất cả năm trời mồ hôi nước mắt". Nghe nói vậy, Đỗ Tiến Thụy ngồi tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Sau vố đó, Khuất Quang Thụy nhẫn nại cắp cặp đi học lớp vi tính cấp tốc. Anh còn thuê cả thầy về phòng dạy tiếng Anh văn phòng.

Khi trình độ IT đã cao hơn một bậc, anh nhẫn nại ngồi viết lại, rồi hai cuốn tiểu thuyết "Những bức tường lửa" (NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2004 - Giải nhất tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh - cách mạng của Bộ Quốc phòng trong 5 năm 1999 - 2004; Giải thưởng Hội Nhà văn 2005) và "Đối chiến" (NXB Quân đội nhân dân, 2010) ra đời, với dung lượng tổng cộng gần hai ngàn trang in. Vẫn chưa dừng ở đó, năm trước nhà văn Uông Triều, giáo viên Anh văn từ Quảng Ninh về đầu quân cho Văn nghệ Quân đội, một lần nữa Khuất Quang Thụy lại cắp cặp lút cút sang phòng "thầy" Triều để học thêm tiếng Anh vào mỗi buổi chiều.

Nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà thơ Văn Công Hùng bên cuốn sách khổng lồ "Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị".

2. Cách đây mấy năm, chúng tôi có chuyến công tác vào Quảng Trị và lên thắp hương ở Nghĩa trang Đường 9. Lần đầu tiên tôi thấy Khuất Quang Thụy… khóc. Một ông đại tá, đầu hai thứ tóc cầm nắm hương cháy bùng trên tay, cứ thế khóc như mưa như gió giữa nghĩa trang chiều Quảng Trị cao xanh thăm thẳm. Vừa khóc anh vừa gọi tên đồng đội. Trước đó chúng tôi đã thắp hương ở Nghĩa trang Trường Sơn, thấy anh xúc động nhưng không khóc như ở Nghĩa trang Đường 9. Phải chăng đến đây, anh gặp lại quá nhiều đồng đội mình? Có những người anh tưởng đã ra khỏi chiến tranh, đã sống sót trở về, nhưng giờ ở nghĩa trang mới biết, họ đã vĩnh viễn nằm lại Đường 9 cách nay đã hơn bốn mươi năm. Trong ngôi mộ chôn chung 108 liệt sĩ ở Nghĩa trang Đường 9 có rất nhiều người cùng một tiểu đội với anh. Chiều muộn hôm đó chúng tôi rời nghĩa trang, đang đi, chợt anh thảng thốt: "Anh có ý tưởng này các chú ạ". "Lại tiểu thuyết hả bác?" - Tôi hỏi. "Không, anh nghĩ nên đưa những thằng tham nhũng lên… hàng ngày nhỏ cỏ, quyets dọn nghĩa trang liệt sĩ". Mọi người đang đuổi theo ý tưởng của anh thì anh lại nói: "Nhưng mà không được, đánh nhau mệt lắm rồi, về nghĩa trang là để an nghỉ, không nên bắt liệt sĩ phải làm quản giáo nữa, không nên để các anh ấy… buồn". Đến khi đó tôi mới thấm lời anh tâm sự: "Tôi mất đúng mười năm để hoàn tất cuộc hành trình từ Sơn Tây vào Sài Gòn. Còn cuộc hành trình đời lính thì còn lâu mới xong. Mà có lẽ thế hệ chúng tôi thì mãi mãi cho đến khi về với đất vẫn chưa thể nói là đã làm xong cuộc hành trình chiến tranh, bởi chúng tôi đã trải qua một thời kỳ, một cuộc chiến quá khốc liệt, cả dân tộc đã dồn hết toàn lực vào đó, mỗi con người chúng tôi dồn hết tâm sức và trí tuệ vào đó nên thoát ra khỏi nó không phải là chuyện dễ".

Đúng như anh nói, chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm. Bốn mươi năm đủ để một thế hệ như chúng tôi trưởng thành, vậy mà các anh vẫn chưa thể ra khỏi "từ trường" của cuộc chiến. Và hình như chính nhờ cái "từ trường" của cuộc chiến tranh đang còn rất mạnh nên mỗi khi cầm bút viết thì cái “từ trường” đó lại hút những trang văn về lại với thời lửa đạn xưa. Mỗi nhà văn đều có một thế mạnh, một vùng đất, một đề tài để sáng tác. Với Khuất Quang Thụy có lẽ đề tài chính của anh vẫn là sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng, người lính thời hậu chiến. Nói chung, những sáng tác thành công nhất của anh từ "Trước ngưỡng cửa bình minh", "Trong cơn gió lốc", "Góc tăm tối cuối cùng", "Không phải trò đùa", "Những bức tường lửa" đến "Đối chiến"… nhân vật trung tâm đều là những người lính chiến.

3. Với nhà văn Khuất Quang Thụy, hình như đường quan lộ không chạy song song cùng con đường sáng tác. Ngày anh nhậm chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mấy nhà văn đàn em mời anh ra quán bún ốc phố Hòe Nhai chúc mừng, anh cười méo mó nói: "Mừng gì, mình như chiếc xe máy hết đát, giờ nắn khung, nắn càng lại dùng tạm ấy mà". Và có lẽ đúng như lời anh nói, mới làm Phó Tổng biên tập chưa được bao lâu thì anh được khuyên nên "né qua một bên" tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ phát triển. Thế là anh rời vị trí lãnh đạo. Và tôi ít thấy ai rời vị trí nhẹ nhàng như anh. Quyết định hôm trước, ngay ngày hôm sau anh đã bàn giao phòng ốc và gọi mấy đứa chúng tôi xuống: "Khiêng cho anh mày cái máy vi tính lên Ban Sáng tác".

Khuất Quang Thụy chuyển sang Ban Sáng tác được 4 năm thì nhận quyết định nghỉ hưu. Năm trước, Đại hội Nhà văn lần thứ VIII đã bầu anh vào Ban Chấp hành, giữ chức Trưởng ban Kiểm tra, Tổng Biên tập website Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế anh có vẻ bận rộn hơn trước. Nhưng tôi biết, niềm đam mê lớn nhất của anh vẫn là việc viết. Đã nhiều lần anh tâm sự với tôi là sẽ viết một cuốn tiểu thuyết "để đời", một cuốn tiểu thuyết "dài hơi" mà nội dung ôm trùm hết chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Anh đã kể cho chúng tôi nghe một vài chương về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hay một vài trường đoạn đối đầu của "những ông tướng Hà Tây" trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nếu anh viết được như những gì anh kể thì chúng ta có quyền hy vọng ở cuốn tiểu thuyết mới này của anh. Nhưng, như anh từng nói: "Bạn đừng tin vào "đề cương" của các nhà văn, trong đó có tôi. Bởi vì từ ý định, từ đề cương đến một cuốn sách là cả một chặng đường rất… rất dài, có khi chẳng bao giờ tới đích. Bạn chỉ cần tin tôi vẫn luôn khát khao sáng tạo, thế là được"

Nguyễn Thế Hùng
.
.